Hàng xóm gây tiếng ồn từ karaoke xử lý như thế nào ?

Nội dung bài viết

SBLAW trân trọng giới thiệu bài trả lời phỏng vấn của luật sư Nguyễn Thanh Hà trên báo VOV về chủ đề: Hàng xóm gây tiếng ồn từ karaoke xử lý thế nào nào?

Sau đây là nội dung bài phỏng vấn:

Câu 1: Gần đây có một số vụ hát karaoke gây tiếng ồn, gây ảnh hưởng đến cuộc sống sinh hoạt của người dân xung quanh. Một số trường hợp dẫn đến mâu thuẫn, cãi cọ và xảy ra án mạng. Theo ông, cần xử lý ra sao với hàng xóm gây tiếng ồn từ karaoke?

Trả lời:

Những năm gần đây, tình trạng hát karaoke gây ồn ào vẫn là một vấn đề ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống, sinh hoạt của nhiều người dân dân. Nếu tình trạng này kéo dài không chỉ gây bất hòa tình làng nghĩa xóm mà còn dẫn đến những vụ án thương tâm.

Đơn cử như một vụ việc mới đây ở tỉnh Đồng Nai, cụ thể đêm ngày 06/10/2020, gia đình anh Trương Hoàng Trọng (49 tuổi, ngụ xã Phú Lý, huyện Vĩnh Cửu) tổ chức tiệc rượu và hát karaoke. Đến khoảng 23 giờ cùng ngày, hàng xóm là Đoàn Thị Huê có sang nhắc nhở anh Trọng ngừng hát, không gây ồn ào đến những người hàng xóm xung quanh. Lúc này anh Trọng không hát karaoke nhưng do bực tức vì bà Huê làm “mất hứng" nên đi ra ngoài cổng chửi bà Huê. Thấy mẹ bị chửi, Nguyễn Hoàng Minh cầm một viên gạch và một con dao đuổi theo tấn công anh Trọng khiến nạn nhân gục tại chỗ. Thấy anh Trọng bị thương, người nhà của Minh chạy tới đưa anh Trọng đi bệnh viện cấp cứu nhưng nạn nhân tử vong sau đó.

Hiện nay pháp luật đã có chế tài đầy đủ và cụ thể đối với tiếng ồn từ karaoke. Do đó, để tránh những hậu quả đáng tiếc xảy ra, khi hàng xóm có hành vi gây ồn vượt quá quy định người dân có thể làm đơn khiếu nại gửi đến công an, UBND phường, xã nơi cư trú để được giải quyết theo quy định pháp luật. Người dân không nên tự giải quyết mà dẫn đến ẩu đả, vi phạm pháp luật, nghiêm trọng hơn là gây ra hậu quả chết người như vụ việc ở trên.

Câu 2: Những quy định xử phạt hành vi hát karaoke gây ồn ào trong khu dân cư? Các mức phạt cho hành vi này?

Trả lời:

Thứ nhất, Nghị định số 167/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình.

Theo quy định tại điểm a Khoản 1 Điều 6 Nghị định 167/2013/NĐ-CP, hành vi gây tiếng động lớn, làm ồn ào, huyên náo tại khu dân cư, nơi công cộng trong khoảng thời gian từ 22 giờ ngày hôm trước đến 06 giờ sáng ngày hôm sau sẽ bị phạt tiền từ 100.000 đến 300.000 đồng.

Điều 6. Vi phạm quy định về bảo đảm sự yên tĩnh chung

Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

a) Gây tiếng động lớn, làm ồn ào, huyên náo tại khu dân cư, nơi công cộng trong khoảng thời gian từ 22 giờ ngày hôm trước đến 06 giờ sáng ngày hôm sau;”

Thứ hai, tại Nghị định 155/2016/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường:

Hành vi sản xuất, kinh doanh, sinh hoạt gây ra tiếng ồn lớn, vượt quá giới hạn cho phép tại khu dân cư cũng có thể bị xử phạt theo Điều 17 Nghị định 155/2016/NĐ-CP phụ thuộc vào mức dBA tiếng ồn vượt quá bao nhiêu so với quy chuẩn kỹ thuật về tiếng ồn, quy định tại Thông tư 39/2010/TT-BTNMT của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành kèm theo QCVN 26:2010/BTNMT.

Theo đó, giới hạn tối đa cho phép về tiếng ồn tại khu vực thông thường (gồm: khu chung cư, các nhà ở riêng lẻ nằm cách biệt hoặc liền kề, khách sạn, nhà nghỉ, cơ quan hành chính) là 70dBA (từ 6h đến 21h) và 55dBA (21h đến 6h). Người vi phạm khi có hành vi gây tiếng ồn vượt qua tiêu chuẩn kỹ thuật về tiếng ồn sẽ bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 160.000.000 đồng tùy theo mức độ vượt quy chuẩn kỹ thuật về tiếng ồn trên thực tế. Ngoài ra, trong trường hợp tiếng ồn vượt quy chuẩn kỹ thuật từ 30dBA trở lên thì có thể bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung là đình chỉ hoạt động của cơ sở có hành vi gây tiếng ồn.

Câu 3: Việc xử phạt như vậy theo ông có gặp khó khăn gì không? (chế tài xử phạt có thỏa đáng không? Việc giám sát những hộ dân gây tiếng ồn?)

Trả lời:

Có thể thấy các quy định về xử lý hành vi vi phạm quy định về tiếng ồn khá đầy đủ, chi tiết. Tuy nhiên, trong thực tế, việc quản, thực thi các quy định này còn gặp nhiều bất cập.

Trước tiên phải kể đến, mức phạt cho hành vi gây tiếng động lớn, làm ồn ào, huyên náo tại khu dân cư, nơi công cộng trong khoảng thời gian từ 22 giờ hôm trước đến 6 giờ hôm sau sẽ chỉ bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng là chưa đủ tính răn đe đối với người vi phạm.

Bên cạnh đó, việc kiểm tra, xác minh mức độ gây ồn ào, tiếng động lớn, gây ô nhiễm tiếng ồn cũng gặp nhiều trở ngại, không dễ dàng. Nếu không có thiết bị đo chuyên dụng hoặc theo căn cứ vào phản ánh của người bị ảnh hưởng bởi tiếng ồn đều rất khó xác định, làm rõ để xử phạt hành vi này. Dẫn đến thực trạng ô nhiễm tiếng ồn ngày càng ra tăng và cơ quan chức năng không kịp thời quản lý, xử phạt để đảm bảo cho người dân một chất lượng sống tốt nhất.

Thiết nghĩ, với các mức xử lý đã được pháp luật quy định cụ thể, các cơ quan chức năng cần kiên quyết, phối hợp với nhau xử phạt thật nghiêm các trường hợp hàng xóm gây tiếng ồn làm bài học cho tất cả những người xung quanh sống có ý thức để làm sao những sinh hoạt của mình không gây tổn hại đến người khác. Có như vậy vấn đề mới được giải quyết, đồng thời tạo ra một nét văn minh không tiếng ồn trong cộng đồng.

0/5 (0 Reviews)

Tư vấn pháp lý

Liên hệ với chúng tôi để được hỗ trợ tư vấn 24/7

    Bài viết liên quan