Kẽ hở pháp lý từ vụ việc tại FLC Faros

Nội dung bài viết

Luật sư Nguyễn Thanh Hà - Chủ tịch Công ty Luật TNHH SB Law đã có quan điểm về "Kẽ hở pháp lý từ vụ việc tại FLC Faros" trên Bnews - Trang Thông tin kinh tế của TTXVN. Dưới đây là nội dung chi tiết:

Luật sư Nguyễn Thanh Hà - Chủ tịch Công ty Luật TNHH SB Law

Việc cổ phiếu bị hủy niêm yết trên sàn không có nghĩa nhà đầu tư mất luôn số tiền đã đầu tư mà quyền nắm giữ cổ phần của họ không bị thay đổi.

Những ngày qua, vụ việc tại Công ty cổ phần Xây dựng FLC Faros – FLC Faros (mã chứng khoán: ROS) nâng khống vốn điều lệ từ 1,5 tỷ đồng lên 4.300 tỷ đồng đã thu hút sư quan tâm của dư luận, nhất là các nhà đầu tư. Trả lời phỏng vấn phóng viên BNEWS/TTXVN, Luật sư Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch HĐQT Công ty Luật SBLAW cho biết, việc cổ phiếu bị hủy niêm yết trên sàn không có nghĩa nhà đầu tư mất luôn số tiền đã đầu tư mà quyền nắm giữ cổ phần của họ không bị thay đổi. Đặc biệt, nhà đầu tư nên tìm hiểu hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp xem có khả năng phục hồi hay không.

FLC Faros nâng khống vốn điều lệ từ 1.5 tỷ đồng lên 4.300 tỷ đồng

Phóng viên: Giới đầu tư tài chính cảm thấy bất ngờ khi một doanh nghiệp nâng khống vốn điều lệ từ 1,5 tỷ đồng lên 4.300 tỷ đồng để thực hiện niêm yết cổ phiếu trên sàn chứng khoán. Về góc độ pháp lý, theo ông còn kẽ hở nào để doanh nghiệp thực hiện việc này và cần có biện pháp gì để ngăn chặn?

Luật sư Nguyễn Thanh Hà: Việc nâng khống vốn điều lệ từ 1,5 tỷ đồng lên 4.300 tỷ đồng xảy ra tại FLC Faros trước khi niêm yết trên thị trường chứng khoán vừa được Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an ra quyết định khởi tố là hành vi bị cấm được quy định tại khoản 5 điều 16 Luật Doanh nghiệp 2020: “Kê khai khống vốn điều lệ, không góp đủ số vốn điều lệ như đã đăng ký; cố ý định giá tài sản góp vốn không đúng giá trị”.

Thực tế cho thấy, doanh nghiệp chưa niêm yết rất dễ dàng tăng vốn. Đây là kẽ hở lớn giúp doanh nghiệp nâng khống vốn điều lệ. FLC Faros là một trường hợp như vậy, tăng vốn “thần tốc” trước niêm yết. Chọn cách này, doanh nghiệp không phải nộp tiền vào tài khoản phong tỏa như doanh nghiệp đã lên sàn.

Toàn bộ quá trình tăng vốn này được thực hiện khi doanh nghiệp chưa phải công ty đại chúng và hành trình “thổi” vốn nghìn tỷ đồng của FLC Faros từng được kiểm toán lưu ý về sự bất thường.

Trong đợt tăng vốn điều lệ trong quý I/2016 với số tiền 462,5 tỷ đồng, tương ứng với mỗi lệnh chuyển tiền đến có một lệnh chuyển tiền đi liên tục 18 lần, các lệnh chuyển tiền đến và đi cho các bên nhận ủy thác được thực hiện trong cùng ngày 8/1/2016.

Ủy ban Chứng khoán Nhà nước là đơn vị giám sát tuyến trên dựa trên cơ sở báo cáo giám sát của Sở giao dịch chứng khoán sẽ tiến hành kiểm tra làm rõ các dấu hiệu bất thường để xử lý theo quy định. Tuy nhiên, trong vụ việc này, Ủy ban Chứng khoán nhà nước và các cơ quan liên quan có dấu hiệu buông lỏng trách nhiệm quản lý.

