- Hiệp định ưu tiên và chú trọng tới các vấn đề về ưu đãi đầu tư (bao gồm cả đầu tư trực tiếp và gián tiếp), không phân biệt đối xử với các nhà đầu tư nước ngoài trong nội khối ASEAN:
Trong bối cảnh ASEAN xây dựng Cộng đồng ASEAN nói chung và Cộng đồng kinh tế ASEAN nói riêng, ACIA được ban hành trên cơ sở tích hợp những qui định của hai văn bản trước là IGA và AIA. đồng thời bổ sung thêm những qui định mới. Nói cách khác, các nội dung pháp lý của ACIA mang tính toàn diện hơn và theo đó hoạt động đầu tư của ASEAN bao gồm 4 trụ cột: tự do hóa đầu tư, bảo hộ đầu tư, thuận lợi hóa đầu tư và xúc tiến đầu tư. Bên cạnh đó ACIA còn qui định rõ ràng mối quan hệ giữa các qui định về tự do hóa đầu tư và bảo hộ đầu tư, ngược lại IGA và AIA là hai hiệp định riêng rẽ và không có sự phân định rõ ràng các qui định giữa hai hoạt động này.
- ACIA ngay lập tức dành ưu đãi cho nhà đầu tư ASEAN và nhà đầu tư nước ngoài tại ASEAN: với thời hạn đạt được môi trường đầu tư mở và tự do được rút ngắn vào năm 2015. Trong khi đó, AIA dành ưu đãi cho nhà đầu tư ASEAN đầu tiên và sau đó sẽ dành ưu đãi cho nhà đầu tư nước ngoài tại ASEAN vào năm 2020.
Chuyển sang bối cảnh ban hành ACIA có thể thấy rằng văn bản này được ban hành khi quá trình toàn cầu hóa và khu vực hóa diễn ra mạnh mẽ và để đảm bảo cho nguyên tắc đối xử bình đẳng giữa nhà đầu tư trong nước và nhà đầu tư nước ngoài, ACIA dành ưu đãi ngay lập tức đối với nhà đầu tư nước ngoài mà không có sự phân biệt đối xử với nhà đầu tư ASEAN. Điều này thể hiện sự tiến bộ lớn trong chính sách của ASEAN cũng như việc đảm bảo thực hiện tuân thủ những qui tắc chung của cuộc chơi mà các tổ chức quốc tế đã đặt ra, tiêu biểu là những qui định được đưa ra trong các văn bản của WTO.
- ACIA đưa ra các định nghĩa liên quan tới khu vực đầu tư ASEAN một cách toàn diện hơn và phù hợp với những hoạt động đầu tư hiện hành: khi ACIA được ban hành, định nghĩa về nhà đầu tư được mở rộng hơn rất nhiều và phù hợp với các qui định hiện hành trong các hiệp định đa phương cũng như mục tiêu hoàn thành việc xây dựng Cộng đồng kinh tế ASEAN vào năm 2015. Theo qui định tại Khoản d Điều 4 nhà đầu tư bao gồm thể nhân và pháp nhân của quốc gia thành viên đang hoặc đã tiến hành hoạt động đầu tư trong lãnh thổ của quốc gia thành viên khác. Thể nhân được hiểu là người mang quốc tịch hoặc quyền công dân hoặc quyền thường trú trên lãnh thổ của quốc gia thành viên theo qui định của pháp luật quốc gia đó. Như vậy không chỉ dừng lại ở chủ thể là công dân của quốc gia thành viên, ACIA còn mở rộng những ưu đãi cho nhà đầu tư được quyền thường trú theo luật định của quốc gia thành viên. Đối với chủ thể tiếp theo là pháp nhân được hiểu là bất cứ thực thể pháp lí nào được thành lập hoặc tổ chức theo pháp luật của một quốc gia thành viên vì lợi nhuận hay phi lợi nhuận, thuộc sở hữu tư nhân hay sở hữu nhà nước bao gồm công ty, tập đoàn, liên danh, liên doanh, doanh nghiệp một chủ, hiệp hội hoặc tổ chức. Bên cạnh đó pháp nhân theo qui định của ACIA còn mở rộng đối với doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài nếu mang quốc tịch của một quốc gia thành viên ASEAN, khi đầu tư sang quốc gia thành viên khác sẽ đương nhiên là nhà đầu tư ASEAN.
Bên cạnh giải thích chi tiết một số thuật ngữ đã được qui định ở các văn bản trước, ACIA bổ sung một số định nghĩa mới nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc áp dụng các qui định liên quan một cách thống nhất trên thực tế như “đồng tiền tự do sử dụng”, “khoản đầu tư”.
