Giải pháp "triệt tiêu" tín dụng đen

Nội dung bài viết

Luật sư Nguyễn Thanh Hà - Chủ tịch Công ty Luật TNHH SB Law đã có bài phỏng vấn với kênh Truyền hình Thông tấn về vấn đề tín dụng đen biến tướng dưới dạng các ứng dụng cho vay tiền online trong khuôn khổ chương trình "Tiêu điểm Kinh tế". Dưới đây là nội dung chi tiết:

Câu hỏi 1: Hiện nay, tín dụng đen đã len lỏi vào đời sống thường nhật, không chỉ ở các vùng nông thôn, miền núi mà ngay cả thành thị. Xin ông có thể chia sẻ thêm về một vài trường hợp khách hàng tìm đến luật sư để giúp thoát khỏi bẫy tín dụng đen?

Trả lời:
Hiện nay, pháp luật không có định nghĩa cụ thể về tín dụng đen, nhưng có thể xác định đặc trưng cơ bản nhất của tín dụng đen là cho vay với mức lãi suất cao vượt mức lãi suất tối đa theo quy định của Bộ luật dân sự và bị pháp luật nghiêm cấm.
Thực tế vài năm trở lại đây, đã xảy ra hàng trăm vụ vỡ nợ tín dụng đen, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của nhiều cá nhân và gia đình. Nạn nhân của các vụ việc liên quan đến tín dụng đen cũng rất đa dạng, thuộc nhiều tầng lớp, lứa tuổi, trình độ học vấn và nghề nghiệp khác nhau.
Theo quy định tại Điều 7 và Điều 8 Thông tư 39/2016/TT-NHNN quy định về hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng, điều kiện để cá nhân có thể vay tiền từ các tổ chức tín dụng, các ngân hàng như sau:

“Điều 7. Điều kiện vay vốn
Tổ chức tín dụng xem xét, quyết định cho vay khi khách hàng có đủ các điều kiện sau đây:
1. Khách hàng là pháp nhân có năng lực pháp luật dân sự theo quy định của pháp luật. Khách hàng là cá nhân từ đủ 18 tuổi trở lên có năng lực hành vi dân sự đầy đủ theo quy định của pháp luật hoặc từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi không bị mất hoặc hạn chế năng lực hành vi dân sự theo quy định của pháp luật.
2. Nhu cầu vay vốn để sử dụng vào mục đích hợp pháp.
3. Có phương án sử dụng vốn khả thi.
4. Có khả năng tài chính để trả nợ. …”

Như vậy, không phải người dân và doanh nghiệp nào cũng có thể dễ dàng tiếp cận được với các nguồn vốn của ngân hàng do các quy định chặt chẽ về thủ tục và tài sản thế chấp. Trong khi đó, việc tiếp cận nguồn vốn tín dụng đen ở ngoài xã hội lại quá dễ dàng. Theo đó, những cá nhân có nhu cầu vay tiền, trong khoảng thời gian gấp, họ sẽ có tâm lý ngại ra các ngân hàng, tổ chức tín dụng uy tín để làm thủ tục, thay vào đó họ lại lựa chọn luôn các tổ chức “tín dụng đen” với các thủ tục “gọn, nhẹ”, mà họ cũng không cần phải chứng minh tài chính hay làm các thủ tục rườm rà.

Câu hỏi 2: Nếu như trước đây, tín dụng đen thường được nhận diện bởi hàng loạt tờ rơi dán khắp các cột điện, ngõ xóm hay tại một số cửa hiệu cầm đồ có vị trí cố định, thì nay với công nghệ 4.0, tín dụng đen cũng được nâng cấp lên một tầm mới trong vỏ bọc của những ứng dụng cho vay tiền online. Điều đáng nói là những app này quảng cáo cho vay với lãi suất rất thấp, thậm chí còn thấp hơn cả lãi cho vay của ngân hàng. Ý kiến của ông ra sao về hiện tượng này?

