GIẢM 50% LỆ PHÍ TRƯỚC BẠ KHI ĐĂNG KÝ Ô TÔ SẢN XUẤT, LẮP RÁP TRONG NƯỚC

Nội dung bài viết

Luật sư Nguyễn Thanh Hà, chủ tịch công ty Luật TNHH SB Law đã tham gia chương trình hỏi đáp chính sách liên quan đến lệ phí trước bạ khi đăng ký ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước

Thưa luật sự, ông có nhận xét gì về ảnh hưởng của dịch Covid -19 đến tình hình tiêu thụ, sản xuất và lắp ráp xe ô tô trong nước?

Luật sư:

Nguyên nhân của sự giảm sút doanh số bán hàng này được cho là do dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nguồn cung phụ tùng nhập khẩu có khó khăn và sức mua chậm lại do các tác động từ kinh tế có khó khăn nhất định. Và đương nhiên, việc tiêu thụ ô tô trong nước cũng không ngoại lệ trước tình hình khó khăn chung như vậy. Hoạt động sản xuất, lắp ráp, bán hàng của nhiều hãng xe, đại lý bị gián đoạn. Sức mua ô tô trên thị trường theo đó cũng sụt giảm.

Khi nền kinh tế bị ảnh hưởng, các doanh nghiệp thì bị giảm doanh thu, cá nhân thì tương tự cũng bị giảm lương cũng như doanh số kinh doanh, ngoài ra chi phí để mua một chiếc ô tô ở nước ta còn cao với rất nhiều loại thuế, lệ phí mà người mua ô tô phải nộp. Điều này dẫn đến lượng cầu trong nước giảm.

Ngày 29/5/2020, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 84 về các nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và bảo đảm trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh đại dịch Covid-19. Trong đó quy định giảm 50% lệ phí trước bạ khi đăng ký ô tô sản xuất hoặc lắp ráp trong nước tới hết năm 2020 nhằm kích thích tiêu dùng trong nước.

Ngày 28/6, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tiếp tục ký ban hành Nghị định số 70/2020/NĐ-CP quy định mức thu lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước đến hết ngày 31/ 12/2020.

Ngay sau đó, Tổng cục Thuế cũng có công điện yêu cầu các Chi cục Thuế địa phương kịp thời triển khai áp dụng mức thu lệ phí mới theo Nghị định số 70 của Chính phủ. Theo đó, từ 28/6 đến 31/12, ô tô lắp ráp, sản xuất trong nước được giảm 50% lệ phí trước bạ lần đầu, sang năm 2021, mức lệ phí trước bạ trở lại như mức cũ./.

Vâng, qua tổng hợp ngắn vừa rồi thì chúng ta có thể thấy đây là 1 trong những động thái khẩn trương hiếm có của Chính phủ và các cơ quan liên quan khi chỉ trong chưa đầy 1 tháng từ khi công bố dự thảo đến khi được phê duyệt thì quy định đã được áp dụng vào thực tế.

Vậy Luật sư… có thể cùng chia sẻ với quý vị khán giả được biết là hiện nay theo quy định của Việt Nam thì để một chiếc xe ô tô được phép lăn bánh trên đường thì sẽ phải chịu những loại thuế, phí nào?

Luật sư:

Hiện nay, để mua một chiếc xe ô tô, người mua sẽ phải chịu rất nhiều các loại thuế cũng như phí liên quan cho đến khi chiếc xe được phép lăn bánh trên đường.

Trước hết nói về các loại thuế bao gồm:

- Thuế nhập khẩu linh kiện đối với xe lắp ráp trong nước (doanh nghiệp đóng, tính vào giá xe): 10-30% tùy loại;

- Thuế nhập khẩu nguyên chiếc (đơn vị nhập khẩu đóng, tính vào giá xe): 50-70% tùy loại;

- Thuế thu nhập doanh nghiệp (doanh nghiệp đóng, tính vào giá xe): 22%;

- Thuế tiêu thụ đặc biệt: 40-60% tùy theo dung tích xe;

- Thuế giá trị gia tăng VAT: 10%.

