Khách bị tài xế cướp, Uber vô trách nhiệm

Nội dung bài viết

Một thai phụ bị tài xế Uber cướp tài sản ngay giữa trung tâm TP.HCM, Uber vô trách nhiệm?

Trần Đức Trọng, tài xế Uber táo tợn cướp tài sản hành khách ngay trung tâm quận 1, TP.HCM
Trần Đức Trọng, tài xế Uber táo tợn cướp tài sản hành khách ngay trung tâm quận 1, TP.HCM

Một thai phụ bị tài xế Uber cướp tài sản ngay giữa trung tâm TP.HCM cho biết, hơn 10 ngày sau khi xảy ra sự việc, phía Uber mới cử một nhân viên hẹn gặp ở quán cà phê để “chia sẻ” nhưng vẫn ngó lơ trách nhiệm bồi thường.

Khách bị cướp, Uber có vô can?

Khoảng 18h30 tối 25/8, chị Tr. (24 tuổi) đặt taxi Uber qua hệ thống từ đường Đinh Tiên Hoàng về đường Thi Sách (Q 1, TP.HCM). Sau đó, tài xế Trần Đức Trọng (31 tuổi, quê Long An) tới đón. Tài xế Trọng cố tình đi sai đường, rồi lao xe vào một con hẻm ít người qua lại ở đường Lê Duẩn. Tại đây, Trọng dùng hung khí kề vào cổ, cướp của chị Tr. 3 triệu đồng và một điện thoại di động.

Trước hành vi quá táo tợn của tài xế Uber, chị Tr. được bạn dẫn đến Công an phường Bến Nghé trình báo. Ngày 29/8, Công an phường Bến Nghé (quận 1, TP.HCM) cho biết sau khi tạm giữ hình sự, công an phường đã chuyển đối tượng Trần Đức Trọng (35 tuổi, ngụ quận 1, TP.HCM) lên Công an quận 1 để điều tra về hành vi Cướp tài sản.

Sau vụ việc trên , chị Tr. đã liên hệ qua tổng đài của Uber để nhờ hỗ trợ nhưng không ai nghe máy. Sau đó, chị Tr. có liên lạc được với một thành viên của Uber trên hệ thống, người này hứa hẹn sẽ đến gặp. Tuy nhiên, chị Tr. chờ ở công an phường đến tối vẫn không thấy ai từ phía Uber tới.

Về phía Uber, sau khi nhận được phản ánh của chị Tr. qua hệ thống trên mạng, ngày 26/8 Uber thông báo đã tạm ngừng hợp tác với tài xế Trọng, đồng thời tặng cho chị Tr. 8 chuyến đi trị giá 100 nghìn/chuyến.

Hàng ngày có lượng lớn người dân đến trụ sở Uber TP HCM đăng ký hợp tác chạy taxi cho dịch vụ này - Ảnh: Sao Mai
Hàng ngày có lượng lớn người dân đến trụ sở Uber TP HCM đăng ký hợp tác chạy taxi cho dịch vụ này - Ảnh: Sao Mai

Chị Tr. cho biết, khoảng 10 ngày sau, có một nhân viên của Uber tên Lê Hoàng Anh hẹn gặp chị ở quán cà phê. Người này đến để “chia sẻ” về sự cố mà chị Tr. gặp phải, đồng thời cho biết Uber chỉ là dịch vụ phần mềm kết nối giữa tài xế và khách hàng nên không có trách nhiệm bồi thường. Người này còn hỏi thẳng chị Tr. muốn gì. Chị Tr. khẳng định, không đòi hỏi Uber phải bồi thường nhưng mong muốn công ty này có phương án chăm sóc khách hàng một cách chính thức để chị và những người khác yên tâm tiếp tục sử dụng dịch vụ chứ không phải gặp ở quán cà phê nói vài câu an ủi. Sau đó, phía Uber tiếp tục im lặng cho đến nay.

Mặc dù vậy, bà Diệp Quế Anh, phụ trách truyền thông Uber khẳng định, Uber không phủi trách nhiệm với khách hàng. Về việc nhân viên gặp khách hàng nói sai chính sách của công ty, Uber sẽ xác minh lại và xử lý cá nhân đó.

