Nghị định quy định chi tiết về hoạt động đầu tư ra nước ngoài dưới hình thức mua, bán chứng khoán, các giấy tờ có giá khác hoặc đầu tư thông qua các quỹ đầu tư chứng khoán, các định chế tài chính trung gian khác ở nước ngoài.
Sau đây là các nội dung đáng lưu ý khi các nhà đầu tư thực hiện hình thức đầu tư gián tiếp ra nước ngoài:
1. Về chủ thể được phép đầu tư, bao gồm:
- Tổ chức kinh tế là tổ chức được thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật Việt Nam (gồm doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã và các tổ chức khác thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh) đáp ứng điều kiện kinh doanh có lãi trong vòng 05 năm liên tục;
- Cá nhân có quốc tịch Việt Nam thuộc đối tượng được tham gia chương trình thưởng cổ phiếu phát hành ở nước ngoài.
Tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài không được thực hiện đầu tư gián tiếp ra nước ngoài nếu thuộc một trong các trường hợp sau:
- Có nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ từ 51% vốn điều lệ trở lên hoặc có đa số thành viên hợp danh là cá nhân nước ngoài đối với tổ chức kinh tế là công ty hợp danh;
- Có tổ chức kinh tế quy định tại điểm a khoản này nắm giữ từ 51% vốn điều lệ trở lên;
- Có nhà đầu tư nước ngoài và tổ chức kinh tế quy định tại điểm a khoản này nắm giữ từ 51 % vốn điều lệ trở lên.
2. Về phương thức và hình thức đầu tư:
Đối với cá nhân là công dân Việt Nam: chỉ được thực hiện đầu tư gián tiếp ra nước ngoài dưới hình thức tham gia chương trình thưởng cổ phiếu phát hành ở nước ngoài.
Đối với Tổ chức kinh tế: có 2 phương thức lựa chọn là:
- Tự doanh đầu tư gián tiếp ra nước ngoài;
- Ủy thác đầu tư gián tiếp ra nước ngoài.
Nghị định quy định 2 hình thức đầu tư gián tiếp ra nước ngoài của tổ chức tự doanh, tổ chức nhận ủy thác là:
- Trực tiếp mua, bán chứng khoán, các giấy tờ có giá khác ở nước ngoài;
- Đầu tư thông qua việc mua, bán chứng chỉ quỹ đầu tư chứng khoán ở nước ngoài, ủy thác đầu tư cho các định chế tài chính trung gian khác ở nước ngoài.
3. Về nguồn vốn đầu tư gián tiếp ra nước ngoài:
- Đối với Tổ chức tự doanh (trừ Ngân hàng thương mại và Công ty Tài chính tổng hợp): được sử dụng ngoại tệ tự có trên tài khoản và ngoại tệ mua từ tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được phép cung ứng dịch vụ ngoại hối tại Việt Nam theo hạn mức tự doanh được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam xác nhận đăng ký.
- Đối với Tổ chức ủy thác (trừ ngân hàng thương mại và công ty tài chính tổng hợp): chỉ được sử dụng ngoại tệ tự có trên tài khoản;
- Đối với Ngân hàng thương mại, công ty tài chính tổng hợp tự cân đối nguồn ngoại tệ để thực hiện đầu tư gián tiếp ra nước ngoài trên cơ sở đảm bảo tuân thủ quy định về trạng thái ngoại tệ, các giới hạn, tỷ lệ đảm bảo an toàn trong hoạt động ngân hàng;
Ngoài ra, Nghị định không cho phép Nhà đầu tư sử dụng nguồn vốn vay bằng đồng Việt Nam từ tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài hoặc nguồn vốn vay ngoại tệ trong nước và nước ngoài để đầu tư gián tiếp ra nước ngoài.
