Góp ý về vấn đề thu hồi đất và việc bồi thường khi nhà nước thu hồi đất trong Dự thảo Luật đất đai

Nội dung bài viết

Luật Đất đai là công cụ pháp lý quan trọng để Nhà nước quản lý, điều tiết các vấn đề liên quan đến đất đai. Sau thời gian dài áp dụng thì Luật Đất đai 2013 đã có đóng góp lớn vào sự phát triển kinh tế - xã hội . Tuy nhiên, chính trong thực tiễn triển khai này, Luật Đất đai năm 2013 cũng đã bộc lộ những bất cập nhất định, dẫn đến việc thực thi pháp luật về đất đai còn nhiều hạn chế, ảnh hưởng không nhỏ đến công tác quản lý - sử dụng đất đai, quyền và lợi ích hợp pháp của người dân... Bởi vậy, việc sửa đổi và cập nhật mới Luật này là điều tất yếu nhằm phát huy được hết giá trị của đất đai phục vụ cho công cuộc phát triển đất nước và ổn định được đời sống của người dân, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho việc quản lý, giám sát của cơ quan nhà nước.

Một trong những vấn đề được người dân quan tâm trong việc sửa đổi và cập nhật mới Luật Đất Đai hiện nay là vấn đề thu hồi đất và bồi thường tái định cư. Tại dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), Bộ Tài nguyên và Môi trường đề xuất quy định cụ thể các trường hợp nhà nước thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng. Theo Dự thảo, dự án phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng là các dự án phát huy nguồn lực đất đai, nâng cao hiệu quả sử dụng đất, thực hiện chính sách về phát triển hạ tầng, đô thị, nông nghiệp, nông thôn; giải quyết các vấn đề chính sách xã hội, bảo vệ môi trường, bảo tồn di sản văn hóa, phân bổ công bằng, hài hòa giá trị tăng thêm từ đất, thu hẹp khoảng cách giàu nghèo, nhằm phát triển kinh tế của đất nước, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân.

Nhà nước thu hồi đất để thực hiện các dự án phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng bao gồm:

Thứ nhất, Dự án công trình đầu tư công hoặc dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư; dự án do Quốc hội chấp thuận chủ trương đầu tư; dự án công trình công cộng không nhằm mục đích kinh doanh; dự án tạo quỹ đất do Nhà nước đầu tư; dự án xây dựng trụ sở làm việc của tổ chức nước ngoài có chức năng ngoại giao.

Thứ hai, Dự án công trình để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng gồm: Dự án tái định cư; dự án xây dựng ký túc xá cho sinh viên; dự án xây dựng nhà ở xã hội; dự án xây dựng nhà ở công vụ; dự án xây dựng nhà ở tập trung cho người lao động làm việc trong khu công nghiệp; dự án xây dựng công trình thu gom, xử lý chất thải; dự án xây dựng công trình phục vụ sinh hoạt chung của cộng đồng dân cư; dự án xây dựng cơ sở tôn giáo; dự án xây dựng chợ tại các xã vùng nông thôn; dự án xây dựng nghĩa trang, nghĩa địa, nhà tang lễ, cơ sở hỏa táng; dự án khu công nghiệp; khu chế xuất; khu công nghệ cao; cụm công nghiệp; khu sản xuất, chế biến nông sản, lâm sản, thủy sản, hải sản tập trung; dự án đô thị sử dụng các loại đất không phải là đất ở; dự án khu dân cư nông thôn sử dụng các loại đất không phải là đất ở; dự án lấn biển.

Thứ ba, công trình phải đáp ứng tiêu chí, điều kiện gồm: Dự án nhà ở thương mại sử dụng các loại đất không phải là đất ở; dự án khai thác khoáng sản; dự án chỉnh trang đô thị, chỉnh trang khu dân cư nông thôn.