Biện pháp ngăn chặn là cần có cơ chế đảm bảo tính minh bạch; trong đó, đơn vị mời công ty kiểm toán không phải là cổ đông lớn của doanh nghiệp. Ủy ban Chứng khoán nhà nước, Bộ Tài chính và Chính phủ cũng phải có những chế tài nghiêm khắc để các công ty kiểm toán độc lập làm việc có trách nhiệm, kiểm soát chặt chẽ mọi hoạt động của doanh nghiệp.

Phóng viên: Trong vụ việc này, nhà đầu tư có thể mất trắng tiền không thưa ông và phải làm gì để bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình?

Luật sư Nguyễn Thanh Hà: Theo quy định hiện hành, cổ phiếu bị hủy niêm yết, nhưng vẫn đáp ứng điều kiện là công ty đại chúng phải đăng ký giao dịch trên hệ thống UPCOM. Doanh nghiệp có cổ phiếu bị hủy niêm yết bắt buộc chỉ được đăng ký niêm yết trở lại sau khi giao dịch tối thiểu hai năm trên UPCOM. Vì vậy cổ phiếu FLC Faros có thể được niêm yết lại tại sàn UPCOM nếu thực hiện đầy đủ nghĩa vụ của tổ chức niêm yết và cần tối thiểu 2 năm để trở lại sàn HOSE.

Sau khi cổ phiếu bị hủy niêm yết, có hai trường hợp xảy ra. Với cổ phiếu hủy niêm yết chuyển sàn, nếu chuyển sang sàn lớn hơn (từ sàn UPCOM sang sàn HNX, HSX), số cổ phiếu nhà đầu tư nắm giữ sẽ được chuyển đổi sang sàn mới và giao dịch bình thường.

Còn nếu hủy niêm yết ở Sở giao dịch lớn chuyển xuống sàn UPCOM thì các cổ phiếu này vẫn được đăng ký giao dịch để duy trì thanh khoản. Tuy nhiên,  nếu doanh nghiệp kinh doanh sa sút, có nguy cơ phá sản thì kết quả là thanh khoản sẽ suy giảm trầm trọng.

Còn với cổ phiếu hủy niêm yết không chuyển sàn, nhà đầu tư rất khó để chuyển nhượng. Khi đó, có 2 hình thức để bảo vệ quyền lợi nhà đầu tư. Đó là công ty phát hành cổ phiếu phải bỏ tiền mua lại số cổ phiếu này hoặc Ủy ban Chứng khoán Nhà nước sẽ yêu cầu chuyển cổ phiếu đó lên sàn giao dịch không chính thức hoặc thứ cấp để nhà đầu tư có thể tiếp tục bán cổ phiếu.

Tuy vậy, FLC Faros hiện tại chưa có đại diện pháp luật và chưa có đơn vị kiểm toán chấp thuận, chưa tổ chức Đại hội cổ đông và chưa công bố báo cáo tài chính. Khi chiếu theo quy chế giao dịch của sàn UPCOM, FLC Faros vẫn thuộc dạng đình chỉ giao dịch nên 2 phương án trên đều khó khả thi. Trong khi đó, các cổ đông hầu như không có một biện pháp nào khác để bảo vệ tài sản của mình.

Khi cổ phiếu đang nắm giữ có quyết định bị hủy niêm yết, nhà đầu tư có thể bán cổ phiếu ngay khi chuyển sàn UPCOM để thu hồi vốn vì độ rủi ro của cổ phiếu ở giai đoạn này rất cao. Với cổ phiếu có khả năng phục hồi, thanh khoản của những cổ phiếu này có giảm nhưng vẫn có thể bán.

Còn với cổ phiếu hủy niêm yết và không chuyển sàn, nhà đầu tư nên liên hệ với doanh nghiệp này và đề nghị cấp sổ cổ đông. Việc cổ phiếu bị hủy niêm yết trên sàn không có nghĩa nhà đầu tư mất luôn số tiền đã đầu tư mà quyền nắm giữ cổ phần của họ không bị thay đổi. Cổ phiếu bị hủy niêm yết không đồng nghĩa với việc không còn giá trị. Nhà đầu tư cũng nên tìm hiểu hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp xem có khả năng phục hồi hay không.

