Việc cổ phiếu ROS và nhiều cổ phiếu khác bị hủy niêm yết thời gian qua khiến nhà đầu tư thiệt hại nặng nề, ảnh hưởng nghiêm trọng đến niềm tin đối với thị trường chứng khoán. Rõ ràng nhà đầu tư phải chịu trách nhiệm với quyết định mua bán cổ phiếu của mình, nhưng vấn đề đặt ra là, việc để những cổ phiếu “rác” lên sàn, thậm chí lọt danh mục những cổ phiếu lớn thì ai chịu trách nhiệm? Luật sư Nguyễn Thanh Hà - Chủ tịch Công ty Luật SB Law đã đưa ra quan điểm trên trang An ninh thủ đô. Dưới đây là nội dung chi tiết:
Đó là trường hợp cổ phiếu ROS của FLC Faros. Hàng loạt lãnh đạo doanh nghiệp này vừa bị khởi tố vì hành vi thao túng cổ phiếu, trong đó ông Trịnh Văn Quyết (cựu Chủ tịch HĐQT) bị khởi tố thêm tội danh lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Điều tra ban đầu cho thấy, từ năm 2014 đến 2016, ông Trịnh Văn Quyết cùng 2 em gái là Trịnh Thị Minh Huế, Trịnh Thị Thúy Nga và bà Hương Trần Kiều Dung (cựu Phó Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FLC và cựu Chủ tịch HĐQT Công ty Chứng khoán BOS) đã làm thủ tục tăng vốn điều lệ khống cho FLC Faros từ 1,5 tỉ đồng lên 4.300 tỉ đồng, tương ứng với 430 triệu cổ phiếu ROS, sau đó đưa số cổ phiếu này lên niêm yết trên sàn chứng khoán.
Nhiều nhà đầu tư thiệt hại nặng nề khi mua phải những cổ phiếu “rác”
Chỉ một thời gian ngắn, cổ phiếu ROS đã tăng phi mã từ 10.500 đồng/cổ phiếu lên hơn mức đỉnh 214.000 đồng/cổ phiếu vào cuối năm 2017. Có giai đoạn cổ phiếu này tăng kịch trần 30 phiên liên tiếp, trở thành hiện tượng trên sàn chứng khoán Việt Nam, đưa ông Quyết thành người giàu nhất trên thị trường chứng khoán nhưng không được tạp chí Forbes công nhận. Cổ phiếu ROS sau đó còn được xếp vào rổ VN30, nhiều thời điểm còn chi phối cả 2 chỉ số VN-Index và VN30-Index. Đáng nói, sau khi 430 triệu cổ phiếu ROS lên sàn chứng khoán, nhóm Trịnh Văn Quyết đã bán số cổ phiếu mà họ nắm giữ để chiếm đoạt tiền của các nhà đầu tư, thu được tổng cộng hơn 6.400 tỉ đồng.
Hành trình cổ phiếu ROS lên đỉnh cao ly kỳ thế nào thì khi đi xuống còn gây choáng váng hơn nhiều lần. Cổ phiếu này liên tục sụt giảm không phanh và tới đầu năm 2020 thì giao dịch dưới mệnh giá. Và đến tháng 9 vừa qua, sau hàng loạt bê bối bị phanh phui, ROS đã nhận án hủy niêm yếu trên HOSE. Nhà đầu tư nắm giữ cổ phiếu này vẫn nuôi hy vọng cổ phiếu sẽ được niêm yết trở lại trên UPCoM để có thanh khoản, thu hồi một phần vốn, nhưng hy vọng đó là rất mong manh bởi còn phải chờ kết luận của cơ quan điều tra về những vi phạm nâng khống vốn điều lệ của ban lãnh đạo cũ doanh nghiệp này.
