ANTĐ - Cũng giống như việc đưa các thông tin cá nhân, nhiều người cũng không biết bảo vệ sự riêng tư của mình. Ít người dành thời gian để đọc điều khoản “thỏa thuận” trên các mạng xã hội, và hậu quả là họ phải gánh chịu.
Chia sẻ thông tin với ai?
Luật sư Nguyễn Thanh Hà - Giám đốc Công ty TNHH Luật S&B, bản thân mỗi người đều ý thức được rằng thông tin mình đưa lên FB sẽ được rất nhiều người biết đến, giống như đang nói trước đám đông. Người sử dụng nên cân nhắc xem sẽ chia sẻ thông tin đó với ai. Nếu không chắc về đối tượng chia sẻ thông tin, không nên công khai thông tin đó. Mạng xã hội kết nối mọi người trên toàn thế giới, không kể lứa tuổi, giới tính, ngôn ngữ...
Tuy nhiên, điểm bất lợi là nhà cung cấp dịch vụ chỉ có thể xóa hình ảnh và video vi phạm quy định chứ họ không thể tự động lọc bài viết thiếu lành mạnh, sử dụng các ngôn ngữ kém phổ thông, trong đó có tiếng Việt. Thực tế cho thấy, hiện khá nhiều người sử dụng mạng xã hội FB, nhưng ít người dành thời gian để đọc điều khoản “thỏa thuận” kèm theo sau khi thiết lập tài khoản của mình. Đa phần mọi người dùng FB do bị lôi kéo, vì thấy hay, thấy khác lạ mà không biết sản phẩm họ đang sử dụng có thể gây bất lợi cho chính họ nếu không hiểu rõ luật chơi.
FB yêu cầu người sử dụng ít nhất phải đủ 13 tuổi trước khi đăng ký tài khoản và việc thông báo về một người sử dụng không đủ độ tuổi quy định có thể thực hiện ngay trên trang web, khi người đó vừa thực hiện quá trình khai báo. Và ngay lập tức tài khoản đó sẽ bị xóa nếu vi phạm quy định về quyền và trách nhiệm của người sử dụng. Tuy nhiên, theo báo cáo chính thức của Ofcom, một tổ chức giám sát truyền thông độc lập của Anh, mặc dù những trang mạng xã hội công bố chính thức độ tuổi giới hạn là 13 nhưng trên thực tế có khoảng 19% trẻ em từ 8-12 tuổi sử dụng các trang xã hội, trong đó có FB, 37% người dùng internet tại nhà có độ tuổi từ 5-7 tuổi ghé thăm trang mạng xã hội này. Những con số này, một lần nữa gây nên một cuộc tranh luận về việc FB và các trang khác kiểm soát tuổi của người sử dụng như thế nào. “Mặc dù những trang mạng xã hội có yêu cầu người dùng phải cho biết tuổi, song chẳng có gì để xác minh thông tin đó có đúng sự thật hay không”, luật sư Thanh Hà cho biết.
Sau khi gặp rắc rối, nhiều người muốn xóa bỏ sự tồn tại của mình trên trang mạng xã hội FB. Tuy nhiên, họ phải thực hiện qua nhiều bước phức tạp mới có thể "kết liễu" đứa con ảo của mình. Thậm chí, trước những lời giới thiệu "ngọt ngào" của các thành viên khách ghé thăm rất khó phân biệt được đường dẫn nào an toàn hay độc hại. Ở mức độ nhẹ, máy tính của người dùng sẽ bị nhiễm virus, nặng hơn là "dâng" mật khẩu tài khoản cho kẻ xấu. Sự xuất hiện các mạng xã hội khác nhau khiến hòm thư của nhiều người trở nên "tạp nham". Và mỗi lần có thư đến, người dùng lại bị xao lãng do phải dừng làm việc để kiểm tra xem thư đó của ai và về vấn đề gì.
