Với 5,2 triệu hộ kinh doanh, đóng góp tới 32% GDP, đây là một lực lượng mạnh trong nền kinh tế. Thực hiện Nghị quyết 35/NQ-CP của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020, lực lượng hộ kinh doanh được đánh giá rất tiềm năng có thể bổ sung vào khối doanh nghiệp nhằm đạt mục tiêu 1 triệu doanh nghiệp đến năm 2020. Khi đó, khu vực này sẽ góp phần tăng thêm nguồn thu vào ngân sách Nhà nước.

Không thừa nhận hộ kinh doanh là do khiếm khuyết của pháp luật

Trước nhiều ý kiến tranh luận trái chiều xung quanh việc nên hay không nên chuyển đổi các hộ kinh doanh thành doanh nghiệp, Luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch Công ty Luật BASICO khẳng định hộ kinh doanh phải đăng ký kinh doanh và các doanh nghiệp đều là những tổ chức kinh doanh chuyên nghiệp.

“Nếu ví lực lượng này như một cái tháp kinh doanh thì tất cả đều phải dựa trên một nền tảng chung, cho dù đa số ở chân tháp, một số ở giữa tháp và chỉ một số rất ít ở đỉnh tháp. Không phải lựa chọn chuyển hay không chuyển đổi, mà phải thừa nhận hộ kinh doanh có đăng ký kinh doanh, tức đã đạt đến một quy mô nhất định là doanh nghiệp”, ông Đức nói.

Theo ông Đức, lý do hình thành và duy trì hộ kinh doanh là do hộ kinh doanh là giải pháp cần thiết và tất yếu thay thế cho thành phần kinh tế tư bản tư nhân. Trong rất nhiều năm cuối thế kỷ XX, pháp luật không khuyến khích, thậm chí tìm mọi cách ngăn cản kinh tế tư nhân.

Tuy nhiên, từ năm 2000, đặc biệt là từ năm 2006 và 2014 trở đi, mọi điều kiện thành lập và hoạt động của doanh nghiệp nói chung, doanh nghiệp tư nhân nói riêng đã được xoá bỏ. Điều kiện thành lập doanh nghiệp tư nhân và công ty gần như bằng không và không khác gì với việc thành lập hộ kinh doanh.

Đặc biệt là việc Luật Doanh nghiệp năm 2005 và 2014 cho phép thành lập công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên là cá nhân.

Vì vậy, ông Đức cho rằng hộ kinh doanh đã hết vai trò lịch sử. Còn sự tồn tại và phát triển như là doanh nghiệp mà không được thừa nhận là doanh nghiệp chỉ là do sự khiếm khuyết của pháp luật.

Bất bình đẳng cho hộ kinh doanh

Về phần mình, Luật sư Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch Công ty luật SBLaw, hộ kinh doanh “ngại” lên doanh nghiệp vì khi lên doanh nghiệp, các hộ sẽ phải đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cho người lao động và chịu sự quản lý thuế khắt khe hơn, trong khi kinh doanh dưới hình thức hộ cá thể sẽ chỉ phải đóng thuế khoán.

Để chuyển nhanh hộ kinh doanh cá thể sang doanh nghiệp, ông Hà cho rằng chúng ta có thể nghiên cứu đến việc không cho phép tồn tại hộ kinh doanh, mà yêu cầu các hộ muốn kinh doanh phải lập doanh nghiệp. Ngoài ra, cơ quan quản lý cũng yêu cầu các hộ kinh doanh có doanh thu đạt ngưỡng quy định phải hoạch toán và đóng thuế như doanh nghiệp. Biện pháp này có thể giúp chống thất thu thuế và khuyến khích hộ kinh doanh lên doanh nghiệp.

“Cần tạo ra cơ chế để khuyến khích hộ kinh doanh cá thể muốn chuyển lên doanh nghiệp, chứ không phải là dùng biện pháp hành chính để ép hộ kinh doanh lên doanh nghiệp”, ông Hà nói.

Đồng thời, ông Hà cũng cho rằng vẫn phải đưa ra chế tài xử phạt nếu các hộ kinh doanh đạt được tiêu chí quy định nhưng không lên doanh nghiệp, ví dụ như không cho phép đánh mã số thuế đối với hộ kinh doanh đó.

Nguồn: http://enternews.vn/de-ho-kinh-doanh-thanh-doanh-nghiep-148913.html