Luật sư SBLAW góp ý hoàn thiện Luật Phòng chống rửa tiền

Nội dung bài viết

Luật sư Nguyễn Thanh Hà - Chủ tịch Công ty Luật TNHH SB Law trả lời phóng viên kênh VTV1 về hướng hoàn thiện Luật phòng chống rửa tiền trong chương trình Quốc hội với cử tri phát sóng lúc 21:10 phút ngày 8 tháng 8 năm 2022.

Dưới đây là nội dung chi tiết:

Câu 1: Luật Phòng chống rửa tiền có hiệu lực thi hành từ năm 2013. Qua theo dõi ông thấy sau hơn 8 năm thi hành đã bộc lộ những bất cập, hạn chế gì?

Trả lời:

Luật Phòng, chống rửa tiền số 07/2012/QH13 có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2013. Luật này được xem là văn bản pháp lý toàn diện và tạo hành lang pháp lý để phòng, chống rửa tiền tại nước ta.

Tuy nhiên, hành lang pháp lý về phòng, chống rửa tiền đã bộc lộ một số hạn chế, chưa cập nhật và đáp ứng được các chuẩn mực quốc tế mới cũng như yêu cầu quản lý trước sự phát triển nhanh chóng của thực tiễn, đặt ra yêu cầu cần thiết phải rà soát, tổng kết và đề xuất sửa đổi, bổ sung… Cụ thể như sau:

Thứ nhất, các quy định về đánh giá rủi ro và áp dụng phương pháp tiếp cận trên cơ sở rủi ro trong công tác phòng, chống rửa tiền còn thiếu. Luật Phòng, chống rửa tiền năm 2012 không có quy định về việc đánh giá rủi ro rửa tiền cấp độ quốc gia, ngành và tại từng tổ chức và việc thực hiện các biện pháp phòng, chống rửa tiền trên cơ sở rủi ro của đối tượng báo cáo cũng như hoạt động thanh tra, giám sát phòng, chống rửa tiền trên cơ sở rủi ro của các bộ, ngành.

Thứ hai, quy định về việc thu thập, xử lý và chuyển giao, trao đổi thông tin về phòng, chống rửa tiền chưa thể hiện rõ các quy trình nghiệp vụ cơ bản, chưa bao quát hết các nhiệm vụ trọng tâm trong hoạt động của đơn vị đầu mối và Ngân hàng Nhà nước như công tác giám sát, cảnh báo, trao đổi thông tin với các cơ quan đơn vị trong và ngoài nước trong thực hiện công tác phòng, chống rửa tiền.

Thứ ba, quy định về đối tượng báo cáo tại Luật Phòng, chống rửa tiền chưa theo kịp sự phát triển trong các hoạt động của các tổ chức tài chính và phi tài chính trên thực tế. Một số lĩnh vực, hoạt động có rủi ro rửa tiền cao chưa được quy định là đối tượng báo cáo theo Luật Phòng, chống rửa tiền. Luật Phòng, chống rửa tiền hiện chưa bao quát đầy đủ các lĩnh vực có rủi ro rửa tiền như: cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán, cho vay ngang hàng, cung cấp dịch vụ tiền ảo, tài sản ảo, dịch vụ cầm đồ...

Thứ tư, quy định về các biện pháp phòng, chống rửa tiền áp dụng đối với đối tượng báo cáo vẫn còn những hạn chế, thiếu hụt so với yêu cầu tại 40 khuyến nghị của FATF[1] về các biện pháp ngăn ngừa rửa tiền mà đối tượng báo cáo phải áp dụng, như: Quy định về cá nhân có ảnh hưởng chính trị (PEPs) không điều chỉnh đối với PEPs trong nước - là nhóm đối tượng khách hàng có rủi ro rửa tiền (từ tham nhũng) cao; Các quy định áp dụng đối với các thỏa thuận ủy quyền hiện chưa đầy đủ và chưa rõ ràng; Quy định về các dấu hiệu cảnh báo về giao dịch đáng ngờ mới trong một số lĩnh vực kinh doanh bất động sản, lĩnh vực kinh doanh kim loại quý, đá quý vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể; Quy định về khai báo, cung cấp thông tin về việc vận chuyển tiền mặt, kim loại quý, đá quý và công cụ chuyển nhượng qua biên giới còn chưa đầy đủ, rõ ràng; Các quy định về nhận biết và xác minh thông tin nhận biết khách hàng, chủ sở hữu hưởng lợi và nghĩa vụ lưu giữ hồ sơ, hoạt động ngân hàng đại lý, chuyển tiền điện tử, kiểm soát nội bộ, tiết lộ thông tin, dựa vào bên thứ ba... còn hạn chế, thiếu hụt, chưa đáp ứng yêu cầu trong khuyến nghị của FATF.

