Hàng loạt dự án BOT, BT theo hình thức hợp tác công tư sai phạm: “Chặn lợi ích nhóm từ những kẽ hở trong quản lý”

Nội dung bài viết

Kiểm toán Nhà nước vừa chỉ ra hàng loạt sai phạm của các dự án BOT và BT bằng hình thức hợp tác công tư (PPP) gây thất thoát ngân sách hàng nghìn tỷ đồng. Theo đánh giá của chuyên gia, các dự án có sai phạm, thì những đơn vị thẩm định không thể vô can, cùng với đó, để ngăn chặn “sân sau”, “lợi ích nhóm” cần phải sớm hoàn thiện khung hành lang pháp lý đối với dự án PPP.

Kiến nghị xử lý hàng nghìn tỷ đồng

Mới đây, Kiểm toán Nhà nước đã chỉ ra 11 dự án BOT năm 2019 và 28 dự án BT tại các địa phương có những sai phạm như: Không thực hiện quy trình lập, phê duyệt và công bố danh mục dự án BOT; phê duyệt dự án trước khi có Báo cáo đánh giá tác động môi trường; không công bố danh mục dự án…Hoặc hầu hết các dự án đều chỉ định nhà đầu tư; có dự án chỉ định nhà đầu tư sau khi triển khai thi công dự án…

Kết quả kiểm toán 28 dự án BT kiến nghị xử lý 5.058,4 tỷ đồng, trong đó có dự án tỷ lệ xử lý lớn so với giá trị được kiểm toán.

Trạm thu phí BOT Cai Lậy, Tiền Giang từng gây nhiều tranh cãi.

Đánh giá về nguyên nhân dẫn đến những sai phạm, trao đổi với PV Người Đưa Tin Pháp luật, ĐBQH Nguyễn Ngọc Phương (Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình, Ủy viên Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội) bày tỏ việc các dự án có sai phạm, thì những đơn vị thẩm định các dự án không thể vô can.

“Trong quá trình thực hiện, một số cơ quan chức năng được doanh nghiệp “hối lộ”, “đút lót” nên doanh nghiệp có cơ hội gian lận, cùng với đó, cơ quan Nhà nước cũng chưa có quản lý sự chặt chẽ”, ông Phương nói.

Theo ông Phương, để nâng cao vai trò của luật và hiệu quả của đầu tư dự án PPP, chống thất thoát và lãng phí thì Chính phủ, Nhà nước phải cho Kiểm toán Nhà nước tham gia vào dự án ngay từ đầu.

ĐBQH Nguyễn Ngọc Phương.

“Để tránh việc lợi ích nhóm trong thẩm định, phê duyệt, triển khai các dự án PPP cần có thêm vai trò Kiểm toán Nhà nước để đánh giá, xác nhận tách bạch rõ ràng vốn của Nhà nước và vốn của nhà đầu tư. Cùng với đó, kiến nghị đối với việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công”, ông Phương bày tỏ.

“Phải tăng cường giám sát và kiểm soát các hợp đồng dự án trên nguyên tắc tôn trọng các thỏa thuận của nhà nước và các nhà đầu tư. Trong đó, Kiểm toán Nhà nước cần phát huy vai trò của mình hơn nữa, không chỉ kiểm toán tài chính mà cả kiểm toán tuân thủ, kiểm toán hoạt động”,

ĐBQH Nguyễn Ngọc Phương nhấn mạnh

Ngoài ra, vị đại biểu này cho rằng, cần thiết phải ban hành luật PPP để quy định hành lang pháp lý về hoạt động Nhà nước trong đầu tư theo phương thức PPP. Trước đó, đã có những hạn chế, bất cập làm ảnh hưởng đến chất lượng kiểm toán, điển hình như một số văn bản pháp luật chưa có sự đồng bộ với luật Ngân sách nhà nước, luật Kiểm toán nhà nước.

