Hành vi thao túng thị trường chứng khoán - Nỗi bất an của nhà đầu tư

Nội dung bài viết

Chứng khoán Việt Nam những năm gần đây chứng kiến nhiều diễn biến thăng trầm, trong đó, hành vi thao túng chứng khoán đang ngày càng trở nên báo động khi gần đây liên tục các trường hợp tạo cung cầu giả bị Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước phát hiện và xử lý. Luật sư Nguyễn Thanh Hà - Chủ tịch Công ty Luật TNHH SB Law đã có chia sẻ về vấn đề này trong cuộc phỏng vấn với Báo Công lý. Dưới đây là nội dung chi tiết:

Câu hỏi 1: Luật sư có thể giải thích chi tiết về các hành vi thao túng thị trường chứng khoán được đề cập trong bài báo và tầm quan trọng của việc nhận diện và ngăn chặn những hành vi này trong bối cảnh pháp luật Việt Nam?

Trả lời:

Theo Khoản 2 Điều 3 Nghị định 156/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán, có quy định “Thao túng thị trường chứng khoán” là việc thực hiện hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động về chứng khoán và thị trường chứng khoán quy định tại khoản 3 Điều 12 Luật Chứng khoán, gồm một, một số hoặc tất cả các hành vi dưới đây:

- Sử dụng một hoặc nhiều tài khoản giao dịch của mình hoặc của người khác hoặc thông đồng liên tục mua, bán chứng khoán nhằm tạo ra cung, cầu giả tạo;

- Đặt lệnh mua và bán cùng loại chứng khoán trong cùng ngày giao dịch hoặc thông đồng với nhau giao dịch mua, bán chứng khoán mà không dẫn đến chuyển nhượng thực sự quyền sở hữu hoặc quyền sở hữu chỉ luân chuyển giữa các thành viên trong nhóm nhằm tạo giá chứng khoán, cung cầu giả tạo;

- Liên tục mua hoặc bán chứng khoán với khối lượng chi phối vào thời điểm mở cửa hoặc đóng cửa thị trường nhằm tạo ra mức giá đóng cửa hoặc giá mở cửa mới cho loại chứng khoán đó trên thị trường;

- Giao dịch chứng khoán bằng hình thức cấu kết, lôi kéo người khác liên tục đặt lệnh mua, bán chứng khoán gây ảnh hưởng lớn đến cung cầu và giá chứng khoán, thao túng giá chứng khoán;

- Đưa ra ý kiến một cách trực tiếp hoặc gián tiếp thông qua phương tiện thông tin đại chúng về một loại chứng khoán, về tổ chức phát hành chứng khoán nhằm tạo ảnh hưởng đến giá của loại chứng khoán đó sau khi đã thực hiện giao dịch và nắm giữ vị thế đối với loại chứng khoán đó;

- Sử dụng các phương thức hoặc thực hiện các hành vi giao dịch khác hoặc kết hợp tung tin đồn sai sự thật, cung cấp thông tin sai lệch ra công chúng để tạo cung cầu giả tạo, thao túng giá chứng khoán.

1. Làm giá

Đây là hành vi thao túng TTCK bằng cách cố ý làm thay đổi giá của cổ phiếu mà không cần dựa vào nhu cầu thực tế của NĐT.

2. Tạo cung cầu ảo

Đây là hành vi thao túng TTCK bằng cách tạo ra cung cầu không chính xác trên thị trường chứng khoán, làm các NĐT tin tưởng rằng cổ phiếu sẽ xuống và bán tháo hoặc sẽ lên và mua vào.

3. Dẫn dắt sai lệch

Đây là hành vi thao túng TTCK bằng cách đưa ra thông tin không chính xác về cổ phiếu và công ty sở hữu cổ phiếu đó nhằm làm các NĐT thay đổi ý định mua vào hoặc bán ra.

4. Điều chỉnh giá cả trong thời gian ngắn

Đây là hành vi thao túng TTCK bằng cách tạo ra số lượng giao dịch lớn nhưng số lượng cổ phiếu giao dịch lại nhỏ trong một thời gian ngắn nhằm thu hút NĐT đầu tư vào cổ phiếu đó.

