Giải quyết tranh chấp tên miền tại Việt Nam

Nội dung bài viết

Tiếp tục chương trình Luật sư doanh nghiệp, luật sư Nguyễn Thanh Hà bàn về vấn đề giải quyết tranh chấp tên miền.

Chúng tôi trân trọng giới thiệu nội dung bài phỏng vấn:

Biên tập viên: Vai trò, ý nghĩa của tên miền trong hoạt động thương mại, kinh doanh, đặt trong bối cảnh số hóa như hiện nay? Tên miền liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ như thế nào?

Mục đích chính của tên miền là để cung cấp một hình thức đại diện, hay nói cách khác, dùng những tên dễ nhận biết, thay cho những tài nguyên Internet mà đa số được đánh địa chỉ bằng số.

Với việc cho phép sử dụng địa chỉ dạng chữ cái không trùng nhau thay cho dãy số, tên miền - domain cho phép người dùng Internet dễ tìm kiếm và liên lạc với các trang web và bất kỳ dịch vụ liên lạc dựa trên IP nào khác. Tính uyển chuyển của hệ thống tên miền cho phép nhiều địa chỉ IP có thể được gán vào một tên miền, hoặc nhiều tên miền đều cùng chỉ đến một địa chỉ IP.

Tên miền là động lực phát triển Internet, qua đó tạo tiền đề cho ứng dụng công nghệ, phát triển kinh tế, giao lưu văn hoá – xã hội.

Tên miền là một sản phẩm của hệ thống Internet được sử dụng nhằm giúp người sử dụng dễ dàng tiếp cận với Internet và các chủ thể khác trên mạng.

Tên miền Internet góp phần hỗ trợ các hoạt động quảng bá về kinh doanh, chính trị, xã hội, văn hoá trên mạng Internet. Thông qua tên miền, các đối tượng trong cuộc sống thực được phản ánh.

Trong hoạt động kinh doanh thương mại, tên miền sẽ là cầu nối giữa nhà sản xuất, kinh doanh với người tiêu dùng.Nó là một trong những kênh thương mại để các nhà sản xuất, kinh doanh thực hiện việc quảng cáo, giới thiệu và thực hiện kinh doanh với khách hàng của mình. Ngược lại, thông qua việc truy cập vào tên miền của nhà sản xuất, khách hàng có thể tìm hiểu được nhiều hơn về nhà sản xuất, kinh doanh hàng hóa dịch vụ, phần nào đánh giá được sản phẩm dịch vụ mình đã, đang và sẽ sử dụng, có thêm cơ hội để so sánh, lựa chọn sản phẩm dịch vụ từ nhiều nhà sản xuất, kinh doanh, tìm hiểu được thêm về nguồn gốc hàng hóa dịch vụ.

Về mối liên hệ giữa tên miền và SHTT:

Tại Việt Nam cũng như các quốc gia khác trên thế giới hiện nay, tên miền không thuộc phạm vivà đối tượng điều chỉnh của Luật SHTT. Như vậy có nghĩa là, việc đăng ký bảo hộ nhãn hiệu trên thực tế sẽ không đồng thời có nghĩa là được bảo hộ tên miền trên internet. Tên miền được đăng ký và cấp theo nguyên tắc “đăng ký trước được quyền sử dụng trước”. Do nguyên tắc “đăng ký trước được xét cấp trước” nên trong thời gian qua đã xảy ra nhiều vụ tranh chấp liên quan đến tên miền của các nhãn hiệu nổi tiếng như “Toyota.vn; samsungmobile.vn; ibm.com.vn; Fanta.com.vn; bitis.vn…”.

Luật sư Nguyễn Thanh Hà tham gia giải quyết tranh chấp tên miền tại toà án
Luật sư Nguyễn Thanh Hà tham gia giải quyết tranh chấp tên miền tại toà án

Như vậy có thể thấy hệ thống đăng ký sử dụng tên miền là độc lập với hệ thống đăng ký bảo hộ các đối tượng SHTT.Việc các đối tượng SHTT của doanh nghiệp được chấp nhận bảo hộ, không có nghĩa là cũng được bảo hộ tên miền giống hệt đối tượng SHTT của họ.

Tuy nhiên, khi tên miền đó dẫn đến một website mà trên website đó có sử dụng các đối tượng SHTT đang được bảo hộ của chủ sở hữu khác mà không được sự cho phép của chủ sở hữu đó và không thuộc trường hợp loại trừ theo quy định của Luật SHTT, thì hành vi sử dụng các đối tượng SHTT đang được bảo hộ đó có thể bị xem là xâm phạm quyền SHTT.

