Hiệu lực của hợp đồng đặt cọc và hợp đồng chuyển nhượng có mối liên hệ như thế nào?

Nội dung bài viết

Câu hỏi: Để nhận chuyển nhượng tài sản, trong nhiều trường hợp khách hàng lựa chọn việc đặt cọc để bảo đảm cho việc thực hiện nghĩa vụ trong hợp đồng chuyển nhượng này. Vậy trong trường hợp hợp đồng đặt cọc vô hiệu có làm vô hiệu/chấm dứt hợp đồng chuyển nhượng không, và ngược lại, hợp đồng chuyển nhượng vô hiệu có làm vô hiệu/chấm dứt hợp đồng đặt cọc không?

Luật sư tư vấn:

Theo Điều 29 Nghị định số 21/2021/NĐ-CP:

Hợp đồng bảo đảm bị vô hiệu hoặc bị hủy bỏ, bị đơn phương chấm dứt thực hiện không làm chấm dứt hợp đồng có nghĩa vụ được bảo đảm.

Trường hợp hợp đồng có nghĩa vụ được bảo đảm bị vô hiệu hoặc bị hủy bỏ, bị đơn phương chấm dứt thực hiện thì giải quyết như sau:

a) Các bên chưa thực hiện hợp đồng có nghĩa vụ được bảo đảm thì hợp đồng bảo đảm chấm dứt;

b) Các bên đã thực hiện một phần hoặc toàn bộ hợp đồng có nghĩa vụ được bảo đảm thì hợp đồng bảo đảm không chấm dứt. Bên nhận bảo đảm có quyền xử lý tài sản bảo đảm để thanh toán nghĩa vụ hoàn trả của bên có nghĩa vụ đối với mình.

Trong trường hợp của Khách hàng, hợp đồng đặt cọc là hợp đồng bảo đảm, hợp đồng chuyển nhượng là hợp đồng có nghĩa vụ được bảo đảm.

Theo đó:

  • Trường hợp hợp đồng đặt cọc bị vô hiệu hoặc bị hủy bỏ, bị đơn phương chấm dứt thực hiện thì không làm chấm dứt hợp đồng chuyển nhượng.
  • Trường hợp hợp đồng chuyển nhượng bị vô hiệu hoặc bị hủy bỏ, bị đơn phương chấm dứt thực hiện thì cần phân biệt hai trường hợp sau: (i) Nếu các bên chưa thực hiện hợp đồng chuyển nhượng thì hợp đồng đặt cọc chấm dứt; (ii) Nếu các bên đã thực hiện một phần hoặc toàn bộ hợp đồng chuyển nhượng thì hợp đồng đặt cọc không chấm dứt.
0/5 (0 Reviews)

Bài viết liên quan