Hợp đồng hôn nhân nhằm mục đích trục lợi là trái luật

Nội dung bài viết

Luật sư Nguyễn Thị Thu – Giám đốc Công ty Luật SBLaw đã trả lời về Hợp đồng hôn nhân trong phim “Về nhà đi con” trên Báo An ninh thủ đô. Dưới đây là nội dung chi tiết:
Trong bộ phim ăn khách “Về nhà đi con” đang được trình chiếu trên truyền hình, “hợp đồng hôn nhân” giữa hai nhân vật chính được coi là một điểm nhấn quan trọng. Do vậy, điều được nhiều người quan tâm là loại hợp đồng này được thực hiện ra sao và theo quy định hiện hành, “hợp đồng hôn nhân” có hợp pháp?

Pháp luật chưa có quy định về hợp đồng hôn nhân?

Điều 385 BLDS 2015 quy định, hợp đồng là sự thỏa thuận giữa các bên về việc xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự. Còn theo Luật HNGĐ 2014, hôn nhân là quan hệ giữa vợ và chồng sau khi kết hôn.

Như vậy, hợp đồng hôn nhân là sự thỏa thuận giữa vợ và chồng về quan hệ hôn nhân giữa hai người. Tuy nhiên, hiện nay, pháp luật Việt Nam chưa có quy định cụ thể nào về hợp đồng hôn nhân ngoài thỏa thuận về chế độ tài sản trước, trong và sau thời kỳ hôn nhân – Luật sư Nguyễn Thị Thu – Đoàn Luật sư Hà Nội cho biết.

Việc xác lập quan hệ hôn nhân nhằm mục đích xây dựng gia đình giữa nam và nữ, trên tinh thần tự nguyện, do hai người có đủ điều kiện để kết hôn và được đăng ký tại cơ quan có thẩm quyền, được pháp luật bảo vệ.

Do đó, bất cứ loại hợp đồng nào không nhằm mục đích xây dựng gia đình mà chỉ lợi dụng việc kết hôn để thực hiện mục đích khác như xuất nhập cảnh, cư trú, nhập quốc tịch… là trái pháp luật và sẽ bị xử lý nghiêm.

ảnh 1 Kết hôn giả tạo nhằm mục đích trục lợi là vi phạm pháp luật (ảnh minh họa)

Cũng theo Luật sư Nguyễn Thị Thu, Điều 47 Luật HNGĐ 2014 còn nêu rõ, giữa vợ chồng chỉ có thỏa thuận về chế độ tài sản là có thể lập thành hợp đồng. Thỏa thuận này phải lập trước khi kết hôn dưới hình thức là văn bản có công chứng hoặc chứng thực và được xác lập kể từ ngày đăng ký kết hôn.

Nội dung cơ bản của thỏa thuận về chế độ tài sản của vợ chồng gồm: Tài sản được xác định là tài sản chung, tài sản riêng của vợ chồng; Quyền, nghĩa vụ của vợ chồng đối với tài sản chung, tài sản riêng và giao dịch có liên quan; tài sản để bảo đảm nhu cầu thiết yếu của gia đình; Điều kiện, thủ tục và nguyên tắc phân chia tài sản khi chấm dứt chế độ tài sản.

Trong một số trường hợp, thỏa thuận về chế độ tài sản của vợ chồng bị Tòa án tuyên bố vô hiệu. Đó là khi thỏa thuận này không tuân thủ điều kiện có hiệu lực của giao dịch được quy định tại BLDS và các luật khác có liên quan; Vi phạm một trong các quy định của Luật HNGĐ 2014 về nguyên tắc chung về chế độ tài sản của vợ chồng; quyền, nghĩa vụ vợ chồng trong việc đáp ứng nhu cầu thiết yếu của gia đình; giao dịch liên quan đến nhà ở là nơi duy nhất của vợ chồng.

Mặt khác, khi nội dung của thỏa thuận vi phạm nghiêm trọng quyền được cấp dưỡng, quyền được thừa kế và quyền, lợi ích hợp pháp khác của cha, mẹ, con và thành viên khác của gia đình thì hợp đồng cũng vô hiệu.

Ngoài hợp đồng về chế độ tài sản của vợ chồng thì những thỏa thuận khác đều không được pháp luật quy định. Những hợp đồng hôn nhân vì mục đích trục lợi, hợp đồng lập ra để kết hôn giả là vi phạm pháp luật.

Kết hôn giả có thể bị phạt đến 20 triệu đồng

Điều 11 Luật HNGĐ 2014 và Điều 4 Thông tư liên tịch 01/2016/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BTP quy định về xử lý kết hôn giả tạo. Theo đó, để hủy kết hôn trái pháp luật thì Tòa án căn cứ vào yêu cầu của vợ, chồng, điều kiện kết hôn, điều kiện công nhận quan hệ hôn nhân hợp pháp… để quyết định – Luật sư Nguyễn Thị Thu nhận định.

Khi việc kết hôn giả tạo bị Tòa án tuyên hủy thì quan hệ vợ chồng giữa hai người sẽ chấm dứt. Kèm theo đó quan hệ giữa cha mẹ và con cái, chế độ tài sản chung sẽ được giải quyết như khi vợ chồng ly hôn.

Ngoài việc không được pháp luật công nhận, kết hôn giả tạo còn có thể bị phạt hành chính nếu nhằm mục đích trục lợi.

Điều 28 Nghị định 110/2013/NĐ-CP quy định, người nào lợi dụng việc kết hôn để xuất cảnh, nhập cảnh; nhập quốc tịch Việt Nam, quốc tịch nước ngoài; hưởng chế độ ưu đãi của Nhà nước hoặc thực hiện các mục đích trục lợi khác thì có thể bị phạt tiền từ 10-20 triệu đồng.

Như vậy, hợp đồng hôn nhân thỏa thuận về chế độ tài sản của vợ chồng được pháp luật Việt Nam công nhận nếu đáp ứng đủ điều kiện theo quy định, song nếu không vì mục đích xây dựng gia đình mà chỉ nhằm kết hôn giả tạo là vi phạm pháp luật.

Khi chế độ tài sản theo thỏa thuận đã được xác lập đúng thủ tục theo quy định của pháp luật thì chế độ tài sản theo thỏa thuận vẫn có giá trị pháp lý để làm căn cứ giải quyết việc ly hôn.

“Pháp luật hiện hành mới chỉ công nhận hợp đồng hôn nhân ở khía cạnh phân chia tài sản vợ chồng mà chưa có quy định nào liên quan đến những thỏa thuận về nhân thân’”– Luật sư Nguyễn Thị Thu nhấn mạnh.

Trích nguồn: https://anninhthudo.vn/doi-song/hop-dong-hon-nhan-nham-muc-dich-truc-loi-la-trai-luat/818729.antd

0/5 (0 Reviews)

Tư vấn pháp lý

Liên hệ với chúng tôi để được hỗ trợ tư vấn 24/7

    Bài viết liên quan