Hành vi đầu cơ xăng dầu có vi phạm pháp luật không?

Nội dung bài viết

Trong bản tin thời sự ngày 2 tháng 4 năm 2020 trên truyền hình nhân dân, luật sư Nguyễn Thanh Hà, chủ tịch công ty luật SBLAW đã có phần trả lời về hành vi đầu cơ xăng dầu.

Sau đây là nội dung bài trả lời phỏng vấn:

1.Hiện nay xuất hiện tình trang người dân ồ ạt đi mua xăng dầu tích trữ do giá xuống thấp kỷ lục, vậy về phía luật pháp thì điều này có vi phạm điều luật nào hay không? Và nó tiềm ẩn những nguy cơ gì?

Trả lời:

Hiện nay, tại một số địa phương, có hiện tượng người dân tập trung mua xăng dầu tích trữ do giá bán lẻ các mặt hàng xăng dầu trong nước giảm mạnh theo diễn biến giá xăng dầu thế giới và trong bối cảnh dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp khó lường tại nước ta và trên thế giới.

Việc mua tích trữ xăng dầu sẽ tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn phòng cháy, chữa cháy, đe dọa tính mạng, tài sản của chính người tích trữ và cộng đồng dân cư, không an toàn nếu không có hệ thống lưu cất quy chuẩn và đảm bảo an toàn phòng chống cháy nổ. Đồng thời, việc tập trung đông người để mua xăng dầu có thể dẫn đến nguy cơ nhiễm, lây lan dịch bệnh và không tuân thủ chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về phòng chống dịch bệnh Covid-19.

Bên cạnh đó, hành vi này còn có thể được coi là đầu cơ, găm hàng hóa nếu có hoạt động mua bán kiếm lời, hành vi đầu cơ trục lợi nên có thể vi phạm pháp luật.

2. Nếu tích trữ xăng dầu với mục đích đầu cơ, thu lợi thì sẽ vi phạm và phạt mới các mức độ như thế nào?

Trả lời:

Tùy theo mức độ nghiêm trọng của hành vi mà người đầu cơ có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Thứ nhất, xử phạt vi phạm hành chính:

Điều 46 Nghị định số 185/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, quy định mức phạt đối với hành vi đầu cơ hàng hóa là phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi lợi dụng tình hình khan hiếm hàng hóa hoặc tạo ra sự khan hiếm hàng hóa giả tạo trên thị trường để mua vét, mua gom hàng hóa có giá trị từ 50.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng nhằm bán lại thu lợi bất chính thuộc một trong các trường hợp sau đây mà không bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều này có giá trị từ 100.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng.

Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều này có giá trị từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.

Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 80.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều này có giá trị từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng.

Phạt tiền từ 80.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều này có giá trị từ 1.000.000.000 đồng trở lên.

Thứ hai, truy cứu trách nhiệm hình sự:

Điều 196 Bộ luật hình sự năm 2015 (được sửa đổi bổ sung năm 2017) người nào lợi dụng tình hình khan hiếm hoặc tạo ra sự khan hiếm giả tạo trong tình hình thiên tai, dịch bệnh, chiến tranh hoặc tình hình khó khăn về kinh tế mua vét hàng hóa thuộc danh mục mặt hàng bình ổn giá, hoặc thuộc danh mục hàng hóa được Nhà nước định giá có trị giá từ 500 triệu đến dưới 1,5 tỷ đồng, nhằm bán lại để thu lợi bất chính từ 100 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng thì bị phạt tiền từ 30 - 300 triệu đồng, hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.

Phạt tiền từ 300 triệu đồng đến 1,5 tỷ đồng hoặc phạt tù từ 3 - 7 năm nếu phạm tội có tổ chức; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn; Lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức đối với hàng hóa trị giá từ 1,5 tỷ đồng đến dưới 3 tỷ đồng; Thu lợi bất chính từ 500 triệu đến dưới 1 tỷ đồng; Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội.

Phạt tiền từ 1,5 – 5 tỷ đồng hoặc phạt tù từ 7 - 15 năm nếu mua găm hàng hóa trị giá 3 tỷ đồng trở lên; Thu lợi bất chính 1 tỷ đồng trở lên; Tái phạm nguy hiểm. Trường hợp pháp nhân thương mại phạm tội sẽ bị áp dụng hình phạt từ 300 triệu đến 9 tỷ đồng và có thể bị áp dụng cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 1 - 3 năm.

 

 

0/5 (0 Reviews)

Tư vấn pháp lý

Liên hệ với chúng tôi để được hỗ trợ tư vấn 24/7

    Bài viết liên quan