Ngoài ra, sau khi mua xe, người mua phải chịu các loại phí khác như:

- Phí trước bạ: 10-15%tùy địa phương;

- Phí cấp biển số: 2-20 triệu đồngtùy địa phương;

- Phí đăng kiểm: 000 đồng 610.000 đồng (một lần kiển định) tuỳ loại xe, tải trọng, số chỗ ngồi; bao gồm phí kiểm định xe cơ giới và lệ phí cấp giấy chứng nhận;

- Phí cấp giấy chứng nhận đảm bảo an toàn kỹ thuật: 000-100.000 đồng/lần cấp,

- Phí bảo trì đường bộ: Có 2 loại phí sử dụng đường bộ, là phí thu qua trạm thu phí BOT để hoàn vốn xây dựng các công trình giao thông khi ôtô lưu hành qua, và phí bảo trì đường bộ với mức 130.000 1.430.000 đồng/tháng tùy theo tải trọng xe;

- Bảo hiểm trách nhiệm dân sự: Xe dưới 6 chỗ: 436.700 đồng; xe từ 7 – 11 chỗ: 873.400 đồng; xe Pickup, Minivan: 1.026.300 đồng;

- Bảo hiểm vật chất (không bắt buộc);

- Phí thử nghiệm khí thải (xe dưới 7 chỗ);

- Phí cấp giấy dán nhãn năng lượng

Nếu trong trường hợp các đại lý bán xe có các chương trình khuyến mại, giảm giá thì lệ phí trước bạ sẽ căn cứ vào giá trị nào?

Luật sư:

Lệ phí trước bạ được tính theo giá niêm yết hoặc giá quy định tại cơ quan thuế. Vì vậy nếu đại lý bán xe có tung ra các chương trình khuyến mại, giảm giá thì lệ phí trước bạ vẫn căn cứ theo giá niêm yết hoặc giá quy định tại cơ quan thuế.

Nếu giá niêm yết cao hơn giá tại cơ quan thuế thì lệ phí trước bạ sẽ căn cứ theo giá niêm yết và ngược lại nếu giá niêm yết thấp hơn thì lệ phí trước bạ sẽ tính theo giá quy định tại cơ quan thuế. Mức giá khuyến mại khách hàng phải trả cho đại lý không liên quan tới giá tính thuế theo giá niêm yết hoặc giá đăng ký. Đó chỉ là những ưu đãi để kích cầu của các đại lý bán xe.

Vậy ông có thể cho biết là mức lệ phí trước bạ hiện nay đang áp dụng ở Việt Nam ra sao? So với một số quốc gia trong khu vực thì mức lệ phí trước bạn của Việt Nam thì như thế nào?

Luật sư:

Mức lệ phí trước bạ hiện nay ở Việt Nam được tính bằng công thức (Điều 5 Nghị định số 140/206/NĐ-CP):

Lệ phí trước bạ phải nộp = Giá tính lệ phí trước bạ x Mức thu lệ phí trước bạ theo tỷ lệ (%)

Giá tính lệ phí trước bạ đối với từng loại xe ô tô do Bộ Tài chính quy định. Người mua có thể tra cứu tại Quyết định 618/QĐ-BTC được điều chỉnh, bổ sung bởi Quyết định 1112/QĐ-BTC, Quyết định 2064/QĐ-BTC và Quyết định 452/QĐ-BTC

Căn cứ theo Khoản 5 Điều 7 Nghị định 140/2016/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung bởi điểm a khoản 2 Điều 1 Nghị định số 20/2019/NĐ-CP, mức thu lệ phí trước bạ theo tỷ lệ (%) đối với ô tô được quy định như sau:

Ô tô, rơ moóc hoặc sơ mi rơ moóc được kéo bởi ô tô, các loại xe tương tự mức thu là 2%.

Riêng:

+ Ô tô chở người từ 09 chỗ ngồi trở xuống nộp lệ phí trước bạ lần đầu với mức thu là 10%. Trường hợp cần áp dụng mức thu cao hơn cho phù hợp với điều kiện thực tế tại từng địa phương, Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quyết định điều chỉnh tăng nhưng tối đa không quá 50% mức quy định chung tại điểm này.

