Tình trạng cổ phiếu bị hủy niêm yết là một trong những vấn đề gây không ít hoang mang cho nhà đầu tư cũng như các doanh nghiệp phát hành. Để làm rõ vấn đề này, luật sư Nguyễn Thanh Hà-Chủ tịch công ty Luật TNHH SB LAW đã có bài phỏng vấn chia sẻ. Nội dung chi tiết của bài phỏng vấn đó như sau:
Câu 1: Thưa Ông, vừa qua, đã có một số doanh nghiệp bị cơ quan chức năng hủy niêm yết cổ phiếu trên sàn chứng khoán. Dù chưa biết kết quả cuối cùng như thế nào, tuy nhiên, khi cổ phiếu bị hủy niêm yết bắt buộc thì rủi ro pháp lý, và thiệt hại mà doanh nghiệp bị hủy niêm yết có thể phải đối diện là gì?
Theo quy định tại khoản 24 Điều 4 Luật chứng khoán 2019, niêm yết chứng khoán là việc đưa chứng khoán có đủ điều kiện niêm yết vào giao dịch trên hệ thống giao dịch cho chứng khoán niêm yết. Theo đó, có thể hiểu cổ phiếu niêm yết là cổ phiếu do các công ty cổ phần phát hành và được niêm yết giá trên sàn chứng khoán để nhà đầu tư có thể thực hiện giao dịch mua bán.
Cụ thể, cổ phiếu niêm yết đã được các sàn chứng khoán kiểm định khắt khe và đã đáp ứng đủ
các tiêu chuẩn để được phép giao dịch. Theo khoản 1 Điều 120 Nghị định 155/2020/NĐ-CP, cổ phiếu bị hủy bỏ niêm yết bắt buộc khi xảy ra một trong các trường hợp sau đây:
- Tổ chức niêm yết hủy tư cách công ty đại chúng theo thông báo của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước;
- Tổ chức niêm yết ngừng hoặc bị ngừng các hoạt động sản xuất, kinh doanh chính từ 01 năm trở lên;
- Tổ chức niêm yết bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc Giấy phép hoạt
động trong lĩnh vực chuyên ngành;
- Cổ phiếu không có giao dịch tại Sở giao dịch chứng khoán trong thời hạn 12 tháng;
- Cổ phiếu không đưa vào giao dịch trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày Sở giao dịch chứng khoán chấp thuận đăng ký niêm yết;
- Kết quả sản xuất, kinh doanh bị thua lỗ trong 03 năm liên tục hoặc tổng số lỗ luỹ kế vượt quá số vốn điều lệ thực góp hoặc vốn chủ sở hữu âm trong báo cáo tài chính kiểm toán năm gần nhất trước thời điểm xem xét;
- Tổ chức niêm yết chấm dứt sự tồn tại do tổ chức lại, giải thể hoặc phá sản;
- Tổ chức kiểm toán không chấp nhận thực hiện kiểm toán hoặc có ý kiến kiểm toán trái ngược hoặc từ chối cho ý kiến đối với báo cáo tài chính năm gần nhất của tổ chức niêm yết hoặc có ý kiến kiểm toán ngoại trừ đối với báo cáo tài chính năm trong 03 năm liên tiếp;
- Tổ chức niêm yết vi phạm chậm nộp báo cáo tài chính năm trong 3 năm liên tiếp;
- Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Sở giao dịch chứng khoán phát hiện tổ chức niêm yết giả mạo hồ sơ niêm yết;
- Tổ chức niêm yết bị xử lý vi phạm về các hành vi bị nghiêm cấm quy định tại các khoản 1, 2, 3, 7 Điều 12 Luật Chứng khoán 2019;
- Tổ chức niêm yết bị đình chỉ hoạt động hoặc cấm hoạt động đối với ngành nghề hoặc hoạt
động kinh doanh chính;
- Không đáp ứng điều kiện niêm yết do sáp nhập, tách doanh nghiệp và các trường hợp cơ cấu lại doanh nghiệp; hoặc sau khi hoàn thành các hoạt động sáp nhập, tách doanh nghiệp và các trường hợp cơ cấu lại doanh nghiệp nhưng không thực hiện thủ tục đăng ký niêm yết, đề nghị xem xét lại điều kiện niêm yết hoặc thay đổi đăng ký niêm yết trong thời hạn quy định;
- Tổ chức niêm yết vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ công bố thông tin, không hoàn thành nghĩa vụ tài chính với Sở giao dịch chứng khoán và các trường hợp khác mà Sở giao dịch chứng khoán hoặc Ủy ban Chứng khoán Nhà nước xét thấy cần thiết phải hủy niêm yết nhằm bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư.
