Hủy niêm yết gần 710 triệu cổ phiếu Tập đoàn FLC, nhà đầu tư lo âu

Nội dung bài viết

Ngày 13/2, ông Trần Anh Đào, Tổng giám đốc HoSE, đã ký quyết định hủy niêm yết gần 710 triệu cổ phiếu FLC. Ngày hủy niêm yết có hiệu lực là 20/2/2023. Luật sư Nguyễn Thanh Hà – Chủ tịch Công ty Luật SB Law đã có những quan điểm nhằm giải đáp những lo ngại của các nhà đầu tư. Dưới đây là nội dung chi tiết:

Câu hỏi: Trước thông tin cổ phiếu FLC sẽ bị hủy liêm yết vào mấy ngày tới, nhiều người băn khoăn nhà đầu tư cầm cổ phiếu sẽ ra sao?

Trả lời:

Sở Giao dịch Chứng khoán Tp. Hồ Chí Minh (HOSE) vừa ban hành quyết định hủy niêm yết gần 710 triệu cổ phiếu FLC của Công ty cổ phần Tập đoàn FLC từ ngày 20/02/2023. Nguyên nhân là do tập đoàn này đã vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ công bố thông tin và các trường hợp khác mà Sở Giao dịch chứng khoán và Ủy ban Chứng khoán xét thấy cần cần hủy niêm yết để bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư, theo quy định tại khoản 1 Điều 120 Nghị định 155/2020/NĐ-CP về trường hợp bị hủy bỏ niêm yết bắt buộc.

Ngay sau khi thông tin được công bố, nhiều nhà đầu tư cá nhân nắm giữ cổ phiếu này tỏ ra hết sức hoang mang, lo lắng khi mà số cổ phiếu có giá trị hàng trăm triệu, thậm chí hàng tỷ đồng của họ có nguy cơ biến thành “giấy lộn” vì không thể mua bán được.

Việc hủy niêm yết sẽ khiến cổ phiếu của họ không được giao dịch, mua bán, chuyển đổi trên sở giao dịch chứng khoán. Nói cách khác, số cổ phiếu này sẽ bị "đóng băng", không thể chuyển đổi thành tiền mặt được. Tuy nhiên, theo quy định tại khoản 2 Điều 120 Nghị định 155/2020/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của luật chứng khoán, khi cổ phiếu của công ty hủy bỏ niêm yết nhưng vẫn đáp ứng điều kiện là công ty đại chúng thì phải đăng ký giao dịch trên sàn UPCOM để nhà đầu tư có thể tiếp tục mua bán cổ phiếu tại đây. Về quyền sở hữu, khi cổ phiếu bị huỷ niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán thì nhà đầu tư vẫn được đảm bảo về nguồn sở hữu đối với cổ phiếu, vì doanh nghiệp có nghĩa vụ phải đảm bảo cổ phiếu cho các nhà đầu tư. Mặc dù vậy, việc giao dịch vẫn sẽ gặp nhiều khó khăn và không tránh khỏi việc tài khoản của mình bị thua lỗ bởi trên thực tế mức giá giao dịch tại UPCOM thường thấp hơn khá nhiều so với sàn HOSE và HNX.

Khoản 1 Điều 122 Nghị định 155/2020/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của luật chứng khoán quy định: “Tổ chức có cổ phiếu bị hủy niêm yết theo quy định tại Điều 120, Điều 121 Nghị định này chỉ được đăng ký niêm yết lại sau khi giao dịch tối thiểu 02 năm trên hệ thống giao dịch Upcom.”

Theo đó, các tổ chức có cổ phiếu bị huỷ niêm yết bắt buộc có thể Đăng ký niêm yết cổ phiếu lại sau ít nhất 2 năm hoạt động trên hệ thống giao dịch UPCOM theo thủ tục mà pháp luật quy định.

Vậy nên, có thể thấy rằng việc hủy niêm yết không có nghĩa là các nhà đầu tư sở hữu cổ phiếu FLC mất trắng, quan trọng hơn hết quyền lợi nhà đầu tư được đảm bảo như thế nào vẫn phụ thuộc vào doanh nghiệp sắp tới sẽ ra sao. Việc đó thì sẽ phụ thuộc nhiều vào nội tại doanh nghiệp cũng như bản lĩnh của Ban lãnh đạo mới của FLC.

Nguồn: https://vi.sblaw.vn/

0/5 (0 Reviews)

Bài viết liên quan