Ô tô vừa chở người, vừa chở hàng (Ô tô pick-up chở hàng) có khối lượng chuyên chở cho phép tham gia giao thông nhỏ hơn 1.500 kg và có từ 5 chỗ ngồi trở xuống, ô tô tải VAN có khối lượng chuyên chở cho phép tham gia giao thông nhỏ hơn 1.500 kg nộp lệ phí trước bạ lần đầu với mức thu bằng 60% mức thu lệ phí trước bạ lần đầu đối với ô tô chở người từ 09 chỗ ngồi trở xuống.

+ Ô tô chở người từ 09 chỗ ngồi trở xuống, ô tô vừa chở người, vừa chở hàng (Ô tô pick-up chở hàng) có khối lượng chuyên chở cho phép tham gia giao thông nhỏ hơn 1.500 kg và có từ 5 chỗ ngồi trở xuống, ô tô tải VAN có khối lượng chuyên chở cho phép tham gia giao thông nhỏ hơn 1.500 kg nộp lệ phí trước bạ lần thứ 2 trở đi với mức thu là 2% và áp dụng thống nhất trên toàn quốc.

Căn cứ vào loại phương tiện ghi tại Giấy chứng nhận chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường do cơ quan đăng kiểm Việt Nam cấp, Cơ quan Thuế xác định mức thu lệ phí trước bạ đối với ô tô, rơ moóc hoặc sơ mi rơ moóc được kéo bởi ô tô, các loại xe tương tự theo quy định tại khoản này.

So với các nước trong khu vực, tỷ lệ tính lệ phí trước bạ tại Việt Nam ở mức tầm trung. Ví dụ để so với các nước Thái Lan, Malaysia hay Trung Quốc thì có phần cao hơn nhưng không đáng kể. Lý do chủ yếu khiến cho lệ phí trước bạ tại Việt Nam chênh lệch đối với các nước trên là do các loại thuế và phí khác nhau được tính vào giá xe khiến cho gía một chiếc xe tại Việt Nam đã cao hơn các nước khác rất nhiều. Mà lệ phí trước bạ của một chiếc ô tô lại được tính dựa trên giá xe ô tô.

Ngược lại, so với Singapore thì Lệ phí trước bạ của Việt Nam lại thấp hơn đáng kể. Khi mà đối với xe có giá trị 20.000 SGD đầu tiên có lệ phí trước bạ được tính bằng 100% gía xe ô tô, 30.000 SGD tiếp theo tức từ 20.001 SGD - 50.000 SGD lệ phí trước bạ cũng bằng 140% và với xe có giá 50.000 SGD trở lên lệ phí trước bạ bằng 180%.

Mới đây, ngày 28/06/2020, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 70/2020/NĐ-CP, theo đó:

- Từ ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2020: Mức thu lệ phí trước bạ bằng 50% mức thu quy định tại Nghị định số 20/2019/NĐ-CP ngày 21 tháng 02 năm 2019 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 140/2016/NĐ-CP ngày 10 tháng 10 năm 2016 của Chính phủ về lệ phí trước bạ và các Nghị quyết hiện hành của Hội đồng nhân dân hoặc Quyết định hiện hành của Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương về mức thu lệ phí trước bạ tại địa phương.

- Từ ngày 01 tháng 01 năm 2021 trở đi: Mức thu lệ phí trước bạ tiếp tục thực hiện theo quy định tại Nghị định số 20/2019/NĐ-CP ngày 21 tháng 02 năm 2019 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 140/2016/NĐ-CPngày 10 tháng 10 năm 2016 của Chính phủ về lệ phí trước bạ và các Nghị quyết hiện hành của Hội đồng nhân dân hoặc Quyết định hiện hành của Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương về mức thu lệ phí trước bạ tại địa phương.

Như vậy, lệ phí trước bạ được quy định tại Việt Nam ở mức trung bình so với các quốc gia trong khu vực. Tuy nhiên các loại thuế khác như thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt hay các loại phí kèm theo lại cao hơn các nước khác đáng kể.