5. Sử dụng thông tin nội bộ

Đây là hành vi thao túng TTCK bằng cách lợi dụng thông tin từ chính bên trong công ty sắp hoặc sẽ xảy ra để mua vào hoặc bán ra để thu lợi bất chính và không công bằng với các NĐT khác.

6. Thao túng giá qua giao dịch đồng thuận

Đây là hành vi thao túng TTCK bằng cách cấu kết, hợp tác giữa một nhóm người hoặc các công ty với nhau để đẩy giá cổ phiếu lên hoặc xuống, là phạm vi lớn hơn của hành vi làm giá.

Những hành vi thao túng TTCK trên cần phải được nhận diện và ngăn chặn kịp thời để giữ vững sự ổn định của thị trường chứng khoán cũng như niềm tin của các NĐT trong và cả ngoài nước về sự công bằng và minh bạch của TTCK Việt Nam. Nhất là trong bối cảnh pháp luật vẫn chưa quy định rõ ràng và chi tiết về những hành vi thao túng trên. Chính vì vậy, trong thực tế việc nhân diện rõ những hành vi đó rất quan trọng, việc nhận diện rõ sẽ giúp cho các nhà đầu tư biết trước được để tránh bị mắc bẫy cũng cũng như giúp cho các nhà làm luật hiểu rõ được và có những quy định chi tiết về vấn đề này. Việc nhận diện được những hành vi đó cũng giúp các cơ quan chức năng có biện pháp ngăn chặn kịp thời vì nếu không sẽ gây ảnh hưởng cực kì nghiêm trọng đến TTCK và nền kinh tế nói chung và các NĐT cùng doanh nghiệp nói riêng.

Câu hỏi 2: Theo quan điểm của luật sư, các hành vi thao túng thị trường chứng khoán như làm giả, tạo cung cầu ảo, dẫn dắt thông tin sai lệch, điều chỉnh giá cả trong thời gian ngắn và sử dụng thông tin nội bộ được xem là những vi phạm nghiêm trọng. Luật sư có thể chia sẻ với chúng tôi về hậu quả tiềm ẩn của những hành vi này đối với nhà đầu tư và sự ổn định của thị trường chứng khoán?

Trả lời:

Hành vi dẫn dắt thông tin lan truyền tin đồn thất thiệt, tung tin giả: Có thể kế đến như tung tin đồn xấu về một công ty trên mạng xã hội. Hậu quả là gây ra tiếng xấu bất lợi cho đơn vị phát hành, làm giá cổ phiếu bị giảm và uy tín bị ảnh hưởng nghiêm trọng

Hành vi thổi phồng giá cổ phiếu: Đây là hành vi dùng nhiều tài khoản mua vào một lượng lớn cổ phiếu nhằm đẩy giá lên cao. Khi giá được thổi lên đến mức kỳ vọng thì sẽ bán ra để thu lợi nhuận. Những người nhận hậu quả nhiều nhất là các nhà đầu tư nhỏ lẻ, mới tham gia thị trường hoặc thích “đu đỉnh”. Do tin vào thông tin sai lệch, nhà đầu tư mua vào số lượng lớn cổ phiếu. Sau đó, giá cổ phiếu sụt giảm, nhà đầu tư nhận lỗ, thậm chí mất trắng.

Hành vi thực hiện tạo cung cầu ảo: Đây là hành vi đặt lệnh giao dịch chứng khoán lớn tạo ra nhu cầu ảo khiến cho giá cổ phiếu tăng vọt, nhiều nhà đầu tư cũng mua theo. Kẻ thao túng sẽ bán cổ phiếu của mình ra với giá cao sau đó rút lại giao dịch mua. Vậy là có thể bán được cổ phiếu của mình với giá cao và khiến các nhà đầu tư đã mua vào bị lỗ.