Khi cổ phiếu của doanh nghiệp bị hủy niêm yết bắt buộc, doanh nghiệp có thể gặp một số khó khăn sau:
Thứ nhất, giá cổ phiếu của doanh nghiệp thường giảm sâu, mất đi tính thanh khoản.
Thứ hai, doanh nghiệp có cổ phiếu bị hủy niêm yết bắt buộc có thể bị ảnh hưởng đến uy tín, thương hiệu đã gây dựng với các đối tác, khách hàng.
Bên cạnh đó, khi cổ phiếu bị hủy niêm yết bắt buộc, doanh nghiệp sẽ khó tiếp cận với nguồn vốn đầu tư thông qua sàn giao dịch chứng khoán. Theo đó, doanh nghiệp khi cần vốn có thể sẽ phải đi vay ngân hàng, phải có tài sản thế chấp và phải trả lãi vay.
Câu 2: Có ý kiến cho rằng, một phần nguyên nhân xuất phát từ sự thiếu sót, lỏng lẻo của khung pháp lý về quy trình hủy niêm yết tại Việt Nam cũng như cách thức vận hành thị trường còn chưa thực sự chuyên nghiệp của những chủ thể có liên quan. Ông nghĩ sao về nhận định này?
Quy định hủy niêm yết cổ phiếu hiện nay được điều chỉnh trực tiếp bởi Nghị định 155/2020/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Chứng khoán, Quy chế niêm yết và giao dịch chứng khoán niêm yết (Ban hành kèm theo Quyết định số 17/QĐ-HĐTV ngày 31 tháng 3 năm 2022 của Hội đồng thành viên Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam), và Quy chế niêm yết chứng khoán tương ứng của Sở Giao dịch chứng khoán TPHCM (HOSE) và Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX).
Các văn bản trên mới dừng lại ở các quy định về điều kiện để tiến hành hủy niêm yết, chưa có quy định cụ thể về quy trình thực hiện và cơ chế bảo vệ nhà đầu tư.
Quy chế niêm yết và giao dịch chứng khoán niêm yết (Điều 46) quy định Sở Giao dịch chứng khoán thông báo cho tổ chức niêm yết và công bố thông tin ra thị trường khi phát hiện cổ phiếu niêm yết có khả năng bị hủy bỏ niêm yết bắt buộc theo quy định tại các điểm a, b, d, e, h, i, o Khoản 1, Điều 120 Nghị định số 155/2020/NĐ-CP và yêu cầu tổ chức niêm yết báo cáo, giải trình cụ thể (nếu cần thiết). Sở Giao dịch chứng khoán ban hành Quyết định hủy bỏ niêm yết và công bố thông tin về việc hủy bỏ niêm yết. Chứng khoán niêm yết thuộc diện hủy bỏ niêm yết bắt buộc được tiếp tục giao dịch trong thời hạn tối đa 30 ngày kể từ ngày Sở Giao dịch chứng khoán ban hành quyết định hủy bỏ niêm yết, trừ trường hợp hủy bỏ niêm yết theo quy định tại Khoản 4, Điều 120 Nghị định số 155/2020/NĐ-CP.
Tuy nhiên, cho đến nay vẫn chưa có quy trình chuẩn mực về hủy niêm yết, tạo khoảng trống pháp lý cho các chủ thể tham gia thị trường chứng khoán, đồng thời cũng tạo ra sự bất bình đẳng thông tin với nhà đầu tư. Do đó, thiết nghĩ, cần quy định rõ quy trình hủy niêm yết vừa làm kim chỉ nam cho việc xử lý vừa tạo cơ sở cho nhà đầu tư giám sát việc thực hiện quy trình.