4. Về chuyển vốn đầu tư ra nước ngoài; chuyển vốn, lợi nhuận về Việt Nam:
Đối với chuyển vốn đầu tư ra nước ngoài, Tổ chức tự doanh và Tổ chức nhận ủy thác chỉ được chuyển vốn ra nước ngoài sau khi đã đăng ký hạn mức tự doanh hoặc hạn mức ủy thác với Ngân hàng Nhà nước và được Nhân hàng xác nhận đăng ký hạn mức này.
Việc chuyển vốn đầu tư ra nước ngoài; chuyển vốn, lợi nhuận và nguồn thu hợp pháp từ hoạt động tự doanh đầu tư gián tiếp ra nước ngoài về Việt Nam phải thực hiện thông qua một Tài khoảnvốn đầu tư gián tiếp hoặc vốn nhận ủy thác đầu tư gián tiếp ra nước ngoài bằng ngoại tệ tại 01 (một) ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được phép cung ứng dịch vụ ngoại hối tại Việt Nam.
5. Quy định đối với Tự doanh đầu tư gián tiếp ra nước ngoài
Có 6 tổ chức sau được phép tự doanh đầu tư gián tiếp ra nước ngoài:
- Công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ
- Quỹ đầu tư chứng khoán thông qua công ty quản lý quỹ, công ty đầu tư chứng khoán
- Doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm;
- Ngân hàng thương mại;
- Công ty tài chính tổng hợp;
- Tổng công ty đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước.
Công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ, doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm kinh doanh, ngân hàng thương mại, công ty tài chính tổng hợp có lãi trong 05 năm liên tục sẽ có quyền đầu tư gián tiếp ra nước ngoài.
Các tổ chức tự doanh (không áp dụng đối với Tổng công ty đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước, quỹ đầu tư chứng khoán, công ty đầu tư chứng khoán)phải thực hiện thủ tục xin cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư gián tiếp ra nước ngoài.
Quỹ đầu tư chứng khoán, công ty đầu tư chứng khoán phải thực hiện thủ tục xin chấp thuận cho phép đầu tư gián tiếp ra nước ngoài.
Bộ Tài chính có thẩm quyền:
- Cấp, thu hồi giấy chứng nhận đăng ký đầu tư gián tiếp ra nước ngoài cho tổ chức tự doanh là công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ, doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm;
- Cấp, thu hồi văn bản chấp thuận cho phép đầu tư gián tiếp ra nước ngoài của tổ chức tự doanh là quỹ đầu tư chứng khoán, công ty đầu tư chứng khoán.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có thẩm quyền:
- Cấp, thu hồi giấy chứng nhận đăng ký đầu tư gián tiếp ra nước ngoài cho tổ chức tự doanh là ngân hàng thương mại, công ty tài chính tổng hợp;
- Cấp, thu hồi giấy chứng nhận đăng ký đầu tư gián tiếp ra nước ngoài cho ngân hàng thương mại, công ty tài chính tổng hợp.
6. Quy định đối vớiỦy thác đầu tư gián tiếp ra nước ngoài
Đối tượng sau được phép nhận ủy thác đầu tư gián tiếp ra nước ngoài gồm:
- Công ty quản lý quỹ;
- Ngân hàng thương mại.
Tổ chức kinh tế nhận ủy thác đầu tư gián tiếp ra nước ngoài có lãi trong 05 năm liên tục sẽ có quyền đầu tư gián tiếp ra nước ngoài.
Để được thực hiện hoạt động nhận ủy thác đầu tư gián tiếp ra nước ngoài, tổ chức nhận ủy thác phải thực hiện thủ tục xin giấy chứng nhận đăng ký hoạt động nhận ủy thác đầu tư gián tiếp ra nước ngoài.
Bộ Tài chính có thẩm quyền cấp, thu hồi giấy chứng nhận đăng ký hoạt động nhận ủy thác đầu tư gián tiếp ra nước ngoài cho tổ chức nhận ủy thác là công ty quản lý quỹ.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có thẩm quyền cấp, thu hồi giấy chứng nhận đăng ký hoạt động nhận ủy thác đầu tư gián tiếp ra nước ngoài cho ngân hàng thương mại.