Hồ sơ xin cấp giấy phép lao động có cần lý lịch tư pháp?

Nội dung bài viết

Luật sư Nguyễn Thanh Hà - Chủ tịch Công ty Luật TNHH SB LAW đã trả lời trong Chương trình Luật sư Tháng 5 về hồ sơ xin cấp giấy phép lao động. Dưới đây là nội dung chi tiết:

Câu hỏi: Công ty tôi mời một người Hàn Quốc về làm việc, và muốn làm thủ tục xin giấy phép lao động cho lao động người nước ngoài. Vậy LS cho tôi hỏi: Khi nộp hồ sơ xin cấp giấy phép lao động, có cần lý lịch tư pháp việt nam hay ko? Hay chỉ cần lý lịch tư pháp nước Hàn Quốc? Khi hết hạn thị thực thì người này có bắt buộc phải quay về Hàn Quốc rồi sang hay không?

Trả lời:

Theo quy định của Bộ luật lao động, người nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam phải có giấy phép lao động (ngoại trừ những trường hợp không thuộc diện phải cấp giấy phép lao động).

Điều kiện cấp giấy phép lao động cho người nước ngoài là:

- Người lao động nước ngoài có năng lực hành vi dân sự đầy đủ theo quy định của pháp luật.

- Có sức khỏe phù hợp với yêu cầu công việc.

- Là nhà quản lý, giám đốc điều hành, chuyên gia hoặc lao động kỹ thuật.

- Không phải là người phạm tội hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật Việt Nam và pháp luật nước ngoài.

- Được chấp thuận bằng văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về việc sử dụng người lao động nước ngoài.

Hồ sơ cấp giấy phép lao động cho người nước ngoài làm việc tại Việt Nam theo quy định bao gồm:

1. Đơn đề nghị cấp giấy phép lao động cho người nước ngoài theo quy định của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.

2. Giấy chứng nhận sức khỏe hoặc giấy khám sức khỏe theo quy định (trong thời hạn 12 tháng)

3. Phiếu lý lịch tư pháp hoặc văn bản xác nhận người lao động nước ngoài không phải là người phạm tội hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự của nước ngoài cấp. Trường hợp người lao động nước ngoài đã cư trú tại Việt Nam thì chỉ cần phiếu lý lịch tư pháp do Việt Nam cấp.

4. Văn bản chứng minh là quản lý, giám đốc điều hành, chuyên gia, lao động kỹ thuật, giáo viên (Bằng đại học, giấy xác nhận kinh nghiệm làm việc nước ngoài, …)

5. 02 ảnh mầu 4x6 phông nền trắng, không đeo kính.

6. Hộ chiếu (bản sao quyển nguyên chứng thực).

7. Các giấy tờ liên quan đến người lao động nước ngoài (tùy từng trường hợp theo quy định: Quyết định bổ nhiệm của công ty mẹ, hợp đồng lao động, công văn chấp thuận sử dụng lao động, …)

Các giấy tờ theo quy định này là 01 bản chính hoặc 01 bản sao, nếu bằng tiếng nước ngoài thì miễn hợp pháp hóa lãnh sự, nhưng phải dịch ra tiếng Việt và chứng thực theo quy định của pháp luật Việt Nam.

Như vậy, trường hợp người lao động nước ngoài đã cư trú tại Việt Nam thì chỉ cần phiếu lý lịch tư pháp do Việt Nam cấp. Còn trong trường hợp người này không cư trú tại Việt Nam thì phải có Phiếu lý lịch tư pháp hoặc văn bản xác nhận người lao động nước ngoài không phải là người phạm tội hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự của nước ngoài cấp.