Ví dụ: Hành vi sao chép, sử dụng nội dung, hình ảnh được đăng tải trên 1 website nào đó cho 1 website khác mà không được sự đồng ý của chủ sở hữu website có thể bị xem là hành vi xâm phạm quyền tác giả.

Biên tập viên: Thực trạng của tranh chấp tên miền tại VN?

Trong thời gian vừa qua đã xảy ra rất nhiều vụ tranh chấp tên miền tại Việt Nam, chủ yếu là tranh chấp xảy ra giữa chủ sở hữu nhãn hiệu, chủ yếu là nhãn hiệu nổi tiếng (đối tượng SHTT) và chủ sở hữu tên miền giống hệt nhãn hiệu đó. Ví dụ như trường hợp Samsung, Toyota như nêu ở trên.

Trong khi các doanh nghiệp, tổ chức tại Việt Nam vẫn chưa nhận thức được vai trò quan trọng của tên miền trong nền kinh tế mạng thì các cá nhân, tổ chức trong và ngoài nước đã nhanh tay đăng ký trước, đến khi doanh nghiệp có nhu cầu kinh doanh hay quảng bá thương hiệu trên internet đi đăng ký thì mới biết tên miền đã bị đăng ký từ trước đó.

Do chậm chân trong việc đăng ký tên miền, nhiều doanh nghiệp, tổ chức đã không sở hữu được tên miền của mình. Đó là nguyên nhân đầu tiên dẫn tới các vụ tranh chấp tên miền liên quan tới nhãn hiệu hàng hóa, các tổ chức, doanh nghiệp nóng và dồn dập như thời gian qua.

Điển hình là các vụ tranh chấp liên quan đến là tên miền của các nhãn hiệu nổi tiếng như: ebay.com.vn, ibm.com.vn: visa.com.vn, anz.com.vn, toyotavn.vn, camry.vn, innova.vn, sprite.com.vn, coke.com.vn, fanta.com.vn, olay.com.vn, heineken.vn, bayer.vn, bitis.vn, samsungmobile.vn, samsungmobile.com.vn, visa.com.vn, …; liên quan tới tên tổ chức, doanh nghiệp như nld.vn, nguoilaodong.vn, mhb.vn, habeco.vn, tvad.vn…

Biên tập viên: Tác động của những tranh chấp này đến DN là ntn? (những khó khăn của DN khi phải đối mặt với việc mất tên miền nếu chưa kịp đăng ký…)

Tác động của những tranh chấp tên miền đến doanh nghiệp là hết sức nghiêm trọng, không chỉ về tài chính, thời gian mà cả thương hiệu của doanh nghiệp, tổ chức.

Do không đăng ký bao vây hoặc quản lý tên miền không tốt, nhiều doanh nghiệp đã phải chi trả rất nhiều chi phí và thời gian cho việc đàm phán mua lại các tên miền gần giống hoặc tương tự với tên miền, nhãn hiệu, thương hiệu của mình.

Ngoài ra uy tín của doanh nghiệp có thể bị ảnh hưởng, thị phần, doanh thu có thể bị ảnh hưởng nếu tên miền bao vây bị mua bởi đối thủ cạnh tranh của họ hoặc bởi các tổ chức cá nhân có dụng ý xấu.

Biên tập viên: Nguyên nhân dẫn đến tranh chấp tên miền? Đặc trưng của tranh chấp tên miền so với các loại tranh chấp khác là gì?

Nguyên nhân đầu tiên dẫn đến tranh chấp tên miền là nguyên tắc và quy định: “Ai đăng ký trước được cấp phát trước” của các cơ quan quản lý tên miền là căn nguyên chính dẫn đến tình trạng tranh chấp tên miền.

Nguyên nhân tiếp theo dẫn đến tình trạng tranh chấp tên miền là do các tổ chức, doanh nghiệp không thực hiện chính sách bao vây khi đăng ký. Họ cho rằng chỉ cần 1 tên miền để xây dựng website cho doanh nghiệp là đủ và bỏ ngỏ tên miền với các đuôi còn lại hoặc những tên miền có cách viết, cách đọc tương tự.

Do vậy, các cá nhân, tổ chức khác đã đăng ký những tên miền còn sót đó để đầu cơ hoặc sử dụng vào những mục đích không chính đáng. Đến lúc doanh nghiệp nhận thấy những thiệt hại vì không đăng ký đầy đủ hoặc hay tin các tên miền đó bị sử dụng vào mục đích xấu gây tổn hại cho doanh nghiệp thì mới bắt đầu khiếu nại lên các cấp có thẩm quyền để giành lại tên miền.

