Hoạt động thông tin truyền thông và vấn đề đặt ra đối với đào tạo nghề luật sư tại Học viện Tư pháp

Nội dung bài viết

Triển khai Kế hoạch hoạt động khoa học năm 2023, chiều ngày 28/8/2023, Học viện Tư pháp tổ chức Hội thảo “Hoạt động thông tin, truyền thông của luật sư và những vấn đề đặt ra đối với đào tạo nghề luật sư tại Học viện Tư pháp”.

Thành phần tham dự hội thảo

Dự Hội thảo có

  • LS. Lê Đăng Tùng - Phó chủ nhiệm Ủy ban khen thưởng và kỷ luật Liên đoàn Luật sư Việt Nam;
  • LS. Chu Thị Trang Vân - Phó trưởng Ban đào tạo, Phó Giám đốc Trung tâm bồi dường, Liên đoàn Luật sư Việt Nam;
  • LS. Phạm Thanh Bình - Ủy viên Ban chủ nhiệm Đoàn luật sư Hà Nội.

Về phía Học viện Tư pháp có

  • PGS.TS. Nguyễn Minh Hằng - Phó Giám đốc Học viện;
  • TS. Lê Thị Thúy Nga - Trưởng Khoa Đào tạo chung nguồn Thẩm phán, Kiểm sát viên, Luật sư;
  • TS. Ngô Thị Ngọc Vân - Phó trưởng Khoa Đào tạo chung nguồn Thẩm phán, Kiểm sát viên, Luật sư
  • Cùng các thầy, cô là giảng viên thỉnh giảng, giảng viên cơ hữu và cựu học viên, học viên các lớp đào tạo chung nguồn Thẩm phán, Kiểm sát viên, Luật sư tại Hà Nội và cơ sở Hồ Chí Minh tham dự trực tiếp và trực tuyến qua phần mềm Microsoft Teams.

Vấn đề hoạt động thông tin truyền thông

Truyền thông là một hiện tượng xã hội ra đời và phát triển cùng với quá trình hình thành, phát triển của xã hội và loài người. Trong quá trình phát triển, loài người luôn có nhu cầu giao tiếp, truyền thông tin từ người này sang người khác. Để đạt được mục đích đó, họ sáng tạo ra các loại ký hiệu, tín hiệu có ý nghĩa làm công cụ để tác động trực tiếp tới tư duy của đối tượng mà họ muốn hướng tới.

Cách mạng công nghiệp 4.0 đang tác động tới mọi ngành nghề và cuộc sống của dân cư trên thế giới, có thể nói sự phát triển của thế giới trong vòng vài thập kỷ vừa qua đã khiến xã hội loài người phải nhìn nhận nhiều vấn đề trước đây chúng ta chưa từng đối mặt. Nghề luật sư vốn là nghề nghiệp có lịch sử phát triển lâu đời cũng nằm trong quy luật đó, với những thách thức về các kiến thức mới, phương thức làm việc mới, kèm theo đó là những vấn đề đạo đức mới nảy sinh trong quá trình hành nghề. Luật sư trong hoạt động thông tin, truyền thông trong thời đại hiện nay cần hiểu được trách nhiệm của mình khi thực hiện các hoạt động thông tin, truyền thông, những điều luật sư không được làm và từ đó xây dựng thái độ ứng xử phù hợp, góp phần tạo hình ảnh đẹp, nâng cao uy tín của giới luật sư trong xã hội.

