Câu hỏi: Tôi là Hòa, ở Quảng Ninh. Tôi đã làm việc tại công ty TNHH X được 3 năm. Khi tôi vào làm có thỏa thuận đặt cọc tiền. Số tiền ban đầu là 1.000.000 đồng có phiếu thu, số còn lại trừ vào lương hàng tháng. Tổng số tiền đặt cọc là 5.000.000 đồng và thỏa thuận sau 3 năm sẽ được lấy lại. Nhưng nay đã quá 3 năm, vì tôi không làm việc cho công ty nữa và tôi nghỉ việc không đúng quy định bị sa thải, khi tôi đòi lại tiền đặt cọc thì họ không trả. Họ nói là tôi bị sa thải nên không trả tiền vì lý do đó là quy định của công ty. Xin hỏi: Công ty tôi nói vậy là đúng hay sai?
Luật sư tư vấn:
Công ty Luật TNHH SB LAW cảm ơn bạn đã quan tâm đến dịch vụ tư vấn pháp luật của chúng tôi. Liên quan đến thắc mắc của bạn, chúng tôi xin tư vấn như sau:
Bạn có nêu công ty bạn yêu cầu bạn đặt cọc tiền khi vào làm việc. Tổng số tiền đặt cọc là 5.000.000 đồng và thỏa thuận sau 3 năm sẽ được trả lại. Hiện đã qua 3 năm nhưng vì bạn không làm việc tại công ty do bị công ty sa thải. Bạn có yêu cầu công ty trả lại tiền đặt cọc nhưng phía công ty không thanh toán tiền đặt cọc cho bạn. Trong trường hợp này, việc công ty giữ khoản tiền đặt cọc của bạn là vi phạm pháp luật. Vì:
Đặt cọc là một trong những biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự. Điều 328 Bộ luật dân sự 2015 quy định về đặt cọc như sau:
"1. Đặt cọc là việc một bên (sau đây gọi là bên đặt cọc) giao cho bên kia (sau đây gọi là bên nhận đặt cọc) một khoản tiền hoặc kim khí quý, đá quý hoặc vật có giá trị khác (sau đây gọi chung là tài sản đặt cọc) trong một thời hạn để bảo đảm giao kết hoặc thực hiện hợp đồng”.
Như vậy, theo quy định trên để đảm bảo giao kết hoặc thực hiện hợp đồng dân sự, các bên có thể thỏa thuận áp dụng biện pháp đặt cọc.
Tuy nhiên, tại Điều 20 Bộ luật lao động năm 2012 quy định những hành vi người sử dụng lao động không được làm khi giao kết, thực hiện hợp đồng lao động:
- Giữ bản chính giấy tờ tuỳ thân, văn bằng, chứng chỉ của người lao động.
- Yêu cầu người lao động phải thực hiện biện pháp bảo đảm bằng tiền hoặc tài sản khác cho việc thực hiện hợp đồng lao động.
Như vậy, theo quy định trên, khi giao kết, thực hiện hợp đồng nếu người sử dụng lao động giữ bản chính giấy tờ tùy thân, văn bằng, chứng chỉ của người lao động hoặc yêu cầu người lao động phải thực hiện biện pháp bảo đảm bằng tiền hoặc tài sản khác cho việc thực hiện hợp đồng lao động thì hành vi đó là trái pháp luật. Ở đây, việc công ty bạn yêu cầu bạn đặt cọc cũng như không trả lại tiền đặt cọc cho bạn là công ty đã có hành vi phạm pháp luật về lao động, xâm hại đến quyền và lợi ích hợp pháp bạn.
Theo quy định tại Điều 5 Văn bản hợp nhất 4756/VBHN-BLLĐTBXH xử phạt hành chính đối với hành vi buộc người lao động bảo đảm tài sản khi giao kết hợp đồng lao động, cụ thể:
"2. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 25.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi sau đây:
........................................................
b) Buộc người lao động thực hiện biện pháp bảo đảm bằng tiền hoặc tài sản khác cho việc thực hiện hợp đồng lao động;
3. Biện pháp khắc phục hậu quả:
...................................................
b) Buộc trả lại số tiền hoặc tài sản đã giữ của người lao động cộng với khoản tiền lãi của số tiền đã giữ của người lao động tính theo mức lãi suất tiền gửi không kỳ hạn cao nhất của các ngân hàng thương mại nhà nước công bố tại thời điểm xử phạt đối với hành vi vi phạm quy định tại Điểm b Khoản 2 Điều này”.
Như vậy, hành vi buộc người lao động đặt cọc 5 triệu đồng khi tuyển dụng có thể bị xử phạt hành chính, mức phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 25.000.000 đồng và buộc phải trả lại số tiền đã giữ của người lao động cộng với khoản tiền lãi của số tiền đã giữ của người lao động tính theo mức lãi suất tiền gửi không kỳ hạn cao nhất của các ngân hàng thương mại nhà nước công bố tại thời điểm xử phạt đối với hành vi vi phạm nói trên. Trong trường hợp này, để bảo vệ quyền lợi, bạn có thể khiếu nại đến Thanh tra Sở Lao động – Thương binh và Xã hội nơi Công ty có trụ sở hoặc khởi kiện tại Tòa án nhân dân cấp huyện nơi công ty có trụ sở để được xem xét, giải quyết.