“Trên thực tế, các dự án BOT không có vốn của Nhà nước nhưng khi Kiểm toán nhà nước vào cuộc đã chỉ ra nhiều sai phạm. Vì vậy, các dự án PPP mới chỉ được kiểm toán phần vốn Nhà nước sẽ dẫn đến thiếu kiểm soát.

Hầu hết các dự án BOT, BT được kiểm toán đều thực hiện theo hình thức chỉ định thầu dẫn đến giảm tính cạnh tranh và minh bạch trong công tác lựa chọn nhà đầu tư. Việc nhà đầu tư được tự lựa chọn các đơn vị tư vấn thiết kế, thi công, giám sát dẫn tới không đảm bảo tính khách quan, dễ xảy ra thất thoát”, ông Phương nêu.

Hành lang pháp lý lỏng lẻo, còn khoảng trống

Nghiên cứu về các dự án BOT, BT theo hình thức PPP, luật sư Nguyễn Thanh Hà (Chủ tịch công ty Luật SBLAW, đoàn Luật sư TP.Hà Nội) chỉ ra rằng, không thể phủ nhận các dự án đầu tư theo hình thức hợp tác công tư PPP đã mang đến nhiều lợi ích trong công tác xây dựng, cải thiện kết cấu hạ tầng đô thị.

Thế nhưng, thời gian qua việc thực hiện dự án theo hình thức PPP bộc lộ hạn chế về minh bạch thông tin, việc công bố dự án, danh mục dự án chưa được thực hiện nghiêm túc, công khai.

Luật sư Nguyễn Thanh Hà (đoàn Luật sư TP.Hà Nội).

“Việc quản lý giám sát của cơ quan chức năng còn lỏng lẻo, bởi hành lang pháp lý có những khoảng trống và chồng chéo, các quy định pháp lý chi tiết liên quan đến dự án PPP còn chưa rõ ràng”, luật sư Hà nói.

Nói về vấn đề người nước ngoài nhờ người Việt đứng tên hoặc góp vốn, mua cổ phần rồi trở thành nhà đầu tư và sử dụng đất tại Việt Nam, ông Sơn cho rằng, người đứng ra mua ban đầu không phải người nước ngoài, mà là người Việt đứng tên.

Theo phân tích của ông, tại dự thảo luật PPP vừa qua chưa coi dự án PPP là dự án đầu tư công, các tài sản hình thành từ dự án PPP không phải là tài sản công mà chỉ coi phần “vốn nhà nước hỗ trợ xây dựng công trình, hệ thống cơ sở hạ tầng” và “vốn nhà nước hỗ trợ xây dựng công trình phụ trợ, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư” là tài sản công.

Tuyến đường nối từ Vành đai III tới đường 70 được thực hiện từ năm 2014 theo hình thức BT.

Như vậy, khi kiểm toán các dự án PPP, cơ quan Kiểm toán Nhà nước chỉ được phép kiểm toán vốn của Nhà nước nên khó kiểm soát các dự án loại này. Ngoài ra, pháp luật hiện nay quy định chỉ có thanh tra chuyên ngành mới được thanh tra, còn thanh tra cấp tỉnh hay Thanh tra Chính phủ không được động vào dự án PPP nên cũng khó tránh khỏi tiêu cực.

Bên cạnh đó, hầu hết các dự án BOT, BT được kiểm toán đều thực hiện theo hình thức chỉ định thầu dẫn đến giảm tính cạnh tranh và minh bạch trong công tác lựa chọn nhà đầu tư, tiềm ẩn rủi ro, thất thoát, lãng phí và chọn nhà đầu tư không có đủ năng lực thực hiện dự án.