Nhà đầu tư bất chấp để chạy theo cổ phiếu nóng thì hậu quả họ đã gánh chịu. Nhưng câu trả lời về trách nhiệm của cơ quan quản lý vẫn còn mơ hồ. Bởi trên thực tế, việc để cổ phiếu ROS “tung hoành” trên sàn chứng khoán, thậm chí trong rổ VN30 bất chấp hàng loạt cảnh báo bất thường trước đó, thì rõ ràng cơ quan quản lý chứng khoán cũng như HOSE đã để “con voi chui lọt lỗ kim”. Ngay trước khi lên sàn, tại báo cáo kiểm toán bán niên năm 2016 của FLC Faros, Công ty TNHH Kiểm toán ASC (ASC) đã chỉ ra đợt tăng vốn điều lệ trong quý I-2016 của doanh nghiệp này. Cụ thể, có 3 cổ đông góp vốn với số tiền 462,5 tỉ đồng, tương ứng với mỗi lệnh chuyển tiền đến có một lệnh chuyển tiền đi liên tục 18 lần, các lệnh chuyển tiền đến và đi cho các bên nhận ủy thác được thực hiện trong cùng ngày 8-1-2016…
Nếu ví sàn chứng khoán Việt Nam như một nơi mua bán, trao đổi hàng hóa, thì có thể hình dung nó giống như một cái chợ dân sinh với đủ loại hàng hóa, từ “hàng công ty” đến hàng gia công, “hàng rởm”. Còn một khi có một sự cố lớn xảy ra vì tiêu thụ phải hàng kém chất lượng (như ROS), thì cái chợ đó sẽ hoảng loạn. Và sự “xì hơi” nhanh chóng của thị trường chứng khoán thời gian vừa qua không thể phủ nhận một phần cũng vì sự mất niềm tin của nhà đầu tư vào thị trường, nơi mà họ thiếu chế tài bảo vệ bằng sự minh bạch, sự giám sát chặt chẽ từ cơ quan quản lý. |
Bất chấp những điểm bất thường được chỉ ra, ROS vẫn vượt qua được nhiều quy định khắt khe để chính thức niêm yết trên sàn HOSE và bắt đầu hành trình tăng giá bất thường. Thậm chí, thời điểm đó, tờ báo tài chính uy tín bậc nhất là The Wall Street Journal cũng đã có bài viết cảnh báo về sự tăng giá bất ngờ của ROS - một công ty ít tên tuổi nhưng bỗng vụt sáng thành ngôi sao lớn trên sàn chứng khoán. Bài viết cho rằng, kết quả kinh doanh của công ty này không tương xứng với mức tăng giá hiện tại của cổ phiếu, khi giá cổ phiếu đang ở mức trên 120 lần so với lợi nhuận kỳ vọng. Không chỉ vậy, nhiều chuyên gia cũng đã lên tiếng cảnh báo dấu hiệu “thổi giá” cổ phiếu này với mục đích đảm bảo các quỹ ETF (quỹ đầu tư vào chỉ số) sẽ tự động mua vào cổ phiếu, qua đó tiếp tục giúp giá cổ phiếu này tăng thêm. Nhưng thời điểm đó, cơ quan quản lý chứng khoán hoàn toàn im lặng.
Nhà đầu tư mất niềm tin
Theo Luật sư Nguyễn Thanh Hà - Chủ tịch HĐQT Công ty Luật SBLAW, trong trường hợp của ROS, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước là đơn vị giám sát tuyến trên dựa trên cơ sở báo cáo giám sát của Sở Giao dịch chứng khoán, sẽ tiến hành kiểm tra làm rõ các dấu hiệu bất thường để xử lý theo quy định. Tuy nhiên, trong vụ việc này, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và các cơ quan liên quan có dấu hiệu buông lỏng trách nhiệm quản lý. Do đó, biện pháp ngăn chặn những trường hợp này là cần có cơ chế đảm bảo tính minh bạch, trong đó đơn vị mời công ty kiểm toán không phải là cổ đông lớn của doanh nghiệp. Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Bộ Tài chính và Chính phủ cũng phải có những chế tài nghiêm khắc để các công ty kiểm toán độc lập làm việc có trách nhiệm, kiểm soát chặt chẽ mọi hoạt động của doanh nghiệp.