Bên cạnh đó, trách nhiệm của các cơ quan nhà nước trong phòng, chống rửa tiền còn thiếu và chưa được quy định rõ ràng. Xuất phát từ hoạt động quản lý nhà nước, hiện nay tại một số lĩnh vực chưa có sự phân định rõ trách nhiệm quản lý nhà nước như lĩnh vực kinh doanh kim loại quý, đá quý.

Câu 2: Từ 1 số vụ việc về hành vi rửa tiền thời gian qua ông đánh giá như thế nào về tính chất, mức độ của của nó?

Trả lời:

Theo quy định tại Luật Phòng, chống rửa tiền 2012, rửa tiền là hành vi của tổ chức, cá nhân nhằm hợp pháp hóa nguồn gốc của tài sản do phạm tội mà có, bao gồm:

a) Hành vi được quy định trong Bộ luật hình sự;

b) Trợ giúp cho tổ chức, cá nhân có liên quan đến tội phạm nhằm trốn tránh trách nhiệm pháp lý bằng việc hợp pháp hóa nguồn gốc tài sản do phạm tội mà có;

c) Chiếm hữu tài sản nếu tại thời điểm nhận tài sản đã biết rõ tài sản đó do phạm tội mà có, nhằm hợp pháp hóa nguồn gốc tài sản.

Hiện nay hình thức rửa tiền của các đối tượng được thực hiện rất tinh vi, quy mô lớn với tổng lượng tài sản tình bằng “nghìn tỷ” với nhiều hình thức khác nhau để nhằm lách luật. Các cơ quan chức năng liên tục phát hiện và xử phạt nhiều vụ rửa tiền “khủng” đến hàng ngàn tỷ đồng, những vụ án gây xôn xao lớn trong dư luận phải kể đến như: Vụ án xảy ra tại Công ty Nhật Cường; Địa ốc Alibaba; vụ “Đánh bạc nghìn tỷ” vào năm 2018; ... mà có thể kể đến ở đây:

Vụ rửa tiền “khủng” của ông chủ Nhật Cường. Theo đó, Bùi Quang Huy (Tổng giám đốc Công ty Nhật Cường) đã sử dụng những khoản tiền trái pháp luật để mua điện thoại, máy nghe nhạc, đồng hồ… từ nước ngoài và nhập về Việt Nam để buôn bán tại cửa hàng Nhật Cường Mobile cũng như các cửa hàng khác trên địa bàn. Thay vì chuyển tiền hàng thanh toán hàng hóa qua các ngân hàng chính thống, Bùi Quang Huy lựa chọn 2 cửa tiệm vàng để giao dịch nhằm thuận lợi cho việc rửa tiền. Không những thế, nhằm trốn thuế nhà nước, Nhật Cường còn dùng 2 hệ thống sổ sách kế toán nhằm qua mặt cơ quan chức năng.

Rửa tiền thông qua đánh bạc: Điển hình là vụ án "Đánh bạc nghìn tỷ" xảy ra vào năm 2018 đã từng gây chấn động khắp cả nước do Nguyễn Văn Dương (Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH đầu tư phát triển an ninh công nghệ cao – CNC) và Phan Sào Nam (Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc - Công ty VTC online) là 2 người cầm đầu đường dây đánh bạc nghìn tỷ đã cùng bị truy tố về 2 tội "Tổ chức đánh bạc" và "Rửa tiền".

Một vụ án khác cũng liên quan đến việc rửa tiền từng gây xôn xao vào năm 2019 là vụ án xảy ra tại Công ty CP Địa ốc Alibaba. Thời điểm đó, qua điều tra, xác minh Cơ quan CSĐT cho biết, Nguyễn Thái Lực đã có hành vi sử dụng tài khoản cá nhân để thực hiện việc chuyển nhận tiền nhằm che giấu nguồn gốc bất hợp pháp của nguồn tiền này dù biết rõ đây là tiền do Nguyễn Thái Luyện, Nguyễn Thái Lĩnh chiếm đoạt từ khách hàng. Các đối tượng tổ chức thu gom mua số lượng lớn đất nông nghiệp với tổng diện tích khoảng hơn 600 ha, giao cho các cá nhân vẽ ra các dự án "ma" sau đó bán cho khách hàng ở nhiều tỉnh, thành phố. Trong vụ việc này, hơn 6.700 khách hàng đã giao dịch để Công ty CP Địa ốc Alibaba thu hơn 2.500 tỷ đồng.