Hơn nữa, quy định về mức vốn góp của nhà đầu tư hiện vẫn còn khá thấp so với tổng chi phí đầu tư dự án. Khi nhà đầu tư thực hiện nhiều dự án PPP trùng một thời điểm thì tổng nguồn vốn chủ sở hữu phải đạt được tối thiểu là bao nhiêu trong tổng mức đầu tư của các dự án thì chưa được quy định rõ ràng dễ dẫn đến tình trạng “lách luật”.

Cần hoàn thiện hành lang pháp lý

Theo luật sư Nguyễn Thanh Hà, để tăng tính công khai, minh bạch trong việc áp dụng hình thức hợp tác công tư PPP tại các dự án BOT, BOT, luật sư Hà cho rằng việc quan trọng nhất bây giờ là thay đổi hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về PPP. Bởi, những rủi ro và bất cập trong các dự án PPP một phần do lỗ hổng từ những quy định pháp luật.

Theo đó, cần rà soát lại những quy định, văn bản liên quan về PPP để tìm ra chỗ nào còn chồng chéo để gỡ rối, chỗ nào còn đang hổng đang thiếu thì phải kịp thời đưa ra những quy định mới. Đồng thời, cần kết hợp xem xét những thực trạng đang diễn ra và những hậu quả để đưa ra những biện pháp quản lý để tăng tính công khai, minh mạch.

Thứ hai, việc lựa chọn nhà đầu tư dự án PPP cần phải tiến hành thông qua đấu thầu cạnh tranh, công khai, minh bạch thay vì chỉ định thầu như hiện nay.

Giao khoán toàn bộ dự án: Nhà đầu tư dễ dàng “qua mặt”?

Liên quan đến những sai phạm mà Kiểm toán Nhà nước chỉ ra về hàng loạt dự án BOT, BT theo hình thức hợp tác công tư (PPP), PV Người Đưa Tin Pháp luật đã có cuộc trao đổi với ông Lê Hoàng Châu – Chủ tịch hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA).

Hình thức hợp tác công tư (PPP) có hiệu lực từ tháng 5/2018. Từ khi có hiệu lực đến nay ông đánh giá như thế nào về hiệu quả mà hình thức này mang lại?

Qua phản ứng của xã hội cho thấy, rõ ràng PPP chưa đạt được mục tiêu theo nguyên tắc PPP, tức là, lợi ích của các bên tham gia gồm Nhà nước, nhà đầu tư, người dân và cộng đồng chưa được đảm bảo. Các dự án PPP mới chỉ xoay quanh lợi ích của Nhà nước, chủ đầu tư và ngân hàng cho vay mà không chú ý đến lợi ích của cộng đồng với tư cách là người dân và người tiêu dùng. Điều này đã dẫn đến, thậm chí làm bùng nổ sự bức xúc và phản đối trong dư luận và xã hội.

Trước đây, chúng ta thấy những xung đột lợi ích các bên dẫn đến việc người dân phản ứng gay gắt ở các trạm thu phí. Bởi vậy, điều đầu tiên cần thực hiện, theo tôi đó là các bên phải giải quyết được vấn đề cốt lõi này.

Có những tranh cãi khi BT không được coi là dự án PPP bởi lĩnh vực được lựa chọn đầu tư PPP khá hẹp và phiến diện, tập trung chủ yếu vào giao thông đường bộ và xây trụ sở cơ quan nhà nước, vốn là những lĩnh vực dễ làm và nhanh thu hồi vốn, trong khi còn nhiều mảng cơ sở hạ tầng kỹ thuật và xã hội khác lại không được quan tâm và đầu tư. Ông có ý kiến ra sao về điều này?

Hiện nay, có những tranh cãi lớn mà hiệp hội chúng tôi nhận thấy, BT có được coi là dự án PPP không? Bởi vì, BT là dự án xây dựng chuyển giao, còn dự án PPP theo khái niệm là dự án hợp tác công tư, phải có yếu tố hợp tác công tư thì mới gọi là PPP.

