Luật sư Nguyễn Thanh Hà - Chủ tịch Công ty Luật TNHH SB LAW trả lời trên Info TV về hành vi đánh người, đốt xe, ... vì nghi là bắt cóc trẻ em. Dưới đây là nội dung chi tiết của bài phỏng vấn:
Câu 1: Hành vi đánh người và đốt xe nói trên có vi phạm pháp luật không? Vi phạm điều luật nào? Khung hình phạt như thế nào?
Luật sư trả lời:
Dưới góc độ pháp lý, không ai có quyền xâm phạm, tước đoạt tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm của người khác, kể cả khi họ có hành vi vi phạm pháp luật hay không vi phạm, trừ những trường hợp phòng vệ chính đáng hoặc trong tình thế cấp thiết.
Liên quan đến vụ người dân đánh hội đồng hai người phụ nữ bán tăm vì nghi bắt cóc trẻ em ở Sóc Sơn, Hà Nội. Hành động của những người trong vụ việc này đã gây tổn hại sức khỏe cho người khác, do đó có dấu hiệu của Tội Cố ý gây thương tích được quy định tại Điều 104 Bộ luật Hình sự năm 1999 (được sửa đổi, bổ sung năm 2009).
Trong trường hợp này, tùy thuộc vào tỉ lệ thương tật của nạn nhân, người phạm tội sẽ phải chịu những mức hình phạt tương ứng.
Chẳng hạn, hành vi dùng hung khí nguy hiểm (gạch, gậy…) tấn công gây thương tích cho nạn nhân dưới 11% hoặc dùng tay chân gây thương tích cho nạn nhân trên 11% có thể bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 3 năm. Nếu tỷ lệ thương tật cao hơn sẽ có những khung hình phạt nặng hơn, mức hình phạt cao nhất của tội này là từ chung thân.
Việc phá hoại tài sản giống như vụ việc đốt xe ô tô ở Hải Dương có dấu hiệu của Tội Hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản theo quy định tại Điều 143 Bộ luật Hình sự.
Theo đó, đối với hành vi này, người phạm tội có thể bị phạt tù với mức cao nhất lên đến chung thân, tùy thuộc vào giá trị tài sản bị hủy hoại. Giá trị tài sản từ hai triệu đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới hai triêu đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm. Giá trị tài sản từ 50 triệu đồng đến dưới 200 triệu đồng thì mức án là 2 đến 7 năm; giá trị từ 200 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng, mức án là 7 đến 15 năm; giá trị từ 500 triệu đồng trở lên mức án là 12 đến 20 năm hoặc chung thân. Bên cạnh đó, người vi phạm còn phải chịu trách nhiệm bồi thường toàn bộ thiệt hại.
Câu 2: Người bị hại có thể khởi kiện được không? Có đủ cơ sở để khởi tố vụ án không?
Luật sư trả lời:
Trong trường hợp này người bị hại hoàn toàn có thể khởi kiện.
- Đối với hành vi đánh người:
Theo quy định tại Điều 105 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003:
“1. Những vụ án về các tội phạm được quy định tại khoản 1 các điều 104, 105, 106, 108, 109, 111, 113, 121, 122, 131 và 171 của Bộ luật hình sự chỉ được khởi tố khi có yêu cầu của người bị hại hoặc của người đại diện hợp pháp của người bị hại là người chưa thành niên, người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất”.
Theo quy định này, trong trường hợp người bị hại hoặc người đại diện hợp pháp, có đơn yêu cầu khởi tố theo yêu cầu của bị hại thì Cơ quan Cảnh sát điều tra sẽ xem xét khởi tố về hành vi cố ý gây thương tích, hoặc gây tổn hại sức khỏe của người khác. Kết quả giám định thương tật của người bị hại là căn cứ để cơ quan có thẩm quyền quyết định việc khởi tố hay không khởi tố.
- Đối với hành vi hủy hoại tài sản;
Người bị hại có thể khởi kiện dân sự để được bồi thường thiệt hại (căn cứ theo Điều 584 và Điều 589 Bộ luật Dân sự năm 2015).