Trả lời:
Như chúng ta đã quan sát được trên những phóng sự điều tra của VTV cũng như các cơ quan công an, các ứng dụng vay tiền online tuy có lãi suất được quảng cáo là rất thấp, tuy nhiên chúng lại sử dụng những chiêu trò như đưa thêm hàng loạt các chi phí nhỏ nhặt khác như chi phí hoàn thành hồ sơ, chi phí chậm trả. Điều đặc biệt ở đây là tất cả các chi phí này đều được áp dụng một mức lãi suất cố định, kể cả phí hồ sơ. Chúng lồng ghép những phí này vào cùng khoản vay gốc, từ đó những chi phí này kết hợp với chi phí chậm trả - một loại phí vô lý, tạo nên những khoản nợ có lãi mẹ đẻ lãi con, tiền phí chậm trả có thể cao hơn cả trăm lần so với số tiền mà người tiêu dùng ban đầu vay. Cách thức để nhận dạng những ứng dụng vay “tín dụng đen” này, người tiêu dùng cần để ý một vài những thông tin về điều khoản, dịch vụ, các quy định về lãi, phí, hạn mức trả nợ… trước khi đưa ra quyết định.
Đối với những doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, cung cấp dịch vụ kết nối tài chính, cho vay an toàn qua app trên môi trường mạng internet sẽ có đầy đủ thông tin công ty, giấy phép đăng ký kinh doanh, địa chỉ giao dịch, thông tin mô hình dịch vụ, thông tin quảng bá trên các phương tiện truyền thông chính thống, thông tin hướng dẫn, nhân viên tư vấn và hỗ trợ 24/7, các quy định và điều khoản rõ ràng, minh bạch và đăng tải công khai trên website/app/fanpage chính thức của công ty.
Còn đối với các tổ chức tín dụng đen online là thông tin công ty không rõ ràng, thủ tục vay dễ dàng nhưng lãi phí lại mập mờ, số tiền nhận được thường thấp hơn khá nhiều so với số tiền vay, kèm theo là lãi phí quá cao, không minh bạch các quy định điều khoản lãi phí và trả nợ.

Câu hỏi 3: Sự xuất hiện của tín dụng đen biến tướng như trên sẽ ảnh hưởng thế nào tới các công ty tài chính công nghệ và các ngân hàng cũng đang triển khai xây dựng hệ thống cho vay online chính thống, thưa ông?

Trả lời:
Các app tín dụng online uy tín, hoặc những hệ thống cho vay online của các ngân hàng, hiện nay đang rơi vào tình huống rất khó tiếp cận đối với nguồn khách hàng, do chính sự ảnh hưởng của các ứng dụng cho vay biến tướng. Với số lượng người tải về lớn trên các chợ ứng dụng như App Store hay CH Play, những app “tín dụng đen” này luôn đứng đầu các kết quả tìm kiếm về dịch vụ cung cấp tài chính online. Hơn nữa, đối với những người đã nếm “trái đắng” của các ứng dụng đen này, thì họ cũng sẽ có một tâm lý lo sợ khi được giới thiệu những ứng dụng cho vay uy tín hay các hệ thống cho vay của các ngân hàng.

Câu hỏi 4: Thưa ông, nhiều giải pháp đã được ngành ngân hàng triển khai nhằm đáp ứng nhu cầu vay vốn tiêu dùng của người dân. Nhưng trong nhiều trường hợp người dân vẫn tìm đến những nguồn vốn phi chính thức từ các tiệm cầm đồ, các cá nhân, tổ chức cho vay nặng lãi… Theo ông, cần làm gì để cải thiện tình trạng này?

Trả lời:
Mặc dù nhiều ngân hàng đã có những nỗ lực nhằm triển khai, đáp ứng nhu cầu tín dụng của người dân, tuy nhiên vẫn còn những trở ngại nhất định khiến cho người dân vẫn chần chừ về việc vay từ ngân hàng. Đơn cử là các thủ tục cho vay tại ngân hàng vô cùng rườm rà, khó tiếp cận, và nhiều người vẫn chưa thể đáp ứng được các quy định của pháp luật về điều kiện vay vốn chính là một trở ngại lớn cho việc triển khai những chương trình này của các ngân hàng. Để hạn chế tình trạng này, các ngân hàng và các công ty tài chính tiêu dùng cần đẩy mạnh hơn nữa các chương trình truyền thông để người dân hiểu đúng về nguồn vốn tín dụng chính thức, các thủ tục vay thuận tiện, dễ dàng với những nhu cầu vay tiền chính đáng của người dân phục vụ sản xuất - kinh doanh.

