Luật sư Nguyễn Thanh Hà - Chủ tịch Công ty Luật TNHH SB Law đã trả lời phỏng vấn về huy động vốn từ quỹ cho các Doanh nghiệp, cụ thể như sau:
1.Thưa Ông, Ông có thể chia sẻ về một số quỹ mà các DN có thể huy động vốn ở thời điểm hiện tại? Việc huy động vốn từ các quỹ có sự khác biệt gì so với việc huy động vốn từ các tổ chức tín dụng khác như: ngân hàng và công ty cho thuê tài chính? Điểm bất lợi và có lợi đối với các DN khi huy động nguồn vốn từ các quỹ? Những rủi ro nào có thể xảy ra khi thực hiện vay vốn từ các quỹ và Giải pháp để phòng ngừa cũng như khắc phục các rủi ro đó?
Trả lời:
Quỹ đầu tư là những nhà đầu tư chuyên nghiệp đặt mục tiêu lợi nhuận lên hàng đầu và phải chịu trách nhiệm trước khoản đầu tư. Theo đó, khi doanh nghiệp có nhu cầu huy động vốn, có thể tìm đến các nhà đầu tư này để kêu gọi vốn đầu tư. Khác với những kênh huy động vốn từ các tổ chức tín dụng, các quỹ đầu tư thường không cần một khoản đặt cọc hay ký quỹ hay các biện pháp bảo đảm nào. Việc tài trợ vốn của các quỹ đầu tư dựa vào sự tin tưởng vào việc tạo dựng thành công doanh nghiệp của người sáng lập và đội ngũ điều hành của doanh nghiệp.
Một số quỹ mà các doanh nghiệp có thể huy động vốn có thể kể đến là Dragon Capital, Mekong Capital, IDG Venture, Vina Capital Foundation….
Về điểm có lợi khi doanh nghiệp huy động vốn từ các quỹ đầu tư, như tôi đã nói qua ở trên, việc huy động vốn từ các quỹ không cần có tài sản bảo đảm. Do đó, điểm có lợi thứ nhất là thuận lợi trong việc huy động vốn. Thứ hai, khi hỗ trợ vốn cho các doanh nghiệp, các quỹ đầu tư cũng tham gia vào việc kiểm soát và điều hành công ty. Họ tư vấn ở cấp chiến lược, hướng dẫn, hỗ trợ các công ty trong quản lý, xây dựng thương hiệu, phát triển thị trường,… Như vậy, điểm có lợi thứ hai doanh nghiệp có được chính là sự hỗ trợ trong việc điều hành hoạt động công ty.
Về điểm bất lợi, cũng xuất phát từ vấn đề tham gia vào việc kiểm soát và điều hành công ty, doanh nghiệp theo đó cũng sẽ phải đối mặt với nguy cơ đánh mất thương hiệu của mình vào tay các nhà đầu tư. Do đó, để hạn chế điểm bất lợi cũng như rủi ro này, doanh nghiệp khi hợp tác với các Quỹ đầu tư cần cẩn thận, để ý kĩ những thỏa thuận, điều khoản trong hợp đồng hợp tác với nhà đầu tư.
2.Thưa Ông, Theo Ông DN sẽ gặp những thuận lợi và bất lợi nào khi huy động vốn từ Quỹ Phát triển DNNVV? Những rủi ro nào có thể xảy ra khi huy động vốn từ Quỹ Phát triển DNNVV và Giải pháp để phòng ngừa cũng như khắc phục các rủi ro đó? Theo Ông đánh giá Quỹ Phát triển DNNVV ở Việt Nam hiện nay hoạt động đã thực sự hiệu quả chưa? Nên có biện pháp nào để có thể hỗ trợ cho Quỹ Phát triển DNNVV?
Trả lời:
Về điểm thuận lợi, Doanh nghiệp vừa và nhỏ huy động vốn từ Quỹ phát triển DNNVV sẽ được hưởng những chính sách cho vay ưu đãi, cụ thể là về mặt lãi suất cho vay.
Về điểm bất lợi, khi huy động vốn từ Quỹ phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ vẫn phải đáp ứng các điều kiện theo quy định như có tài sản bảo đảm giống như hoạt động vay vốn thông thường từ các tổ chức tín dụng khác. Do đó, bất lợi doanh nghiệp gặp phải ở đây vẫn liên quan đến khả năng tài chính doanh nghiệp, doanh nghiệp có đủ tài sản bảo đảm để tiến hành vay vốn hay không. Đây vẫn là một bài toán khó giải đối với các doanh nghiệp khởi nghiệp hiện nay.