Hành vi hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác gây thiệt hại từ 2 triệu đồng thì có thể phải chịu trách nhiệm hình sự theo Điều 143 Bộ luật Hình sự, trong trường hợp này cơ quan có thẩm quyền có thể tự khởi tố vụ án khi xét thấy vụ việc có dấu hiệu tội phạm mà không cần phải có đơn khởi kiện của người bị hại.
Câu 3: Nếu có, quá trình điều tra sẽ bắt đầu từ đâu? Diễn ra như thế nào?
Luật sư trả lời:
Điều tra vụ án hình sự là giai đoạn tố tụng hình sự thứ hai mà trong đó cơ quan Điều tra căn cứ vào các quy định của pháp luật TTHS và dưới sự kiểm sát của Viện kiểm sát tiến hành các biện pháp cần thiết nhằm thu thập và củng cố các chứng cứ, nghiên cứu các tình tiết của vụ án hình sự, phát hiện nhanh chóng và đầy đủ tội phạm, cũng như người có lỗi trong việc thực hiện tội phạm tội để truy cứu trách nhiệm hình sự, đồng thời bảo đảm cho việc bồi thường thiệt hại về vật chất do tội phạm gây nên và trên cơ sở đó quyết định: Đình chỉ điều tra vụ án hình sự hoặc là; Chuyển toàn bộ các tài liệu của vụ án đó cho Viện kiểm sát kèm theo kết luận điều tra và đề nghị truy tố bị can.
Với tính chất là một giai đoạn độc lập của tố tụng hình sự, giai đoạn điều tra vụ án hình sự có chức năng thực hiện các nhiệm vụ cụ thể nhằm áp dụng các biện pháp cần thiết do luật định để chứng minh việc thực hiện tội phạm và người phạm tội, xác định rõ những nguyên nhân và điều kiện phạm tội, đồng thời kiến nghị các cơ quan và tổ chức hữu quan áp dụng đầy đủ các biện pháp khắc phục và phòng ngừa tội phạm. Thời điểm của giai đoạn này được bắt đầu từ khi cơ quan (người) tiến hành tố tụng hình sự có thẩm quyền ra quyết định khởi tố vụ án hình sự và kết thúc bằng bản kết luận điều tra và quyết định của Cơ quan Điều tra về việc đề nghị Viện kiểm sát truy tố bị can trước Tòa án hoặc đình chỉ vụ án hình sự tương ứng.
Câu 4: Vì sao lại có hiện tượng người dân tự xử lý những vụ việc như thế này mà không dựa vào các cơ quan thực thi pháp luật hoặc chính quyền địa phương?
Luật sư trả lời:
Việc này có phần nguyên nhân từ các thông tin không chính xác lan truyền trên mạng xã hội, nhất là facebook về việc bắt cóc trẻ em lấy nội tạng, khiến người dân lo lắng và cảnh giác quá mức cần thiết.
Người dân bị lây lan tâm lý hội chứng đám đông cộng với sự thiếu kiềm chế, thiếu hiểu biết pháp luật dẫn tới những hành vi tiêu cực (như đánh người, đốt xe, …) mang tính bộc phát, không nhận ra hậu quả tiêu cực cho bản thân, người khác và xã hội.
Việc nhiều người bị đánh, thậm chí đánh tử vong rồi đốt xe, ... cũng là do một phần nguyên nhân việc xử lý của cơ quan có thẩm quyền chưa thực sự nghiêm minh, kịp thời. Vì thế, để giải quyết câu chuyện hậu quả của những lời đồn đại, nghi ngờ này thì điều đầu tiên phải đảm bảo cho người dân an toàn, yên tâm.
Hành vi người dân tự xử, dùng bạo lực vì sự nghi ngờ cần phải được lên án mạnh mẽ, đảm bảo tính răn đe với những người khác.
Từ những vụ việc này, thiết nghĩ chính quyền địa phương nên có biện pháp tuyên truyền đúng đến người dân để tránh xảy ra những vụ việc tương tự. Đồng thời, nếu có vụ việc xảy ra, cần nhanh chóng có mặt để phối hợp ổn định tình hình.
Bản thân người dân cũng cần tỉnh táo để không bị kẻ xấu lợi dụng. Người dân không nên chỉ vì nghi ngờ, chưa có chứng cứ mà xông vào đánh người, ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng, biến mình thành người vi phạm pháp luật.