Vào ngày 17/10/2023, Luật sư Lý Trần Linh – Giám đốc Sở hữu trí tuệ của Công ty luật TNHH SBLAW đã tham gia buổi phỏng vấn với phóng viên bên truyền hình VTVCab về một số nội dung liên quan đến vấn đề tranh chấp về nhượng quyền thương mại đối với thương hiệu Mixue – Thương hiệu nhượng quyền đang phát triển rất mạnh tại thị trường Việt Nam hiện nay.
Nội dung buổi phỏng vấn như sau:
Thưa ông/bà, câu chuyện về nhượng quyền thương hiệu Mixue thời gian qua thu hút nhiều ý kiến của dư luận, theo quan điểm cá nhân có đánh giá gì về câu chuyện nhượng quyền này?
Luật sư trả lời:
Tại Việt Nam, kinh doanh nhượng quyền đang trở nên phổ biến, đặc biệt là các mô hình kinh doanh như cà phê, trà sữa. Trước bức tranh sôi động của lĩnh vực này, các chuyên gia kinh tế cho rằng nhượng quyền thương mại là giải pháp nhanh chóng và hiệu quả cho các doanh nghiệp mở rộng thị trường. Thị trường Việt Nam rất hấp dẫn không chỉ các doanh nghiệp trong nước mà cả các nhà đầu tư nước ngoài nhờ sức mua tốt.
Đối với Mixue, thương hiệu Trung Quốc dù mới có mặt tại Việt Nam khoảng 5 năm nhưng tốc độ tăng trưởng khá nhanh, cụ thể là trong khoảng 10-18 tháng trở lại đây. Hiện tại, Mixue đã có hơn 1.300 cửa hàng tại Việt Nam. Đây có thể coi là một bước thành công của Mixue khi đã tạo được tầm ảnh hưởng của mình tại thị trường Việt Nam. Tuy nhiên, làm thế nào để quản lý chất lượng của cả một hệ thống cửa hàng này lại là một vấn đề khi việc nhượng quyền Mixue đang trở nên tràn lan.
Các chủ cửa hàng đối tác nhượng quyền của thương hiệu này sẽ gặp phải những bất lợi gì khi áp dụng các mức giá giảm mà thương hiệu yêu cầu? (cụ thể là phía công ty hạ giá bán sản phẩm xuống 25% nhằm tăng lượng khách nhưng chỉ hạ giá nguyên liệu đầu vào 10%)
Luật sư trả lời:
Giá bán sản phẩm giảm sâu, tuy nhiên, chi phí nguyên liệu không giảm tương ứng dẫn đến lợi nhuận giảm.
Bên cạnh đó, các chi phí khác không giảm và có xu hướng tăng, dẫn đến buôn bán không có lãi. Hơn nữa, lợi nhuận của các chủ cửa hàng đối tác là khác nhau, khi áp dụng một mức giá giảm chung do thương hiệu yêu cầu sẽ gây khó khăn cho các cửa hàng có sức bán thấp hơn những cửa hàng khác.
Nguy cơ đóng cơ sở do không thể tiếp tục vận hành do kinh doanh không có lãi, hoặc chậm thu hồi vốn, phải chịu các khoản phạt theo hợp đồng nếu chấm dứt sớm hợp đồng nhượng quyền. Như vậy, các chủ cửa hàng đối tác nhượng quyền rõ ràng sẽ chịu tổn thất rất lớn khi không những kinh doanh không có lãi, mà còn phải chịu những khoản phạt không nhỏ.
Vậy đối với các chủ thương hiệu và các đối tác nhượng quyền, có biện pháp nào để có thể dễ dàng thống nhất khi có sự thay đổi từ phía chủ thương hiệu?
Luật sư trả lời:
Đối với chủ thương hiệu: Cần tham khảo trước ý kiến của các nhà nhận nhượng quyền thay vì áp đặt chính sách thay đổi mà không lắng nghe ý kiến của họ. Điều này nhằm tránh phát sinh tranh chấp, gây ảnh hưởng đến hình ảnh thương hiệu cũng như cơ hội kinh doanh trong tương lai, bởi đây bản chất là b2b (hình thức kinh doanh giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp), chủ thương hiệu kinh doanh trên chính các cơ sở nhượng quyền.
