Hiệp định được ký kết ngày 08/10/2003 do sự bất đồng quá lớn giữa quan điểm của hai bên về cách tiếp cận đàm phán.
Phải sau gần 6 năm, Hiệp định Thương mại hàng hoá ASEAN- Ấn Độ về cơ bản mới kết thúc đàm phán để hướng tới ký kết nhân dịp Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN lần thứ 14 vào tháng 8/2009 tại Thái Lan.
AITIG là cấu thành quan trọng nhất trong số các Hiệp định/văn kiện nói trên, Hiệp định gồm 24 điều với nội dung chính là thiết lập lộ trình cam kết giảm thuế đã được các nước ASEAN và Ấn Độ thống nhất. Ngoài ra, AITIG cũng quy định về quy tắc xuất xứ, thủ tục và cơ chế giải quyết tranh chấp, các biện pháp phi quan thuế, minh bạch hoá, chính sách, rà soát, sửa đổi cam kết, biện pháp tự vệ, ngoại lệ. Bên cạnh đó, nhân dịp ký kết Hiệp định AITIGA, ngày 25 tháng 10 năm 2009, Ấn Độ cũng đã công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường đầy đủ (MES).
Theo Hiệp định, lộ trình cắt giảm thuế được chia theo 5 danh mục có tiến độ và mức độ giảm thuế khác nhau, bao gồm Danh mục giảm thuế thông thường (NT), Danh mục nhạy cảm (SL), Danh mục nhạy cảm cao (HSL), Danh mục các sản phẩm đặc biệt và Danh mục loại trừ (EL). Với tư cách là nước thành viên mới của ASEAN (CLMV), ta được cắt giảm thuế theo lộ trình dài hơn 05 năm so với các nước ASEAN và Ấn Độ.
Tuy có lộ trình dài hơn nhưng Việt Nam vẫn được hưởng đầy đủ ưu đãi từ cam kết giảm thuế của Ấn Độ và các nước ASEAN khác. Danh mục giảm thuế thông thường (NT) của Việt Nam gồm 80% số dòng thuế sẽ giảm xuống 0% ngày 31/12/2017. Trong đó, 9% tổng số dòng thuế sẽ được linh hoạt giảm xuống 0% từ 31/12/2020 (NT2). Danh mục loại trừ (EL) của ta gồm 485 dòng thuế, là những sản phẩm không thuộc đối tượng cắt giảm thuế. Với diện loại trừ rộng, hầu hết các sản phẩm mà ta có nhu cầu bảo hộ đều được đưa vào Danh mục EL.
Về cam kết của Ấn Độ, Ấn Độ cam kết cắt giảm thuế quan đối với nhiều mặt hàng mà ta có thế mạnh xuất khẩu như hàng may mặc, dày dép, gỗ và sản phẩm gỗ, thủy sản, than đá, cao su, sắt thép v.v.
Ngoài ra, theo yêu cầu của ta, Ấn Độ nhất trí giảm thuế đối xuống còn 45% đối với cà phê và chè đen, và 50% đối với hạt tiêu vào năm 2018. Đây là các sản phẩm được cho là rất nhạy cảm với Ấn Độ nhưng lại có lợi ích xuất khẩu đặc biệt đối với Việt Nam. Danh mục loại trừ của Ấn Độ gồm 489 dòng thuế, chiếm 5% trị giá kim ngạch thương mại.
Với dân số trên 1,2 tỷ dân, có sức mua lớn thì Ấn Độ là thị trường đầy tiềm năng cho hàng hóa xuất khẩu của ta. Nền kinh tế giữa hai nước cũng có nhiều điểm bổ sung cho nhau. Hiện nay, Ấn Độ là một trong mười đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam.
Các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu chủ yếu của Việt Nam sang Ấn Độ là: điện thoại di động, sắt, than đá, cao su, quặng, chất dẻo nguyên liệu, hóa chất, hạt tiêu, cà phê, vải, giầy dép, phôi thép, v.v. Các mặt hàng nhập khẩu chính của Việt Nam từ Ấn Độ gồm nguyên liệu thức ăn gia súc, ngô, các loại linh kiện điện tử, tân dược, bông, hóa chất, nguyên liệu da giày, sợi, chất dẻo, nguyên phụ liệu thuốc lá, v.v...
Trao đổi thương mại giữa Việt Nam và Ấn Độ liên tục tăng trưởng khả quan trong những năm vừa qua, từ 697 triệu Đô la năm 2005 lên 2,739 tỷ năm 2010. Đặc biệt, trong năm 2010, trao đổi thương mại có bước nhảy vọt về mặt lượng và chất, trong đó xuất khẩu của Việt Nam sang Ấn Độ đạt 993 triệu USD, nhập khẩu đạt 1,746 tỷ USD. Như vậy, so với năm 2009 xuất khẩu tăng trưởng 136%, nhập khẩu tăng 6,8%, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu tăng trưởng 33,3%, nhập siêu giảm từ 1,215 tỷ USD xuống còn 753 triệu USD.
Do nhập khẩu từ Ấn Độ những năm vừa qua tăng nhanh dẫn đến nhập siêu từ Ấn Độ lớn và là vấn đề nổi cộm trong quan hệ thương mại song phương. Nhiều mặt hàng mà Việt Nam có lợi thế xuất khẩu nằm trong danh mục các sản phẩm bảo hộ hoặc bị áp mức thuế rất cao như hàng nông sản (gạo, chè, hạt tiêu, cà phê,...). Do đó, với việc ký kết và thực hiện Hiệp định AITIG, cắt giảm thuế quan đối với các mặt hàng này, thương mại giữa Việt Nam và Ấn Độ có nhiều cơ hội phát triển theo hướng cân bằng hơn, có lợi cho cả hai bên.