Nhận lời mời của ban biên tập kênh truyền hình VITV, VTC8, luật sư Nguyễn Thanh Hà, luật sư điều hành của S&B Law sẽ trao đổi về cơ chế pháp lý của Hợp đồng thương mại điện tử. Chúng tôi trân trọng giới thiệu nội dung bài phỏng vẩn
Luật sư Nguyễn Thanh Hà trả lời phỏng vấn kênh VITV
Phóng viên: Thưa luật sư, hiện nay việc thực hiện giao dịch hợp đồng thông qua thương mại điện tử được các DN sử dụng như thế nào?
Luật sư Nguyễn Thanh Hà: Hiện nay, cùng với sự phát triển của công nghệ thông tin và đặc biệt là mạng Internet, các doanh nghiệp Việt Nam đã và đang sử dụng Internet rất nhiều và phổ biến để giao kết hợp đồng, đặc biệt trong lĩnh vực thương mại quốc tế.
Theo Báo cáo chỉ số thương mại điện tử Việt Nam năm 2013 của Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam cho thấy năm 2013, thương mại điện tử tiếp tục phát triển vững chắc, đã thâm nhập vào mọi lĩnh vực kinh doanh và có sự gắn kết khăng khít với công nghệ thông tin và truyền thông, trở thành một trong các trụ cột của tiến trình xây dựng xã hội thông tin và kinh tế tri thức ở nước ta.
Năm 2013 chứng kiến sự tiến bộ đáng kể của các loại hình giao dịch trực tuyến giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp (B2B) và giữa doanh nghiệp với người tiêu dùng (B2C).
Mức độ và hiệu quả sử dụng email của các doanh nghiệp đều có bước tiến so với năm 2012 với 83% doanh nghiệp đã sử dụng email để nhận đơn đặt hàng. Tỷ lệ này của năm 2012 là 70%.
Bên cạnh đó, với tư cách là một công ty luật, chúng tôi cũng thường xuyên tư vấn cho khách hàng trong và ngoài nước, phần lớn hiện nay, S&B Law đều thực hiện các giao dịch hợp đồng bằng hình thức thương mại điện tử, như thông qua email, qua Internet để ký kết và thực hiện hợp đồng tư vấn, đặc biệt là các đối tác nước ngoài.
Điều này hết sức tiết kiệm chi phí về marketing và giúp chúng tôi tiếp cận với khách hàng dễ dàng hơn.
Phóng viên: Thưa luật sư, việc ký hợp đồng thương mại điện tử có những điểm khác gì so với những hình thức ký hợp đồng khác?
Luật sư Nguyễn Thanh Hà: Có một số khác biệt cơ bản như sau:
Thứ nhất: Về vấn đề chủ thể, ngoài các chủ thể thông thường là người mua và người bán thì trong hợp đồng thương mại điện tử còn có một chủ thể cũng không kém phần quan trọng là các nhà cung cấp dịch vụ mạng Internet, dịch vụ email, dịch vụ công nghệ thông tin và các cơ quan chứng thực chữ ký điện tử.
Thứ hai: Về vấn đề nội dung, hợp đồng thương mại điện tử có một số điểm khác biệt với hợp đồng truyền thống như: địa chỉ pháp lý ngoài các địa chỉ pháp lý thông thường hợp đồng điện tử còn có địa chỉ e-mail, địa chỉ website. Vấn đề địa chỉ email rất quan trọng.
Thứ ba: Việc ký kết và giao dịch bằng hợp đồng thương mại điện tử cũng rất khác biệt, khi việc ký kết hợp đồng thương mại điện tử sẽ áp dụng các quy định về truy cập mạng, bảo mật thông tin, các quy định về thanh toán, quy định về trung gian thanh toán…Những quy định này rất khác biệt so với việc giao kết bằng hợp đồng truyền thống.
Thứ tư: Thực hiện giao kết bằng hợp đồng thương mại điện tử sẽ thực hiện bằng dữ liệu điện tử và chữ ký điện tử, các bên sẽ không phải mất thời gian để gặp gỡ, ký kết như hợp đồng truyền thống.
Thứ năm: Việc ký kết hợp đồng truyền thống sẽ bị điều chỉnh bằng các văn bản pháp luật như Bộ Luật dân sự, Luật thương mại. Tuy nhiên, hợp đồng điện tử còn chịu thêm sự điều chỉnh của Luật giao dịch điện tử, Nghị định về thương mại điện tử và các văn bản khác có liên quan.
Thứ sáu: Việc xác định pháp luật nước nào có thẩm quyền giải quyết tranh chấp trong hợp đồng điện tử cũng rất khó khăn do có nhiều chủ thể tham gia.
Phóng viên: Việc thực hiện giao kết bằng hợp đồng thương mại điện tử có thể sẽ đem đến những rủi ro như thế nào?
Luật sư Nguyễn Thanh Hà: Ngoài các rủi ro về kỹ thuật, rủi ro về thông tin, ở đây, tôi chỉ bàn về vấn đề rủi ro pháp lý, rủi ro pháp lý của hợp đồng điện tử có thể nêu ra gồm:
Do hợp đồng điện tử mang tính phi biên giới, vì vậy, khi xảy ra tranh chấp, rất khó xác định được địa điểm giao kết hợp đồng, đặc biệt là trong các giao dịch quốc tế.
Do tính phi vật chất, vô hình của hợp đồng, vì vậy, khi có tranh chấp trước tòa và cơ quan tranh tụng, việc chứng minh bản gốc, chữ ký gốc sẽ khó khăn hơn. Đây được coi là vấn đề chứng cứ và nghĩa vụ chứng minh của các bên khi giải quyết trước cơ quan tranh chấp.