Từ phân tích thì chúng ta có thể thấy là việc điều chỉnh giảm 50% lệ phí trước bạ đối với xe sản xuất, lắp ráp trong nước sẽ giúp kích cầu tiêu dùng xe sản xuất, lắp ráp trong nước, hỗ trợ các nhà phân phối tiêu thụ được lượng xe tồn kho kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát, bù đắp chi phí, tổn thất do dịch bệnh, góp phần giúp ngành sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước sớm vượt qua khủng hoảng. Vậy người tiêu dùng, đại lý ô tô, cũng như là các nhà sản xuất cần lưu ý những vấn đề gì?

(Chỉ áp dụng với xe lắp ráp trong nước, Giá mua xe chưa chắc là giá tính phí trước bạ, Áp dụng trong thời gian từ ngày 28/6 đến ngày 31/12/2020…..)

Luật sư:

Đầu tiên, chính sách này chỉ áp dụng đối với xe được sản xuất và lắp ráp trong nước mà không áp dụng đối với các dòng xe nhập khẩu nguyên chiếc.

Bên cạnh đó, Bộ Tài chính có bảng giá tính phí trước bạ riêng dựa trên giá niêm yết của xe được cập nhật 2 lần mỗi năm. Những trường hợp giá tính phí trước bạ của xe tăng hoặc giảm 20% so với ban đầu sẽ được điều chỉnh. Cách tính mức lệ phí trước bạ còn phụ thuộc vào giá bán từ đại lí, các chương trình ưu đãi và khuyến mãi. Do đó, người tiêu dùng cần chú ý tính mức lệ phí trước bạ theo giá niêm yết thay vì theo giá bán tại showroom của xe.

Ngoài ra, chính sách này chỉ được áp dụng từ nay đến hết 2020, vì vậy, đây sẽ là thời điểm vàng để mua xe vì không chỉ giảm 50% mức lệ phí trước bạ mà các showroom, đại lý có nhiều chương trình khuyến mãi nhằm kích cầu tiêu dùng mặt hàng ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước và đẩy hàng tồn kho sau đại dịch vào đầu năm nay.

Ngoài chính sách hỗ trợ giảm 50% lệ phí trước bạ theo Nghị định 70 thì Nghị định 57/2020 cũng chính thức có hiệu lực từ ngày 10/7 vừa qua. Theo Nghị định 57/2020 thì các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp trong nước phải đáp ứng những điều kiện nào?

Luật sư:

Nghị định số 57/2020/NĐ-CP bổ sung Điều 7b về thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đối với nguyên liệu, vật tư, linh kiện để sản xuất, gia công (lắp ráp) các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển cho ngành sản xuất, lắp ráp ô tô giai đoạn năm 2020 - năm 2024 (Chương trình ưu đãi thuế CNHT ô tô) vào Nghị định số 122/2016/NĐ-CP.

Cụ thể, quy định thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi 0% đối với nguyên liệu, vật tư, linh kiện trong nước chưa sản xuất được để sản xuất, gia công (lắp ráp) các sản phẩm hỗ trợ ưu tiên phát triển cho ngành sản xuất, lắp ráp ô tô (sản phẩm CNHT ô tô).

Tại thời điểm đăng ký tờ khai, người khai hải quan thực hiện kê khai, tính thuế đối với nguyên liệu, vật tư, linh kiện nhập khẩu theo mức thuế suất thuế nhập khẩu thông thường hoặc mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi hoặc mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt theo quy định, chưa áp dụng mức thuế suất 0%.

Việc áp dụng mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi 0% đối với nguyên liệu, vật tư, linh kiện của Chương trình ưu đãi thuế CNHT ô tô thực hiện theo quy định tại Nghị định này.

Đối tượng áp dụng bao gồm các doanh nghiệp sản xuất, gia công (lắp ráp) linh kiện, phụ tùng ô tô; các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô tự sản xuất, gia công (lắp ráp) linh kiện, phụ tùng ô tô.

