Hành vi buôn bán hàng giả có thể bị xử phạt lên tới 70 triệu đồng

Nội dung bài viết

Ngày 10 tháng 01 năm 2013, Chính phủ đã ban hành Nghị định về xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả. Nghị định gồm các nội dung sau:

Chương I: Quy định chung

Chương II: Hành vi vi phạm hành chính, hình thức và mức xử phạt

Chương III: Thủ tục và thẩm quyền xử phạt hành chính

Chương IV: Điều khoản thi hành

1. Trong Nghị định này, hàng giả được chia làm 2 loại, hàng không có giá trị sử dụng, công dụng và hàng giả mạo nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa.

Hàng không có giá trị sử dụng, công dụng gồm:

  • Hàng hóa không có giá trị sử dụng, công dụng; có giá trị sử dụng, công dụng không đúng với nguồn gốc bản chất tự nhiên, tên gọi của hàng hóa: có giá trị sử dụng, công dụng không đúng với giá trị sử dụng, công dụng đã công bố hoặc đăng ký;
  • Hàng hóa có hàm lượng, định lượng chất chính, tổng các chất dinh dưỡng hoặc đặc tính kỹ thuật cơ bản khác chỉ đạt mức từ 70% trở xuống so với tiêu chuẩn chất lượng, quy chuẩn kỹ thuật đăng ký, công bố áp dụng hoặc ghi trên nhãn, bao bì hàng hóa;
  • Thuốc phòng bệnh, chữa bệnh cho người, vật nuôi không có dược chất; có dược chất nhưng không đúng với hàm lượng đã đăng ký; không đủ loại dược chất đã đăng ký; có dược chất khác với dược chất ghi trên nhãn, bao bì hàng hóa;
  • Thuốc bảo vệ thực vật không có hoạt chất; hàm lượng hoạt chất chỉ đạt từ 70% trở xuống so với tiêu chuẩn chất lượng, quy chuẩn kỹ thuật đã đăng ký, công bố áp dụng; không đủ loại hoạt chất đã đăng ký; có hoạt chất khác với hoạt chất ghi trên nhãn, bao bì hàng hóa.

Hàng giả mạo nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa:

  • Hàng hóa có nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa giả mạo tên thương nhân, địa chỉ của thương nhân khác; giả mạo tên thương mại, tên thương phẩm hàng hóa, mã số đăng ký lưu hành, mã vạch hoặc bao bì hàng hóa của thương nhân khác;
  • Hàng hóa có nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa ghi chỉ dẫn giả mạo về nguồn gốc hàng hóa, nơi sản xuất, đóng gói, lắp ráp hàng hóa.
  • Hàng giả mạo về sở hữu trí tuệ quy định tại Điều 213 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005.
  • Tem, nhãn, bao bì giả.

2. Nghị định cũng quy định về mức áp dụng mức phạt tiền tùy theo hành vi vi phạm, tính chất mức độ vi phạm, đối tượng vi phạm, cụ thể như sau:

Đối với hành vi buôn bán hàng giả phạt tiền từ 100.000 đồng đến 70.000.000 đồng; đối với hành vi sản xuất hàng giả phạt tiền từ 200.000 đồng đến 100.000.000 đồng.

Hình thức xử phạt bổ sung tịch thu tang vật phương tiện được áp dụng đối với các trường hợp: tang vật là nguyên liệu, phụ tùng, linh kiện, bộ phận, phụ gia, chất hỗ trợ chế biến, các loại vật tư, nguyên liệu khác và tem, nhãn, bao bì, giả được sử dụng để sản xuất hàng giả; tang vật là hàng giả mà nếu áp dụng biện pháp buộc cá nhân, tổ chức vi phạm tự tiêu hủy sẽ ảnh hưởng đến môi sinh, môi trường, sức khỏe con người vật nuôi, cây trồng và trật tự an toàn xã hội; tang vật là hàng giả không thể loại bỏ yếu tố vi phạm trên nhãn, bao bì sản phẩm, hàng hóa hoặc việc loại bỏ yếu tố vi phạm dẫn đến khả năng vi phạm tiếp theo; việc buộc đưa ra khỏi lãnh thổ Việt Nam buộc tái xuất tang vật là không thể thực hiện được và các trường hợp khác theo quy định của pháp luật.

Các hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả có dấu hiệu của tội phạm theo quy định của pháp luật Hình sự thì người có thẩm quyền phải chuyển hồ sơ vi phạm cho cơ quan tiến hành tố tụng hình sự có thẩm quyền để truy cứu trách nhiệm hình sự.

Nghị định cũng quy định cụ thể thẩm quyền, mức xử phạt, hình thức xử phạt và các biện pháp khắc phục hậu quả đối với các hành vi buôn bán, sản xuất hàng giả không có giá trị sử dụng, công dụng; hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả mạo nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa; hành vi sản xuất, buôn bán tem, nhãn, bao bì giả và hành vi sản xuất buôn bán hàng giả mạo về sở hữu trí tuệ.

3. Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/3/2013

Quý khách hàng có thể download văn bản tại đây:

0/5 (0 Reviews)

Bài viết liên quan