Một rủi ro nữa là đến từ bên thứ 3 lưu trữ, chứng thực dữ liệu. Việc mất dữ liệu là một vấn đề rất lớn và thương xuyên có thể xảy ra.
Vấn đề làm thế nào để có được một chữ ký điện tử đáng tin cậy? Vấn đề bảo mật hợp đồng?
Bên cạnh đó, do là mội trường ảo, do vậy, các đối tác sẽ rất khó khăn trong việc xác định năng lực pháp lý của đối tác giao kết.
Vấn đề lộ thông tin do hacker mạng tấn công và bị mất thông tin thẻ tín dụng cũng là một trong những rủi ro cho các bên trong việc giao kết và thực hiện hợp đồng thương mại điện tử.
Vấn đề lừa đảo trong hoạt động hợp đồng luôn được đặt ra và đưa tới những rủi ro rất lớn. Ví dụ về chất lượng hàng hóa, về vấn đề thanh toán.
Người tiêu dùng và các bên hoàn toàn có thể chịu thiệt hai do hành vi lừa đảo diễn ra.
Sự hiểu biết của người dân đối với hợp đồng thương mại điện tử còn hạn chế.
Phóng viên: Thưa luật sư, HĐTM điện tử có giá trị pháp lý như thế nào?
Luật sư Nguyễn Thanh Hà: Hợp đồng thương mại điện tử có giá trị pháp lý như việc giao kết hợp đồng theo các hình thức truyền thống.
Theo quy định tại Điều 11, Điều 12, Điều 13 và Điều 14 Luật Giao dịch điện tử thì các thông tin trong thông điệp dữ liệu không bị phủ nhận giá trị pháp lý chỉ vì thông tin đó được thể hiện thông điệp dữ liệu. Thông điệp dữ liệu này có giá trị như văn bản, có giá trị như bản gốc và có giá trị làm chứng cứ.
Phóng viên: Hiện nay, các quy định pháp lý ký kết bằng hợp đồng điện tử được quy định tại VN như thế nào? Các quy định này còn những hạn chế như thế nào trong việc giúp các DN tránh được những rủi ro khi thực hiện giao kết bằng hợp đồng thương mại điện tử?
Năm 2005 đã có Luật giao dịch điện tử để điều chỉnh các quan hệ pháp luật về giao dịch điện tử. Ngày 16/5/2013 Chính phủ đã ban hành Nghị định số 52/2013/NĐ-CP về Thương mại điện tử thay thế Nghị định 57/2006/NĐ-CP.
Nghị định mới quy định cụ thể về các hoạt động thương mại điện tử cũng như công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực này, với mục tiêu thiết lập hành lang pháp lý cho các giao dịch Thương mại điện tử được tiến hành một cách minh bạch, trên cơ sở cạnh tranh lành mạnh, qua đó tạo điều kiện để thương mại điện tử phát triển góp phần nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp và xây dựng các tập quán thương mại hiện đại cho Việt Nam.
Hiện nay đã có quy phạm pháp luật để điều chỉnh giao dịch điện tử trong các lĩnh vực như Ngân hàng, thuế… (Thông tư số 180/2010/TT-BTC ngày 10/11/2010 của Bộ Tài và Thông tư số 35/2013/TT-BTC sửa đổi bổ sung Thông tư 180/2010/TT-BTC; Nghị định số 35/2007/NĐ-CP về giao dịch điện tử trong hoạt động ngân hàng…)
Chưa có quy định về hợp đồng điện tử có yếu tố nước ngoài. Luật Giao dịch điện tử chỉ có một điều quy định về thừa nhận giá trị pháp lý của chữ ký điện tử và chứng thư điện tử nước ngoài.
Chưa có hướng dẫn đầy đủ về chuẩn công nghệ và những vấn đề kỹ thuật về hợp đồng điện tử.
Thiếu những quy định cụ thể hướng dẫn quy trình, thủ tục ký kết hợp đồng điện tử.
Việc thanh toán trong các giao dịch thương mại điện tử vẫn gặp nhiều rủi ro.
Chưa có quy định đủ chặt chẽ để ngăn chặn hiện tượng lừa đảo trong việc ký kết hợp đồng điện tử.
Phóng viên; Theo Luật sư, các doanh nghiệp cần lưu ý gì khi thực hiện giao kết bằng hợp đồng thương mại điện tử?
Luật sư Nguyễn Thanh Hà: Các doanh nghiệp cần tìm hiểu các đối tác về năng lực, về độ tin cậy, tín nhiệm của đối tác qua các kênh khác nhau.
Tìm hiểu kỹ các sản phẩm giao dịch hoặc phải quan tâm đến sản phẩm giao dịch và chất lượng sản phẩm mẫu như thế nào
Xây dựng chiến lược ứng dụng thương mại điện tử, nâng cao kiến thức và kỹ năng về ký kết và thực hiện hợp đồng điện tử của doanh nghiệp.
Doanh nghiệp cần đẩy mạnh việc ký kết và thực hiện hợp đồng điện tử với các đối tác trong và ngoài nước nhưng cần nắm vững hệ thống luật quốc tế cũng như luật nước sở tại về giao dịch điện tử kèm theo các mẫu hợp đồng điện tử chuẩn mực.
Các điều khoản trong hợp đồng cần chặt chẽ và cụ thể
Cần có sự Hộ trợ pháp lý của các Luật sư để có thể loại trừ rủi ro khi giao kết và thực hiện hợp đồng.