So với Luật Đất đai năm 2013, Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) có nhiều đổi mới quan trọng nhằm thể chế hóa đầy đủ, kịp thời các quan điểm, chủ trương của Đảng tại Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết số 18-NQ/TW và các nghị quyết, kết luận của Đảng về quản lý và sử dụng đất đai, đồng thời, giải quyết các vấn đề đặt ra từ thực tiễn. Trong đó việc sửa đổi, bổ sung nguyên tắc bồi thường theo hướng: Việc bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất phải bảo đảm người có đất bị thu hồi có chỗ ở, đảm bảo thu nhập và điều kiện sống bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ; hộ gia đình, cá nhân có đất bị thu hồi được bồi thường bằng đất có cùng mục đích với đất bị thu hồi hoặc bằng tiền, bằng đất khác hoặc bằng nhà ở phù hợp với nhu cầu của người có đất bị thu hồi và quỹ đất của từng địa phương; việc tổ chức xây dựng phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư phải thực hiện trước khi có quyết định thu hồi đất (Điều 97).

Tuy nhiên, qua nghiên cứu quy định của Dự thảo Luật, yêu cầu tại Nghị quyết số 18-NQ/TW và thực tiễn triển khai thi hành Luật Đất đai năm 2013, thiết nghĩ, một số sửa đổi, bổ sung của Dự thảo Luật chưa thực sự thể chế hóa được yêu cầu tại Nghị quyết số 18-NQ/TW, cũng như chưa đáp ứng được đòi hỏi của thực tiễn thời gian qua và yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Về nguyên tắc bồi thường về đất khi Nhà nước thu hồi đất: Khoản 2 Điều 89 của Dự thảo Luật quy định “Việc bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất phải bảo đảm người có đất bị thu hồi có chỗ ở, đảm bảo thu nhập và điều kiện sống bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ”.
Tuy nhiên, các quy định cụ thể về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư trong Dự thảo Luật chưa thực sự làm rõ được như thế nào là bảo đảm điều kiện sống bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ; chưa quy định rõ tiêu chí, cách thức để đánh giá, định lượng việc bồi thường tạo lập chỗ ở mới cho người bị thu hồi đất có điều kiện sống bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ. Do đó, cần cụ thể hóa nguyên tắc trong Nghị quyết số 18-NQ/TW để bảo đảm thực hiện thống nhất, công khai, minh bạch, hạn chế việc lạm dụng, góp phần giảm khiếu nại, tố cáo vì thực tiễn cho thấy, tỷ lệ khiếu nại, tố cáo có liên quan đến việc bồi thường, thu hồi đất rất lớn.

Vấn đề được người dân quan tâm nhất lúc này có lẽ là nội dung thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng (Điều 78), bởi đây là vấn đề liên quan trực tiếp tới quyền và lợi ích của người dân, thực tiễn triển khai cũng đã phát sinh không ít khiếu kiện phức tạp. Theo khoản 3 Điều 54 của Hiến pháp “Nhà nước thu hồi đất do tổ chức, cá nhân đang sử dụng trong trường hợp thật cần thiết do luật định vì mục đích quốc phòng, an ninh; phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng”. Luật Đất đai hiện hành giải mã quy định này của Hiến pháp tại Điều 62, tuy nhiên, quá trình thực hiện còn có vướng mắc. Thiết nghĩ, trên cơ sở tổng kết thực tiễn, các nhà làm luật cần nghiên cứu làm rõ thêm vấn đề này.

Bên cạnh đó, Dự thảo Luật mở rộng phạm vi và bổ sung thêm một số trường hợp Nhà nước thu hồi đất, như: dự án công trình công cộng không nhằm mục đích kinh doanh; dự án tạo quỹ đất do Nhà nước đầu tư theo phương hướng tuyến giao thông và các điểm kết nối giao thông theo quy hoạch; dự án nhà ở thương mại sử dụng các loại đất không phải là đất ở, dự án khai thác khoáng sản, dự án lấn biển, ... Đây là vấn đề phải hết sức thận trọng vì sẽ ảnh hưởng lớn tới quyền, lợi ích của người dân, tiềm ẩn nguy cơ gây khiếu nại, tố cáo, vì vậy, chúng ta cần có sự giải thích một cách thấu đáo, thuyết phục về các trường hợp thu hồi đất mới được bổ sung trong Dự thảo Luật, có như vậy thì việc sửa đổi Luật Đất đai mới đem lại được ý nghĩ tích cực cũng như khả năng áp dụng hiệu quả trên thực tiễn.

0/5 (0 Reviews)

Bài viết liên quan