Có thể bị “trầm cảm Facebook”
Được biết hiện có trên 1 tỉ người sử dụng FB trên toàn thế giới. Điều này cho thấy, sau những nhu cầu thiết yếu để tồn tại thì con người còn có các nhu cầu về tinh thần khác như kết nối cộng đồng, thể hiện khả năng, liên lạc và cập nhật thông tin. PGS.TS Trịnh Hòa Bình - Viện Xã hội học - Viện KHXH&NV Việt Nam cho rằng, ban đầu người ta cho rằng mạng xã hội không bền vững và ít giá trị vì nó là ảo, nhưng đó là nhận định sai lầm. Điều này được thể hiện khá cụ thể khi trên các mạng xã hội đã hình thành nên các nhóm khá vững chắc. Nhiều nhóm có cả trưởng nhóm, có các điều phối viên và có quy chế hoạt động rất bài bản. Với các tính năng như duy trì mối quan hệ xã hội sẵn có và phát triển thêm những mối quan hệ xã hội mới, dễ dàng kết bạn với người lạ, bất cứ nơi đâu và dễ dàng quản lý nhóm bạn bè… mạng xã hội đã “đánh trúng” nhu cầu của nhiều người, đặc biệt là người trẻ tuổi.
Thay vì gặp nhau ngoài đời thực để thăm hỏi, nói chuyện thì không ít bạn trẻ suốt ngày dán mắt vào màn hình máy tính để nói chuyện, trao đổi, “vui chơi” trên mạng xã hội… Thậm chí, nhiều người còn cho rằng “bạn bè” trên FB đã thay thế “bạn bè” trong đời thực. Dần dần, họ sẽ mất các kỹ năng sống, kỹ năng xử lý tình huống. Không ít người có biểu hiện “nghiện” mạng xã hội như sử dụng mạng xã hội trở thành thói quen, có hệ thống và tâm lý bị lệ thuộc mạnh mẽ vào mạng. Đây cũng là một bệnh lý về tâm thần của người nghiện. Thậm chí, nếu không sử dụng mạng xã hội để giao tiếp thì những người “nghiện” sẽ có trạng thái nôn nao, khó chịu, buồn bã… Điều này được chứng minh khi hiện nay không ít công ty, văn phòng, công sở đã có những biện pháp kỹ thuật chặn và nghiêm cấm vào FB trong giờ làm việc.
PGS.TS Trịnh Hòa Bình còn khẳng định, nguy cơ tiềm ẩn của các trang mạng xã hội đối với trẻ đó chính là hội chứng “trầm cảm Facebook”. Khi trẻ em và thanh thiếu niên dành quá nhiều thời gian để vào các website này thì cũng là lúc những thói quen như ăn uống, ngủ nghỉ, kết bạn... bắt đầu thay đổi. Nguy hại hơn, trẻ có xu hướng kết bạn và chơi theo một nhóm cô lập… Đó là những dấu hiệu của bệnh trầm cảm. Khi nhận thấy trẻ có những biểu hiện này, cha mẹ nên trò chuyện cởi mở và thẳng thắn với con về thời gian sử dụng internet hàng ngày, không nên cấm trẻ truy cập vào FB mà hãy cho trẻ một khoảng thời gian nhất định để chúng tự trưởng thành, nhưng cũng nên dành thời gian quan sát để hướng trẻ đi đúng đường.
Sự hiện diện và phát triển của mạng xã hội là khách quan nhưng tiếp nhận, tham gia và sử dụng như thế nào là tùy thuộc vào chủ quan người dùng. Trình độ nhận thức về văn hóa, xã hội, nền tảng đạo đức, lối sống của gia đình, ảnh hưởng của môi trường sống… là những nhân tố quan trọng giúp người sử dụng phân định ảnh hưởng tích cực và tiêu cực của mạng xã hội đối với cuộc sống của mình.
(Theo ANTĐ)