IP Challenge 2013 – Chặng đường của những giấc mơ

Nội dung bài viết

Gameshow IP Challenge 2013 đã trải qua một chặng đường dài từ ngày đầu tiên công bố họp báo khởi động IP Challenge 2013 Đỉnh cao thương hiệu tại phòng Hội thảo Sinh viên.

Qua quá trình phát động với sự tham gia của hơn 1500 thí sinh đến từ 31 trường đại học khác nhau trên toàn thành phố Hà Nội, IP Challenge năm nay đã đi đến giai đoạn nước rút – Vòng 3 và đêm chung kết chính là cơ hội cho những thí sinh xuất sắc nhất có cơ hội thể hiện tài năng cũng như bản lĩnh với những đề thi đến từ chính những doanh nghiệp tham gia hợp tác cùng chương trình.

Tối hôm nay ngày 18/04/2013 tại phòng Hội thảo – Tầng 10 trường Đại học Ngoại thương đã diễn ra buổi giao lưu gặp gỡ giữa các nhà tài trợ, các doanh nghiệp đối tác cùng với các thí sinh tham gia dự thi. Đến dự với giao lưu, ban tổ chức vinh dự được đón tiếp sự có mặt của thầy hiệu phó Nguyễn Đình Thọ, các thầy, cô trong Khoa Kinh tế và Kinh doanh Quốc tế trường Đại học Ngoại thương cùng với sự có mặt của đại diện đến từ Cục Sở hữu trí tuệ. Bên cạnh đó, buổi giao lưu hân hạnh được chào mừng những đại diện đến từ các nhà tài trợ cũng như các doanh nghiệp; những cố vấn về chuyên môn cùng với 25 thí sinh đại diện cho 25 đội tham gia Vòng 2.

Phát biểu tại buổi giao lưu, thầy Hoàng Ngọc Thuận – Trưởng ban Tổ chức IP Challenge 2013 đã gửi lời cám ơn tới các quý doanh nghiệp đã tài trợ cho Gameshow như VIBank; Sunhouse; bia Đại Việt; nhãn hiệu đồ uống Pushmax; VAG; Văn phòng Luật S&B cùng với rất nhiều các nhà tài trợ khác đã đồng hành cùng IP Challenge suốt chặng đường vừa qua. Đồng thời, thầy cũng gửi lời cảm ơn tới đại diện tới từ Ban Quản lý Văn Miếu Quốc tử giám đã cho phép Ban tổ chức có thể tổ chức Đêm chung kết Gameshow tại đây. Văn Miếu là biểu tượng của Việt Nam về giáo dục và cũng là trường Đại học đầu tiên tại Việt Nam, chính vì vậy địa điểm này là nơi hết sức phù hợp để tổ chức những cuộc thi có tính chất giàu trí tuệ như IP Challenge năm nay.

IP Challenge 2013 đã bước những bước vững chắc kể từ ngày công bố khởi động 16/03/2013 và đã có những bước thay đổi đáng kể về cơ cấu giải thưởng. Trị giá tiền mặt dành cho đội giải nhất lên tới 10 triệu đồng, giải nhì 5 triệu và giải ba là 3 triệu đồng. Bên cạnh đó các đội chơi đoạt giải sẽ còn nhận được rất nhiều phần quà đến từ các doanh nghiệp tài trợ cho cuộc thi.

Buổi giao lưu đã nhận được rất nhiều chia sẻ đến từ phía các doanh nghiệp tài trợ và các cố vấn chuyên môn. “VIBank đánh giá cao sức trẻ và lòng nhiệt huyết của các bạn sinh viên trong cuộc thi và VIBank cam kết sẽ đồng hành cùng với hoạt động của IP Challenge 2013 Đỉnh cao thương hiệu năm nay” – Chị Hoàng Mai Anh đại diện đến từ VIBank đã chia sẻ.

Bên cạnh đó, buổi giao lưu đã nhận được một lời nhắn nhủ đến từ Tổng Giám đốc Công ty Hồng Lam: “Hồng Lam đang trong quá trình xây dựng thương hiệu với 5 bước, trong đó có bước Đột phá. Và IP Challenge 2013 năm nay giúp Hồng Lam đạt đến bước thứ 5 của quá trình đó. Hồng Lam tài trợ cho IP Challenge năm nay nhằm thể hiện triết ký kinh doanh của Hồng Lam là “Gắn kết doanh nghiệp và xã hội”. Đồng thời; Hồng Lam với một mong muốn liên tục đổi mới và sáng tạo hi vọng rằng sẽ góp sức nhằm tổ chức IP Challenge thành công hơn. Kèm theo đó, Hồng Lam cũng cam kết sẽ đăng ký Sở hữu trí tuệ cho ý tưởng xuất sắc của các bạn sinh viên với thương hiệu Hồng Lam nếu ý tưởng này có thể giải quyết tốt các khúc mắc và tạo bước đột phá mới cho thương hiệu.” Đây quả là một lời hứa hấp dẫn và một sự kích thích tốt để các bạn sinh viên có thể phấn đấu cố gắng nhiều hơn nữa trong vòng 3 này.

