Hàng loạt dự án BOT, BT theo hình thức hợp tác công tư sai phạm: "Chặn lợi ích nhóm từ những kẽ hở trong quản lý"

Nội dung bài viết

Trong bài báo Hàng loạt dự án BOT, BT theo hình thức hợp tác công tư sai phạm: "Chặn lợi ích nhóm từ những kẽ hở trong quản lý" đăng trên tạp chí Đời sống và pháp luật có trích dẫn ý kiến của luật sư Nguyễn Thanh Hà, mời các bạn xem nội dung bài báo tại đây:

Kiểm toán Nhà nước vừa chỉ ra hàng loạt sai phạm của các dự án BOT và BT bằng hình thức hợp tác công tư (PPP) gây thất thoát ngân sách hàng nghìn tỷ đồng. Theo đánh giá của chuyên gia, các dự án có sai phạm, thì những đơn vị thẩm định không thể vô can, cùng với đó, để ngăn chặn “sân sau”, “lợi ích nhóm” cần phải sớm hoàn thiện khung hành lang pháp lý đối với dự án PPP.

Kiến nghị xử lý hàng nghìn tỷ đồng

Mới đây, Kiểm toán Nhà nước đã chỉ ra 11 dự án BOT năm 2019 và 28 dự án BT tại các địa phương có những sai phạm như: Không thực hiện quy trình lập, phê duyệt và công bố danh mục dự án BOT; phê duyệt dự án trước khi có Báo cáo đánh giá tác động môi trường; không công bố danh mục dự án…Hoặc hầu hết các dự án đều chỉ định nhà đầu tư; có dự án chỉ định nhà đầu tư sau khi triển khai thi công dự án…

Kết quả kiểm toán 28 dự án BT kiến nghị xử lý 5.058,4 tỷ đồng, trong đó có dự án tỷ lệ xử lý lớn so với giá trị được kiểm toán.

Hàng loạt dự án BOT, BT theo hình thức hợp tác công tư sai phạm:

Trạm thu phí BOT Cai Lậy, Tiền Giang từng gây nhiều tranh cãi.

Đánh giá về nguyên nhân dẫn đến những sai phạm, trao đổi với PV Người Đưa Tin Pháp luật, ĐBQH Nguyễn Ngọc Phương (Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình, Ủy viên Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội) bày tỏ việc các dự án có sai phạm, thì những đơn vị thẩm định các dự án không thể vô can.

“Trong quá trình thực hiện, một số cơ quan chức năng được doanh nghiệp “hối lộ”, “đút lót” nên doanh nghiệp có cơ hội gian lận, cùng với đó, cơ quan Nhà nước cũng chưa có quản lý sự chặt chẽ”, ông Phương nói.

Theo ông Phương, để nâng cao vai trò của luật và hiệu quả của đầu tư dự án PPP, chống thất thoát và lãng phí thì Chính phủ, Nhà nước phải cho Kiểm toán Nhà nước tham gia vào dự án ngay từ đầu.

Hàng loạt dự án BOT, BT theo hình thức hợp tác công tư sai phạm:

ĐBQH Nguyễn Ngọc Phương.

“Để tránh việc lợi ích nhóm trong thẩm định, phê duyệt, triển khai các dự án PPP cần có thêm vai trò Kiểm toán Nhà nước để đánh giá, xác nhận tách bạch rõ ràng vốn của Nhà nước và vốn của nhà đầu tư. Cùng với đó, kiến nghị đối với việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công”, ông Phương bày tỏ.

“Phải tăng cường giám sát và kiểm soát các hợp đồng dự án trên nguyên tắc tôn trọng các thỏa thuận của nhà nước và các nhà đầu tư. Trong đó, Kiểm toán Nhà nước cần phát huy vai trò của mình hơn nữa, không chỉ kiểm toán tài chính mà cả kiểm toán tuân thủ, kiểm toán hoạt động”,

ĐBQH Nguyễn Ngọc Phương nhấn mạnh

Ngoài ra, vị đại biểu này cho rằng, cần thiết phải ban hành luật PPP để quy định hành lang pháp lý về hoạt động Nhà nước trong đầu tư theo phương thức PPP. Trước đó, đã có những hạn chế, bất cập làm ảnh hưởng đến chất lượng kiểm toán, điển hình như một số văn bản pháp luật chưa có sự đồng bộ với luật Ngân sách nhà nước, luật Kiểm toán nhà nước.

“Trên thực tế, các dự án BOT không có vốn của Nhà nước nhưng khi Kiểm toán nhà nước vào cuộc đã chỉ ra nhiều sai phạm. Vì vậy, các dự án PPP mới chỉ được kiểm toán phần vốn Nhà nước sẽ dẫn đến thiếu kiểm soát.

