Luật sư Nguyễn Thanh Hà - Chủ tịch Công ty Luật TNHH SB LAW đã trả lời trên Truyền hình quốc hội trong chương trình Hiểu Đúng - Làm Đúng về hành vi mua khăn Trung Quốc về cắt mác và thêm mác của công ty mình. Dưới đây là nội dung chi tiết:
TH: Anh Trọng xây dựng thương hiệu bằng sản phẩm lụa Việt Nam nhưng do không tìm được nguồn hàng, anh Trọng đã mua khăn Trung Quốc về cắt mác và thêm mác của công ty mình vào. Khi gặp sự cố bị phát hiện, anh Trọng đã tìm đến luật sư xin tư vấn.
Hành vi của bạn: mua khăn Trung Quốc về cắt mác và thêm mác của công ty mình. Hành vi này đã nhắm vào đúng sự tự hào về chất lượng hàng lụa Việt Nam, sự tin cậy về chất lượng hàng lụa truyền thống Việt Nam, dùng hàng Việt của người tiêu dùng. Từ đó, mặt hàng này có thể sẽ bán chạy hơn so với các mặt hàng cùng loại. Đặc biệt là so với các mặt hàng lụa nhập khẩu.
Đây là hành vi cạnh tranh không lành mạnh. Hành vi này được quy định tại Khoản 4 Điều 3 Luật Cạnh tranh năm 2004 như sau: “Hành vi cạnh tranh không lành mạnh là hành vi cạnh tranh của doanh nghiệp trong quá trình kinh doanh trái với với chuẩn mực thông thường về đạo đức, gây thiệt hại hoặc có thể gây thiệt hại đến lợi ích của nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp khác hoặc của người tiêu dùng”.
Với việc gắn mác của công ty mình vào, công ty này đã làm người tiêu dùng nhầm lẫn về nguồn gốc xuất xứ của hàng hóa. Đó là hành vi bị cấm theo Điều 39, Điều 40 Luật Cạnh tranh năm 2004. Cụ thể: “Cấm doanh nghiệp sử dụng chỉ dẫn chứa đựng thông tin gây nhầm lẫn về tên thương mại, khẩu hiệu kinh doanh, biểu tượng kinh doanh, bao bì, chỉ dẫn địa lý, và các yêu tố khác theo quy định của Chính phủ để làm sai lệch nhận thức của khách hàng về hàng hóa, dịch vụ nhằm mục đích cạnh tranh”.
Và như thế, người tiêu dùng đã bị nhầm lẫn về nguồn gốc xuất xứ hàng hóa. Mức phạt tiền đối với hành vi này hiện được quy định tại Khoản 2, 3 Điều 28 Nghị định số 71/2014/NĐ-CP quy định về hành vi cạnh tranh không lành mạnh liên quan đến sở hữu công nghiệp: “Sử dụng chỉ dẫn chứa đựng thông tin gây nhầm lẫn về tên thương mại, khẩu hiệu kinh doanh, biểu tượng kinh doanh, bao bì, chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu, nhãn hàng hóa và các yếu tố khác theo quy định của Chính phủ để làm sai lệch nhận thức của khách hàng về hàng hóa, dịch vụ nhằm mục đích cạnh tranh”; “Kinh doanh hàng hóa, dịch vụ có sử dụng chỉ dẫn chứa đựng thông tin gây nhầm lẫn” thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng.
Theo quy định tại Điểm e Khoản 8 Điều 3 Nghị định 185/2013/NĐ-CP ngày 15/11/2013 của Chính phủ về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ người tiêu dùng thì: “Hàng hóa có nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa ghi chỉ dẫn giả mạo về nguồn gốc hàng hóa, nơi sản xuất, đóng gói, lắp ráp hàng hóa” được quy định là hàng giả.
Hơn thế nữa theo Điều 13, Điều 14 Nghị định 185/2013/NĐ-CP quy định chi tiết về chế tài xử phạt và mức xử phạt đối với hành vi buôn bán, sản xuất hàng giả mạo nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa.
Ngoài ra, bạn cũng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội sản xuất, buôn bán hàng giả theo quy định tại Điều 156 Bộ luật Hình sự 1999 (sửa đổi bổ sung năm 2009); Tội Lừa dối khách hàng theo Điều 162 Bộ luật hình sự năm 1999. Việc xử lý như thế nào sẽ phải tùy vào tình hình thực tế điều tra của cơ quan chức năng.
Bạn còn có thể phải đối mặt với các vụ kiện từ người tiêu dùng, các Hiêp hội ngành nghề về tơ lụa, dệt may, … Vẫn chưa biết là chứng cứ thế nào, bên kiện có khả năng chứng minh đến đâu, mức bồi thường ra sao. Trước mắt, thiệt hại lớn nhất mà công ty bạn đã phải chịu là thiệt hại về danh tiếng, uy tín và thị trường.