Góp ý hoàn thiện luật phòng chống rửa tiền

Câu 3: Để hoàn thiện chính sách pháp luật về vấn đề này dự thảo luật phòng chống rửa tiền cần hướng tới vấn đề gì? Đặc biệt cần có chế tài xử lý như thế nào hướng tới ngăn chặn tình trạng rửa tiền, phòng chống tham nhũng?

Trả lời:

Để hệ thống pháp luật về phòng chống rửa tiền được hoàn thành, trước tiên, cơ quan có thẩm quyền cần nghiên cứu, rà soát, sửa đổi, bổ sung pháp luật liên quan đến thuế, kê khai tài sản, luật phòng chống tham nhũng, dịch vụ trung gian thanh toán, tài sản ảo, tiền ảo,…theo hướng đối với những tài sản thu nhập mà người có nghĩa vụ kê khai không giải trình được một cách hợp lý về nguồn gốc nhưng cũng chưa chứng minh được tài sản có nguồn gốc hợp pháp sẽ tiến hành thu thuế trong trường hợp người kê khai chưa nộp thuế.

Thứ hai, quản lý chặt chẽ, khuyến khích người dân hạn chế sử dụng tiền mặt, tích cực sử dụng các dịch vụ trung gian thanh toán như ví điện tử, qua đó giúp cơ quan chức năng quản lý kiểm soát dòng tiền.

Thứ ba, cần chú ý đến việc tội phạm rửa tiền lợi dụng mạng Internet để hợp pháp hoá tiền, tài sản do phạm tội mà có, hoàn thiện khung pháp lý điều chỉnh hoạt động phát hành, mua bán, trao đổi tiền ảo, tài sản ảo trên các sàn giao dịch tiền ảo quốc tế như Bitcoin, Binance,…

Thứ tư, cần quy định về thuật ngữ rửa tiền nhằm đảm bảo liên thông với quy định tội rửa tiền trong Bộ luật Hình sự 2015 từ đó quy định “rửa tiền” là hành vi của tổ chức, cá nhân nhằm hợp pháp hoá nguồn gốc tài sản do phạm tội mà có, bao gồm các hành vi được quy định trong Bộ luật Hình sự”. Quy định cụ thể hơn về những yêu cầu, điều kiện pháp lý, dấu hiệu nhận biết giao dịch có giá trị lớn, giao dịch đáng ngờ liên quan đến tiền điện tử, giao dịch điện tử, quy định cụ thể “Cơ quan nhà nước có thẩm quyền” là cơ quan nào trong thực hiện trách nhiệm tiếp nhận, xử lý báo cáo của đối tượng báo cáo đối với tổ chức tài chính và tổ chức, cá nhân kinh doanh ngành nghề phi tài chính có liên quan rửa tiền, về thời hạn lưu trữ hồ sơ, báo cáo ngoài quy định, cần bổ sung quy định “có thể lưu trữ hồ sơ, báo cáo dài hơn trong trường hợp có kiến nghị của cơ quan có thẩm quyền”

Thứ năm, cơ quan nhà nước có thẩm quyền cần nhanh chóng nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung Luật theo hướng bám sát những cam kết trong các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên và 40 + 9 khuyến nghị của Lực lượng đặc nhiệm tài chính về chống rửa tiền (FATF). Trong đó, đối với phạm vi điều chỉnh cần thiết lược bỏ quy định pháp luật đối với nội dung phòng, chống hành vi rửa tiền nhằm tài trợ khủng bố, đưa nội dung này về Luật, phòng chống khủng bố 2013 để đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ giữa các quy định.

Bên cạnh đó, cơ quan có thẩm quyền cần nghiên cứu, xây dựng quy định xử phạt phòng chống rửa tiền tham nhũng đối với từng lĩnh vực kinh tế cụ thể theo hướng tăng mức xử phạt vi phạm hành chính đối với những hành vi vi phạm hành chính về biện pháp phòng chống rửa tiền, tham nhũng.

[1] Các chuẩn mực quốc tế về chống rửa tiền chống tài trợ khủng bố và chống phổ biến vũ khí

0/5 (0 Reviews)

Tư vấn pháp lý

Liên hệ với chúng tôi để được hỗ trợ tư vấn 24/7

    Bài viết liên quan