Khi nào đại biểu Quốc hội bị bãi nhiệm?

Nội dung bài viết

Luật sư Nguyễn Thanh Hà - Chủ tịch Công ty Luật TNHH SB Law đã trả lời câu hỏi của độc giả trên báo điện tử An ninh thủ đô liên quan đến vấn đề bãi nhiệm đại biểu Quốc hội. SB Law trân trọng gửi đến độc giả toàn văn câu trả lời như sau:

Bạn đọc hỏi: Đại biểu Quốc hội chuyên trách là đại biểu Quốc hội chỉ làm nhiệm vụ đại biểu của nhân dân và công việc Quốc hội giao. Vậy khi nào đại biểu Quốc hội bị bãi nhiệm, thôi làm đại biểu Quốc hội? Đào Mạnh Quang (Hải Dương)

Luật sư Nguyễn Thanh Hà trả lời:

Đại biểu Quốc hội chuyên trách không giữ bất cứ chức vụ nào trong bộ máy quản lý hành chính Nhà nước, cơ quan xét xử, cơ quan kiểm sát, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội, đơn vị vũ trang nhân dân. Đại biểu Quốc hội chuyên trách được bố trí nơi làm việc và các điều kiện cần thiết khác cho hoạt động đại biểu, được hưởng lương và phụ cấp khác do Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định. Đại biểu Quốc hội chuyên trách phải dành toàn bộ thời gian công tác cho hoạt động của Quốc hội.

Về việc bãi nhiệm, mất quyền đại biểu Quốc hội, việc đại biểu Quốc hội chuyển công tác, xin thôi làm nhiệm vụ đại biểu, đại biểu Quốc hội không còn xứng đáng với sự tín nhiệm của nhân dân thì tùy theo mức độ phạm sai lầm mà bị Quốc hội hoặc cử tri bãi nhiệm.

Trong trường hợp Quốc hội bãi nhiệm đại biểu Quốc hội thì việc bãi nhiệm đó phải được Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình ra kỳ họp để Quốc hội thảo luận và quyết định. Trước khi Quốc hội thảo luận, đại biểu Quốc hội bị đề nghị bãi nhiệm có thể phát biểu ý kiến, sau đó Quốc hội bỏ phiếu bãi nhiệm. Việc bãi nhiệm đại biểu Quốc hội phải được ít nhất là 2/3 tổng số đại biểu Quốc hội tán thành.

Trường hợp cử tri bãi nhiệm đại biểu Quốc hội thì việc bãi nhiệm được tiến hành theo trình tự do Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định. Nếu đại biểu Quốc hội bị khởi tố bị can thì Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định tạm đình chỉ việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của đại biểu Quốc hội đó. Đại biểu Quốc hội bị tòa án kết án thì đương nhiên mất quyền đại biểu Quốc hội kể từ ngày bản án, quyết định của tòa án có hiệu lực pháp luật.

Đại biểu Quốc hội có thể xin thôi làm nhiệm vụ đại biểu vì lý do sức khỏe hoặc vì lý do khác mà không thể đảm đương được nhiệm vụ đại biểu. Việc chấp nhận đại biểu Quốc hội xin thôi làm nhiệm vụ do Quốc hội thảo luận và quyết định tại kỳ họp.

Độc giả có thể xem thêm tại:

https://anninhthudo.vn/khi-nao-dai-bieu-quoc-hoi-bi-bai-nhiem-post463975.antd?fbclid=IwAR16K54DMFyHE9LFH4qwp4PqHKqFqF7tdOQByBIyyNmiDME8WXvQ8BR7QPM

0/5 (0 Reviews)

Tư vấn pháp lý

Liên hệ với chúng tôi để được hỗ trợ tư vấn 24/7

    Bài viết liên quan