Sau Vinasun, đến lượt Hiệp hội taxi Đà Nẵng chuẩn bị đâm đơn khởi kiện Grab kiện Grab. Điều này cho thấy dấu hiệu của cuộc đại chiến giữa taxi công nghệ và taxi truyền thống lại nóng lên từng ngày.
Luật sư Nguyễn Thanh Hà đã trả lời báo chí về vụ việc nêu trên, mời các bạn xem nội dung bài phỏng vấn tại đây:
Theo ông, trong trường hợp này Hiệp hội taxi có đủ tư cách để kiện Grab?
Về tư cách khởi kiện, trong trường hợp này Hiệp hội taxi Đà Nẵng hoàn toàn có quyền và tư cách để thay mặt cho các thành viên của hội khởi kiện Grab.
Cụ thể, Bộ luật Dân sự 2015 quy định người nào có hành vi vi phạm quyền và lợi ích hợp pháp của người khác mà gây thiệt hại thì có nghĩa vụ bồi thường. Như vậy, khi Hiệp hội taxi Đà Nẵng nhận thấy quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị thiệt hại do hành vi kinh doanh vi phạm pháp luật của Grab thì quyền khởi kiện yêu cầu bồi thường đối với Grab mặc nhiên phát sinh.
Điều quan trọng khi khởi kiện là Hiệp hội taxi Đà Nẵng phải chứng minh thiệt hại của 8 đơn vị thành viên, thu thập bằng chứng, chứng cứ để chứng minh trước tòa rằng thiệt hại của các đơn vị thành viên là do Grab trực tiếp gây ra.
Hơn thế nữa, trong xã hội hiện đại, việc các đơn vị kinh doanh ra tòa là hành động văn minh và chúng ta nên khuyến khích hành động này thay vì giăng băng rôn, khẩu hiệu phản đối taxi công nghệ như trước đó.
Về quy hoạch taxi Đà Nẵng, liệu Đà Nẵng có thể đưa Grab vào như một loại hình taxi?
Quy hoạch taxi Đà Nẵng không thể đưa Grab vào để quản lý như một loại hình taxi vì ít nhất hai lý do sau:
Thứ nhất: Hiện tại, khuân khổ pháp lý duy nhất dành cho Grab tại Việt Nam là Quyết định số 24 của Bộ Giao thông Vận tải về việc cho thí điểm xe chạy Uber, Grab. Mà theo Quyết định số 24 thì Grab không được định danh như một loại hình taxi bởi theo Quyết định này, các đơn vị cung cấp dịch vụ vận tải là các lái xe thuộc các hợp tác xã vận tải có giấy phép vận tải hành khách theo quy định. Nhưng thứ mà Grab cung cấp là phần mềm kết nối giữa lái xe và hành khách, các lái xe cho Grab không cần giấy phép vận tải hành khách theo quy định. Mà họ có xin cũng không được cấp, vì không thể đáp ứng được các điều kiện quy định đối với một doanh nghiệp vận tải.
Thứ hai, Bộ Giao thông vận tải cũng đang trình dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 86 về điều kinh doanh vận tải bằng ô tô. Theo đó, Bộ Giao thông vận tải vẫn “bảo lưu” xe công nghệ là taxi, nhưng đáng tiếc, dự thảo này lại chưa được thông qua.
Như vậy, với những lý do trên Đà Nẵng sẽ không có cơ sở pháp lý để đưa Grab vào quản lý như một loại hình taxi.
Vậy, cơ sở nào để xác định thiệt hại của taxi Đà Nẵng, thưa ông?
Về bản chất, đây là vụ kiện bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng.
Theo đó, đối với bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng thì việc chứng minh quan hệ nhân quả là bắt buộc và khi không chứng minh được quan hệ nhân quả thì không thể đòi bồi thường. Bộ luật Tố tụng Dân sự đã có quy định cụ thể về trình tự giải quyết, các bên đương sự phải đưa ra các chứng cứ để chứng minh yêu cầu của mình. “Bên đi kiện (bên nguyên đơn trong trường hợp này là Hiệp hội Taxi Đà Nẵng) phải đưa ra căn cứ về việc bên kia đã có hành vi vi phạm và vi phạm những quy định nào của pháp luật. Hành vi ấy gây ra hậu quả thiệt hại cho mình như thế nào, nghĩa là phải chứng minh được mối quan hệ nhân quả, từ đó buộc bên kia phải có trách nhiệm bồi thường
Trong trường hợp này, thiệt hại các bên phải chứng minh bằng một đơn vị định giá, với vi phạm của grab thì thu hẹp như nào, lợi nhuận giảm ra sao?
Còn trong hoạt động của mình, nếu Grab có hành vi vi phạm luật lệ, quy định nào đó, về nguyên tắc, Grab phải bị các cơ quan quản lý xử phạt vi phạm hành chính và tiền phạt phải được thu về ngân sách nhà nước, không doanh nghiệp nào được hưởng các khoản tiền phạt vi phạm hành chính.
Trong lúc Việt Nam đang “hô hào” về 4.0, điều này ảnh hưởng ra sao tới cảm nhận về môi trường đầu tư của Việt Nam?
Trước tiên, phải thừa nhận một thực trạng rằng, các mô hình kinh doanh thời 4.0, kể từ khi du nhập vào Việt Nam đã phát triển một cách nhanh chóng, thách thức các mô hình kinh doanh kiểu cũ.
Đối với những vụ việc tương tự như Vinasun kiện Grab, hay Hiệp hội taxi Đà Nẵng chuẩn bị kiện Grab nếu như cơ quan tố tụng không đưa ra được phán quyết công bằng, phù hợp với thông lệ quốc tế, thì có thể gây ra những lo ngại cho nhà đầu tư nước ngoài, khiến họ không dám vào Việt Nam. Đặc biệt là với những nhà đầu tư thời 4.0 (nhà đầu tư kinh doanh theo các phương thức kinh doanh kiểu mới), khi vào Việt Nam họ sẽ nhìn các vụ kiện này như một án lệ để có thể quyết định xem có nên đầu tư vào Việt Nam hay không?
Thực ra, từ quá trình chuẩn bị khởi kiện cho đến khi tòa án chấp nhận yêu cầu khởi kiện, rồi tuyên bố kết quả là cả một quá trình dài nhưng những vấn đề pháp lý thú vị từ cuộc chiến giữa taxi công nghệ và taxi truyền thống đang đòi hỏi các nhà hoạch định chính sách phải sớm có giải pháp để thích ứng nhanh hơn với các mô hình kinh doanh mới trong nền kinh tế chia sẻ.