Có rất nhiều dẫn chứng về tranh chấp tên miền do sự chủ quan, lơ là của các chủ thể trong việc đăng ký tên miền như: Ebay chỉ đăng ký ebay.vn mà bỏ qua ebay.com.vn, Bitis đã đăng ký bitis.com.vn và bitis-vn.com.vn nhưng bỏ qua bitis.vn, Heineken chỉ đăng ký heineken.com.vn mà bỏ qua heineken.vn,…

Nguyên nhân thứ ba là do sự quản lý lỏng lẻo của chủ thể tên miền. Khi tên miền đến hạn duy trì, chủ thể không đóng phí duy trì sẽ bị thu hồi tên miền và các cá nhân, tổ chức khác có cơ hội đăng ký tên miền đó.

Ngoài ra còn có trường hợp do ủy quyền cho một đơn vị thứ ba đi đăng ký và theo dõi tên miền mà không quản lý về việc đơn vị được ủy quyền đó là đơn vị nào, phạm vi ủy quyền đến đâu.

Và nguyên nhân sâu xa dẫn đến việc các cá nhân tổ chức khác lợi dụng sự thiếu sót của các doanh nghiệp có tên tuổi để đăng ký các tên miền có cách đọc giống hoặc tương tự là do sự cạnh tranh cao của môi trường thương mại, và lợi ích thương mại.

Nhiều chủ thể kinh doanh đã tiến hành đăng ký trước những tên miền mà theo sự tính toán của họ, trong tương lai sẽ có chủ thể đăng ký. Khi có đối tượng cần đăng ký, chủ thể kinh doanh này sẽ bán lại để thu lợi.

Hoặc như trường hợp các chủ thể kinh doanh đăng ký trước tên miền của các đối thủ cạnh tranh trên thương trường của mình nhằm gây khó khăn cho công việc kinh doanh và công tác tiếp thị của họ.

Biên tập viên: Bình luận các phương thức giải quyết tranh chấp tên miền tại VN? Những khó khăn trong giải quyết tranh chấp tên miền là gì?

Trên thực tế hiện nay, các phương thức giải quyết tranh chấp tại Việt Nam bao gồm các phương thức sau:

- Đàm phán, thương lượng: Thông thường theo phương pháp này, doanh nghiệp có tên miền bị cá nhân tổ chức khác đăng ký sẽ cố gắng dàn xếp thương lượng để mua lại tên miền bị mất của mình. Việc tiến hành đàm phán, thương lượng diễn ra trực tiếp giữa hai bên.Sau khi hai bên đã đạt được thỏa thuận, hai bên sẽ tiến hành thủ tục chuyển nhượng tên miền.

- Giải quyết bằng con đường trọng tài và Tòa án: Các cơ quan này chỉ giải quyết các tranh chấp tên miền đã xảy ra. Giải quyết bằng con đường này sẽ khiến các chủ thể tranh chấp mất nhiều chi phí và thời gian hơn.

Biên tập viên: Từ những khó khăn và vướng mắc vừa nêu trên, Anh có thể đưa ra những kiến nghị gì đối với các cơ quan nhà nước trong việc bảo vệ các DN tránh xảy ra các tranh chấp tên miền? Khuyến nghị cho các DN là gì?

Từ những thực trạng tôi vừa nêu trên, trước hết các doanh nghiệp cần chủ động bảo vệ tên miền của mình bằng cách đăng ký bao vây các tên miền gần giống hoặc tương tự với tên miền của mình, đồng thời phải chú ý đến thời gian gia hạn và quản lý tên miền đã đăng ký.

Tránh trường hợp tên miền hết hạn, không đăng ký, ngay lập tức bị đối tác đăng ký. Khi xảy ra tranh chấp tên miền, các doanh nghiệp cần tìm tới các luật sư để có thể được tư vấn về thủ tục và trình tự giải quyết tranh chấp.

Ý kiến tư vấn của các luật sư là một trong những bằng chứng quý giá, giúp cho việc giải quyết được nhanh chóng và hiệu quả.

Xin cảm ơn luật sư.

Xin mời bạn xem lại chương trình tại đây:

5/5 (1 Review)

Tư vấn pháp lý

Liên hệ với chúng tôi để được hỗ trợ tư vấn 24/7

    Bài viết liên quan