Luật sư phải phát triển nhiều kỹ năng đa dạng ngoài chuyên môn pháp lý để đáp ứng được nhu cầu nghề nghiệp và yêu cầu của xã hội. Vì vậy, ngoài hiểu biết về chuyên môn và các kỹ năng hành nghề luật sư thì kỹ năng thực hiện hoạt động thông tin và truyền thông ngày càng trở nên quan trọng đối với các luật sư muốn đi đầu và thành công trong bối cảnh pháp lý hiện đại. Việc phát triển những kỹ năng này có thể giúp luật sư hiểu rõ hơn về khách hàng của họ, truyền đạt hiệu quả chuyên môn pháp lý của họ và tạo dựng danh tiếng vững chắc trong môi trường dịch vụ pháp lý có tính cạnh tranh ngày càng khốc liệt. Truyền thông đóng vai trò quan trọng trong việc giáo dục và truyền tải thông tin đến mọi người. Do đó, căn cứ vào nguồn lực về nhân sự, tài chính và sở trường của mình, mỗi tổ chức hành nghề luật sư, cá nhân luật sư có thể dùng một hoặc nhiều công cụ truyền thông phù hợp nhằm phát triển và mang lại doanh thu cho mình. Để thực hiện các phương pháp truyền thông một cách hiệu quả, các văn phòng luật sư cần phải lập kế hoạch, xác định đối tượng tiếp nhận thông điệp truyền thông, có hoạt động đo lường, đánh giá hiệu quả để có kế hoạch điều chỉnh….

Nhận thức được tầm quan trọng trong việc nâng cao nhận thức và kỹ năng của luật sư trong hoạt động thông tin, truyền thông, Học viện Tư pháp tổ chức hội thảo “Hoạt động thông tin, truyền thông của luật sư và những vấn đề đặt ra đối với đào tạo nghề luật sư tại Học viện Tư pháp”. Hội thảo được tổ chức nhằm nâng cao nhận thức của luật sư, học viên các lớp đào tạo các chức danh tư pháp … cũng như giúp họ xác định được những kỹ năng khi tham gia hoạt động thông tin, truyền thông, đồng thời hiểu rõ trách nhiệm của người luật sư khi thực hiện các hoạt động thông tin, truyền thông, đánh giá tầm quan trọng của việc đào tạo các chức danh tư pháp trong việc nâng cao nhận thức, kỹ năng của luật sư khi tham gia hoạt động thông tin, truyền thông.

Tại Hội thảo, các đại biểu đánh giá toàn diện về hoạt động truyền thông, thông tin gắn với hoạt động nghề của luật sư. Từ đó nhìn nhận được thời cơ, thách thức trong bối cảnh mới, đòi hỏi xây dựng các giải pháp thích ứng với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Các đại biểu cũng trao đổi, chia sẻ những nội dung quan trọng của hoạt động truyền thông, thông tin của luật sư và kinh nghiệm của luật sư khi thực hiện hoạt động này, từ đó chỉ ra những nguyên nhân, hạn chế và đề xuất những giải pháp nhằm nâng cao chất lượng hoạt động truyền thông, thông tin của luật sư; Các đại biểu khẳng định tầm quan trọng của việc đào tạo các chức danh tư pháp trong việc nâng cao nhận thức, kỹ năng của luật sư khi tham gia hoạt động truyền thông, thông tin và đề nghị có bài chuyên sâu về truyền thông, thông tin trong chương trình đào tạo nghề luật sư tại Học viện Tư pháp.

Phát biểu tại Hội thảo, PGS.TS. Nguyễn Minh Hằng cảm ơn các đại biểu tham dự Hội nghị và có nhiều ý kiến hữu ích. Kết quả của Hội thảo là nền tảng để đơn vị chuyên môn có cách nhìn toàn diện trong quá trình hoàn thiện, chỉnh sửa chương trình đào tạo Luật sư và chương trình đào tạo chung nguồn Thẩm phán, Kiểm sát viên, Luật sư - chương trình đã tạo được tiếng vang và nhận được đánh giá cao của các đơn vị chuyên môn liên quan. Việc chỉ ra được nguyên nhân, hạn chế và đề xuất những giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động truyền thông, thông tin của luật sư sẽ góp phần hoàn thiện chương trình đào tạo, để ngay khi tốt nghiệp các khóa đào tạo tại Học viện Tư pháp, các học viên sẽ đủ năng lực đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn hành nghề.

