Hiến kế lấp “lỗ hổng” pháp lý trên thị trường chứng khoán

Nội dung bài viết

Xoay quanh vấn đề "lỗ hổng" pháp lý trên thị trường chứng khoán, Luật sư Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch HĐQT Công ty Luật SBLAW đã có những trao đổi trên báo Bnews.vn. Dưới đây là nội dung chi tiết :

Từ cuối tháng 3 đến nay, người dân cũng như công chúng đầu tư vẫn chưa hết “xôn xao” xung quanh câu chuyện bắt giữ nhiều lãnh đạo của các tập đoàn lớn để điều tra, làm rõ những sai phạm trên thị trường tài chính.

Theo đó, ngày 5/4/2022, Cơ quan điều tra Bộ Công an khởi tố ông Đỗ Anh Dũng - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Tân Hoàng Minh để điều tra về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, xác minh một số hành vi có dấu hiệu vi phạm pháp luật liên quan việc phát hành trái phiếu, huy động tiền nhà đầu tư của các công ty thành viên. Ngoài ông Dũng, cơ quan điều tra cũng khởi tố bị can, bắt tạm giam 6 người khác có liên quan.
Trước đó, ngày 29/3/2022, Bộ Công an đã có Quyết định khởi tố bị can, Lệnh bắt tạm giam đối với Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Tập đoàn FLC về hành vi "Thao túng thị trường chứng khoán", "Che giấu thông tin trong hoạt động chứng khoán" gây thiệt hại nghiêm trọng cho nhà đầu tư, ảnh hưởng đến hoạt động của thị trường chứng khoán.
Thực tế, thị trường tài chính nói chung và thị trường chứng khoán Việt Nam nói riêng vẫn trong quá trình hoàn thiện khung khổ pháp lý, vì vậy còn nhiều quy định chưa chặt chẽ, hoặc những kẽ hở pháp lý dễ bị doanh nghiệp lợi dụng để thao túng, trục lợi.

Giới chuyên gia cho rằng, cần xem xét những hình thức xử phạt vi phạm tương tự trên thị trường thế giới để áp dụng với thị trường trong nước, vì thị trường tài chính nước ngoài cũng đã trải qua một giai đoạn như ở Việt Nam.

Thời gian gần đây với sự phát triển, nổi lên của một số các doanh nghiệp về bất động sản lớn, những doanh nghiệp này cần huy động một số vốn lớn để đưa vào thị trường bất động sản.Chính điều này khiến tín dụng của ngân hàng đã bị giới hạn. Do đó, một số các doanh nghiệp tìm cách huy động vốn thông qua thị trường tài chính mà chủ yếu là thị trường cổ phiếu và thị trường trái phiếu.

Trong khi đó, thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn trong quá trình hoàn thiện các quy định của pháp luật, vì vậy một số doanh nghiệp lợi dụng những quy định chưa chặt chẽ hoặc kẽ hở của luật, dùng các thủ thuật tài chính để huy động tiền, tài chính, hoặc thao túng trên thị trường chứng khoán với mục đích trục lợi, gây rủi ro rất lớn cho nhà đầu tư. Những vụ việc xảy ra tại các tập đoàn bất động sản lớn gần đây là minh chứng rõ nét cho điều này.

“Hiện nay để ổn định, cũng như là làm lành mạnh lại thị trường tài chính thì một số cơ quan tư pháp, cơ quan quản lý đã cương quyết xử lý các trường hợp mà tôi thấy rằng, trước đây có thể những người này cứ nghĩ mình sẽ không bao giờ bị xử lý”, ông Hà chia sẻ.

Theo Luật sư Hà, các cơ quan chức năng đã xử lý và tiếp tục xử lý một cách triệt để để làm sao “trong sạch” thị trường. Ông Hà đánh giá đây là biện pháp quyết liệt từ phía các cơ quan quản lý nhà nước, cũng như cơ quan tư pháp.

Tuy nhiên, vấn đề quan trọng ở đây là cùng với việc xử lý đó thì các cơ quan chức năng, cơ quan lập pháp phải xem xét được thị trường còn “lỗ hổng” ở đâu, đồng thời cần có thêm các biện pháp để giám sát.
Ông Hà lấy ví dụ, quy định phát hành trái phiếu riêng lẻ hiện nay tương đối có lợi cho các doanh nghiệp, nhưng cần có biện pháp giám sát của chính các tổ chức liên quan. Đơn cử như cần có sự tham gia của các tổ chức đánh giá xếp hạng tín nhiệm trong hồ sơ chào bán trái phiếu riêng lẻ ra công chúng.
“Cái này chúng ta chưa hoàn thiện, tôi nghĩ trong thời gian tới cần một số các biện pháp; trong đó, những biện pháp như trên cần được thực hiện quyết liệt hơn”, ông Hà nói.

Luật sư Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch HĐQT Công ty Luật SBLAW

Bên cạnh đó, Luật sư Hà cũng cho rằng, có thể cập nhật, xem xét những hình thức xử lý vi phạm trên thế giới để áp dụng với Việt Nam. Các quy định của pháp luật Việt Nam về thị trường tài chính hiện nay chưa theo kịp sự phát triển của thị trường trong thực tế.

Do đó, các cơ quan quan lý hoàn toàn có thể nghiên cứu các mô hình của nước ngoài, vì thị trường tài chính các nước phát triển cũng đã trải qua một giai đoạn như ở Việt Nam.
Từ đó, chúng ta có thể hoàn thiện và bổ sung khung khổ pháp lý để tránh trường hợp, khi doanh nghiệp phát triển quá lớn bị xử lý sai phạm sẽ không những ảnh hưởng đến cá nhân chủ doanh nghiệp mà còn ảnh hưởng tới rất nhiều người lao động.
Đối với thị trường cổ phiếu, các quy định của pháp luật dù chặt chẽ hơn thị trường trái phiếu, nhưng có lẽ cần nâng mức xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi bán chui cổ phiếu.
Thực tế, một số những hành vi thao túng, làm giá vẫn diễn ra phố biến trên thị trường cổ phiếu, gây mất niềm tin cho nhà đầu tư, bởi vì họ nghĩ rằng thị trường không minh bạch mà vẫn có sự can thiệp của các “đội lái”. Những chủ doanh nghiệp “lọc lõi” thì lách những quy định của pháp luật, không chỉ là những thủ thuật như “mua tay phải, bán tay trái” mà họ còn có rất nhiều các thủ thuật khác để đẩy giá cổ phiếu, hòng trục lợi.
“Dù chế tài xử phạt hành chính và hình sự khá đầy đủ, nhưng mấu chốt là ở vấn đề thực thi”, Luật sư Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch HĐQT Công ty Luật SBLAW chia sẻ.

Nguồn :https://bnews.vn/hien-ke-lap-lo-hong-phap-ly-tren-thi-truong-chung-khoan/240462.html

0/5 (0 Reviews)

Tư vấn pháp lý

Liên hệ với chúng tôi để được hỗ trợ tư vấn 24/7

    Bài viết liên quan