Hầu hết các dự án BOT, BT được kiểm toán đều thực hiện theo hình thức chỉ định thầu dẫn đến giảm tính cạnh tranh và minh bạch trong công tác lựa chọn nhà đầu tư. Việc nhà đầu tư được tự lựa chọn các đơn vị tư vấn thiết kế, thi công, giám sát dẫn tới không đảm bảo tính khách quan, dễ xảy ra thất thoát”, ông Phương nêu.

Hành lang pháp lý lỏng lẻo, còn khoảng trống

Nghiên cứu về các dự án BOT, BT theo hình thức PPP, luật sư Nguyễn Thanh Hà (Chủ tịch công ty Luật SBLAW, đoàn Luật sư TP.Hà Nội) chỉ ra rằng, không thể phủ nhận các dự án đầu tư theo hình thức hợp tác công tư PPP đã mang đến nhiều lợi ích trong công tác xây dựng, cải thiện kết cấu hạ tầng đô thị.

Thế nhưng, thời gian qua việc thực hiện dự án theo hình thức PPP bộc lộ hạn chế về minh bạch thông tin, việc công bố dự án, danh mục dự án chưa được thực hiện nghiêm túc, công khai.

Hàng loạt dự án BOT, BT theo hình thức hợp tác công tư sai phạm:

Luật sư Nguyễn Thanh Hà (đoàn Luật sư TP.Hà Nội).

“Việc quản lý giám sát của cơ quan chức năng còn lỏng lẻo, bởi hành lang pháp lý có những khoảng trống và chồng chéo, các quy định pháp lý chi tiết liên quan đến dự án PPP còn chưa rõ ràng”, luật sư Hà nói.

Nói về vấn đề người nước ngoài nhờ người Việt đứng tên hoặc góp vốn, mua cổ phần rồi trở thành nhà đầu tư và sử dụng đất tại Việt Nam, ông Sơn cho rằng, người đứng ra mua ban đầu không phải người nước ngoài, mà là người Việt đứng tên.

Theo phân tích của ông, tại dự thảo luật PPP vừa qua chưa coi dự án PPP là dự án đầu tư công, các tài sản hình thành từ dự án PPP không phải là tài sản công mà chỉ coi phần “vốn nhà nước hỗ trợ xây dựng công trình, hệ thống cơ sở hạ tầng” và “vốn nhà nước hỗ trợ xây dựng công trình phụ trợ, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư” là tài sản công.

Hàng loạt dự án BOT, BT theo hình thức hợp tác công tư sai phạm:

Tuyến đường nối từ Vành đai III tới đường 70 được thực hiện từ năm 2014 theo hình thức BT.

Như vậy, khi kiểm toán các dự án PPP, cơ quan Kiểm toán Nhà nước chỉ được phép kiểm toán vốn của Nhà nước nên khó kiểm soát các dự án loại này. Ngoài ra, pháp luật hiện nay quy định chỉ có thanh tra chuyên ngành mới được thanh tra, còn thanh tra cấp tỉnh hay Thanh tra Chính phủ không được động vào dự án PPP nên cũng khó tránh khỏi tiêu cực.

Bên cạnh đó, hầu hết các dự án BOT, BT được kiểm toán đều thực hiện theo hình thức chỉ định thầu dẫn đến giảm tính cạnh tranh và minh bạch trong công tác lựa chọn nhà đầu tư, tiềm ẩn rủi ro, thất thoát, lãng phí và chọn nhà đầu tư không có đủ năng lực thực hiện dự án.

Hơn nữa, quy định về mức vốn góp của nhà đầu tư hiện vẫn còn khá thấp so với tổng chi phí đầu tư dự án. Khi nhà đầu tư thực hiện nhiều dự án PPP trùng một thời điểm thì tổng nguồn vốn chủ sở hữu phải đạt được tối thiểu là bao nhiêu trong tổng mức đầu tư của các dự án thì chưa được quy định rõ ràng dễ dẫn đến tình trạng “lách luật”.

Nguồn: https://www.doisongphapluat.com/tin-tuc/tin-trong-nuoc/hang-loat-du-an-bot-bt-theo-hinh-thuc-hop-tac-cong-tu-sai-pham-chan-loi-ich-nhom-tu-nhung-ke-ho-trong-quan-ly-a325256.html

0/5 (0 Reviews)

Tư vấn pháp lý

Liên hệ với chúng tôi để được hỗ trợ tư vấn 24/7

    Bài viết liên quan