SBLAW giới thiệu bài phát biểu của luật sư Nguyễn Thanh Hà góp ý tại Hội thảo Lấy ý kiến doanh nghiệp về Dự thảo Luật Thuỷ sản.
Sau đây là nội dung bài viết:
Luật Thủy sản năm 2003 có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/7/2004 (văn bản này thay thế Pháp lệnh Bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản). Đây là văn bản pháp luật có giá trị pháp lý cao nhất và điều chỉnh toàn diện các lĩnh vực hoạt động thủy sản bao gồm: bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản; khai thác thủy sản; nuôi trồng thủy sản; quản lý tàu cá và cơ sở dịch vụ hoạt động thủy sản; chế biến, mua bán, xuất khẩu, nhập khẩu thủy sản; hợp tác quốc tế về hoạt động thủy sản; quản lý nhà nước về thủy sản. Luật Thủy sản năm 2003 đã góp phần quan trọng với những kết quả đáng ghi nhận của ngành thủy sản vào sự phát triển kinh tế của đất nước.
Tuy nhiên, sau một thời gian thi hành Luật Thủy sản đã nảy sinh một số bất cập, đặt ra các yêu cầu mới cần thiết phải nghiên cứu, sửa đổi cho phù hợp với tình hình phát triển ngành thủy sản hiện nay.
Dự án Luật Thủy sản (sửa đổi) lần này gồm 9 chương, 110 điều, quy định về hoạt động thủy sản; quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động thủy sản; trách nhiệm quản lý nhà nước về thủy sản. Dự thảo Luật thủy sản (sửa đổi) lần này có nhiều điểm mới, so với dự thảo luật lần trước. Tuy nhiên, vẫn còn một số nội dung chưa phù hợp với thực tế. Cụ thể:
Thứ nhất, về nguyên tắc hoạt động thủy sản (Điều 5)
Quy định về nguyên tắc hoạt động thủy sản cần tập trung vào các nguyên tắc chung, mang tính thống nhất, bổ sung thêm một số nguyên tắc như: Hoạt động thủy sản cần tuân thủ theo Hiến pháp và pháp luật; hoạt động thủy sản đảm bảo nguyên tắc công khai, minh bạch, đáp ứng nhu cầu tham gia bảo vệ quyền và chủ quyền, quyền tài phán, toàn vẹn lãnh thổ.
Thứ hai, về những hành vi cấm trong hoạt động thủy sản Điều 7 Dự thảo
Khoản 7 Điều 7 Dự thảo không nên quy định nghiêm cấm sử dụng hóa chất cấm mà cần quy định nghiêm cấm sử dụng hóa chất để khai thác thủy sản, vì trên thực tế, mặc dù người dân sử dụng hóa chất không thuộc danh mục hóa chất cấm để đánh bắt thủy sản nhưng chính việc sử dụng hóa chất đã gây hại cho môi trường và nguồn lợi thủy sản.
Khoản 8 Điều 7có nêu hành vi cấm trong hoạt động thủy sản khi sử dụng các ngư cụ làm cản trở hoặc gây thiệt hại cho tổ chức, cá nhân khác đang khai thác. Theo tôi, việc thể hiện như thế là chưa cụ thể, chưa đầy đủ. Vì trong thực tế có trường hợp tàu thuyền hành nghề giã cào bay hoạt động sai tuyến, đây là hành vi hoàn toàn sai trái, gây thiệt hại về tài sản, ngư lưới cụ và tính mạng của người khác. Trong trường hợp tàu cá vi phạm như thế có được tính trong danh mục hành vi cấm hay không? Đồng thời, việc xác định tàu nào thả neo trước, tàu nào thả neo sau là vấn đề đặt ra cần phải tính toán.
Thứ ba, đối với quỹ bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản (Điều 21)
Việc thành lập nguồn quỹ này từ Trung ương đến địa phương là cần thiết để huy động nguồn lực tài chính từ xã hội đầu tư cho công tác bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản. Tuy nhiên khi thực hiện cần đánh giá hoạt động của các quỹ như thế nào, nhất là về nguồn thu. Đối với địa phương cần có quy định ràng buộc là địa phương phải tự cân đối tài chính để thành lập quỹ, tránh tình trạng thành lập rồi để đó, không có kinh phí để hoạt động.
Thứ tư, nên bổ sung Khoản 7 vào Điều 32 với nội dung như sau:
“7. Bộ NN và PTNT quy định trình tự, thủ tục cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện sản xuất thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường cơ sở thủy sản”.
