IPO hoặc niêm yết tại thị trường nước ngoài không chỉ thể hiện được vị thế của những doanh nghiệp lớn, vươn ra nước ngoài để thi đấu, cạnh tranh, thu hút dòng tiền đầu tư của quốc tế.
Câu chuyện một số doanh nghiệp Việt Nam có nhu cầu bán cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) hoặc niêm yết trên thị trường chứng khoán Mỹ đang nhận được sự quan tâm của dư luận.
Giới chuyên gia cho rằng, việc có nhiều doanh nghiệp Việt IPO, niêm yết tại thị trường nước ngoài sẽ tạo được uy tín cho quốc gia, thu hút dòng vốn ngoại và nâng tầm vị thế doanh nghiệp Việt trên thị trường quốc tế.
*Nâng cao vị thế
Theo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, doanh nghiệp IPO tại nước ngoài thành công sẽ bổ sung nguồn vốn cho doanh nghiệp phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh, giúp doanh nghiệp thu hút thêm các nhà đầu tư nước ngoài là các tổ chức tài chính lớn, các tổ chức kinh doanh trong lĩnh vực hoạt động của doanh nghiệp.
Các nhà đầu tư này có thể đóng góp cho doanh nghiệp nâng cao chất lượng quản trị công ty, cải thiện khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp. Việc IPO tại nước ngoài còn giúp quảng bá hình ảnh của doanh nghiệp tại thị trường quốc tế.
Theo luật sư Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch Công ty Luật SBLAW, khi IPO ở thị trường chứng khoán nước ngoài, ngoài vấn đề thu hút được nguồn tiền đầu tư mạnh mẽ, IPO thành công sẽ thúc đẩy cho việc xây dựng niềm tin từ nhà đầu tư nước ngoài, giúp nâng cao được vị thế, hình ảnh doanh nghiệp cũng như mở rộng được thị trường.
Việc một số doanh nghiệp hàng đầu của Việt Nam dự kiến IPO tại thị trường nước ngoài là quy luật song song với sự phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế trong thời gian qua. Khi mục tiêu kinh doanh và phát triển của doanh nghiệp có tham vọng lớn thì lượng vốn cần hấp thụ cũng tăng theo.
Ông Hà cho rằng, có thể mức vốn hóa tại thị trường chứng khoán Việt Nam còn chưa đủ mạnh hoặc đã bão hòa, dẫn tới các doanh nghiệp hàng đầu phải tìm kiếm nguồn lực mới ở thị trường nước ngoài với mục tiêu quốc tế hóa thương hiệu, mở rộng phạm vi hoạt động ra nước ngoài và tìm kênh huy động vốn lớn.
Việc mong muốn IPO ở nước ngoài còn thể hiện năng lực pháp lý của các doanh nghiệp Việt Nam ngày càng được nâng cao, đã và đang đáp ứng được đầy đủ giấy phép, điều kiện, hồ sơ và thủ tục… của các sàn chứng khoán và hệ thống pháp luật nước ngoài.
Đồng quan điểm, ông Lê Đức Khánh, Giám đốc Phát triển năng lực đầu tư Công ty cổ phần Chứng khoán VPS cho rằng, doanh nghiệp Việt Nam IPO hoặc niêm yết tại thị trường nước ngoài không chỉ thể hiện được vị thế của những doanh nghiệp lớn, vươn ra nước ngoài để thi đấu, cạnh tranh, thu hút dòng tiền đầu tư của quốc tế.
Tất nhiên, IPO tại thị trường nước ngoài còn tùy thuộc vào những mảng ngành nghề và tham vọng của doanh nghiệp và quy mô huy động vốn của doanh nghiệp cũng phải thực sự lớn. Còn với doanh nghiệp quy mô nhỏ thì chỉ cần niêm yết ở thị trường Việt Nam, ông Khánh nhận định.
*Những lưu ý pháp lý
Chủ tịch Công ty Luật SBLAW, luật sư Nguyễn Thanh Hà cho biết, sự cụ thể hóa hệ thống khung pháp lý chứng khoán như: Luật Chứng khoán 2019; Nghị định 155/2020/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành Luật Chứng khoán (bao gồm một mục riêng hướng dẫn chi tiết chào bán chứng khoán ra nước ngoài)… đã tạo điều kiện cho doanh nghiệp Việt Nam dễ dàng hơn khi chào bán cổ phiếu ra nước ngoài. Nếu không thuộc diện lĩnh vực hạn chế tỷ lệ sở hữu nước ngoài, doanh nghiệp chỉ cần báo cáo và được sự chấp thuận của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.
Căn cứ theo Điều 71 Nghị định 155/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Chứng khoán thì điều kiện tiên quyết để doanh nghiệp niêm yết chứng khoán ra nước ngoài là phải đáp ứng quy định về tỷ lệ sở hữu nước ngoài theo quy định của pháp luật. Điều này xuất phát từ thực tế rằng, Việt Nam vẫn hạn chế sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài theo ngành nghề hoặc thậm chí không cho phép đầu tư.
Ngoài ra, doanh nghiệp còn phải tuân thủ các quy định của pháp luật về quản lý ngoại hối, do đó việc niêm yết chứng khoán tại nước ngoài còn chịu sự điều chỉnh của pháp lệnh ngoại hối năm 2005 được sửa đổi, bổ sung năm 2013 và Nghị định 70/2014/NĐ-CP của Chính phủ, quy định chi tiết thi hành một số điều của pháp lệnh ngoại hối và pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của pháp lệnh ngoại hối.
