Doanh nghiệp hỏi: Công ty chúng tôi dự định sẽ mở 1 chi nhánh ở tp. HCM để tiện việc xin work permit, thẻ tạm trú cho các nhân viên người nước ngoài.
Chúng tôi muốn hỏi là theo luật thì trong trường hợp các bạn này đã được cấp work permit và thẻ tạm trú dưới sự bảo lãnh của chi nhánh HCM thì người lao động có cần thiết phải thực sự sống và làm việc tại chi nhánh HCM không? Nếu người lao động sống và làm việc tại chi nhánh Đà Nẵng hoặc Hà Nội thì có được không?
Vấn đề nữa mà chúng tôi hỏi đó là:
Người sử dụng lao động sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính từ 5-10,000,000VNĐ đối với mỗi người lao động, tối đa không quá 75,000,000VNĐ" quy định này áp dụng cho 1 lần vi phạm hay nhiều lần vi phạm cộng vào?
Hiện tại, công ty chúng tôi đang khó khăn về việc làm work permit và gia hạn cư trú cho người lao động foreigners đang làm việc ở Hà Nội và Đà Nẵng, chúng tôi có hỏi được vài bên agencies thì phương án xin work permit ở Hồ Chí Minh là thực hiện được.
Tuy nhiên có 1 số vướng mắc như chúng tôi đã nêu ở trên, luật sư tư vấn giúp chúng tôi xem có thể làm cách nào để các bạn đó có thể làm được work permit mà không làm việc ở HCM được không?
Ngoài ra, chi nhánh HCM đó của công ty sẽ chỉ có 100% người nước ngoài làm việc, không có người Việt thì có được không?
Về vấn đề doanh nghiệp hỏi, SBLAW trả lời như sau:
Theo quy định của Bộ luật lao động năm 2019 thì trường hợp Người lao động làm việc không đúng với nội dung của giấy phép lao động đã được cấp thì Giấy phép lao động sẽ bị hết hiệu lực. Người sử dụng lao động sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính từ 5-10,000,000VNĐ đối với mỗi người lao động, tối đa không quá 75,000,000VNĐ.
Như vậy, nếu phía doanh nghiệp xin giấy phép lao động cho người lao động nước ngoài làm việc ở thành phố Hồ Chí Minh nhưng lại thường xuyên làm việc ở Đà Nẵng thì được coi là hành vi sử dụng lao động nước ngoài không đúng với nội dung của giấy phép lao động vì địa điểm làm việc là một trong những nội dung được ghi nhận trong Giấy phép lao động.
Tất nhiên, trong quá trình làm việc của người lao động nước ngoài tại Việt Nam, luật không hạn chế trường hợp người lao động đi công tác ở ngoài địa điểm làm việc ghi nhận trong giấy phép lao động để thực hiện công việc.
Mức xử phạt 75 triệu là cho một lần vi phạm. Thực tế nếu đã bị xử phạt vi phạm hành chính vì hành vi sử dụng lao động nước ngoài không đúng với nội dung trong giấy phép lao động thì giấy phép lao động cũng sẽ bị hết hiệu lực ngay lập tức. Do đó, sẽ không có cơ hội cho lần vi phạm thứ 2 cho cùng người lao động nước ngoài đó.
Quy định của pháp luật là tuân thủ theo đúng nội dung ghi trên giấy phép lao động, vì vậy, không có phương án nào cho phép người lao động có địa điểm làm việc tại thành phố Hồ Chí Minh ghi trên giấy phép lao động mà lại không làm việc ở thành phố Hồ Chí Minh.
Về vấn đề chi nhánh có 100% người lao động làm việc là người nước ngoài, không có người Việt làm việc, vẫn thực hiện được theo quy định của pháp luật lao động Việt Nam.