Tôi lấy ví dụ, BT như A là nhà nước, B là nhà đầu tư BT. B làm xong cầu Thủ Thiêm trong khi làm nhà đầu tư bỏ tiền ra 100%, làm xong nhà đầu tư bàn giao cây cầu cho nhà nước. Còn nhà nước thanh toán cho nhà đầu tư bằng quỹ đất hoặc trụ sở làm việc. Như vậy, không có yếu tố hợp tác giữa nhà nước và nhà đầu tư.

Trong đầu tư PPP là yếu tố thanh toán, yếu tố thanh toán theo luật tài sản công là ngang giá. Còn, yếu tố cơ bản của dự án PPP phải là yếu tố hợp tác, nhà nước hợp tác với tư nhân gọi là hình thức đối tác công tư. Thêm nữa, dự án BT từ 1/1/2018 trở lại đây là ngày luật Quản lý sử dụng tài sản công có hiệu lực, áp dụng theo luật này nhưng hiện luật Đầu tư PPP lại đưa BT vào luật thì tôi cho rằng không hợp lý.

Trước những sai phạm trong hàng loạt dự án BOT, BT theo hình thức PPP vừa được Kiểm toán Nhà nước chỉ ra. Dưới góc độ chuyên môn, ông đánh giá ra sao về nguyên nhân dẫn đến những sai phạm như vậy?

Ở đây, có một câu chuyện là kiểm toán PPP, mà cụ thể dự án BOT là do nhà đầu tư đề xuất. Dự án do nhà đầu tư đề xuất có khuynh hướng đẩy giá BOT lên cao, hoặc nhà đầu tư có xu hướng là giảm doanh thu của dự án khi quản lý vận hành để đạt được lợi ích lớn nhất cho nhà đầu tư. Cho nên, vấn đề phê duyệt, thẩm định dự án PPP là vấn đề mấu chốt.

Đồng thời, qua thực tiễn kiểm soát hạch toán của công ty, doanh nghiệp PPP là cực kỳ quan trọng. Bởi, nếu nhà nước chỉ đầu tư vốn mà giao khoán toàn bộ quản lý, vận hành dự án cho nhà đầu tư đôi khi công ty đó “qua mặt” Nhà nước, làm cho Nhà nước bị thiệt hại.

Hơn nữa, doanh thu PPP cũng là vấn đề đáng bàn. Vừa qua các doanh nghiệp làm BT đường giao thông rất “lần lữa” trong chuyện áp dụng thu phí không dừng. Có một nguyên nhân là do phần mềm không liên thông, nhưng vấn đề mấu chốt tôi nhìn thấy đó chính là nhà đầu tư không muốn minh bạch doanh thu.

Để khắc phục những bất cập trong hình thức hợp tác công tư (PPP), theo ông cần phải có những giải pháp gì?

Dự thảo luật PPP để khắc phục những sai phạm này đã yêu cầu Kiểm toán nhà nước vào cuộc ngay, kiểm tra ngay khi hoàn thành công trình PPP, chứ không phải như hiện nay 5 năm, 10 năm sau mới kiểm toán.

Vì thế, để khắc phục điều này, dự thảo luật PPP ngày 28/5 tới đây Quốc hội thông qua trong đó có vấn đề phải kiểm toán ngay khi công trình đã hoàn thành. Sau khi vận hành mới có số liệu về doanh thu, việc này cũng phải kiểm soát luôn vận hành để đảm bảo nhà đầu tư đạt được hiệu quả đúng pháp luật.

Xin cảm ơn chia sẻ của ông!

Nguồn: https://www.nguoiduatin.vn/hang-loat-du-an-bot-bt-theo-hinh-thuc-hop-tac-cong-tu-sai-pham-chan-loi-ich-nhom-tu-nhung-ke-ho-trong-quan-ly-a477087.html

0/5 (0 Reviews)

Tư vấn pháp lý

Liên hệ với chúng tôi để được hỗ trợ tư vấn 24/7

    Bài viết liên quan