Về rủi ro, cũng như các hoạt động cấp tín dụng khác, rủi ro lớn nhất có thể gặp phải là doanh nghiệp không có khả năng thực hiện nghĩa vụ trả nợ của mình. Do đó, để hạn chế rủi ro, doanh nghiệp cần có những biện pháp, chính sách trong quá trình hoạt động để đảm bảo được hiệu quả trong hoạt động kinh doanh của mình, qua đó đảm bảo năng lực tài chính để có thể thực hiện nghĩa vụ trả nợ.
Về thực trạng hoạt động của Quỹ hiện nay, Quỹ hoạt động chưa thực sự hiệu quả, theo đó sau 2 năm thành lập, mới chỉ có khoảng 20 Doanh nghiệp vay vốn từ Quỹ, với khoảng 250 tỷ được giải ngân. Nguyên nhân trước hết, xuất phát từ chính những hạn chế nội tại của DNNVV như quy mô vốn nhỏ, vốn chủ sở hữu và năng lực tài chính hạn chế; trình độ quản trị DN bất cập, thiếu phương án kinh doanh khả thi; số liệu thiếu chính xác; thiếu hoặc không đủ giấy tờ về tài sản đảm bảo…
Bên cạnh đó, Quỹ còn thiếu kinh nghiệm trong thẩm định phương án sản xuất kinh doanh của DNNVV, nhất là các DN hoạt động trong lĩnh vực mới, còn nặng về tài sản đảm bảo cho khoản vay.
Do đó, để khắc phục tình trạng nêu trên, về phần mình, các doanh nghiệp cũng nên cải thiện tính minh bạch, công khai thông tin, sẵn sàng làm việc với các các ngân hàng, quản trị doanh nghiệp và quản lý chiến lược, cũng như tài chính. Về phía Quỹ, cần có các chương trình đào tạo, tập huấn, nâng cao nghiệp vụ của các cán bộ của Quỹ.
3.Theo Dự thảo thông tư 24 mới đây, NHNN sẽ siết đối tượng cho vay USD, theo ông DN nhập khẩu sẽ bị ảnh hưởng thế nào và Cần có giải pháp gì để hỗ trợ cho các DN?
Trả lời:
Dự thảo Thông tư 24/2015/TT-NHNN quy định với những công ty nhập khẩu chỉ được gia hạn thời gian vay ngoại tệ thêm 3-9 tháng. Điều này gây tác động không nhỏ đến chi phí của các doanh nghiệp nhập khẩu. Cụ thể, chi phí vốn đầu vào của những DN không còn được vay ngoại tệ sẽ tăng do phải chuyển sang vay VNĐ lãi suất cao hơn vay USD. Bên cạnh đó, việc được vay USD như hiện nay cũng giúp nhà kinh doanh vừa đỡ lo rủi ro về biến động tỉ giá.
Do đó, để hỗ trợ cho các doanh nghiệp, Ngân hàng Nhà nước trong thời gian đầu nên cân nhắc có những biện pháp nhằm tạo thuận lợi cho DN vay VNĐ để mua USD, hỗ trợ tổ chức tín dụng sẵn sàng bán ngoại tệ cho DN nhập khẩu. Cần thêm chính sách hỗ trợ lãi suất vay VNĐ để mua USD với những DN nhập khẩu máy móc, thiết bị phục vụ hoạt động đầu tư mở rộng sản xuất, kinh doanh...
4.Càng về cuối năm, bên cạnh việc đẩy mạnh hoạt động kinh doanh, các ngân hàng cũng ráo riết rao bán và đấu giá các khoản nợ xấu, thậm chí giảm giá. Theo Ông chúng ta có thể kỳ vọng vào việc xử lý các khoản nợ xấu tại các Ngân sẽ được cải thiện tốt hơn hay không?
Trả lời:
Ngoài hoạt động cho vay, đầu tư tài chính, phí dịch vụ..., nguồn thu từ xử lý nợ xấu đã đóng góp không nhỏ cho nhiều ngân hàng. Thống kê sơ bộ cho thấy 9 tháng đầu năm 2018, 26 ngân hàng (NH) có tổng lợi nhuận hơn 67.000 tỉ đồng, trong đó 15 NH lãi hàng ngàn tỉ đồng, hoàn thành 70% chỉ tiêu lợi nhuận cả năm. Một số NH lãi chỉ 200-300 tỉ đồng nhưng lại đạt 90% chỉ tiêu lợi nhuận, trong đó từ việc xử lý nợ xấu chiếm 15%-30%. Qua số liệu này, chúng ta cũng có thể thấy những tín hiệu khá tích cực trong hoạt động xử lý nợ xấu của các Ngân hàng hiện nay. Vì vậy, chúng ta cũng hoàn toàn có cơ sở để kỳ vọng vào hoạt động xử lý nợ xấu của các Ngân hàng sẽ có khả năng được cải thiện tốt hơn.