- Hoạt động tự do hóa đầu tư theo qui định của ACIA rộng:
ACIA qui định tự do hóa đầu tư sẽ được thực hiện trong những lĩnh vực sau: sản xuất công nghiệp; nông nghiệp; nghư nghiệp; lâm nghiệp; khai khoáng và khai thác đá; các ngành dịch vụ liên quan tới ngành sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, ngư nghiệp, lâm nghiệp, khai khoáng và khái thác đá. Bên cạnh đó để tiến hành tự do hóa một số lĩnh vực, dịch vụ sẽ phát sinh trong tương lai ACIA qui định hoạt động tự do hóa cũng được mở rộng đối với bất kì lĩnh vực nào được tất cả các quốc gia thành viên tán thành.
Để tiến hành xóa bỏ rào cản đối với đầu tư là các biện pháp cấm đầu tư, Điều 7, Điều 8 của ACIA qui định xóa bỏ các biện pháp cấm đầu tư cụ thể cấm các yêu cầu đối với đầu tư nước ngoài (Performance Requirements) và biện pháp liên quan đến quản trị doanh nghiệp. Đây là qui định hoàn toàn mới so với IGA và AIA. Theo đó đối với các biện pháp yêu cầu đối với đầu tư nước ngoài các quốc gia không được áp dụng các nhóm biện pháp sau: các biện pháp về “yêu cầu tỉ lệ nội địa hóa”, các biện pháp “yêu cầu về cân bằng thương mại”.
- ACIA qui định một cách chi tiết trình tự thủ tục giải quyết tranh chấp giữa nhà đầu tư với quốc gia thành viên:ACIA qui định một phần riêng về giải quyết tranh chấp giữa nhà đầu tư và quốc gia thành viên từ Điều 28 đến Điều 41.Phạm vi giải quyết tranh chấp là những tranh chấp ảnh hưởng đến quyền lợi cơ bản của các bên liên quan cụ thể những tranh chấp về đối xử quốc gia, đối xử tối huệ quốc, quản trị cấp cao và Hội đồng quản trị, đối xử đầu tư, bồi thường trong trường hợp xung đột; chuyền tiền; quản lý, điều hành, bán hoặc hủy bỏ một khoản đầu tư được cơ quan có thẩm quyền của quốc gia thành viên có tranh chấp xác nhận bằng văn bản; khoản đầu tư của nhà đầu tư được xác nhận bởi cơ quan nhà nước có thẩm quyền của quốc gia thành viên bị thiệt hại di hành vi vi phạm gây ra.
Có thể thấy rằng đây không phải là qui định hoàn toàn mới mà còn là một điểm tiến bộ trong các qui định của ACIA.Tranh chấp, xung đột xảy ra trong lĩnh vực kinh tế, đặc biệt là hoạt động đầu tư là một điều không thể tránh khỏi trên thực tế. Cho nên để hạn chế tối đa những thiệt hại đối với nhà đầu tư ASEAN đã có những nỗ lực trong việc ban hành những qui định về giải quyết tranh chấp trong lĩnh vực này một cách thống nhất, tiến bộ và phù hợp với đặc thù riêng của ASEAN.
- Nguyên tắc về đối xử quốc gia: Yêu cầu nước thành viên đối xử với các nhà đầu tư của các nước thành viên khác và khoản đầu tư của họ không kém thuận lợi hơn những gì đã dành cho nhà đầu tư của nước mình, không chỉ giới hạn trong phạm vi tiếp nhận, thành lập, nắm giữ, mở rộng, quản lý, vận hành và định đoạt đầu tư. So với các hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư mà Việt Nam đã tham gia hoặc ký kết với các nước khác thì nội dung của nguyên tắc này vẫn được giữ nguyên, bởi việc áp dụng nguyên tắc này được coi là thông lệ quốc tế để bảo đảm cạnh tranh công bằng và ACIA cũng không là ngoại lệ.
Với việc mở cửa, xóa bỏ biện pháp hạn chế đầu tư, bảo hộ và xúc tiến thuận lợi hóa đầu tư, như luồng sinh khí mới cho khu vực đầu tư ASEAN còn non trẻ và tạo ra một môi trường đầu tư lành mạnh, có tính cạnh tranh cao, thúc đẩy hoạt động đầu tư mở rộng không chỉ trong nội khối mà đối với các nước và khu vực ngoại khối. Tuy nhiên sự phát triển không đồng đều, đồng tiền không thống nhất, người lao động chưa có trình độ cao cùng hệ thống pháp luật vẫn còn những hạn chế khiến cho việc quản lý kinh doanh giữa các quốc gia còn gặp khó khăn đòi hỏi phải có sự điều chỉnh pháp luật cho phù hợp hơn với xu thế hiện nay.