Ngoài gây ảnh hưởng tới các nhà đầu tư hành vi thao túng thị trường chứng khoán còn ảnh hưởng đến các doanh nghiệp. Các doanh nghiệp không thể phân tích và xác định chính xác đâu là khoản đầu tư tốt nhất từ đó có thể bở lỡ nhiều cơ hội đầu tư. Giá cổ phiếu thường là cơ sở để đánh giá tình trạng hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Tuy nhiên, với cổ phiếu bị thao túng, giá cổ phiếu không thể hiện đúng “sức khỏe” của doanh nghiệp. Thêm nữa, việc gia tăng số lượng giao dịch dẫn tới tăng thanh khoản trong thời gian ngắn. Điều này gây khó khăn cho việc tập trung vốn của doanh nghiệp phát hành, ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh.

Câu hỏi 3: Trong bài báo, nhắc đến việc áp dụng Luật Chứng khoán và Luật Hình sự của Việt Nam để trừng phạt những cá nhân và tổ chức vi phạm hành vi thao túng thị trường. Luật sư có thể giới thiệu về quy trình pháp lý và quyền hạn của các cơ quan quản lý trong việc điều tra, truy tố và xử lý các vi phạm này?

Trả lời:

Trước đây, Luật Chứng khoán năm 2006, sửa đổi năm 2010 quy định về thẩm quyền của Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) trong thanh, kiểm tra, xử lý vi phạm chưa đáp ứng được yêu cầu quản lý, giám sát, cưỡng chế thực thi pháp luật trên thị trường chứng khoán (TTCK). Theo đó, Luật thực hiện giám sát theo 2 cấp: là Sở giao dịch chứng khoán và UBCKNN. Tuyến đầu tại sở giao dịch chứng khoán, nếu phát hiện dấu hiệu bất thường sẽ báo cáo UBCKNN để thanh, kiểm tra và thu thập thông tin, xử lý theo quy định. Trong khi đó, UBCKNN lại không được cấp thẩm quyền trong việc yêu cầu các cá nhân, tổ chức cung cấp thông tin; đến làm việc để giải trình, cung cấp tài liệu.

Vì vậy, UBCKNN gặp nhiều khó khăn trong việc thu thập thông tin, xác minh, làm rõ và xử lý các hành vi thao túng thị trường. Để khắc phục hạn chế đó, Điều 130 Luật Chứng khoán năm 2019 đã bổ sung một số quyền cho UBCKNN như: 

  • Yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp thông tin, tài liệu, dữ liệu hoặc yêu cầu tổ chức, cá nhân giải trình, đến làm việc liên quan đến nội dung thanh, kiểm tra;
  • Yêu cầu tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng tại Việt Nam cung cấp thông tin liên quan đến giao dịch trên tài khoản khách hàng đối với các trường hợp có dấu hiệu thực hiện hành vi bị cấm trong hoạt động chứng khoán và TTCK;
  • Yêu cầu doanh nghiệp viễn thông cung cấp tên, địa chỉ, số máy gọi, số máy được gọi, thời gian gọi để xác minh, xử lý các hành vi bị cấm.

Như vậy, Luật Chứng khoán năm 2019 đã tăng cường nhiều quyền lực cho UBCKNN trong việc điều tra hành vi thao túng chứng khoán. Đặc biệt là thẩm quyền trong việc thu thập dòng tiền của các nhà đầu tư có nghi vấn. Bởi vì để có thể chứng minh từ dấu hiệu nghi phạm đến khi có đủ bằng chứng để xử lý được là tương đối khó khăn. Chẳng hạn như, khi có nghi vấn về giao dịch thao túng giá chứng khoán, để chứng minh được có sự thông đồng cấu kết thì UBCKNN phải có căn cứ dựa trên dữ liệu về sao kê chuyển tiền, e-mail trao đổi, điện thoại, … Bên cạnh đó, Điều 131 Luật Chứng khoán năm 2019 cũng nêu rõ trách nhiệm phối hợp của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật trên TTCK. Như vậy, với quy định mới tại Luật Chứng khoán năm 2019, UBCKNN sẽ thực hiện giám sát theo 3 cấp: Công ty chứng khoán – Sở giao dịch chứng khoán – UBCKNN. Bắt đầu từ công ty chứng khoán, trong quá trình cung cấp dịch vụ cho khách hàng thấy có dấu hiệu giao dịch bất thường thì phải có trách nhiệm báo cáo cho sở giao dịch chứng khoán và UBCKNN. Trung tâm Lưu ký Chứng khoán tuy không phải là đơn vị trực tiếp giám sát giao dịch nhưng là đơn vị cung cấp dữ liệu để UBCKNN có thông tin phân tích.