Tham luận của luật sư Nguyễn Thanh Hà trong buổi hội thảo

Kính thưa các thầy cô giáo và các đại biểu tham dự hội thảo.

Tôi là Nguyễn Thanh Hà, chủ tịch công ty luật SBLAW, được ban tổ chức phân công tham gia hội thảo với tham luận Thực trạng tham gia hoạt động thông tin, truyền thông của luật sư Việt Nam.

Bài tham luận đã được in và gửi cho các vị đại biểu, tại hội thảo này, tôi tóm tắt một số nội dung trong tham luận của tôi như sau:

  1. Đặt vấn đề.

Ngày nay, hoạt động thông tin và truyền thông giữ vai trò quan trọng trong đời sống và kinh tế, đặc biệt là truyền thông trong giai đoạn phát triển của nền kinh tế số.

Theo một thống kê hiện nay, Việt Nam có gần 20 nghìn luật sư và có hàng nghìn tổ chức hành nghề luật sư trên cả nước, dịch vụ pháp lý cũng được coi là một ngành dịch vụ ngày càng cạnh tranh và có doanh số ngày càng lớn, ví dụ như ngành dịch vụ pháp lý của Hàn Quốc một năm có giá trị gần 3 tỷ usd thì trong tương lai, khi nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng, ngành dịch vụ pháp lý cũng sẽ rất phát triển và đóng góp chung vào sự phát triển của GDP.

Vì vậy, bản than các luật sư cũng cần tham gia tích cực vào hoạt động thông tin, truyền thông nhằm giới thiệu các dịch vụ của mình tới khách hàng trong và ngoài nước.

Trong bài tham luận này, tôi muốn nêu ra một số vấn đề của hoạt động này với giới luật sư qua những trải nghiệm và quan sát của tôi với tư cách là một người điều hành một công ty luật có 15 kinh nghiệm và hành nghề tư vấn luật gần 20 năm.

  1. Hoạt động thông tin, truyền thông của luật sư ở Việt Nam.

Quan hệ của luật sư với cơ quan thông tin, truyền thông.

Các luật sư ngày nay có mối quan hệ với cơ quan truyền thông nhằm tuyên truyền phổ biến pháp luật, ví dụ các luật sư tham gia trả lời phỏng vấn, giải đáp pháp luật trên báo, đài phát thanh và truyền hình về các vấn đề pháp lý liên quan, ví dụ như cá nhân tôi, hàng tuần thường tham gia vào trả lời phỏng vấn về các vấn đề pháp lý về đầu tư, kinh doanh trên các phương tiện truyền thông nhằm phổ biến tuyên truyền pháp luật.

Đối với các luật sư, việc cung cấp các quan điểm, đánh giá của luật sư về các quy định của pháp luật, các vụ án sẽ giúp dư luận có cái nhìn đa chiều hơn về các vấn đề pháp lý liên quan và tạo được sức mạnh dư luận với các cơ quan nhà nước nhằm sửa đổi, hoàn thiện quy định của luật nói chung và quyết định một vấn đề cụ thể.

Nhiều vụ việc như các vụ án oan trong thời gian vừa qua, cũng có sự phối hợp giữa cơ quan truyền thông và luật sư.

Cơ quan truyền thông có chức năng giám sát, phản biện xã hội thì chức năng của luật sư là theo đuổi, bảo vệ lợi ích của khách hàng trên cơ sở pháp luật và góp phần vào bảo vệ công lý, trong mối tương quan này, luật sư và báo chí luôn hỗ trợ và đồng hành cùng nhau.

Luật sư tham gia vào hoạt động thông tin và truyền thông

Các luật sư tham gia vào hoạt động truyền thông với nhiều cách thức khác nhau như phát biểu về một vụ án/vụ việc do mình phụ trách với vai trò là luật sư tư vấn/luật sư bào chữa, bảo vệ, thay mặt khách hàng trả lời các câu hỏi của cá nhân, tổ chức và cơ quan truyền thông.

