Hội nhập TPP và những ràng buộc về sở hữu trí tuệ

Nội dung bài viết

Một trong những rào cản khi Việt Nam gia nhập vào hiệp định xuyên Thái Bình Dương là vấn đề về sở hữu trí tuệ. Do đó, trước khi TPP có hiệu lực, các doanh nhiệp Việt Nam cần chuẩn bị những gì? Mời quý vị và các bạn theo dõi những nhận định của luật sư Nguyễn Thanh Hà trên kênh congnghieptieudung.vn:

 

Đối mặt với nhiều rủi ro
Theo nhiều chuyên gia, SHTT là một vấn đề đau đầu cho Chính phủ Việt Nam khi hội nhập TPP. Khi TPP chính thức có hiệu lực, các doanh nghiệp (DN) Việt Nam sẽ phải đối mặt với các rủi ro liên quan đến quyền SHTT. Theo Bộ trưởng Bộ KHCN Nguyễn Quân, các DN Việt Nam có thể phá sản và giải thể nếu như không chuẩn bị trước để đáp ứng các quy định về SHTT trong TPP. Đây là một lời cảnh báo nghiêm khắc hơn bao giờ hết.
Lấy ví dụ trong lĩnh vực bản quyền phần mềm, đây là lĩnh vực mà Việt Nam hay vướng rắc rối nhiều nhất với hàng loạt những vụ vi phạm bản quyền phần mềm được phát hiện. Hiện nay, phần lớn các DN thường đối phó bằng cách chỉ mua một số ít phần mềm có bản quyền. “Tuy nhiên, khi tham gia TPP, không thể trốn tránh việc sử dụng phần mềm bản quyền, chi phí của DN tăng lên, sức cạnh tranh sẽ giảm đi, ” Bộ trưởng Bộ KHCN Nguyễn Quân nhấn mạnh.
Liên quan đến nhãn hiệu hàng hóa và chỉ dẫn địa lý, Hiệp định TPP yêu cầu Việt Nam gia nhập Điều ước về Luật Nhãn hiệu. Điều ước đòi hỏi phải đơn giản hóa thủ tục, xác định quyền đối với nhãn hiệu, tức là thủ tục đăng ký nhãn hiệu.
Bà Nguyễn Thị Thanh Hà – Trưởng Phòng Pháp chế, Cục Sở hữu Trí tuệ cho biết, tham gia TPP, các nước được yêu cầu phải bảo hộ chỉ dẫn địa lý, tức là tên gọi của các địa phương dùng để chỉ dẫn hàng hóa, những đặc sản của vùng miền, ví dụ như ‘Cà phê Buôn Ma Thuột’ hay ‘Nước mắm Phú Quốc’. Những chỉ dẫn địa lý này phải được bảo hộ như nhãn hiệu, thậm chí là nhãn hiệu cá thể. Tuy nhiên, nếu như có ai đó đã đăng ký chỉ dẫn địa lý dưới dạng nhãn hiệu thì người đó sẽ có quyền chống lại các chỉ dẫn địa lý khác. Điển hình như khi Việt Nam bị mất nhãn hiệu ‘Cà phê Buôn Ma Thuột’ vào tay một doanh nghiệp Trung Quốc, khi chiếu theo nguyên tắc này thì Việt Nam sẽ không đòi lại được.
Sẽ thực hiện cam kết theo lộ trình
Trên thực tế, Việt Nam đã xác lập được quyền SHTT nhưng hệ thống thực thi quyền SHTT còn yếu kém. Nhiều trường hợp tranh chấp giữa các DN về nhãn hiệu, kiểu dáng công nghiệp lại không có tòa án chuyên ngành để thụ lý, giải quyết. Trong khi đó, các tòa án dân sự lại không có các thẩm phán về SHTT nên chưa xử được các vụ tranh chấp.
Mặt khác, đội ngũ giám định viên hiện nay còn rất ít. Các tổ chức giám định gần như chưa có để giám định các vi phạm về SHTT, giúp tòa án dựa vào đó làm căn cứ khi đưa ra các quyết định. Đây là vấn đề đáng lo ngại khi làn sóng đầu tư từ nước ngoài vào Việt Nam có thể sẽ làm ‘bùng nổ’ các tranh chấp.
Bộ trưởng Bộ KHCN Nguyễn Quân cho biết thêm, hiện nay tất cả các vi phạm SHTT tại Việt Nam vẫn đang được xử lý bằng xử phạt hành chính. Nhưng ngay khi Việt Nam tham gia TPP, các vi phạm sẽ được xử lý hình sự. Tùy theo mức độ của các hành vi vi phạm sẽ có biện pháp hành chính, cảnh cáo, phạt tù tương ứng. Vì thế, các DN tiếp tục có hành vi xâm phạm về SHTT sẽ đứng trên bờ vực phá sản.
Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh – Trưởng đoàn đám phán TPP, việc cho phép xử lý hình sự các xâm phạm quyền SHTT là cách tiếp cận đi xa hơn cách tiếp cận trong WTO (Tổ chức Thương mại Thế giới), chỉ xử lý hình sự khi xâm phạm ở quy mô thương mại và thu lợi bất chính.
Những nội dung quy định liên quan sẽ tạo điều kiện dễ dàng hơn cho các DN trong việc tìm kiếm, đăng ký và bảo vệ quyền SHTT ở các thị trường mới, và đây là điều rất cần thiết cho các DN nhỏ. Thứ trưởng Trần Quốc Khánh cũng cho biết, Việt Nam đồng ý với những tiêu chuẩn của TPP, song sẽ thực hiện cam kết theo lộ trình, phù hợp với trình độ phát triển và năng lực thực thi của mình.
Doanh nghiệp phải chủ động
Thứ trưởng Bộ KHCN Trần Việt Thanh cho biết thêm, Hiệp định TPP trong đó Việt Nam là thành viên có tiêu chuẩn cao về thương mại, nhất là về khía cạnh SHTT, với các quy định phải thực hiện rất cao so với các hiệp định trước đây, nhất là với các DN. Các vấn đề liên quan đến SHTT như thực thi quyền SHTT, bảo hộ quyền SHTT trong kinh doanh quốc tế cần phải được đặc biệt lưu tâm. Có như vậy thì các DN mới có thể chủ động để phát huy hoạt động quản trị tài sản trí tuệ của mình một cách hiệu quả hơn, và rất nên có nhân sự được đào tạo chuyên môn về quản trị tài sản trí tuệ trong DN,” Thứ trưởng Trần Việt Thanh nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Hữu Cẩn – Phó Viện trưởng Viện Khoa học sở hữu trí tuệ đưa ra con số: 81% bên mua lại các tài sản trí tuệ của DN Việt Nam có quốc tịch từ châu Á và châu Âu, 25% yếu tố thúc đẩy hành vi mua là các quyền SHTT đã được xác lập, các tác động của quá trình chuyển nhượng tài sản trí tuệ đối với bên bán (DN Việt Nam) và bên mua (DN nước ngoài). Con số thống kê trên cho thấy DN Việt Nam vẫn chưa thực sự quan tâm đến vấn đề SHTT.
Doanh nghiệp cần chuẩn bị những gì?
Luật sư Nguyễn Thanh Hà – Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Công ty luật SBLAW, mộtchuyên gia có nhiều năm kinh nghiệm về lĩnh vực luật kinh tế, SHTT ở Việt Nam hiện nay, nhận định: Phần lớn DN Việt Nam là DN nhỏ và vừa, tiềm lực về tài chính còn rất hạn hẹp. Để tiến hành kinh doanh với số vốn nhỏ, chúng ta thông thường bỏ qua những yêu cầu tuân thủ về SHTT, ví dụ chúng ta phần lớn là dùng phần mềm lậu, không có bản quyển. Vì vậy, khi vào TPP, với sức ép phải tuân thủ nghiêm ngặt hơn về SHTT thì thực sự cũng là một sức ép vô cùng lớn cho các DN.
Nếu đặt một giả thuyết là tới 90% DN hiện nay dùng phần mềm có bản quyền thì số tiền để chi là một con số khổng lồ. Vì vậy, đối với cộng đồng DN, chúng ta cũng dần quan tâm hơn tới vấn đề SHTT, có những bước chuẩn bị về tài chính, về nhân lực và về kỹ thuật để khi hội nhập TPP, chúng ta không bị bất ngờ và có biện pháp xử lý một cách thoả đáng.
Nguồn: http://www.congnghieptieudung.vn/hoi-nhap-tpp-va-nhung-rang-buoc-ve-so-huu-tri-tue-dt2788#sthash.XMZnov7E.dpuf
0/5 (0 Reviews)

Tư vấn pháp lý

Liên hệ với chúng tôi để được hỗ trợ tư vấn 24/7

    Bài viết liên quan