Câu hỏi 4: Hành vi thao túng thị trường chứng khoán có thể gây thiệt hại đáng kể đến niềm tin của nhà đầu tư. Luật sư có thể chia sẻ với chúng tôi về các biện pháp bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư trong trường hợp họ bị ảnh hưởng bởi các hành vi thao túng?

Trả lời:

Các hành vi thao túng thị trường gây ảnh hướng lớn cho các nhà đầu tư khiến cho họ bị thiệt hại về mặt kinh tế, chính vì vậy điều mà các nhà đầu tư mong muốn nhất là có thể được bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp trước những hành vi trái pháp luật đó. Biện pháp tốt nhất là báo cáo vụ việc lên các cơ quan chức năng để họ can thiệp kịp thời và bào vệ quyền lợi pháp của các nhà đầu tư. Nên khi phát hiện ra hành vi thao túng, các nhà đầu tư nên gửi khiếu nại đến Uỷ ban chứng khoán Nhà nước, cũng như có thể gửi đơn yêu cầu đến các cơ quan điều tra, Toà án để kịp thời ngăn chặn hành vi tẩu tán tài sản của các đối tượng có hành vi thao túng thị trường để lừa tiền của các nhà đầu tư. Từ đó phần nào có thể lấy lại được và hoàn trả lại số tiền bị lừa của các nhà đầu tư.

Bên cạnh đó, cần phải thành lập quỹ và công ty bảo vệ nhà đầu tư để đảm bảo quyền lợi của các nhà đầu tư. Hiện nay, Việt Nam hiện chưa có mô hình tổ chức nào bảo vệ khi các nhà đầu tư bị lừa, bị chiếm dụng vốn, khi họ bị ảnh hưởng bởi các hành vi thao túng đó thì sẽ không có người đứng ra bảo vệ quyền lợi cho họ. Trong khi trên thế giới nhiều trung tâm chứng khoán phát triển như Mỹ, Hồng Kông, Đài Loan... thì mô hình quỹ và công ty bảo vệ nhà đầu tư đã hoạt động rất thành công Cơ chế bảo vệ nhà đầu tư được các mô hình này xây dựng dựa trên các yếu tố cơ bản là: Có quy định pháp luật cụ thể trong việc lập và điều hành quỹ đền bù, bảo vệ nhà đầu tư; có một cơ quan công cộng đóng vai trò quản trị và điều hành quỹ; có một cơ chế khởi kiện và tranh tụng tập thể, qua đó, một tổ chức có thể được ủy nhiệm từ trước bởi các thành viên để chủ động đi kiện và tiến hành các biện pháp tố tụng khi có đủ các điều kiện cần thiết

Câu hỏi 5: Trong tương lai, luật sư có nhận định nào về sự cần thiết của việc cải tiến và hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan đến thị trường chứng khoán để ngăn chặn và xử lý hiệu quả các hành vi thao túng? Luật sư đề xuất những cải cách hoặc biện pháp nào để tăng cường tính minh bạch, công bằng và ổn định của thị trường chứng khoán?

Trả lời:

Hiện nay song song với sự phát triển nhanh chóng của thị trường chứng khoán thì các hành vi thao túng thị trường chứng khoán xuất hiện nhiều hơn và với hình thức tinh vi hơn. Trong đó, thể hiện rõ nhất trên thị trường chứng khoán là rủi ro thao túng giá chứng khoán khi liên tục mua, bán chứng khoán nhằm tạo cung, cầu giả tạo, tác động đến giá chứng khoán theo hướng mong muốn của đối tượng thao túng nhằm thu lợi bất chính. Việc sử dụng lợi thế công nghệ, kỹ thuật chèn lệnh, nhồi lệnh, chiếm dụng tài nguyên, đường truyền, đặt lệnh với tốc độ cao, khối lượng lớn và trong thời gian ngắn... để đẩy giá chứng khoán lên cao, sau đó có thể hủy lệnh hoặc tất toán lệnh... nhằm thu lợi bất chính.

