ASEAN và Nhật Bản đã ký Hiệp định về Quan hệ Đối tác Kinh tế Toàn diện (AJCEP) vào tháng 4 năm 2008.
Đây là thoả thuận toàn diện trong nhiều lĩnh vực, bao gồm thương mại hàng hóa, dịch vụ, đầu tư và hợp tác kinh tế. Hiệp định AJCEP cũng sẽ tăng cường các quan hệ kinh tế giữa ASEAN và Nhật Bản và tạo ra một thị trường lớn hơn, hiệu quả hơn với nhiều cơ hội hơn trong khu vực.
Thỏa thuận này có hiệu lực từ ngày 1/12/2008. Đến tháng 7 năm 2009, các nước Brunei, Lào, Malaysia, Myanmar, Singapore, Thái Lan, Việt Nam và Nhật Bản đã thông qua Hiệp định AJCEP.
Đàm phán Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện với Nhật Bản có cách tiếp cận hoàn toàn khác so với đàm với trong khuôn khổ Khu vực mậu dịch tự do ASEAN-Trung Quốc, ASEAN-Hàn Quốc, đó là được kết hợp giữa đàm phán song phương và đàm phán đa phương. Việt Nam cùng với các nước ASEAN 6 đã tiến hành đàm phán với Nhật Bản trong cả hai khuôn khổ: Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện ASEAN-Nhật Bản (AJCEP) và Hiệp định đối tác kinh tế Việt Nam-Nhật Bản (VJEPA). Một số nét chính khi Nhật Bản thúc đẩy việc đàm phán trên cả hai kênh này:
- Tiến tới thành lập một khu vực mậu dịch tự do với ASEAN với mục tiêu biến ASEAN thành một khu vực sản xuất chung của Nhật Bản, tạo chuỗi liên kết các khu vực sản xuất của Nhật Bản giữa các nước ASEAN.
- Tiến hành đàm phán để đạt được lợi ích ở từng lĩnh vực cụ thể.
- Tự do hoá 90% kim ngạch trong vòng 10 năm (kim ngạch nhập khẩu từ Nhật Bản năm 2006).
- Nhật Bản loại trừ các mặt hàng tập trung chủ yếu vào các sản phẩm nông nghiệp.
Thuế suất áp dụng cho từng giai đoạn trong Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt ASEAN- Nhật Bản (Biểu AJCEP) hầu hết được cắt giảm theo mô hình cắt giảm dần đều từ thuế suất cơ sở hoặc có mô hình cắt giảm riêng đối với những dòng thuế thuộc danh mục nhạy cảm. Chính vì vậy, mức thuế suất bình quân áp dụng cho cả Biểu AJCEP theo từng năm trong Lộ trình có chiều hướng giảm dần.
Về lộ trình cắt giảm thuế quan cụ thể, Hiệp định quy định:
Biểu cam kết của Việt Nam trong AJCEP bao gồm 9.390 dòng thuế (dựa trên AHTN 2007), trong đó đưa vào lộ trình cắt giảm đối với 8.771 dòng. Số dòng còn lại là các dòng thuế CKD ô tô (57 dòng) và các dòng thuế không cam kết cắt giảm (562 dòng), cụ thể:
- Danh mục xoá bỏ thuế quan: Việt Nam cam kết xoá bỏ thuế quan đối với 62,2% số dòng thuế trong vòng 10 năm, trong đó xoá bỏ thuế quan ngay khi Hiệp định có hiệu lực đối với 26,3% dòng thuế và xoá bỏ thuế quan sau 10 năm thực hiện Hiệp định (năm 2018) đối với 33,8% dòng thuế. Vào năm 2023 và 2024 (sau 15 năm và 16 năm thực hiện Hiệp định) cam kết xoá bỏ 25,7% và 0,7% số dòng thuế tương ứng.
Như vậy, vào năm cuối lộ trình (năm 2025) số dòng thuế được xoá bỏ thuế quan chiếm 88,6% số dòng thuế trong toàn Biểu cam kết.
- Danh mục nhạy cảm thường (SL) chiếm 0,6% số dòng thuế, được duy trì ở mức thuế suất cơ sở và xuống 5% vào năm 2025.
- Danh mục nhạy cảm cao (HSL) chiếm 0,8% số dòng thuế, được duy trì mức thuế suất cao (giảm xuống 50% vào năm 2023).
- Danh mục không xoá bỏ thuế quan, thuế suất duy trì ở mức thuế suất cơ sở trong cả lộ trình (C) chiếm 3,3% số dòng thuế.
- Danh mục loại trừ chiếm 6,0% số dòng thuế.
Lộ trình giảm thuế của Việt Nam trong Hiệp định AJCEP bắt đầu từ năm 2008 và kết thúc vào năm 2025. Các mặt hàng được cắt giảm xuống 0% vào các thời điểm 2018, 2023 và 2024.Về diện mặt hàng, các mặt hàng được xoá bỏ thuế quan chủ yếu là các mặt hàng công nghiệp. Số dòng thuế được xoá bỏ thuế quan tập trung vào các ngành máy móc thiết bị điện, máy móc cơ khí, hoá chất, kim loại, diệt may và sản phẩm nông nghiệp.
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đến thăm Nhật Bản.
Nguồn: internet