Trả lời phỏng vấn, giải đáp pháp luật, bình luận, trao đổi về một vụ việc và một vụ án mà dư luận đang quan tâm.

Luật sư cũng tham gia vào viết các bài viết, bài tham luận về các vấn đề khoa học, pháp lý trên các website, các mạng xã hội.

Có thể khẳng định, thông qua các hoạt động này, hình ảnh, vai trò của luật sư được quảng bá rộng rãi, xã hội nhìn nhận và hiểu về hoạt động của luật sư tốt hơn.

Vai trò của luật sư không chỉ là cung cấp dịch vụ pháp lý cho khách hàng mà còn đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo tính chính xác, sự thật của thông tin trên truyền thông. Tác động đến sự hiểu biết của mọi người về lĩnh vực pháp lý, góp phần xây dựng xã hội văn minh, thượng tôn pháp luật hơn.

Trách nhiệm pháp lý và đạo đức của luật sư khi tham gia vào hoạt động truyền thông.

Khi tham gia vào các hoạt động thông tin, truyền thông, luật sư ngoài việc tuân thủ các quy định về nghề nghiệp của mình, còn tuân thủ các quy định pháp luật như Bộ luật Dân sự, Luật Tiếp cận thông tin, Luật An toàn thông tin mạng, Luật Báo chí, Luật Quảng cáo, Luật An ninh mạng, Luật Bảo vệ bí mật nhà nước, Bộ luật Hình sự, … các văn bản hướng dẫn thi hành và văn bản quy định về xử lý vi phạm hành chính của các lĩnh vực đó.

Ngoài ra, luật sư hành nghề còn phải tuân thủ quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp. Quy tắc 31 Bộ Quy tắc đạo đức và ứng xử hành nghề Luật sư quy định trách nhiệm của Luật sư khi cung cấp thông tin cho truyền thông báo chí như sau:

31.1. Khi cung cấp thông tin cho báo chí, phương tiện thông tin đại chúng, sử dụng mạng xã hội, Luật sư phải trung thực, chính xác, khách quan.

31.2. Luật sư không được sử dụng báo chí, phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội để cố ý phản ánh sai sự thật nhằm mục đích cá nhân, động cơ khác hoặc tạo dư luận nhằm bảo vệ quyền lợi không hợp pháp của khách hàng hoặc phát ngôn gây ảnh hưởng đến an ninh, lợi ích quốc gia và lợi ích công cộng.

31.3. Luật sư không được viết bài, phát biểu trên báo chí, phương tiện thông tin đại chúng, tại nơi công cộng, sử dụng mạng xã hội để nói xấu, công kích, bài xích hoặc gây chia rẽ, mất đoàn kết nội bộ giữa các Luật sư đồng nghiệp; gây tổn hại đến danh dự, uy tín của Luật sư, nghề Luật sư, Đoàn Luật sư và Liên đoàn Luật sư Việt Nam.”.

Một vấn đề cần lưu ý là việc đăng những thông tin chưa được kiểm chứng lên mạng xã hội không chỉ gây tổn hại đến danh dự, uy tín và nhân phẩm của người khác mà còn vi phạm pháp luật và Bộ Quy tắc Đạo đức và ứng xử hành nghề Luật sư Việt Nam.

Do đó, Luật sư cần phải hiểu rõ trách nhiệm của mình trong công việc đảm bảo tính chính xác và trung thực của thông tin trên truyền thông. Luật sư cần phải tuân thủ đầy đủ các quy định của pháp luật và Bộ Quy tắc Đạo đức và ứng xử hành nghề Luật sư Việt Nam, tránh các hành vi vi phạm và đảm bảo tính chính xác và trung thực của thông tin trên phương tiện truyền thông. Đây cũng là cách để Luật sư xây dựng uy tín và đóng góp vào sự phát triển của nghề Luật sư.

