Giới thiệu Hiệp định bảo hộ đầu tư EVIPA

Nội dung bài viết

Ngày 18/6 vừa qua, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về công nhận và cho thi hành tại Việt Nam phán quyết của cơ quan giải quyết tranh chấp đầu tư theo Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam- EU và các nước thành viên EU (EVIPA). Nghị quyết này được ban hành chỉ vài ngày sau khi 02 Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư (EVIPA) được phê chuẩn cùng lúc trước đó cho thấy sự bảo đảm trong khung pháp lý về bảo hộ đầu tư cho nhà đầu tư EU, tạo sự an toàn và hấp dẫn cho các nhà đầu tư nước ngoài vào môi trường đầu tư tại Việt Nam.

Hiện nay, pháp luật Việt Nam đã có những quy định cụ thể về cơ chế công nhận và cho thi hành phán quyết của trọng tài nước ngoài, nhưng chưa có quy định về thủ tục công nhận và cho thi hành phán quyết theo quy định của Hiệp định EVIPA. Theo Khoản 4 Điều 3 Luật Điều ước quốc tế 2016 thì một trong những nguyên tắc ký kết và thực hiện điều ước quốc tế là phải tuân thủ điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên. Với việc phê chuẩn Hiệp định EVIPA trước đó, Nghị quyết này ra đời đã giúp bảo đảm tính khả thi và thống nhất của hệ thống pháp luật, đồng thời phù hợp với thông lệ quốc tế.

Về phạm vi điều chỉnh, Điều 1 Nghị quyết quy định về cơ chế công nhận và cho thi hành tại Việt Nam nghĩa vụ về tài chính theo phán quyết chung thẩm của cơ quan giải quyết tranh chấp đầu tư được ban hành theo quy định tại Mục B, Chương 3 của Hiệp định Bảo hộ đầu tư giữa một bên là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và một bên là Liên minh châu Âu và các nước thành viên Liên minh châu Âu được ký ngày 30/6/2019 tại Việt Nam. Như vậy, Việt Nam chỉ phải thi hành các nghĩa vụ về tài chính, mà trong đó được quy định cụ thể gồm: thiệt hại về tiền và lãi suất áp dụng; chuyển giao tài sản và được bồi thường thiệt hại bằng tiền, lãi suất áp dụng thay cho việc chuyển giao tài sản.

Về công nhận và cho thi hành phán quyết, Tòa án có thẩm quyền của Việt Nam công nhận và cho thi hành nghĩa vụ về tài chính theo Phán quyết EVIPA như bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án Việt Nam và không xem xét lại giá trị pháp lý của Phán quyết này. Khoản 2 quy định về cơ chế đặc thù áp dụng trong thời gian 5 năm kể từ ngày Hiệp định có hiệu lực hoặc thời gian dài hơn sau thời gian này đối với Phán quyết EVIPA có bị đơn là Việt Nam. Theo đó, tòa án có thẩm quyền của Việt Nam được áp dụng quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự để xem xét công nhận và cho thi hành tại Việt Nam hoặc không công nhận phán quyết đó. Nội dung này phù hợp với Công ước New York năm 1958 về công nhận và thi hành các quyết định trọng tài nước ngoài mà nước ta là thành viên.

Sau khi hết thời hạn nói trên, theo quy định tại khoản 2 Điều 3.57 thì phán quyết chung thẩm đối với bị đơn là Việt Nam đương nhiên được công nhận là bản án có hiệu lực pháp luật của tòa án Việt Nam và sẽ được cho thi hành khi có yêu cầu. Trong đó, nguyên tắc “không bị kháng cáo, xem xét lại, hủy bỏ hoặc tuyên vô hiệu hoặc bất kỳ sửa đổi nào khác” (điểm b, khoản 1 Điều 3.57) đã bảo đảm thực thi theo đúng quy định của Hiệp định EVIPA.

Hiệp định Bảo hộ đầu tư giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu - IPA đã thay thế 21 hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư mà Việt Nam đã ký với 22/28 nước thành viên EU. Đối với tranh chấp đầu tư phát sinh từ các Hiệp định này, việc công nhận và cho thi hành phán quyết của trọng tài được thực hiện theo Công ước New York năm 1958 về công nhận và cho thi hành phán quyết của trọng tài nước ngoài (Công ước New York năm 1958). Việt Nam cũng đã tham gia Công ước New York năm 1958 và những nội dung của Công ước này đã được nội luật hóa tại các Chương 35 và 37 của Bộ luật Tố tụng dân sự.

Do vậy, các quy định nêu trên của Bộ luật Tố tụng dân sự và Công ước New York năm 1958 đã tạo dựng cơ sở pháp lý đầy đủ để Việt Nam công nhận và cho thi hành phán quyết của trọng tài theo Hiệp định Bảo hộ đầu tư giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu, bao gồm cả nghĩa vụ bồi thường trong trường hợp phán quyết yêu cầu.

Bên cạnh đó, đối với hệ thống pháp luật, các quy định của Nghị quyết đảm bảo tính ổn định của hệ thống pháp luật Việt Nam, không yêu cầu sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp luật có liên quan như Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Thi hành án dân sự, Luật Trọng tài thương mại...

Với khung pháp lý vững chắc hơn, việc bảo hộ hoạt động đầu tư của nhà đầu tư EU tại Việt Nam cũng như nhà đầu tư Việt Nam tại các nước thành viên EU đang ngày càng được củng cố mạnh mẽ, tăng hiệu quả kinh tế, thu hút môi trường kinh doanh cạnh tranh lành mạnh và ngày càng phát triển hơn nữa.

0/5 (0 Reviews)

Bài viết liên quan