Theo luật sư Nguyễn Thanh Hà, Đoàn Luật sư TP Hà Nội, khi khách hàng sử dụng dịch vụ của Uber gặp sự cố như bị tai nạn, bị tài xế cướp hoặc khống chế như trường hợp của chị Tr., tài xế phải chịu trách nhiệm. Trong trường hợp này, tài xế là người trực tiếp cung cấp dịch vụ. Công ty Uber cũng phải liên đới chịu trách nhiệm nếu người bị thiệt hại chứng minh được lỗi của công ty khi tuyển dụng, ký hợp đồng với những lái xe không đủ điều kiện lưu thông theo pháp luật Việt Nam.

Những ngày qua, PV Báo Giao thông nhiều lần liên hệ với Uber để làm rõ trách nhiệm của Uber trong việc quản lý tài xế của mình khi hoạt động trên đường. Tuy nhiên, phía Uber vẫn từ chối trả lời. Qua thông tin tìm hiểu, PV được biết, một xe có thể đăng ký nhiều tài xế. Để trở thành tài xế Uber, chỉ cần xác định xe có đủ điều kiện theo tiêu chuẩn Uber đưa ra hay không. Sau đó, tài xế dùng số điện thoại đăng ký tạo tài khoản với Uber. Nhân viên tổng đài Uber cho biết, khi tài xế đăng ký tạo tài khoản, đó là hợp đồng điện tử. Sau khi có tài khoản, tài xế đi học một khóa đào tạo là xong.

Cũng theo tìm hiểu của PV, Uber quản lý tài xế thông qua hồ sơ gồm: GPLX, đăng ký xe, giấy đăng kiểm và số điện thoại dùng để kích hoạt tài khoản chứ không phải ký bất cứ hợp đồng gì.

Nghi can Trần Đức Trọng, tài xế Uber táo tợn cướp tài sản hành khách ngay trung tâm quận 1
Nghi can Trần Đức Trọng, tài xế Uber táo tợn cướp tài sản hành khách ngay trung tâm quận 1

Sẽ thu thuế Uber từ khi bắt đầu hoạt động

Ngày 14/9, trao đổi với PV Báo Giao thông, bà Trần Thị Lệ Nga, Cục phó Cục Thuế TP.HCM cho biết: “Thực hiện chỉ đạo của Bộ Tài chính, Cục Thuế TP.HCM yêu cầu Uber thực hiện ngay việc kê khai và nộp thuế vào ngân sách Nhà nước kể từ khi Uber bắt đầu hoạt động tại Việt Nam. Đến nay, Uber đã đăng ký thuế và cơ quan thuế đã cấp mã số thuế cho Uber”.

Đầu tháng 9/2016, Bộ Tài chính đã ra văn bản xác định nghĩa vụ thuế với Công ty TNHH Uber B.V Hà Lan, sau hai năm dịch vụ này hoạt động ở Việt Nam. Nghĩa vụ thuế sẽ được thực hiện theo đúng quy định áp dụng với tổ chức, cá nhân nước ngoài kinh doanh tại Việt Nam hoặc có thu nhập tại Việt Nam.

Công ty Uber B.V Hà Lan ủy quyền cho Công ty TNHH Uber Việt Nam hoặc một tổ chức khác kê khai, nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp. Theo hướng dẫn của Bộ Tài chính, tổ chức kinh doanh vận tải, cá nhân ký hợp đồng với Uber B.V Hà Lan có nghĩa vụ kê khai, nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp với phần doanh thu được hưởng theo hợp đồng. Khoản doanh thu này không bao gồm phần doanh thu của phía Uber B.V Hà Lan.

Riêng với cá nhân, Công ty Uber Việt Nam hoặc một tổ chức được phía Uber B.V Hà Lan ủy quyền có trách nhiệm kê khai, nộp thuế thay cho cá nhân và cung cấp thông tin cho cơ quan thuế theo quy định của pháp luật về quản lý thuế. Về vấn đề này, Công ty Uber đã có phản hồi và cam kết tuân thủ theo đúng quy định minh bạch hóa chính sách thuế ở Việt Nam. Khi vấn đề về thuế đã được giải quyết, Uber cho hay chỉ còn mong đợi sự công nhận chính thức từ Bộ GTVT về dịch vụ chia sẻ phương tiện.

Theo baogiaothong.vn

0/5 (0 Reviews)

Tư vấn pháp lý

Liên hệ với chúng tôi để được hỗ trợ tư vấn 24/7

    Bài viết liên quan