Thứ năm, quy định về cơ sở đóng mới, cải hoán tàu cá
Tại Khoản 1 Điều 72 của Dự thảo Luật quy định về điều kiện cơ sở đóng mới, cải hoán tàu cá và giao Chính phủ quy định chi tiết. Quy định này nhằm mục đích bảo đảm về chất lượng và an toàn tàu cá. Tuy nhiên, đề nghị cân nhắc kỹ hơn về sự cần thiết của các điều kiện này. Lý do là tất cả các tàu cá được đóng mới hoặc cải hoán đều sẽ được đăng kiểm trước khi đưa vào khai thác thực tế. Như vậy, chất lượng và an toàn tàu cá đã được bảo đảm bằng một biện pháp rất chặt chẽ và không cần thiết phải tăng cường bằng việc quy định điều kiện cơ sở đóng mới, cải hoán tàu cá. Mặt khác, việc quy định cứng các cơ sở đóng mới, cải hoán tàu cá phải có từng loại máy móc cụ thể được liệt kê sẽ làm giảm sự linh hoạt của thị trường. Ví dụ, một cơ sở sản xuất chỉ tập trung thi công phần máy, phần ngư cụ, hoặc phần gỗ, phần mỏ neo và bán lại cho các cơ sở khác để tiếp tục lắp ráp, hoàn thiện. Việc bắt buộc có đầy đủ các loại máy móc sẽ không giúp các cơ sở có thể chuyên môn hóa nhằm nâng cao hiệu quả, năng suất lao động.
Thứ sáu, về quy định nhập khẩu tàu cá
Tại Khoản 2 Điều 73 dự thảo Luật quy định “Tổ chức, cá nhân nhập khẩu tàu cá được Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn cấp phép nhập khẩu”, dự thảo quy định yêu cầu tàu cá nhập khẩu phải được Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn cấp phép, quy định này sẽ làm tăng các thủ tục hành chính không cần thiết. Bởi các tàu cá nhập khẩu phải có giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật tàu cá còn hiệu lực, được đăng ký tàu cá theo quy định tại Điều 70 dự thảo, và phải được cấp giấy phép khai thác thủy sản trước khi thực hiện hoạt động khai thác.
Thứ bảy, về tổ chức bộ máy lực lượng kiểm ngư quy định tại Chương VI từ Điều 88 đến Điều 98
Đây là chương mới so với Luật Thủy sản năm 2003, việc dự thảo bổ sung chương kiểm ngư vào dự thảo là cần thiết trong tình hình hiện nay để triển khai nhiệm vụ như tăng cường bảo vệ nguồn lợi thủy sản, lập trật tự kỷ cương trên biển, …Việc xây dựng thêm lực lượng kiểm ngư (ở tất cả 28 tỉnh có biển) sẽ trái với tinh thần Nghị quyết 39/NQ-TW ngày 17/4/2015 của Ban Chấp hành Trung ương về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ công chức, viên chức. Còn nếu chuyển lực lượng thanh tra chuyên ngành tại chi cục thủy sản của 28 tỉnh sang kiểm ngư là không phù hợp. Tôi ủng hộ phương án 2 tại Điều 90 Dự thảo đó là “Kiểm ngư được tổ chức và hoạt động theo nguyên tắc thống nhất từ trung ương đến địa phương về chuyên môn nghiệp vụ. Cơ quan kiểm ngư được thành lập ở trung ương và ở một số tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có biển”.
Thứ tám, quy định về chế biến, mua bán, xuất khẩu, nhập khẩu thủy sản
Trong chương VII, quy định về chế biến, mua bán, xuất khẩu, nhập khẩu thủy sản và chợ đầu mối thủy sản cần chỉnh sửa, bổ sung xây dựng chuỗi liên kết từ nuôi trồng đến chế biến, tạo ra giá trị cao cho ngành thủy sản, đồng thời truy xuất nguồn gốc, đảm bảo an toàn thực phẩm đối với sản phẩm thủy sản, quản lý ô nhiễm môi trường.
Thứ chín, cần đưa vào nội dung xử phạt mạnh hơn đối với các hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động khai thác, đánh bắt thủy sản để tạo sức răn đe; không sang tên chuyển nhượng đối với các tàu cá đã sai phạm.
Ngoài ra, cần quy định cụ thể hơn vai trò, phạm vi, quyền lợi, trách nhiệm của chính quyền địa phương, cộng đồng, hội, hiệp hội; phân quyền quản lý UBND các cấp trong việc trao quyền quản lý thủy sản cho cộng đồng.