Góc nhìn pháp lý đối với hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản trong đầu tư tài chính qua ứng dụng

Nội dung bài viết

Hiện nay, hình thức đầu tư tài chính qua ứng dụng đang ngày càng trở nên phổ biến. Tuy nhiên, có rất nhiều biến tướng của hình thức đầu tư này, lừa đảo người tham gia đầu tư qua ứng dụng rồi chiếm đoạt số tiền này, để lại nhiều cay đắng và chua chát cho các nạn nhân. Đối với vấn đề này, luật sư Nguyễn Thanh Hà đã có những chia sẻ riêng từ góc nhìn pháp lý.

  1. Thời gian vừa qua nở rộ các mô hình đầu tư tài chính qua ứng dụng kèm lời hứa siêu lợi nhuận. Luật sư có nhận xét gì về các mô hình này?

Trả lời:

Đầu tư tài chính qua ứng dụng đang dần trở nên phổ biến bởi lẽ mọi người, đặc biệt là những người trẻ càng ngày càng dành sự quan tâm nhiều hơn cho hoạt động đầu tư. Mặt khác, hình thức đầu tư qua ứng dụng không tốn quá nhiều công sức của người sử dụng, chỉ cần một chiếc điện thoại thông minh là có thể tải ứng dụng và bắt đầu “kiếm tiền”.

Trên thị trường hiện nay cũng có nhiều loại ứng dụng đầu tư tài chính khác nhau. Tuy nhiên, những ứng dụng mà đi kèm lời hứa siêu lợi nhuận thì thường có dấu hiệu lừa đảo bởi lẽ bản chất của hoạt động đầu tư tài chính là cơ hội đi kèm rủi ro, lợi nhuận càng cao thì rủi ro càng lớn nên không thể có sự đảm bảo chắc chắn rằng sẽ có “siêu lợi nhuận” như quảng cáo.

Bên cạnh đó, khi tham gia vào các mô hình này, nhà đầu tư sẽ phải đối mặt với các rủi ro về pháp lý, rủi ro về tài chính và rủi ro về bảo mật thông tin. Rủi ro pháp lý xuất phát từ việc các ứng dụng đầu tư tài chính lừa đảo không có sự cấp phép của cơ quan chức năng, hoạt động “ngoài luồng” pháp luật nên khi có vấn đề xảy ra, quyền lợi của người tham gia đầu tư khó mà được bảo đảm.

Về rủi ro tài chính, để tham gia đầu tư, người tham gia cần phải nộp tiền vào hệ thống và thậm chí, trong quá trình đầu tư, sẽ có thể có nhiều lần nạp tiền khác để nâng cấp tài khoản, đạt được lợi nhuận nhiều hơn, nhanh hơn. Nhưng khi hệ thống sập hoặc có vấn đề, nhà đầu tư không thể rút tiền được và mất toàn bộ số vốn đã bỏ ra. Thực tế ghi nhận có nhiều ứng dụng sau một thời gian ngắn hoạt động đã hoàn toàn “tự biến mất” hoặc không cho rút tiền để chiếm đoạt tiền của nhà đầu tư. Ngoài ra, chủ sở hữu của các ứng dụng này cũng thu thập được thông tin cá nhân của toàn bộ nhà đầu tư và thậm chí, có thể bán cho một bên khác hoặc sử dụng những thông tin này để kiếm lời.

Từ đó, có thể thấy những mô hình đầu tư tài chính nói chung và đầu tư qua ứng dụng nói riêng mà đi kèm với lời hứa, cam kết, bảo đảm sẽ mang về “siêu lời nhuận”, không cung cấp thông tin minh bạch, rõ ràng thì các nhà đầu tư tốt nhất không nên tham gia.

