Ngày 12/09/2024, Văn phòng chính phủ ban hành Công văn 6532/VPCP-KSTT 2024 về việc góp ý phương án đơn giản hóa quy định kinh doanh
Về dự thảo phương án.
- Dự thảo phương án đề xuất cắt giảm, đơn giản hóa đối với 69/642 quy định kinh doanh (đạt 10,75%) thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ Công Thương, tại 24 văn bản quy phạm pháp luật (03 Luật, 14 Nghị định, 07 Thông tư), thuộc các lĩnh vực: quản lý cạnh tranh, xuất nhập khẩu, an toàn thực phẩm, điện lực, hóa chất, vật liệu nổ công nghiệp, ô tô, kinh doanh xăng dầu, công nghiệp nhẹ. Các phương án tập trung vào:
+ Cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính (TTHC);
+ Cắt giảm, đơn giản hóa yêu cầu, điều kiện;
+ Phân cấp giải quyết TTHC,... để tạo thuận lợi, giảm chi phí cho đối tượng thực hiện.
- Nội dung một số phương án chưa đáp ứng yêu cầu về tính hợp lý, cụ thể như:
+ Một số quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án cắt giảm, đơn giản hóa (bãi bỏ thành phần hồ sơ là bản sao Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư hoặc các quyết định có giá trị pháp lý tương đương, do cơ quan có thẩm quyền có thể tự tra cứu các thông tin này tại Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp với một số TTHC lĩnh vực xúc tiến thương mại đã được phê duyệt tại Quyết định 209/QĐ-TTg năm 2024 của Thủ tướng Chính phủ).
Tuy nhiên, nhiều TTHC trong các lĩnh vực khác có yêu cầu tương tự (như: Cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện đầu tư trồng cây thuốc lá; cấp/cấp lại Giấy phép phân phối rượu; Giấy phép kinh doanh chuyển khẩu; Giấy phép thành lập Chi nhánh của thương nhân nước ngoài tại Việt Nam; cấp lại, điều chỉnh Giấy phép kinh doanh cho tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài;... ) nhưng chưa được rà soát, đề xuất trong phương án cắt giảm, đơn giản hóa.
+ Phương án cắt giảm, đơn giản hóa đối với các lĩnh vực xuất nhập khẩu (số thứ tự 1, 2, 3, 6, 7, 16) và lĩnh vực vật liệu nổ công nghiệp (số thứ tự 1, 2) đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 1015/QĐ-TTg năm 2022.
+ Đề xuất phân cấp giải quyết 12 TTHC thuộc lĩnh vực công nghiệp nhẹ từ Bộ trưởng Bộ Công Thương về Thủ trưởng đơn vị thuộc Bộ không nêu lý do.
+ Lộ trình thực hiện phương án cắt giảm, đơn giản hóa đối với một số lĩnh vực (quản lý cạnh tranh, xuất nhập khẩu,...) không thực thi ngay từ năm 2024 hoặc kéo dài đến năm 2026 là không phù hợp, không kịp thời tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp.
Về đề nghị đối với Bộ Công Thương
- Căn cứ các ý kiến tại mục 1 nêu trên, đề nghị Bộ Công Thương tiếp tục rà soát, hoàn thiện các phương án cắt giảm, đơn giản hóa tại dự thảo, bảo đảm tính toàn diện, hợp lý, khả thi và đáp ứng mục tiêu, yêu cầu của Chính phủ tại: Nghị quyết 68/NQ-CP năm 2020, Nghị quyết 01/NQ-CP năm 2024 và Nghị quyết 02/NQ-CP năm 2024, trước khi trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt.
- Không đưa nội dung phương án đơn giản hóa đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 1015/QĐ-TTg năm 2022. Đồng thời, khẩn trương thực hiện các phương án phân cấp đã được phê duyệt theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ (34/45 phương án chưa được thực thi và đã quá thời hạn).
- Đề nghị Bộ tiếp tục nghiên cứu, rà soát để cắt giảm, đơn giản hóa quy định kinh doanh thuộc phạm vi chức năng quản lý bảo đảm thực chất, hiệu quả theo đúng chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.