Theo quy định tại Điều 11 Nghị định số 11/2016/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của bộ luật lao động về lao động nước ngoài làm việc tại việt nam thì Thời hạn của giấy phép lao động là:

Thời hạn của giấy phép lao động được cấp theo thời hạn của một trong các trường hợp sau đây nhưng không quá 02 năm:

1. Thời hạn của hợp đồng lao động dự kiến sẽ ký kết;

2. Thời hạn của bên nước ngoài cử người lao động nước ngoài sang làm việc tại Việt Nam;

3. Thời hạn hợp đồng hoặc thỏa thuận ký kết giữa đối tác Việt Nam và nước ngoài;

4. Thời hạn hợp đồng hoặc thỏa thuận cung cấp dịch vụ ký kết giữa đối tác Việt Nam và nước ngoài;

5. Thời hạn nêu trong văn bản của nhà cung cấp dịch vụ cử người lao động nước ngoài vào Việt Nam để đàm phán cung cấp dịch vụ;

6. Thời hạn đã được xác định trong giấy chứng nhận của tổ chức phi chính phủ nước ngoài, tổ chức quốc tế được phép hoạt động theo quy định của pháp luật Việt Nam;

7. Thời hạn trong văn bản của nhà cung cấp dịch vụ cử người lao động nước ngoài vào Việt Nam để thành lập hiện diện thương mại của nhà cung cấp dịch vụ đó;

8. Thời hạn trong văn bản chứng minh người lao động nước ngoài được tham gia vào hoạt động của một doanh nghiệp nước ngoài đã thành lập hiện diện thương mại tại Việt Nam.

Nếu như người nước ngoài không có ý định tiếp tục làm việc sau khi thời hạn giấy phép lao động của người nước ngoài tại Việt Nam thì coi như không có gì đáng nói ở đây. Tuy nhiên, nếu lao động người nước ngoài có ý định gia hạn thêm thời hạn của giấy phép lao động thì phải chú ý:

Nghị định 11/2016/NĐ-CP bỏ khái niệm "Gia hạn giấy phép lao động" mà thay vào đó là khái niệm và thủ tục "Cấp lại giấy phép lao động". Chính vì vậy khi doanh nghiệp có người lao động nước ngoài có giấy phép lao động còn thời hạn ít nhất 05 ngày nhưng không quá 45 ngày thì làm thủ tục xin cấp lại giấy phép lao động.

Hồ sơ đề nghị cấp lại giấy phép lao động bao gồm:

1. Văn bản đề nghị cấp lại giấy phép lao động của người sử dụng lao động theo quy định của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.

2. 02 ảnh mầu (kích thước 4cm x 6cm, phông nền trắng, mặt nhìn thẳng, đầu để trần, không đeo kính màu), ảnh chụp không quá 06 tháng tính đến ngày nộp hồ sơ.

3. Giấy phép lao động đã được cấp

a) Trường hợp giấy phép lao động bị mất theo quy định tại Khoản 1 Điều 13 Nghị định này thì phải có xác nhận của cơ quan Công an cấp xã của Việt Nam hoặc cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài theo quy định của pháp luật;

b) Trường hợp thay đổi nội dung ghi trên giấy phép lao động theo quy định tại Khoản 1 Điều 13 Nghị định này thì phải có các giấy tờ chứng minh;

c) Trường hợp giấy phép lao động còn thời hạn ít nhất 05 ngày nhưng không quá 45 ngày theo quy định tại Khoản 2 Điều 13 Nghị định này thì phải có giấy chứng nhận sức khỏe hoặc giấy khám sức khỏe theo quy định tại Khoản 2 Điều 10 Nghị định này và một trong các giấy tờ quy định tại Khoản 7 Điều 10 Nghị định này;

d) Trường hợp người lao động nước ngoài đã được cấp giấy phép lao động theo quy định tại Nghị định số 102/2013/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam thì phải có văn bản chứng minh đáp ứng yêu cầu theo quy định tại Khoản 3 hoặc Khoản 4 hoặc Khoản 5 Điều 3 Nghị định này.

4. Giấy tờ quy định tại Khoản 3 Điều này là 01 bản chụp kèm theo bản gốc để đối chiếu hoặc 01 bản sao có chứng thực, nếu của nước ngoài thì miễn hợp pháp hóa lãnh sự, nhưng phải dịch ra tiếng Việt và chứng thực theo quy định của pháp luật Việt Nam.

0/5 (0 Reviews)

Tư vấn pháp lý

Liên hệ với chúng tôi để được hỗ trợ tư vấn 24/7

    Bài viết liên quan