Khi nào cần làm thêm phụ lục hợp đồng?

Nội dung bài viết

Câu hỏi: Tôi vừa ký kết một bản hợp đồng thuê nhà với người cho thuê. Tuy nhiên, bản hợp đồng khá dài và nhiều từ ngữ có thể gây hiểu lầm, cần giải thích rõ. Vậy tôi có thể làm thêm phụ lục hợp đồng không?

Luật sư tư vấn:

Công ty Luật TNHH SB LAW cảm ơn bạn đã quan tâm đến dịch vụ tư vấn pháp luật của chúng tôi. Liên quan đến thắc mắc của bạn, chúng tôi xin tư vấn như sau:

Điều 403 Bộ luật dân sự năm 2015 có quy định:

Điều 403. Phụ lục hợp đồng

1. Hợp đồng có thể có phụ lục kèm theo để quy định chi tiết một số điều khoản của hợp đồng. Phụ lục hợp đồng có hiệu lực như hợp đồng. Nội dung của phụ lục hợp đồng không được trái với nội dung của hợp đồng.

2. Trường hợp phụ lục hợp đồng có điều khoản trái với nội dung của điều khoản trong hợp đồng thì điều khoản này không có hiệu lực, trừ trường hợp có thỏa thuận khác. Trường hợp các bên chấp nhận phụ lục hợp đồng có điều khoản trái với điều khoản trong hợp đồng thì coi như điều khoản đó trong hợp đồng đã được sửa đổi.

Bên cạnh những hợp đồng có nội dung rõ ràng, ngắn gọn thì có nhiều hợp đồng có nội dung dài và phức tạp. Trong khi đó, các điều khoản hình thành nên hợp đồng cần gắn gọn, dễ hiểu, chứa đựng thông tin cần thiết để thực hiện hợp đồng đạt hiệu quả cao. Chính vì vậy, khi giao kết hợp đồng, các bên thường thỏa thuận phụ lục kèm theo để giải thích, quy định chi tiết các điều khoản của hợp đồng.

Phụ lục hợp đồng là một phần của hợp đồng nên có hiệu lực như hợp đồng. Nội dung của phụ lục của hợp đồng phù hợp với nội dung của hợp đồng và không được trái với nội dung của hợp đồng, không được tách khỏi hợp đồng chính và có hiệu lực phụ thuộc vào hợp đồng chính. Phụ lục hợp đồng được xây dựng và xác lập kèm theo hợp đồng nên nội dung của phụ lục cũng là nội dung của hợp đồng, bị rằng buộc và được thực hiện như các nội dung khác của hợp đồng không thể tách rời. Tuy nhiên, phụ lục hợp đồng không phải là hợp đồng phụ.

Trường hợp phụ lục hợp đồng có nội dung khác với nội dung của hợp đồng chính và được các bên ký kết sau khi hợp đồng có hiệu lực mà không thỏa thuận rõ đây là nội dung hai bên chấp nhận hoặc là nội dung sửa đổi trong hợp đồng thì đương nhiên coi là trường hợp có thỏa thuận khác và được coi là các bên đã chấp nhận phụ lục hay không.

Như vậy, khi bạn ký kết một bản hợp đồng mà thấy rằng nội dung dài, khó hiểu và gây nhầm lẫn thì nên làm phụ lục hợp đồng nhằm mục đích dễ hiểu, chứa đựng thông tin cần thiết để thực hiện hợp đồng đạt hiệu quả cao.

0/5 (0 Reviews)

Bài viết liên quan