Câu hỏi 5: Như phần trước đã đề cập, tín dụng đen 4.0 trôi nổi trên mạng internet. Vậy nhà quản lý phải làm sao để kiểm soát được các hoạt động này, nhất là khi đã từng xảy ra nhiều trường hợp người vay tiền online bị khủng bố đòi nợ đến mức muốn quyên sinh, thưa ông?

Trả lời:
Để hạn chế tình trạng này trong thời đại 4.0, các nhà làm luật cần phải cập nhật các văn bản quy phạm pháp luật mới nhất về cho vay tín dụng cũng như các quy định, yêu cầu đối với một tổ chức có thể đủ điều kiện mở các app cho vay tiền online. Các cơ quan chức năng, đặc biệt là lực lượng cảnh sát không gian mạng có thể kết hợp với các tập đoàn công nghệ viễn thông lớn như BKAV hoặc FPT để kịp thời dập tắt, gỡ bỏ những ứng dụng “đen” này khỏi các chợ ứng dụng online; xây dựng những chương trình bảo mật cho người dùng điện thoại, máy tính không gian mạng nhằm bảo vệ những người dân với trình độ kiến thức về pháp luật cũng như tài chính thấp; điều tra, truy vết các đối tượng núp bóng những ứng dụng này để xử phạt theo đúng quy định pháp luật.
Câu hỏi 6: Luật sư có lời khuyên nào đối với những người đã lỡ sa chân vào “bẫy” tín dụng đen?

Trả lời:
Điều 468 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về lãi suất vay do các bên thỏa thuận như sau:

“1. Trường hợp các bên có thỏa thuận về lãi suất thì lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay, trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác. Căn cứ tình hình thực tế và theo đề xuất của Chính phủ, Ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định điều chỉnh mức lãi suất nói trên và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất. Trường hợp lãi suất theo thỏa thuận vượt quá lãi suất giới hạn được quy định tại khoản này thì mức lãi suất vượt quá không có hiệu lực.

2. Trường hợp các bên có thỏa thuận về việc trả lãi, nhưng không xác định rõ lãi suất và có tranh chấp về lãi suất thì lãi suất được xác định bằng 50% mức lãi suất giới hạn quy định tại khoản 1 Điều này tại thời điểm trả nợ”.

Như vậy, theo quy định này, trường hợp lãi suất theo thỏa thuận vượt quá lãi suất giới hạn được quy định tại khoản 1 Điều 468 Bộ luật này thì mức lãi suất vượt quá không có hiệu lực.
Trường hợp bên cho vay có hành vi cho vay nặng lãi thì tùy thuộc vào mức độ của hành vi mà sẽ bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự, cụ thể như sau:
Về xử phạt hành chính, theo điểm d khoản 3 Điều 11 Nghị định số 167/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình, thì hành vi “cho vay tiền có cầm cố tài sản, nhưng lãi suất cho vay vượt quá 150% lãi suất cơ bản do Ngân hàng nhà nước Việt Nam công bố tại thời điểm cho vay” bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng.
Về truy cứu trách nhiệm hình sự, Điều 201 Bộ luật Hình sự năm 2015 (được sửa đổi, bổ sung năm 2015) quy định về tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự, theo đó, mức hình phạt cao nhất đối với hành vi này là bị phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Do đó, nếu bên cho vay có dấu hiệu cho vay nặng lãi, cá nhân có thể viết đơn tố cáo lên cơ quan công an nhằm tố cáo về hành vi này của bên cho vay và yêu cầu các bên cơ quan chức năng có biện pháp để bảo vệ an toàn của cá nhân, gia đình.

0/5 (0 Reviews)

Tư vấn pháp lý

Liên hệ với chúng tôi để được hỗ trợ tư vấn 24/7

    Bài viết liên quan