Công ty TNHH Long Hưng với nhãn hiệu Pushmax cũng đã gửi lời cám ơn tới Ban Giám hiệu trường Đại học Ngoại thương đã tạo cơ hội cho doanh nghiệp và sinh viên tham gia IP Challenge 2013 năm nay. Long Hưng kỳ vọng tìm kiếm được những nhân sự trẻ và cam kết hỗ trợ tối đa cho các thí sinh của gameshow. Long Hưng cũng cam kết sẽ tiếp tục đồng hành với IP Challenge trong các năm tiếp theo sau đó.

IP Challenge sau khi khép lại vòng 1 đã nhận được hơn 1500 thí sinh tham dự với 75 thí sinh đã vượt qua vòng 1. Tại vòng 2, các thí sinh đã được chia làm 25 đội để thử sức với các tình huống và đề tài về Thương hiệu và Sở hữu trí tuệ. Với 8 buổi đào tạo chuyên môn về Sở hữu trí tuệ và Chiến lược thương hiệu; các thí sinh đã được trang bị những kiến thức hết sức chuyên sâu và đồng thời cũng nhận được sự cố vấn đến từ các chuyên gia của Cục Sở hữu trí tuệ, các thầy cô giáo trường Đại học Ngoại thương cũng như các chuyên gia từ tổ hợp KNV Group và công ty Richard Moore Associates . Phát biểu tại buổi giao lưu, Tiến sỹ Phan Tất Thứ đã bày tỏ rằng anh vô cùng xúc động vì đã được tham gia hỗ trợ cho các thí sinh và hi vọng sẽ còn tiếp tục được giúp đỡ IP Challenge trong những năm tiếp theo. Tiến sỹ cũng bày tỏ, có thể trong tương lai, những ý tưởng này sẽ không chỉ là những con chữ nữa mà sẽ được chính các doanh nghiệp áp dụng trong thực tế cuộc sống.

Bên cạnh đó, nhắc đến Sở hữu trí tuệ, ta không thể nhắc tới khía cạnh Pháp luật, bộ Luật Sở hữu trí tuệ Việt Nam ra đời năm 2005 và sửa đổi năm 2009 đã phần nào giúp các doanh nghiệp trong quá trình định vị và phát triển thương hiệu.

Nhận định vấn đề này, ban tổ chức cũng đã mời tới tham dự Gameshow các đại diện từ Văn phòng Luật S&B. S&B vừa là cố vấn chuyên môn đồng thời là nhà tài trợ cho các thí sinh trong vòng chung kết là các cơ hội được thực tập tại Văn Phòng S&B. Luật sư Nguyễn Thanh Hà – Đại diện VP đã chia sẻ về một số hoạt động của công ty thông qua buổi giao lưu như giúp xác lập quyền đại diện cho các doanh nghiệp tham gia với các sáng chế và Sở hữu công nghiệp, hỗ trợ điều tra phát hiện các vi phạm bản quyền và áp dụng chống lại vi phạm thông qua các Luật và Bộ luật. Luật sư cũng chỉ ra rằng hầu hết các sinh viên Việt Nam hiện nay khi tham gia thực tập tại Văn phòng Luật đều còn có những hiểu biết rất mơ hồ về pháp lý cũng như Sở hữu trí tuệ. Cuộc thi này là một bước đệm vững chắc giúp các em sinh viên có thể tiếp cận và tìm hiểu thấu đáo hơn ở một lĩnh vực hết sức mới mẻ này.