Đối với doanh nghiệp sản xuất, gia công (lắp ráp) linh kiện, phụ tùng ô tô phải đáp ứng các điều kiện sau:

1- Có hợp đồng mua bán sản phẩm CNHT ô tô với các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp xe ô tô có Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất, lắp ráp ô tô do Bộ Công Thương cấp;

2- Giấy chứng nhận đầu tư hoặc Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư hoặc Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh nêu rõ mục tiêu dự án hoặc ngành nghề kinh doanh trong đó có sản xuất phụ tùng và bộ phận phụ trợ cho xe ô tô và xe có động cơ khác;

3- Có quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng cơ sở sản xuất, gia công (lắp ráp) và máy móc, thiết bị tại cơ sở sản xuất, gia công (lắp ráp) trên lãnh thổ Việt Nam.

Đối với doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô tự sản xuất, gia công (lắp ráp) linh kiện, phụ tùng ô tô phải có Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất, lắp ráp ô tô do Bộ Công Thương cấp.

Giảm thuế linh kiện nhập khẩu về 0%, giảm 50% lệ phí trước bạ khi đăng ký ô tô sản xuất hoặc lắp ráp trong nước tới hết năm 2020 đều nhằm mục đích là kích thích tiêu dùng và phục hồi sản xuất trong nước. Vậy hiện tại thì có những chính sách nào hỗ trợ cho các đơn vị kinh doanh xe nhập khẩu không?

Luật sư:

Hiện tại chưa có chính sách nào dành riêng cho các đơn vị kinh doanh xe nhập khẩu. Tuy nhiên từ khi chính sách giảm 50% lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất lắp ráp trong nước được áp dụng, nhiều nhà nhập khẩu và phân phối xe tô ở Việt Nam cũng đã tung ra nhiều chương trình khuyến mãi, giảm giá hấp dẫn không kém để thu hút khách hàng về phía mình nhằm kích cầu doanh số trong bối cảnh hàng loạt mẫu xe lắp ráp trong nước đang hưởng nhiều ưu đãi từ nhà nước cũng như từ các hãng.

Vậy theo 2 vị khách mời thì có thêm những chính sách hỗ trợ nào nữa để giúp cho ngành này thực sự phát triển?

Luật sư:

Thị trường ô tô Việt Nam có sự phát triển mạnh, để tăng cường xu hướng này, tạo sự tăng trưởng lành mạnh và vững chắc cần có các chính sách làm nền tảng.

Trước tiên, cơ quan nhà nước có thẩm quyền cần điều chỉnh các chính sách về thuế và phí để giúp các doanh nghiệp giảm chi phí, dẫn đến giảm giá xe, người dân có nhiều cơ hội để sở hữu ô tô. Song song với chính sách mở rộng phát triển cần có những chính sách bảo vệ thị trường trước sự phát triển nhanh chóng của xe nhập khẩu.

Bên cạnh đó, cần kiểm soát chặt chẽ hơn đối với việc quản lý xe nhập khẩu, nhất là hạn chế gian lận thương mại. Tăng cường nghiệp vụ cho cơ quan hải quan trong việc định giá xe ô tô nhập khẩu. Đối với xe cũ nhập khẩu xây dựng những quy định, tiêu chuẩn kỹ thuật, đồng thời rà soát lại biểu thuế nhập khẩu xe cũ, ...

Ngoài ra, cơ quan nhà nước có thẩm quyền cần ban hành các chính sách khuyến khích đầu tư vào ngành công nghiệp hỗ trợ ô tô. Hơn nữa, các chính sách này còn phải đảm bảo sự khuyến khích đầu tư với quy mô lớn, với mức độ ưu đãi sẽ dựa trên quy mô của dự án đầu tư. Điều này sẽ giúp cải thiện tình trạng thiếu vốn trong ngành công nghiệp hỗ trợ ô tô, đồng thời tăng khả năng cạnh tranh nhờ lợi thế quy mô. Để khắc phục tình trạng thiếu vốn đầu tư trong ngành công nghiệp hỗ trợ, Chính phủ có thể tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tiếp cận với nguồn vốn vay ưu đãi cho đầu tư phát triển. Các nguồn vốn này có thể trực tiếp từ Ngân hàng Phát triển Việt Nam hoặc từ các ngân hàng thương mại.

0/5 (0 Reviews)

Tư vấn pháp lý

Liên hệ với chúng tôi để được hỗ trợ tư vấn 24/7

    Bài viết liên quan