Giết khỉ, ăn óc sống "khoe" Facebook
Cách đây ít ngày, một tài khoản facebook là T.K có post ảnh 2 con chim nghi là chim hồng hoàng đã vặt lông, thui qua lửa với lời nhắn "co ai nhau khong, thieu tay". Ngay sau đó, những hình ảnh này đã nhận được khá nhiều bình luận và chia sẻ.
Hầu hết các ý kiến đều biểu lộ sự giận dữ vì cho rằng đây là một loài chim quý thường sinh sống sâu trong rừng Vườn quốc gia Bù Gia Mập, được đánh giá là gần (cận) nguy cấp trong sách đỏ của IUCN về các loài nguy cấp. Do đó, việc tận diệt chim này là hành vi phạm pháp.
Liên quan đến vụ việc trên, được biết, Chi cục Kiểm lâm Bình Phước đã vào cuộc điều tra và khẳng định, nếu kết quả xác minh đúng là chim Phượng Hoàng như dư luận phản ánh, đơn vị này sẽ xử lý nghiêm minh theo quy định pháp luật.
Đáng buồn, sự việc trên không phải hi hữu. Trước đó, tại huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh, 5 người đàn ông đã tham gia giết khỉ ăn óc sống uống rượu rồi đăng lên facebook gây xôn xao dư luận. Sau khi làm rõ danh tính nhóm người này, cơ quan công an đã triệu tập họ để lấy lời khai phục vụ công tác điều tra.
Hình ảnh giết khỉ tràn lan trên mạng xã hội
Tương tự, tại huyện Bắc Yên, tỉnh Sơn La, một tài khoản đã đăng tải nhiều bức ảnh chụp nam thanh niên treo cổ con khỉ màu nâu nhạt trên tay và ảnh một con khác đang bị giết hại, kèm theo dòng chữ: "Lâu ngày anh em gặp nhau làm tí chơi hết mình mổ khỉ tiếp nhau thôi". Cơ quan chức năng đã nhanh chóng xác định chủ nhân của Facebook trên là người đàn ông trú tại bản Ngậm, xã Song Pe.
Sau những vụ việc trên, nhiều người cho rằng, mặc dù dư luận đã nhiều lần lên tiếng phản đối những hành động giết hại dã man các loại động vật hoang dã song tình trạng này không có dấu hiệu thuyên giảm, thậm chí còn nghiêm trọng hơn. Do đó những đối tượng thực hiện hành vi cần bị lên án và xử lý nghiêm theo quy định nhằm đảm bảo tính răn đe.
Có thể truy cứu trách nhiệm hình sự?
Phân tích các sự việc trên dưới góc độ pháp lý, Luật sư Nguyễn Thanh Hà – Chủ tịch Công ty Luật SBLAW cho rằng, việc đăng các ảnh khoe chiến công giết khỉ, chim quý trên trang facebook có dấu hiệu vi phạm các quy định về bảo vệ động vật hoang dã quý hiếm.
Luật Bảo vệ và Phát triển rừng (2004) quy định, những hành vi săn, bắn, bắt, bẫy, nuôi nhốt, giết mổ động vật rừng trái phép bị nghiêm cấm. Ngoài ra, theo Nghị định 32/2006/NĐ-CP, khỉ là loài động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm thuộc nhóm IIB- động vật rừng – nhóm hạn chế khai thác, sử dụng vì mục đích thương mại. Do đó, người nào có hành vi giết khỉ nấu cao, làm thịt để ăn nhậu đã vi phạm nghiêm trọng các quy định của pháp luật.
Hành vi này có thể bị xem xét xử lý hành chính và nếu có đầy đủ các dấu hiệu cấu thành tội phạm theo quy định của Bộ luật Hình sự thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Điều 234 BLHS 2015 sửa đổi về Tội vi phạm quy định về bảo vệ động vật hoang dã quy định, người nào thực hiện một trong các hành vi: Săn bắt, giết, nuôi, nhốt, tàng trữ, vận chuyển, buôn bán trái phép động vật thuộc Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm Nhóm IIB hoặc Phụ lục II Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp trị giá từ 150.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng hoặc động vật hoang dã khác trị giá từ 300.000.000 đồng đến dưới 700.000.000 đồng hoặc thu lợi bất chính từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 242 và Điều 244 của Bộ luật này thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng-3 năm. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp quy định tại Khoản 3 Điều này thì bị thì bị phạt tù từ 7-12 năm.
Còn theo Điều 244 về tội vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm, người nào vi phạm quy định về bảo vệ động vật thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ hoặc Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm Nhóm IB hoặc Phụ lục I Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp thì bị phạt tiền từ 500.000.000 đồng đến 2.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp thuộc khoản 3 thì bị phạt tù từ 10-15 năm.
"Nhằm ngăn chặn triệt để tình trạng trên, bên cạnh việc cơ quan chức năng cần tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm cá nhân vi phạm, mỗi người dân cần nâng cao hiểu biết về pháp luật và kiên quyết nói không đối với việc giết hại, sử dụng sản phẩm từ động vật hoang dã" - Luật sư Nguyễn Thanh Hà nhấn mạnh.