Luật sư Nguyễn Thanh Hà - Chủ tịch Công ty Luật TNHH SB LAW đã trả lời trên VTC10 về vấn đề Giải quyết tranh chấp bằng trọng tài tại Việt Nam. Dưới đây là nội dung chi tiết:
Tôi là một Việt Kiều, sống lâu năm tại Cộng Hoà Liên Bang Đức, tôi có một công ty tại Đức chuyên kinh doanh sản phẩm thuỷ sản, phân phối tới các nhà hàng tại Châu Âu.
Hiện tại, tôi đang đàm phán ký kết một hợp đồng nhập khẩu thuỷ sản từ Việt Nam với một đối tác vào Đức, tôi đang băn khoăn về điều khoản giải quyết tranh chấp, cụ thể là điều khoản về trọng tài.
Câu hỏi: Tại Việt Nam, pháp luật có cho phép tranh chấp được giải quyết bằng trọng tài hay không?
Trả lời: Theo quy định của Luật trọng tài thương mại tại Việt Nam, những tranh chấp thương mại mà một bên ở nước ngoài cũng sẽ được giải quyết bằng trọng tài thương mại Việt Nam.
Trong trường hợp của công ty bạn, bạn và đối tác có thể thoả thuận, lựa chọn một trung tâm trọng tài tại Việt Nam để giải quyết khi có tranh chấp
Câu hỏi: Vậy chúng tôi có phải nêu rõ về phương thức giải quyết trọng tài trong hợp đồng mua bán không?
Trả lời: Công ty bạn nên nêu rõ là khi có tranh chấp xảy ra, sẽ lựa chọn một trung tâm trọng tài tại Việt Nam để giải quyết.
Hiện tại, Việt Nam có gần 20 trung tâm trọng tài, bạn nên tìm hiểu về các trung tâm này để lựa chọn.
Nếu các bên không nêu rõ phương thức giải quyết tranh chấp bằng trọng tài trong hợp đồng, khi có tranh chấp xảy ra, nếu các bên có thoả thuận đưa ra trọng tài giải quyết thì trong trường hợp này, trọng tài vẫn có thẩm quyền.
Cũng lưu ý rằng, khi đã lựa chọn trung tâm trọng tài giải quyết thì khi có tranh chấp xảy ra, các bên không thể đem vụ việc ra toà án để giải quyết.
Câu hỏi: Tại Đức, chúng tôi có thể thoả thuận lựa chọn một trọng tài viên để giải quyết tranh chấp, vậy ở Việt Nam, có được không?
Trả lời: Luật trọng tài thương mại cho phép các bên tự do lựa chọn số lượng trọng tài viên trong hội đồng trọng tài.
Thông thường, số lượng trọng tài được lựa chọn sẽ phải tuân thủ quy chế của từng trung tâm trọng tài, thông thường sẽ có 3 trọng tài để giải quyết vụ việc.
Tuy nhiên, nếu các bên lựa chọn 1 trọng tài viên để tiết kiệm chi phí thì cũng sẽ được chấp nhận.
Câu hỏi: Vậy khi có quyết định giải quyết của trọng tài, nếu bên thua kiện không thi hành, chúng tôi phải làm gì?
Trả lời: Theo luật trọng tài thương mại Việt Nam, nếu một bên thua kiện không tự nguyện thi hành phán quyết của trọng tài thì bên thắng kiện có quyền nộp đơn yêu cầu cơ quan thi hành án cấp tỉnh thi hành phán quyết.
Xin được lưu ý rằng phán quyết của trọng tài là chung thẩm, có nghĩa là sẽ có hiệu lực ngay, không có giai đoạn phúc thẩm như ở toà án.
Xin cám ơn ông.