  1. Hành vi này có bị khởi tố hình sự không? Mức phạt cao nhất cho những hành vi này là gì?

Trả lời:

Đối với các hành vi lừa đảo thông qua đầu tư tài chính trên ứng dụng hoàn toàn có thể bị khởi tố hình sự với tội danh lừa đảo chiếm đoạt tài sản quy định tại Điều 174 Bộ luật Hình sự năm 2015 (được sửa đổi, bổ sung năm 2017. Hành vi này có thể được xét với các tình tiết tăng nặng như có tổ chức, có tính chất chuyên nghiệp, số tiền chiếm đoạt lớn,… Mức hình phạt cao nhất của tội này là tù chung thân và còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Bên cạnh đó, hành vi này cũng có thể bị khởi tố với tội danh sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản (Điều 290 Bộ luật Hình sự năm 2015). Mức phạt cao nhất cho tội danh này là 20 năm tù. Ngoài ra, người vi phạm còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

  1. Cần phải có ít nhất những bằng chứng nào để người bị hại có thể khởi tố các chủ mưu lừa đảo?

Trả lời:

Khi phát hiện có dấu hiệu lừa đảo, người bị hại có thể tố giác hành vi này đến cơ quan Công an để được giải quyết theo quy định tại Điều 144 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015. Trong đơn tố giác, người bị hại cần trình bày rõ nội dung sự việc và gửi kèm các bằng chứng chứng minh nội dung tố giác là có cơ sở như tên ứng dụng, nội dung trên ứng dụng, quá trình giao dịch và địa chỉ, số điện thoại của bên lừa đảo (nếu có).

Sau đó, các cơ quan có thẩm quyền sẽ tiến hành một số hoạt động điều tra phải kiểm tra, xác minh và ra một trong các quyết định: a) Quyết định khởi tố vụ án hình sự; b) Quyết định không khởi tố vụ án hình sự; c) Quyết định tạm đình chỉ việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố.

  1. Theo luật sư, cần phải có chế tài như thế nào cho những hành vi này nhằm hạn chế đến mức thiệt hại cho người dân?

Trả lời:

Hiện nay, chế tài đối với Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản hoặc đối với các vi phạm về hoạt động đa cấp đã đủ sức răn đe. Tuy nhiên, điều khiến người dân bị thiệt hại là do việc phát hiện dấu hiệu tội phạm, vi phạm quá chậm, thường đến khi sự việc “vỡ lở” người dân mới đi tố giác tội phạm. Tuy nhiên, khung pháp lý hiện hành chưa có quy định rõ ràng về việc các hoạt động đầu tư qua app, nên việc quản lý trong thời gian các app này hoạt động còn hạn chế. Chính vì vậy, cần có khung pháp lý đối với việc đầu tư qua app để các cơ quan chức năng có thể quản lý sát sao hơn.

  1. Luật sư có khuyến cáo và lưu ý gì cho người dân trước khi có ý định tham gia đầu tư vào những kênh tài chính như thế này?

Trả lời:

Trước khi tham gia đầu tư tài chính qua ứng dụng nói riêng hay bất kỳ một nền tảng nào nói chung, người dân cần lưu ý đến các rủi ro và tìm cách hạn chế thấp nhất có thể. Các rủi ro bao gồm: rủi ro về chính sách, pháp luật; rủi ro về nền tảng ứng dụng và rủi ro đến từ chính cá nhân nhà đầu tư khi thiếu kiến thức, hiểu biết về tài chính cũng như công nghệ. Khi có ý định đầu tư, các nhà đầu tư cần phải tìm hiểu thật kỹ và trả lời được những câu hỏi cơ bản như:

  • Đã có hành lang pháp lý nào cho hoạt động này chưa? Nếu chưa thì quyền lợi của nhà đầu tư sẽ được bảo vệ như thế nào khi hệ thống ứng dụng gặp vấn đề?
  • Ứng dụng này đã tồn tại lâu chưa? Bao nhiêu người sử dụng? Công ty thành lập và sở hữu ứng dụng là công ty nào? Đã được cấp phép hoạt động và chịu sự quản lý của cơ quan nhà nước chưa?
  • Bản thân nhà đầu tư có kiến thức về tài chính và các nguyên tắc đầu tư tài chính hay chưa? Nhà đầu tư đã hiểu về cơ chế vận hành của các ứng dụng hay chưa?

Việc tìm hiểu kỹ càng sẽ giúp người dân hạn chế tối đa rủi ro khi tham gia đầu tư tài chính qua ứng dụng.

0/5 (0 Reviews)

Tư vấn pháp lý

Liên hệ với chúng tôi để được hỗ trợ tư vấn 24/7

    Bài viết liên quan