Vơi tốc độ truyền tải thông tin nhanh chóng trên các phương tiện truyền thông, trong nhiều trường hợp còn không thể kiểm soát được đồng nghĩa với việc Luật sư phải thận trọng hơn trong quá trình hành nghề.

Một lần tư vấn sai hoặc một quan điểm có thể gây tranh cãi có thể ngay lập tức bị hàng triệu người biết đến chỉ trong một thời gian ngắn, theo đó, có thể dẫn đến nguy cơ đánh mất hàng ngàn khách hàng hiện có và tiềm năng. Bất kì tin tức nào về luật sư được cho là chưa thật sự phù hợp với chuẩn mực đạo đức của luật sư hoặc khi luật sư tham gia vào một vụ việc pháp lý có tính chất thời sự nào đó thì mọi thông tin về luật sư sẽ thu hút sự quan tâm đặc biệt của cộng đồng, xã hội.

Công việc của luật sư liên quan đến quy định của pháp luật, do đó, trong giao tiếp cũng như trên những phương tiện truyền thông xã hội, thái độ, văn phong mà luật sư sử dụng phải có sự chừng mực nhất định, các ý kiến cá nhân phải có cơ sở rõ ràng và hình ảnh luật sư cũng không nên quá đời thường để tránh làm mất đi hình ảnh một luật sư chuyên nghiệp, nghiêm túc trong công việc.

  1. Thực trạng hoạt động thông tin, truyền thông của luật sư ở Việt Nam

Về thành tựu.

Theo báo cáo kết quả hoạt động truyền thông năm 2022 của cơ quan truyền thông liên đoàn Việt nam thì thấy liên đoàn luật sư đã thiết lập quan hệ với các cơ quan truyền thông của liên đoàn, với các cơ quan báo chí, xuất bản và triển khai thực hiện các dự án của Jica về truyền thông.

Hiện nay, Liên đoàn có tạp chí luật sư Việt Nam, cả bản điện tử và bản giấy, thường xuyên cập nhật các thông tin về các tổ chức hành nghề, hướng đến là một tạp chí nghiên cứu khoa học. Nhiều luật sư đã cung cấp các quan điểm, bài viết mang tính khoa học về các vấn đề trên tạp chí.

Bên cạnh đó, liên đoàn cũng tổ chưc các khóa tập huấn về bồi dưỡng kỹ năng truyền thông cho các luật sư.

Về phía các luật sư và tổ chức hành nghề, nhiều luật sư đã sử dụng các phương tiện truyền thông, mạng xã hội, website để giới thiệu tổ chức của mình tới công chúng.

Các luật sư cũng sử dụng các công cụ hiện đại để quảng bá hoạt động của mình, nhiều luật sư còn sử dụng các công cụ truyền thông quốc tế tương đối hiệu quả, sử dụng ngoại ngữ để truyền thông.

Vấn đề còn tồn tại

Các luật sư hiện nay chưa được đào tạo bài bản và chưa có kỹ năng về quảng cáo, truyền thông, chưa sử dụng được hiệu quả các công cụ truyền thông, quảng cáo vào hoạt động marketing, truyền thông dịch vụ của của mình đến với khách hàng.  Không thể là luật sư biết tuốt, vấn đề gì cũng trả lời, cần định vị mình.

Có luật sư thì ngại gặp truyền thông, nói là mình hữu xạ tự nhiên hương.

Thiếu nguồn lực và tài chính để đầu tư về mặt truyền thông một cách bài bản, sử dụng công nghệ để phát triển khách hàng và website công ty, nhằm thúc đẩy hoạt động của công ty. Ví dụ về việc dung mạng xã hội…. về adword, về quảng cáo…

Các luật sư thường bận rộn với hoạt động chuyên môn, ngại ngần trong việc viết bài viết, trả lời phỏng vấn vì mỗi lần tham gia hoạt động truyền thông, cần phải nghiên cứu, tốn nhiều thời gian.