Còn ông Nguyễn Hoàng Hải - Tổng Thư ký Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI) bức xúc cho biết, hiệp hội này suốt một thời gian dài đã gửi hàng loạt kiến nghị đến các cơ quan quản lý liên quan để kiểm tra, kiểm soát những cổ phiếu “rác” trên sàn chứng khoán nhưng không được để ý. Ông cho rằng chính khâu quản lý, giám sát trên các sàn giao dịch chứng khoán còn lỏng lẻo đã để xảy ra tình trạng “hàng rởm”, “hàng kém chất lượng” tràn lan. Thời điểm đó, trả lời phóng viên về “hiện tượng ROS”, ông Hải đã cho rằng, việc các cơ quan quản lý thị trường chứng khoán im lặng trong thời gian dài như vậy là “không làm tròn trách nhiệm”.
Nhưng ROS chỉ là một trong những hiện tượng tiêu biểu cho thấy sự buông lỏng của cơ quan quản lý cũng như các Sở Giao dịch trên sàn chứng khoán. Những ngày gần đây, rất nhiều nhà đầu tư “đứng ngồi không yên” vì hàng loạt cổ phiếu bị đưa vào diện đình chỉ giao dịch, thậm chí hủy niêm yết. Ngoài nguyên nhân khách quan do dịch bệnh dẫn đến kết quả sản xuất kinh doanh sa sút, thì chủ yếu đến từ yếu tố nội tại của doanh nghiệp. Đây là những doanh nghiệp được ví như “xác sống” trên sàn chứng khoán, nhưng vẫn được các “đội lái” mặc sức “thổi giá”, còn nhà đầu tư thì thiếu kiến thức, thiếu sự cảnh báo kịp thời và cần thiết.
Nếu ví sàn chứng khoán Việt Nam như một nơi mua bán, trao đổi hàng hóa, thì có thể hình dung nó giống như một cái chợ dân sinh với đủ loại hàng hóa, từ “hàng công ty” đến hàng gia công, “hàng rởm”. Một khi người tiêu dùng lạc vào đây mà không tìm hiểu kỹ thì rất dễ mua phải hàng kém chất lượng. Và có một thực tế là khi tất cả cùng “nhắm mắt làm ngơ”, người bán hàng kém chất lượng thu được tiền, người mua hàng về vẫn bán được giá cao, ban quản lý chợ vẫn thu được phí… thì cái chợ đó có vẻ vẫn vận hành trơn tru. Còn một khi có một sự cố lớn xảy ra vì tiêu thụ phải hàng kém chất lượng (như ROS), thì cái chợ đó sẽ hoảng loạn. Và sự “xì hơi” nhanh chóng của thị trường chứng khoán thời gian vừa qua không thể phủ nhận một phần cũng vì sự mất niềm tin của nhà đầu tư vào thị trường, nơi mà họ thiếu chế tài bảo vệ bằng sự minh bạch, sự giám sát chặt chẽ từ cơ quan quản lý.
Thời gian gần đây, cơ quan quản lý thị trường chứng khoán không ngừng khuyến cáo nhà đầu tư phải tìm hiểu kỹ về doanh nghiệp trước khi mua cổ phiếu để hạn chế rủi ro. Nhưng ngược lại, nhà đầu tư cũng tha thiết mong cơ quan quản lý hãy nâng tầm thị trường, từ “chợ dân sinh” lên thành “siêu thị” mà ở đó hàng hóa được kiểm soát chặt chẽ hơn về nguồn gốc, chất lượng. Có thể sắp tới, thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ có một cuộc cải tổ lớn, nhưng với những gì đã xảy ra, sẽ mất rất nhiều thời gian để nhà đầu tư có thể lấy lại được niềm tin vào thị trường và cơ quan quản lý.
Nguồn:https://www.anninhthudo.vn/khi-co-phieu-rac-lam-mat-niem-tin-nha-dau-tu-post517221.antd