Luật sư cũng chỉ rõ rằng các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay cũng đã và đang quan tâm tới việc bảo vệ và xác lập quyền về Sở hữu công nghiệp và Sáng chế, tuy nhiên chưa thực sự biết cách để có thể bảo hộ cho nhãn hiệu hay thương hiệu của mình. Luật sư cũng nêu rõ “Doanh nghiệp đầu tư rất nhiều tiền của cho sản phẩm với mong muốn thu được một khoản lợi nhuận khổng lồ từ các hoạt động quảng cáo PR rầm rộ và cố gắng thu hút người tiêu dùng đến với mình. Tuy nhiên khi sản phẩm đó tung ra thị trường thì lại đã có doanh nghiệp khác đăng ký nhãn hiệu đó. Vô hình chung sản phẩm của doanh nghiệp trở thành một tiêu điểm xấu với xã hội. Để khắc phục tình trạng trên thì doanh nghiệp cần trang bị những kiến thức về SHTT nói chung cũng như tìm cách xây dựng thương hiệu riêng của mình. Tuy nhiên bài toán thương hiệu chưa bao giờ là đơn giản tại Việt Nam vì pháp lý chỉ là một khía cạnh quá nhỏ trong cả một quá trình xây dựng thương hiệu lâu dài của các doanh nghiệp Việt”.

Cùng chia sẻ những suy nghĩ trên, anh Đinh Quang Minh – Giám đốc Công ty Briston về vật liệu xây dựng cũng đã bày tỏ vui mừng khi được tham gia tài trợ cho cuộc thi và đây là cơ hội học hỏi tuyệt vời các kiến thức đến từ các chuyên gia, các doanh nghiệp khác về kiến thức và hiểu biết thương hiệu.

Những chia sẻ này đã đang và sẽ là nguồn cổ vũ to lớn cho ban tổ chức tiếp tục nỗ lực trong việc tổ chức thành công hơn nữa IP Challenge 2013, đồng thời tạo nên một dấu ấn về IP Challenge trên khắp Hà Nội về một cuộc thi mang đậm tính sáng tạo và tính trí tuệ của sinh viên. Với IP Challenge, không gì là không thể.

Cuối buổi giao lưu, trưởng ban tổ chức – Thầy Hoàng Ngọc Thuận đã công bố danh sách 4 đội lọt vào vòng 3 của cuộc thi với 12 thí sinh xuất sắc nhất. 4 đội chơi Storm, Cháy, Kang-gu-ruIPCaholic được lựa chọn từ 75 thí sinh với 25 đội chơi sau vòng 1. Phát biểu tại buổi giao lưu này, bạn Mai Xuân Sang – SV năm thứ 3 Đại học Kinh tế quốc dân – đại diện cho các thí sinh tham dự đã gửi lời cảm ơn tới các thầy cô trường Đại học Ngoại thương. “Qua 8 buổi training; em đã học hỏi được rất nhiều điều về thương hiệu cũng như SHTT. Qua đây em cũng xin được bày tỏ sự biết ơn chân thành nhất tới các giảng viên đến từ trường ĐHNT như cô Lê Thị Thu Hà, Thầy Nguyễn Huyền Minh và đặc biệt là các chuyên gia tư vấn như anh Nguyễn Đức Sơn – Richard Moore Associated; cùng các giảng viên khác. Em cũng xin được cảm ơn các đại diện doanh nghiệp đã giúp đỡ đội chơi chúng em hoàn thành xuất sắc bài thi này.”

Buổi giao lưu đã khép lại với những cái bắt tay hồ hởi và sự phấn khởi của những bạn thí sinh được lọt vào vòng trong. Còn những thí sinh chưa may mắn thì cũng đã nhận được tin vui là tất cả thí sinh lọt vào vòng 2 sẽ nhận được một phần quà đến từ nhà tài trợ Alezza – Thương hiệu sách điện tử uy tín của Việt Nam hiện nay.

IPChallenge cũng đã bước những bước dài và đang mang trên mình những hi vọng mới của tuổi trẻ về sự đổi thay trong suy nghĩ về Sở hữu trí tuệ không chỉ của sinh viên, giảng viên hay doanh nghiệp mà còn là của toàn xã hội về những vấn đề như thương hiệu hay các sáng chế.

Với hi vọng đó, CLB Sở hữu trí tuệ xin gửi lời cảm ơn chân thành tới tất cả những người bạn đã đồng hành cùng chúng tôi trong suốt chặng đường vừa qua, đồng thời hi vọng rằng với tất cả sự giúp đỡ và ủng hộ trên, IPChallenge 2013 Đỉnh cao thương hiệu sẽ thành công rực rỡ.

Cuối cùng, các bạn đừng quên theo dõi những thông tin tiếp theo về IPChallenge trên fanpage của chúng tôi và trên website www.ipc-ftu.org!

Theo www.ipc-flu.org.

0/5 (0 Reviews)

Bài viết liên quan