Đối với nhà nhận nhượng quyền: Các nhà nhượng quyền cần cử đại diện yêu cầu đàm phán lại với phía chủ sở hữu thương hiệu về tính hợp lý của chính sách thay đổi. Đàm phán cần trên tinh thần xây dựng do đây là quyền lợi của rất nhiều bên nhận nhượng quyền.
Nhìn chung thì câu chuyện rủi ro từ nhượng quyền thương mại là gì?
Luật sư trả lời:
1, Rủi ro pháp lý:
Trong hoạt động nhượng quyền, những thỏa thuận như định giá bán sản phẩm, giảm, tăng giá nguyên vật liệu, v.v. nếu đã được thống nhất, quy định rõ trong hợp đồng và các bên đã ký vào hợp đồng thì phải tuân thủ. Nói cách khác, khi bên nhượng quyền đề ra những quy tắc thì bên nhận nhượng quyền có nghĩa vụ phải tuân theo, trừ trường hợp thỏa thuận đó trái quy định pháp luật. Bên nhận quyền thường là bên tham gia vào những quy luật do bên nhượng quyền đặt ra nên có thể sẽ bên chịu yếu thế hơn trong quá trình đàm phán, thỏa thuận ký kết hợp đồng.
Để tránh những rủi ro ngoài mong đợi, bên nhận nhượng quyền cần nghiên cứu kỹ các điều khoản do bên nhượng quyền đề ra để kiểm tra xem liệu có bất lợi hay rủi ro tiềm ẩn sau khi ký hợp đồng hay không. Hơn nữa, bên nhận nhượng quyền cần xem xét kỹ bản giới thiệu nhượng quyền thương mại, và đến xem các đối tác nhận quyền trước đó để kiểm tra mức độ hiệu quả của mô hình nhượng quyền hay cách thức quản lý nhượng quyền của thương hiệu mẹ. Ngoài ra, bên nhận nhượng quyền có thể tham khảo ý kiến tư vấn của luật sư có chuyên môn trong lĩnh vực này để có góc nhìn toàn diện, nhận diện các rủi ro và đưa ra các thương thảo phù hợp trước khi chính thức ký vào hợp đồng nhượng quyền.
2, Doanh nghiệp mất đi sự tự chủ:
Người mua nhượng quyền mặc dù không phải chịu áp lực về thị trường, vốn, hay vấn đề gây dựng thương hiệu, nhưng lại mất đi sự chủ động do phụ thuộc khi nhận nhượng quyền. Ví dụ, khi thương hiệu mẹ áp đặt những mức giảm giá hay giá nguyên vật liệu cho chiến dịch quảng bá hay tăng sức mua của người tiêu dùng, bên mua nhượng quyền sẽ không thể từ chối những yêu cầu như trên. Nếu chiến dịch làm không tốt, bên mua nhượng quyền có thể mất lợi nhuận, thậm chí không đủ vốn duy trì cửa hàng. Trong khi đó, bên bán nhượng quyền thì thiệt hại ít hơn nhiều, vì với họ, một trong rất nhiều đối tác dừng hợp tác cũng không ảnh hưởng đến quy trình vận hành kinh doanh.
3, Vấn đề cạnh tranh với chính các nhà nhận nhượng quyền với nhau:
Việc thương hiệu bán nhượng quyền tràn lan mà không có chiến lược quy hoạch các cửa hàng thì có thể dẫn đến tình trạng mật độ giữa các quán trở nên quá dày đặc. Nhượng quyền thương hiệu Mixue là ví dụ tiêu biểu khi Mixue đẩy mạnh bán nhượng quyền thương hiệu phần nào đã gây loãng hệ thống do có quá nhiều cửa hàng trong cùng một khu vực. Khi quy mô và tốc độ bán nhượng quyền phát triển quá nhanh, đặc biệt là ở thị trường Hà Nội khi trong bán kính 200-500m là có một cửa hàng Mixue thì các đối tác vô tình sẽ dẫn đến cạnh tranh nội bộ, chưa kể đến việc cạnh tranh với những thương hiệu khác, ví dụ như thương hiệu Cooler’s City với chiến dịch áp sát các cửa hàng của Mixue.
