Hiến kế dẹp tắc đường: Sao không đấu giá “quyền đi ô tô ra đường”?

Nội dung bài viết

Việc hạn chế xe cá nhân không chỉ bằng thuế và phí như hiện nay, chúng ta phải áp dụng mô hình đấu giá quyền được đi xe ô tô ra đường.

Mấy năm qua, mặc dù Hà Nội đã có nhiều giải pháp chống tắc đường như: Xây dựng khá nhiều cầu vượt, đường ngầm ở các nút giao cắt; mở rộng đường; xây dựng hệ thống giao thông trên cao… nhưng tắc đường ngày càng trở lên trầm trọng.

Đơn cử đường Lê Văn Lương, đường Tố Hữu, Nguyễn Xiển cách đây khoảng hai năm rất thông thoáng. Vậy mà giờ đây đã trở thành một điểm đen về ùn tắc giao thông vào những giờ cao điểm.

Đã nhiều năm sống ở nước ngoài và cũng đi khá nhiều nước; từ thực tiễn tham gia giao thông ở Hà Nội hiện nay, tôi cho rằng nếu chúng ta không có giải pháp chống ùn tắc giao thông hiệu quả từ bây giờ, trong vòng từ 5 đến 10 năm nữa, Hà Nội lại rơi vào "vết xe đổ" về tắc đường của Bangkok, Malina và Jakarta.

nguyen-thanh-ha-4
Luật sư Nguyễn Thanh Hà - Chủ tịch điều hành Công ty Luật SB

Vậy làm thế nào để chống tắc đường, quan điểm cá nhân của tôi phải thực hiện một số giải pháp như sau:

1. Cần quyết liệt hơn nữa trong việc đẩy mạnh xây dựng hệ thống giao thông công cộng, trong đó có hệ thống đường sắt đô thị. Vấn đề này, chúng ta cần tham khảo hệ thống giao thông ở Tokyo.

Tại Tokyo nơi có nhiều nhà chọc trời, đường phố trong nội đô cũng nhỏ, nhưng không có cảnh tắc đường, vì hệ thống tàu điện ngầm của họ quá hiệu quả, có cả một thành phố dưới đất vì vậy giảm áp lực cho mặt đất.

Bên cạnh xây dựng đường sắt đô thị với việc ngầm hoá, cần tiến hành song song với việc xây dựng, mở rộng các tuyến xe buýt. Giải pháp chống tắc đường hiệu quả nhất là phải xây dựng được hệ thống giao thông công cộng, đủ sức cạnh tranh về giá và tốc độ với xe cá nhân. Khi hệ thống này hiệu quả, người dân chắc chắn sẽ sử dụng giao thông công cộng.

2. Cần học tập kinh nghiệm của nước ngoài trong đó có Singapore về việc hạn chế xe ô tô cá nhân. Trong khi nạn tắc đường hiện nay đang là sự nhức nhối thì với việc giảm thuế nhập khẩu xe trong thời gian tới và mức sống cao hơn, người dân thành phố sẽ mua xe rất nhiều, chúng ta sẽ lại giống Bangkok Thái Lan, tắc đường trở thành đặc sản.

Việc hạn chế xe cá nhân không chỉ bằng thuế và phí như hiện nay, chúng ta phải áp dụng mô hình đấu giá quyền được đi xe ô tô ra đường. Ví dụ, hằng năm, thành phố có quy hoạch cấp 10.000 ô tô được lưu hành mới, người dân muốn sử dụng thì phải đấu giá để được quyền mua suất này, điều này sẽ giảm được lượng xe cá nhân trong tương lai.

3. Cần có lộ trình để giảm và cấm xe máy trong tương lai. Khi hệ thống giao thông công cộng đã tương đối đồng bộ thì việc cấm xe máy là khả thi.

4. Cần quy hoạch thành phố theo hướng hiện đại, không cho người dân lợi dụng vỉa hẻ để kinh doanh như hiện tại, muốn mua gì thì phải vào trung tâm thương mại, không sử dụng lòng đường, vỉa hè để kinh doanh.

5. Tiếp tục mở rộng hạ tầng giao thông trong thành phố với việc mở nhiều tuyến đường bộ mới, xây dựng các cầu vượt và giải toả các điểm đen về giao thông như một giải pháp tình thế.

6. Gắn quy hoạch xây nhà và khu đô thị với giao thông, không thể cho phép xây nhà cao tầng trong nội đô như hiện nay. Khi xây dựng khu đô thị mới cần tuân thủ nguyên tắc về mật độ xây dựng, không để chủ đầu tư xin cấp phép để nâng số tầng so với quy hoạch.

7. Cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền để nâng cao ý thức của người dân trong việc chấp hành luật giao thông; bên cạnh đó là xây dựng văn hóa giao thông.Có một điều rất lạ là ai cũng cũng phàn nàn, bức xúc về chuyện tắc đường. Vậy mà cứ ra đường là mạnh ai người ấy đi, chen lấn, leo lên vỉa hè, vượt đèn đỏ, trèo qua cả dải phân cách…thế thì chính bản thân chúng ta, tự làm khó cho ta. Do đó xây dựng văn hóa giao thông là một trong những biện pháp khá hữu hiệu

8. Xử lý nghiêm hành vi vi phạm pháp luật giao thông; xây dựng đội ngũ người thực thi công vụ liêm chính.

Tôi cho rằng pháp luật hiện hành đã quy định khá rõ về hành vi vi phạm và chế tài xử lý cũng khá mạnh. Chỉ cần cơ quan chức năng làm đúng như thế thì sẽ khắc phục được hành vi vi phạm giao thông, và từ đó góp phần hạn chế ùn tắc giao thông. Cảnh sát giao thông thì đầy đường phố, nhưng tại sao vi phạm giao thông vẫn diễn ra? Hàng quán tràn ra cả lòng đường, vỉa hè, trong khi ngày nào cũng có mấy lần xe của công an đi dẹp, xe vừa đi qua bàn ghế lại bày la liệt như cũ. Vậy thì đi dẹp để làm gì vừa tốn tiền xăng, vừa mất tiền trả lương? Tại sao lại như vậy? Có lẽ điều này có lẽ mọi người đều có câu trả lời của riêng mình.

Và vấn đề cuối cùng, theo tôi, ngoài học mô hình thành công của các thành phố lớn về ùn tắc giao thông cũng cần học kinh nghiệm thất bại của Băng Cốc, Malina và Jakarta.Phairi hiểu rõ, tại sao họ thất bại khi giải bài toán tắc đường? Những bài học như thế rất cần cho những thành phố đi sau như Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh.

Nguồn: http://danviet.vn/ban-doc/hien-ke-dep-tac-duong-sao-khong-dau-gia-quyen-di-o-to-ra-duong-745768.html

 

0/5 (0 Reviews)

Tư vấn pháp lý

Liên hệ với chúng tôi để được hỗ trợ tư vấn 24/7

    Bài viết liên quan