Hàng giả hiện nay là một trong những vấn đề nhức nhối mà các doanh nghiệp đang phải đối mặt. Để độc giả có thêm thông tin, kiến thức và hiểu thêm về bản chất của hàng giả cũng như sơ lược các biện pháp để chống lại hành vi này, S&B Law lược dịch bài viết của Hiệp hội nhãn hiệu thế giới (International Trademark Association-INTA) về vấn đề này.
Hàng giả là hàng hóa thường là giả chất lượng bên trong, và chúng được bán trên thị trường dưới tên một thương hiệu (thường là thương hiệu nổi tiếng) mà không có sự cho phép của chủ sở hữu thương hiệu đó. Nhìn chung, hàng hóa giả mạo được bán dưới tên một thương hiệu trùng hoặc tương tự đến mức không thể phân biệt được với nhãn hiệu của chủ sở hữu thương hiệu cho các sản phẩm hàng hóa giống nhau, mà không được sự cho phép, đồng ý của chủ sở hữu nhãn hiệu hợp pháp đó. Rất nhiều nhãn hiệu nổi tiếng, trong các ngành công nghiệp khác nhau là đối tượng của việc sản xuất hàng giả.
Hàng giả có thể được phân biệt với hành vi xâm phạm nhãn hiệu truyền thống. Đó là những hành vi liên quan đến việc sử dụng các nhãn hiệu hàng hóa hoặc nhãn hiệu dịch vụ tương tự gây nhầm lẫn cho các sản phẩm/ dịch vụ được coi là giả mạo. Việc sản xuất hàng giả phổ biến nhất tại các nước đang phát triển do ở những nước này có khả năng sản xuất mạnh và giá rẻ, bao gồm nhiều quốc gia tại Châu Á (như Trung Quốc, và Đài Loan), nhưng lại được bán trên toàn cầu. Hàng hóa giả được sản xuất ít hơn tại các nước phát triển.
Hàng giả là một hoạt động phi pháp. Tại hầu hết các quốc gia, sản xuất hàng giả có thể bị trừng phạt bởi Luật Hình sự cũng như Luật Dân sự, với các hình phạt từ bồi thường thiệt hại đến hình phạt tù. Nói một cách đơn giản, hàng giả là tội trộm cắp.
Hàng giả có thể được tìm thấy trên quầy bán hàng của người bán dạo trên đường phố cũng như tại các cửa hàng trông có vẻ hợp pháp, chính thống. Trong những năm gần đây, rất nhiều các cửa hàng bán hàng giả ngày càng trở nên có tổ chức hơn và được thiết lập tốt hơn để giống một cửa hàng bán các sản phẩm hợp pháp. Ngoài ra, hàng giả hiện nay được bán trực tuyến ngày càng gia tăng, tạo ra nhiều cơ hội hơn cho việc lừa dối người tiêu dùng nghĩ rằng họ đang mua những sản phẩm thật được giảm giá. Trong khi một vài trang web tiếp thị công khai cho các sản phẩm hàng giả, những trang web khác tiếp thị hàng hóa của họ như hàng thật bằng cách trưng bày những bức ảnh của hàng thật. Chỉ sau khi người tiêu dùng nhận hàng hóa mua bán thì họ mới nhận ra rằng họ bị lừa mua hàng giả.
Bất cứ thứ gì được tạo ra cũng có thể bị làm giả. Hàng hóa giả mạo không chỉ bao gồm quần áo, trang sức, túi xách, đĩa CD hoặc DVD, mà còn bao gồm sữa trẻ em, thuốc chữa bệnh, thuốc lá, thiết bị và các bộ phận điện tử, các bộ phận máy bay và ô tô, và đồ chơi.
Mặc dù một vài người cho rằng việc làm giả hàng hóa là một tội phạm không có nạn nhân, nhưng nó gây ra nhiều hậu quả có ảnh hưởng sâu rộng. Phụ thuộc vào tính chất của sản phẩm bị làm giả, nó có thể liên quan đến sự an toàn và sức khỏe cho người tiêu dùng, ví dụ về làm giả sữa trẻ em, đồ chơi cho trẻ em, thuốc chữa bệnh, các bộ phận ô tô hoặc hàng hóa điện tử. Trong từng ví dụ, các hàng hóa bị làm giả không được làm với các nguyên liệu có cùng chất lượng hoặc với tiêu chuẩn cao như hàng hóa thật.
Ngoài ra, việc làm hàng giả gây thiệt hại cho danh tiếng của chủ sở hữu thương hiệu và làm giảm niềm tin của người tiêu dùng vào những thương hiệu bị ảnh hưởng. Việc làm hàng giả cũng gây thiệt hại cho các chủ sở hữu thương hiệu và các nhà bán lẻ những hàng hóa hợp pháp bằng cách làm cho những cơ hội bán hàng bị bỏ qua và những mất mát thực tế bởi các nhà sản xuất và nhà bán lẻ. Niềm tin của người tiêu dùng và giá trị của thương hiệu có thể bị tác động khi những người mua phát hiện ra sản phẩm họ mua, tin rằng nó được bán dưới tên một thương hiệu được công nhận, thì trong thực tế lại không đáng tin cậy và xác thực. Những thiệt hại không dừng lại với các chủ sở hữu thương hiệu và người tiêu dùng, việc làm hàng giả cũng lấy đi của nền kinh tế quốc gia các khoàn thu từ thuế và thuế hải quan.
Việc làm hàng giả cũng có thể là những tội phạm có liên kết hoặc có tổ chức hoặc hành vi phạm tội, mà những hành vi này có thể taọ ra những đe dọa nghiêm trọng tới sức khỏe và sự an toàn của người tiêu dùng, nền kinh tế và an ninh quốc gia.
Các chủ sở hữu thương hiệu có thể thực hiện các biện pháp kinh doanh, công nghệ và pháp lý khác nhau để ngăn chặn hoặc ít nhất giảm thiểu tối đa việc làm hàng giả. Điều này không chỉ bao gồm việc đăng ký các nhãn hiệu tại các quốc gia/ vùng lãnh thổ nơi mà bạn bán các sản phẩm hàng hóa của mình, mà còn tại nơi sản xuất hàng hóa; ghi nhận các nhãn hiệu của bạn với cơ quan hải quan; duy trì dịch vụ theo dõi; thành lập bộ phận chống hàng giả trong công ty của bạn; và giám sát chặt chẽ các trang web trực tuyến trong bối cảnh số lượng các trang web liên quan đến kinh doanh hàng giả đang tăng nhanh. Chủ sở hữu các thương hiệu cũng nên phối hợp chặt chẽ với các nhà bán lẻ có cửa hàng hoặc nhà bán lẻ online hợp pháp để ngăn chặn bán các sản phẩm hàng giả một cách vô ý. Khi hàng giả trở thành vấn đề cho công ty của bạn, hãy tham khảo ý kiến tư vấn của các nhà tư vấn liên quan đến các chiến lược để giải quyết vấn đề đó. Tùy thuộc vào vùng lãnh thổ có liên quan, bạn có thể kết hợp với chính quyền địa phương để thực hiện những cuộc khám xét bất ngờ, bắt giữ và tịch thu các sản phẩm hàng giả hoặc các tên miền dẫn khách hàng trực tiếp đến các trang web hàng giả), làm việc với cơ quan hải quan để ngăn chặn nhập khẩu hoặc xuất khẩu hàng hóa giả mạo, hoặc nộp đơn kiện hình sự hoặc dân sự chống lại thủ phạm.
Minh Phương - Lược dịch từ: http://www.inta.org/TrademarkBasics/FactSheets/Pages/Counterfeiting.aspx