Vậy trong luật pháp, có những quy định gì liên quan đến vấn đề nhượng quyền này để đảm bảo quyền lợi cho đối tác nhượng quyền?
Về quy định liên quan nghĩa vụ của bên nhượng quyền và quyền của bên nhận nhượng quyền theo Luật thương mại 2005 sửa đổi:
“Điều 287. Nghĩa vụ của thương nhân nhượng quyền
Trừ trường hợp có thỏa thuận khác, thương nhân nhượng quyền có các nghĩa vụ sau đây:
- Cung cấp tài liệu hướng dẫn về hệ thống nhượng quyền thương mại cho bên nhận quyền;
- Đào tạo ban đầu và cung cấp trợ giúp kỹ thuật thường xuyên cho thương nhân nhận quyền để điều hành hoạt động theo đúng hệ thống nhượng quyền thương mại;
- Thiết kế và sắp xếp địa điểm bán hàng, cung ứng dịch vụ bằng chi phí của thương nhân nhận quyền;
- Bảo đảm quyền sở hữu trí tuệ đối với đối tượng được ghi trong hợp đồng nhượng quyền;
- Đối xử bình đẳng với các thương nhân nhận quyền trong hệ thống nhượng quyền thương mại.
Điều 288. Quyền của thương nhân nhận quyền
Trừ trường hợp có thỏa thuận khác, thương nhân nhận quyền có các quyền sau đây:
- Yêu cầu thương nhân nhượng quyền cung cấp đầy đủ trợ giúp kỹ thuật có liên quan đến hệ thống nhượng quyền thương mại;
- Yêu cầu thương nhân nhượng quyền đối xử bình đẳng với các thương nhân nhận quyền khác trong hệ thống nhượng quyền thương mại.”
Có thể thấy, các nghĩa vụ liên quan đến nhà nhượng quyền được quy định hết sức cơ bản trên tinh thần tôn trọng ý chí của các bên trong giao kết hợp đồng nhượng quyền. Tính ràng buộc với các nhà nhượng quyền chưa cao. Hơn nữa, bên nhận nhượng quyền thường sẽ là bên yếu thế hơn, quy định ở mức chung chung sẽ không thể tạo ra một cơ chế bảo vệ tốt nhất cho bên nhận nhượng quyền.
Ngoài ra, liên quan đến xử lý vi phạm đối với các hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động nhượng quyền thương mại được quy định tại Điều 24 Nghị định 35/2006/NĐ-CP quy định chi tiết Luật Thương mại về hoạt động nhượng quyền thương mại, cụ thể:
“Điều 24. Hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động nhượng quyền thương mại
Thương nhân tham gia hoạt động nhượng quyền thương mại có hành vi vi phạm sau đây thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính:
a) Kinh doanh nhượng quyền thương mại khi chưa đủ điều kiện quy định;
b) Nhượng quyền thương mại đối với những hàng hoá, dịch vụ cấm kinh doanh;
c) Vi phạm nghĩa vụ cung cấp thông tin trong hoạt động nhượng quyền thương mại quy định tại Nghị định này;
d) Thông tin trong bản giới thiệu về nhượng quyền thương mại có nội dung không trung thực;
đ) Vi phạm quy định về đăng ký hoạt động nhượng quyền thương mại;
e) Vi phạm quy định về thông báo trong hoạt động nhượng quyền thương mại;
g) Không nộp thuế theo quy định của pháp luật mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự;
h) Không chấp hành các yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền khi tiến hành kiểm tra, thanh tra;
i) Vi phạm các quy định khác của Nghị định này.
Trường hợp thương nhân kinh doanh theo phương thức nhượng quyền thương mại có hành vi vi phạm gây thiệt đến lợi ích vật chất của tổ chức, cá nhân liên quan thì phải bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật.”