Việc hủy niêm yết chứng khoán là điều mà nhà đầu tư không mong muốn. Điều này nhằm tạo môi trường đầu tư minh bạch, thanh lọc, loại bỏ những cổ phiếu kém chất lượng, gây lũng đoạn thị trường. Bên cạnh đó, củng cố niềm tin với các nhà đầu tư đối với thị trường chứng khoán, nâng cao hơn hiệu quả đầu tư cho các nhà đầu tư, giúp doanh nghiệp hoạt động minh bạch, có trách nhiệm hơn.

Nếu cổ phiếu hủy niêm yết và không chuyển sàn, nhà đầu tư nên liên hệ với doanh nghiệp và đề nghị cấp sổ cổ đông

Phóng viên: Ủy ban Chứng khoán Nhà nước vừa ra thông cáo báo chí cho rằng, việc các doanh nghiệp thuộc FLC thực hiện tăng vốn theo quy định của Luật Doanh nghiệp và đăng ký thay đổi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp với cơ quan đăng ký kinh doanh thuộc Sở Kế hoạch và Đầu tư; đồng thời, không thuộc sự điều chỉnh của Luật Chứng khoán và không chịu quản lý, giám sát của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Bộ Tài chính. Ông đánh giá như thế nào về vấn đề này?

Luật sư Nguyễn Thanh Hà: Nhìn lại lịch sử tăng vốn điều lệ của một số công ty thuộc “nhóm FLC”; trong đó có FLC Faros, Ủy ban Chứng khoán cho biết các công ty này đều thực hiện tăng vốn trước khi lên sàn chứng khoán. Thông tin về việc tăng khống vốn điều lệ từ 1,5 tỷ đồng lên 4.300 tỷ đồng (gấp khoảng 2.867 lần) xảy ra tại Công ty cổ phần Xây dựng FLC Faros - FLC Faros (mã chứng khoán: ROS) và khẳng định, đây là hành vi bị cấm theo quy định của Luật Doanh nghiệp.

Theo quy định pháp luật thì hoạt động phát hành cổ phiếu tăng vốn điều lệ của doanh nghiệp không phải là công ty đại chúng trước khi niêm yết cổ phiếu trên sàn chứng khoán được thực hiện theo quy định của Luật Doanh nghiệp; trong đó, doanh nghiệp thực hiện đăng ký thay đổi vốn điều lệ với cơ quan đăng ký kinh doanh.

Tuy các doanh nghiệp thuộc FLC thực hiện tăng vốn theo quy định của Luật Doanh nghiệp và đăng ký thay đổi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp với cơ quan đăng ký kinh doanh thuộc Sở Kế hoạch và Đầu tư, nhưng các cơ quan thuộc Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cần xem xét vai trò quản lý của mình. Là đơn vị chủ quản, nhưng Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chậm trễ tham mưu, không báo cáo cấp trên trước những hiện tượng bất cập có thể xảy ra.

Căn cứ Điều 9 Luật Chứng khoán 2019, Ủy ban chứng khoán Nhà nước có vai trò “trực tiếp quản lý, giám sát hoạt động về chứng khoán và thị trường chứng khoán” nên cơ quan này phải có trách nhiệm liên quan.
Đối với thị trường chứng khoán, cơ quan chức năng xác định, Ủy ban Chứng khoán, HOSE thiếu kiểm tra, giám sát thành viên giao dịch, chậm phát hiện, ngăn chặn và xử lý các tổ chức vi phạm, không ngăn chặn, hủy bỏ các giao dịch bất hợp pháp; đồng thời, để nhiều trường hợp vi phạm diễn ra có tổ chức, hệ thống, lặp lại nhiều lần, tại nhiều thời điểm khác nhau nhằm thao túng thị trường. Nhiều vi phạm xảy ra sau thời gian dài mới được phát hiện.

Đơn cử như vụ việc “bán chui” 57 triệu cổ phiếu năm 2017 và 74,8 triệu cổ phiếu vào tháng 1/2022 của ông Trịnh Văn Quyết, cựu Chủ tịch Tập đoàn FLC. Do đó, vụ việc trên không thể không xem xét trách nhiệm của các cơ quan thuộc Ủy ban Chứng khoán Nhà nước./.

Nguồn: https://bnews.vn/ke-ho-phap-ly-tu-vu-viec-tai-flc-faros/256584.html

0/5 (0 Reviews)

Tư vấn pháp lý

Liên hệ với chúng tôi để được hỗ trợ tư vấn 24/7

    Bài viết liên quan