Việc phát triển của các mạng xã hội là một công cụ để luật sư có thể quảng cáo, truyền thông hoạt động của mình đến với công chúng, tuy nhiên, một số hoạt động của luật sư hiện nay có dấu hiệu vi phạm quy tắc ứng xử đạo đức nghề nghiệp như cung cấp các quảng cáo sai sự thật, công bố những thông tin của khách hàng lên mạng xã hội khi chưa được phép của khách hàng nhằm tạo dư luận, gây áp lực với đối phương và cơ quan nhà nước.

Trong một số vụ việc gần đây, một số luật sư đã đăng tải các nội dung chưa được kiểm chứng, những thông tin thuộc bí mật cá nhân, bí mật gia đình và đời sống riêng tư và có một số vụ việc, sau khi thẩm định cơ quan tố tụng gửi công văn khiếu nại ra liên đoàn, khởi kiện đòi bồi thường thiệt hại hoặc có một số vụ việc cơ quan công an đã khởi tố vụ án.

Giải pháp

Liên đoàn luật sư và các đoàn luật sư nên hỗ trợ các luật sư truyền thông về hoạt động của mình, có thể sử dụng các website của đoàn luật sư để đưa các thông tin lên.

Liên đoàn và các đoàn luật sư cũng tổ chức các khóa tập huấn về kỹ năng truyền thông cho các luật sư thông qua những tình huống thực tế, những vấn đề mới phát sinh trong thực tiễn.

Tạp chí luật sư của liên đoàn cần chủ động hơn nữa, phối hợp với các luật sư để có những bài viết chất lượng, có chuyên mục thông tin về hoạt động của các công ty luật và tổ chức hành nghề.

Các luật sư cần trang bị kiến thức về truyền thông, thông tin thông qua tham gia các khóa học, tham gia ý kiến chuyên gia hoặc tư nghiên cứu để có thể có kiến thức về mặt truyền thông, thay đổi đổi nhận thức, coi hoạt động quảng bá, truyền thông marketing là một hoạt động quan trọng, bên cạnh hoạt động nghề nghiệp của luật sư, cũng như nghiên cứu các sai sót của các luật sư đi trước để rút kinh nghiệm cho mình.

Các luật sư cũng cần xây dựng một kế hoạch truyền thông tổng thể và kế hoạch marketing để phát triển dịch vụ của mình đối với khách hàng.

Kết luận

Các luật sư cần nắm vững quy định của pháp luật và Bộ quy tắc đạo đức và ứng xử nghề luật sư ở Việt Nam, tránh các hành vi vi phạm và đảm bảo tính chính xác, trung thực khi cung cấp thông tin.

 

Chưa bao giờ các luật sư có thể đưa dịch vụ của chúng ta đến cộng đồng dễ dàng như bây giờ, các luật sư cần tận dụng cơ hội này để phát triển nghề luật sư.

Luật sư Nguyễn Thanh Hà - Chủ tịch công ty luật SBLAW
Luật sư Nguyễn Thanh Hà - Chủ tịch công ty luật SBLAW

Hình ảnh của buổi hội thảo

Hoi thao truyen thong thong tin cua luat su

Hoi thao truyen thong thong tin cua luat su

Hình ảnh hội thảo khoa học Hoạt động thông tin truyền thông tại Học viện Tư Pháp
Hình ảnh hội thảo khoa học Hoạt động thông tin truyền thông tại Học viện Tư Pháp

Nguồn: http://hocvientuphap.edu.vn/qt/tintuc/Pages/hoat-dong-cua-hoc-vien.aspx?ItemID=2445

0/5 (0 Reviews)

Bài viết liên quan