Tuy nhiên, pháp luật vẫn chưa đáp ứng với thực tiễn, Luật chuyên ngành điều chỉnh các hành vi thao túng thị trường chứng khoán chưa đủ sức răn đe. Hầu hết các vụ việc liên quan đến thao túng thị trường chứng khoán tại Việt Nam hiện nay vẫn chỉ dừng lại ở mức xử phạt hành chính, khiến nhiều nhà đầu tư dần mất niềm tin vào thị trường. Mức phạt quá thấp so với lợi nhuận thu được chính là lý do khiến hành vi thao túng TTCK vẫn liên tục tái diễn, gây mất công bằng cho thị trường. Theo quy định tại Điều 211 Bộ luật hình sự, hình phạt nặng nhất được quy định tại khoản 2 Điều này, theo đó người phạm tội có thể bị phạt tù 7 năm hoặc bị phạt tiền tối đa 4 tỷ đồng nếu có các tình tiết tăng nặng. Trong khi đó, số tiền thu lời bất chính hay số tiền gây thiệt hại cho nhà đầu tư do hành vi thao túng thị trường chứng khoán trên thực tế lớn hơn rất nhiều, có thể lên tới hàng nghìn tỷ đồng.

Ngoài ra hiểu biết và tâm lý của các nhà đầu tư vẫn chưa đạt được yêu cầu về việc phát triển thị trường chứng khoán lâu dài. Việt Nam ghi nhận con số những nhà đầu tư cá nhân đang tăng một cách đang kể, chiếm phần lớn thi trường chứng khoán hiện nay. Tuy nhiên, do sự thiếu trang bị về kiến thức về tài chính và chứng khoán, tâm lý sợ rủi ro lỗ, kỹ năng và năng lực quản lý tài chính,… rất nhiều nhà đầu tư nhỏ lẻ đã gặp thất bại và phải rút lui khỏi thị trường.

Chính vì những lý do trên nên việc cải tiến và hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan đến thị trường chứng khoán trở nên rất cần thiết để có thể đáp ứng được sự phát triển của thị trường.

Kiến nghị

- Pháp luật hoàn thiện các quy định về xử phạt hành vi thao túng thị trường

Cần bổ sung các văn bản hướng dẫn phương pháp tính số tiền “thu lời bất chính” và “gây thiệt hại cho nhà đầu tư” để thống nhất khi áp dụng vào thực tiễn, từ đó tạo thuận lợi, rút ngắn thời gian trong điều tra, xử lý tội phạm thao túng thị trường chứng khoán theo Điều 211 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017.

Bổ sung thêm hậu quả của hành vi thao túng thị trường chứng khoán, có thể là “gây mất an ninh tài chính tiền tệ” hoặc “gây ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của thị trường chứng khoán”, …

Sửa đổi, bổ sung thêm hình phạt đối với hành vi thao túng thị trường chứng khoán theo hướng tăng thêm mức độ, có thể tăng từ 7 năm tù giam lên 20 năm tù giam là mức hình phạt cao nhất, kèm theo đó là các hình phạt bổ sung như: cấm đảm nhiệm các chức vụ, cấm hành nghề từ 5-7 năm, …

- Nâng cao trình độ của các nhà đầu tư (phải có chứng chỉ nhà đầu chuyên nghiệp thì mới đc trực tiếp tham gia giao dịch trên thị trường chứng khoán)

Nhà đầu tư tối thiểu phải có hiểu biết về thị trường tài chính, về bản chất công cụ vốn của cổ phiếu, trái phiếu, chứng khoán phái sinh... trước khi tham gia vào đầu tư. Quan trọng nhất đó chính là nhà đầu tư phải nhận thức được rủi ro của công cụ vốn để từ đó có cách thức tiếp cận phù hợp khi tham gia đầu tư.

 

0/5 (0 Reviews)

Tư vấn pháp lý

Liên hệ với chúng tôi để được hỗ trợ tư vấn 24/7

    Bài viết liên quan