Hàng xóm chiếm khoảng không trên cao, xử lý cách nào?

Nội dung bài viết

Luật sư Nguyễn Thanh Hà - Chủ tịch Công ty Luật TNHH SB Law đã tư vấn cách xử lý khi hàng xóm chiếm khoảng không trên cao trên báo Đầu tư bất động sản. Dưới đây là nội dung chi tiết:

(ĐTCK) Người sử dụng đất được sử dụng không gian và lòng đất theo chiều thẳng đứng từ ranh giới của thửa đất phù hợp với quy định của pháp luật và không được làm ảnh hưởng đến việc sử dụng đất của người khác…

Tôi mới mua căn nhà 1 tầng và quyết định đập đi xây mới nhà 4 tầng. Nhưng khi tôi xây đến tầng thứ 3 thì không thể xây nữa do nhà bên cạnh xây phần ban công chìa ra khoảng không bên trên nhà tôi. Tôi đã qua nói chuyện với nhà bên cạnh yêu cầu phá dỡ phần ban công nói trên, nhưng họ nói rằng khoảng trên không của họ và nhà tôi xây sau phải chịu. Bộ phận xây dựng chiếu con lắc thẳng đứng xuống để kiểm tra thì nhà họ xây ra ngoài gần 0,3 m. Xin hỏi, có quy định nào về việc lấn chiếm như trên không và tôi nên làm gì để bảo vệ quyền lợi của mình?

Trả lời:

Khoản 2, Điều 175, Bộ luật Dân sự 2015 quy định: Người sử dụng đất được sử dụng không gian và lòng đất theo chiều thẳng đứng từ ranh giới của thửa đất phù hợp với quy định của pháp luật và không được làm ảnh hưởng đến việc sử dụng đất của người khác…

Ngoài ra, Khoản 11, Điều 12, Luật Xây dựng 2014 có quy định về các hành vi nghiêm cấm hành vi sử dụng công trình không đúng với mục đích, công năng sử dụng; xây dựng cơi nới, lấn chiếm diện tích, lấn chiếm không gian đang được quản lý, sử dụng hợp pháp của tổ chức, cá nhân khác và của khu vực công cộng, khu vực sử dụng chung.

Với trường hợp của bạn, sau khi tham chiếu và đo đạc, có cơ sở xác định phần trên của nhà bạn bị lấn chiếm, việc lấn chiếm của hàng xóm là bất hợp pháp, bạn có thể trực tiếp yêu cầu hàng xóm chấm dứt hành vi lấn chiếm của mình. Trường hợp phía bên kia không có thiện chí hợp tác, bạn có thể gửi đơn đến UBND cấp xã nơi có đất tranh chấp để hòa giải (theo Điều 202, Luật Đất đai 2013).

Nếu hòa giải cấp cơ sở không thành, bạn có thể gửi đơn lên Tòa án cấp huyện về việc tranh chấp đất đai.

Luật sư Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch Công ty Luật SBLaw
Nguồn: https://bds.tinnhanhchungkhoan.vn/bds-phap-luat/hang-xom-chiem-khoang-khong-tren-cao-xu-ly-cach-nao-209534.html
0/5 (0 Reviews)

Tư vấn pháp lý

Liên hệ với chúng tôi để được hỗ trợ tư vấn 24/7

    Bài viết liên quan