Theo đó, Điều 10 Nghị định 70/2014/NĐ-CP của Chính phủ quy định về người cư trú là tổ chức phát hành chứng khoán ở nước ngoài “Khi được phép phát hành chứng khoán bằng ngoại tệ ở nước ngoài dưới hình thức phát hành cổ phiếu, chứng chỉ quỹ đầu tư và các loại chứng khoán khác, người cư trú là tổ chức phải mở một tài khoản vốn phát hành chứng khoán bằng ngoại tệ tại một tổ chức tín dụng được phép, thực hiện thu, chi ngoại tệ có liên quan đến việc phát hành chứng khoán thông qua tài khoản này theo quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam”.
Đây là một cơ sở pháp lý quan trọng cho việc mua ngoại tệ để trả lãi, cổ tức cho nhà đầu tư nước ngoài khi mua chứng khoán của doanh nghiệp Việt Nam. Dù quy định của pháp luật Việt Nam đối với doanh nghiệp niêm yết ở nước ngoài đã khá đầy đủ, nhưng vẫn còn gây ra những khó khăn nhất định.
Việc quy định giới hạn tỷ lệ vốn của các nhà đầu tư nước ngoài trong các công ty niêm yết buộc các tổ chức phát hành khi niêm yết chứng khoán ra nước ngoài phải thiết lập một phạm vi huy động vốn nằm trong giới hạn tỷ lệ sở hữu này.
Điều này cũng làm phát sinh nhu cầu của các nhà đầu tư nước ngoài. Theo đó, nhà đầu tư nước ngoài yêu cầu tổ chức phát hành Việt Nam phải cung cấp cam kết duy trì phạm vi sở hữu nước ngoài nói trên, để đảm bảo rằng họ có thể tự do bán chứng khoán của mình cho bất kỳ nhà đầu tư nước ngoài nào khác mà không phải gánh chịu rủi ro pháp lý vi phạm tỷ lệ tham gia góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài.
Đặc biệt, đối với những công ty có tỷ lệ sở hữu nước ngoài đã đạt mức cao, khả năng tăng vốn thông qua phát hành và niêm yết quốc tế của nhóm doanh nghiệp này rất khó.
Về yêu cầu về chuẩn mực tài chính kế toán, theo quy định của pháp luật Việt Nam, doanh nghiệp phải áp dụng hệ thống sổ sách kế toán theo chuẩn mực kế toán Việt Nam (VAS).
Tại các sàn giao dịch chứng khoán thế giới, chuẩn mực kế toán được đưa ra chung cho các doanh nghiệp nước ngoài muốn niêm yết, thường là các chuẩn mực hoặc thông lệ kế toán đã được áp dụng chung trên toàn cầu và được chấp nhận bởi rất nhiều các quốc gia trên thế giới như: GAAP của Mỹ, Canada hay Nhật Bản, chuẩn mực Báo cáo tài chính quốc tế (IFRS), chuẩn mực Kế toán quốc tế (IAS). Hoặc doanh nghiệp phải chấp thuận theo chuẩn mực kế toán của quốc gia đó.
Điều đáng nói là chuẩn mực kế toán Việt Nam hiện đang áp dụng (VAS) có một số sự khác biệt trong các lập các báo cáo, hệ thống tài khoản… so với IFRS hay IAS.
Về các quy định của pháp luật về ngoại hối, chỉ yêu cầu tổ chức phát hành Việt Nam mở một tài khoản ngoại tệ tại tổ chức tín dụng được phép tại Việt Nam để nhận bất kỳ khoản ngoại tệ nào thu được từ quá trình niêm yết, mà không quy định tổ chức phát hành phải mở tài khoản tại nước dự định niêm yết chứng khoán.
Điều này dẫn đến việc nhà đầu tư nước ngoài đặt mua chứng khoán không thể chuyển tiền giao dịch vào tài khoản của tổ chức phát hành Việt Nam, nếu ngân hàng phục vụ tổ chức này không có chi nhánh, hoặc văn phòng giao dịch đặt tại quốc gia niêm yết. Vấn đề này cần phải được xem xét và có hướng giải quyết phù hợp.
Bên cạnh việc phải tuân thủ hệ thống pháp luật Việt Nam, doanh nghiệp niêm yết chứng khoán ra nước ngoài còn phải tuân thủ quy định của các sàn giao dịch quốc tế. Điều kiện để tham gia các sàn này cực kỳ nghiêm ngặt, có thể là các điều kiện về lợi nhuận trước thuế, phân bố cổ phần, tình trạng tài chính và thanh khoản, tiêu chuẩn kế toán, thủ tục kiểm tra đánh giá hồ sơ đăng ký niêm yết, yêu cầu về tiêu chuẩn quản trị doanh nghiệp hiệu quả.
Niêm yết tại thị trường nước ngoài, doanh nghiệp cũng có thể gặp phải những rủi ro trong việc tăng nguy cơ bị thâu tóm, sáp nhập; tăng mức chi phí cho việc tuân thủ những quy định về niêm yết, báo cáo, công bố thông tin, quản trị công ty tại thị trường nước ngoài…
Dưới góc độ quản lý, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho biết sẽ khuyến khích doanh nghiệp IPO, niêm yết tại thị trường nước ngoài trên cơ sở phải tuân thủ quy định pháp luật, đồng thời phù hợp với chủ trương, chính sách của nhà nước./.