Như vậy, pháp luật hiện hành đã quy định những hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động nhượng quyền thương mại là vi phạm hành chính và có chế tài xử lý, với mục đích duy trì một môi trường lành mạnh cho hoạt động nhượng quyền thương mại phát triển. Tùy theo tính chất và mức độ vi phạm, chế tài áp dụng có thể bao gồm xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật xử lý vi phạm hành chính, phải bồi thường thiệt hại nếu hành vi vi phạm gây thiệt hại cho tổ chức, cá nhân khác.
Trong trường hợp các bên nhận quyền có yêu cầu bồi thường thiệt hại, cần lưu ý những yếu tố sau:
- Về căn cứ yêu cầu bồi thường thiệt hại, Luật thương mại hiện hành quy định:
“Điều 303. Căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại
Trừ các trường hợp miễn trách nhiệm quy định tại Điều 294 của Luật này, trách nhiệm bồi thường thiệt hại phát sinh khi có đủ các yếu tố sau đây:
- Có hành vi vi phạm hợp đồng;
- Có thiệt hại thực tế;
- Hành vi vi phạm hợp đồng là nguyên nhân trực tiếp gây ra thiệt hại.”
- Về mức bồi thường thiệt hại, Luật thương mại hiện hành cũng quy định:
“Điều 302. Bồi thường thiệt hại
- Bồi thường thiệt hại là việc bên vi phạm bồi thường những tổn thất do hành vi vi phạm hợp đồng gây ra cho bên bị vi phạm.
- Giá trị bồi thường thiệt hại bao gồm giá trị tổn thất thực tế, trực tiếp mà bên bị vi phạm phải chịu do bên vi phạm gây ra và khoản lợi trực tiếp mà bên bị vi phạm đáng lẽ được hưởng nếu không có hành vi vi phạm.”
Về phía cơ quan quản lý nhà nước, có đề xuất những giải pháp gì trong việc đẩy mạnh và hoàn thiện hoạt động nhượng quyền thương mại?
Các cơ quan quản lý nhà nước cần đẩy mạnh rà soát tình hình hoạt động nhượng quyền của các chủ thương hiệu nhượng quyền tại Việt Nam, nhằm đảm bảo việc hoạt động trên thực tế khớp với trên hợp đồng nhượng quyền.
Về phía các cơ quan lập pháp, cần rà soát lại các quy định pháp luật có liên quan đến hoạt động nhượng quyền, ví dụ như cần quy định chi tiết hơn về khung các điều khoản cần có trong hợp đồng nhượng quyền, nhằm tạo ra một chuẩn chung để các bên thống nhất tuân theo áp dụng.
Về phía các doanh nghiệp nhượng quyền thì sao, họ cần làm gì để có thể vừa bảo vệ được thương hiệu, vừa mang lại lợi ích thỏa thuận cho bên mua nhượng quyền?
Đối với bên nhượng quyền, phương thức nhượng quyền là cách thức để mở rộng thị trường, cũng như phát triển ở các thị trường mới, đặc biệt là đối với thị trường nước ngoài. Như vậy, bên nhượng quyền cũng nên tham khảo trước ý kiến của các nhà mua nhượng quyền thay vì áp đặt chính sách thay đổi mà không thoả thuận hay lắng nghe ý kiến của đối tác. Điều này nhằm cân bằng lợi ích cho cả hai bên, tránh phát sinh tranh chấp, gây ảnh hưởng đến hình ảnh thương hiệu cũng như cơ hội kinh doanh về lâu dài.
Bên cạnh đó, khi có chính sách thay đổi thì doanh nghiệp nhượng quyền cũng nên cân nhắc đến mặt bằng chung về khả năng vận hành vốn hay duy trì cửa hàng của tất cả bên nhận nhượng quyền. Từ đó, cân bằng lợi nhuận và tạo cơ hội cho các bên trong quan hệ nhượng quyền.
Hình ảnh buổi phỏng vấn luật sư Lý Trần Linh
Dưới đây là 1 vài hình ảnh trong buổi phỏng vấn luật sư Lý Trần Linh: