Trong bài "Giải pháp ngăn chặn game cờ bạc online" đăng trên Báo Diễn Đàn Doanh Nghiệp, có trích dẫn ý kiến của Luật sư Nguyễn Thanh Hà - Chủ tịch Công ty Luật TNHH SB LAW. Dưới đây là nội dung chi tiết:
Hiện nay lợi dụng môi trường mạng internet, các trang cờ bạc online nghiễm nhiên tổ chức người chơi thông qua các thiết bị điện tử tiện dụng.Trên các mạng xã hội nở rộ các trò chơi Game trực tuyến thu hút rất nhiều đối tượng tham gia vì điều kiện của trò chơi hết sức dễ dàng, thuận tiện cho người chơi. Tuy nhiên, các trò chơi này ngoài yếu tố giải trí còn khơi gợi sự đam mê “thắng thua” với sự “may rủi”.
Chơi cờ bạc online bằng tiền ảo, nhưng muốn có tiền ảo thì phải bỏ tiền thật ra nạp. Hình thức chuyển tiền thật thông qua chuyển khoản để đổi lấy tiền ảo, và khi thắng lại đổi từ tiền ảo thông qua tài khoản ngân hàng ra tiền thật.
Như vậy, xét về bản chất đây là phương thức thanh toán của hành vi đánh bạc. Bởi khi chơi game qua mạng dưới bất kỳ hình thức nào như game đánh bài, xóc đĩa... người chơi đều biết có thua có thắng, có mục đích tư lợi, chiếm đoạt tài sản tiền bạc của nhau một cách cố ý.
Pháp luật quy định như thế nào?
Khoản 3 Điều 3 Thông tư số 24/2014/TT-BTTT quy định chi tiết về hoạt động quản lý, cung cấp và sử dụng dịch vụ trò chơi điện tử trên mạng, có quy định chi tiết những hành vi bị cấm trong hoạt động cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử tại Điều 5 Nghị định số 72/2013/NĐ-CP, trong đó, cấm:
“Lợi dụng việc cung cấp, sử dụng dịch vụ trò chơi điện tử để đánh bạc, tổ chức đánh bạc, lừa đảo, kinh doanh trái pháp luật hoặc các hành vi vi phạm pháp luật khác”.
Mới đây, Chính phủ mới ban hành Nghị định số 27/2018/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị định số 72/2013/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 27/2018/NĐ-CP) về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng, theo Điều 32c của Nghị định này thì:
“Điều 32c. Điều kiện cấp quyết định phê duyệt nội dung, kịch bản trò chơi điện tử G1.
Doanh nghiệp được cấp Quyết định phê duyệt nội dung, kịch bản trò chơi điện tử khi có đủ các Điều kiện sau đây:
a) Có Giấy phép cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử còn thời hạn tối thiểu 01 năm;
b) Nội dung, kịch bản trò chơi điện tử không vi phạm các quy định tại Khoản 1 Điều 5 Nghị định này; không có các hình ảnh, âm thanh miêu tả cụ thể hành động giết người, tra tấn người, kích động bạo lực, thú tính, khiêu dâm, dung tục, trái với truyền thống đạo đức, văn hóa, thuần phong mỹ tục của dân tộc, xuyên tạc, phá hoại truyền thống lịch sử, vi phạm chủ quyền và sự toàn vẹn lãnh thổ, kích động tự tử, sử dụng ma túy, uống rượu, hút thuốc, đánh bạc, khủng bố, ngược đãi, xâm hại, buôn bán, phụ nữ, trẻ em và các hành vi có hại hoặc bị cấm khác;
c) Trò chơi điện tử có kết quả phân loại theo độ tuổi phù hợp với nội dung, kịch bản trò chơi theo quy định tại Khoản 1, Khoản 2 Điều 31a Nghị định này; …”.
Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 15 tháng 4 năm 2018.
Như vậy, về cơ bản pháp luật Việt Nam đã có quy định cấm đối với những trò chơi điện tử nhằm mục đích đánh bạc, tổ chức đánh bạc và tất nhiên sẽ không cấp phép cho những trò chơi này.
Sẽ bị xử lý ra sao?
Hiện nay pháp luật Việt Nam nghiêm cấm việc đánh bạc và tổ chức đánh bạc dưới bất kỳ hình thức nào. Do đó, người đánh bạc trên mạng khi bị phát hiện vẫn bị xử lý hình sự nếu có dấu hiệu về tội Đánh bạc theo Điều 321 hoặc tội Tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc theo Điều 322 Bộ luật hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017). Cụ thể:
-Mức phạt đối với hành vi đánh bạc mà sử dụng mạng internet, mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử để phạm tội sẽ bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.
- Mức phạt đối với hành vi tổ chức đánh bạc mà sử dụng mạng internet, mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử để phạm tội sẽ bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm. Ngoài ra, Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
Còn nếu hành vi đánh bạc qua mạng chưa đủ căn cứ truy cứu trách nhiệm hình sự thì có thể bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Điều 26 Nghị định của Chính phủ số 167/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 quy định về việc xử phạt hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự như sau:
“2. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với một trong những hành vi đánh bạc sau đây:
a) Đánh bạc trái phép bằng một trong các hình thức như xóc đĩa, tá lả, tổ tôm, tú lơ khơ, tam cúc, 3 cây, tứ sắc, đỏ đen, cờ thế hoặc các hình thức khác mà được, thua bằng tiền, hiện vật.
b) Đánh bạc bằng máy, trò chơi điện tử trái phép;
c) Cá cược bằng tiền hoặc dưới các hình thức khác trong hoạt động thi đấu thể thao, vui chơi giải trí, các hoạt động khác;
d) Bán bảng đề, ấn phẩm khác cho việc đánh lô, đề”.
Như vậy, với các quy định trên thì bất kỳ người nào chơi game thỏa mãn các dấu hiệu về chủ thể từ đủ 16 tuổi trở lên có năng lực trách nhiệm hình sự. Theo quy định tại Điều 12 BLHS, thì người từ đủ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự về mọi tội phạm; người từ đủ 14 tuổi trở lên, nhưng chưa đủ 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về về tội phạm rất nghiêm trọng do cố ý hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.
Người chơi thực hiện hành vi đánh bạc với lỗi cố ý và trực tiếp xâm phạm trật tự công cộng, nếp sống văn minh của xã hội vì đánh bạc là một tệ nạn xã hội. Bên cạnh việc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu giá trị nhỏ hơn 2 triệu đồng, với hành vi đánh bạc online và đổi ra tiền thật, người chơi, người tổ chức chơi có thể bị xử phạt hành chính bằng hình thức phạt tiền.
Từ quy định trên có thể hiểu, các trò chơi game online trá hình trên mạng nhưng mất tiền thật đối với người chơi là hình thức đánh bạc trái phép cần phải được cơ quan có thẩm quyền xử lý kịp thời đối với “tệ nạn” này bằng các hình thức nghiêm khắc.
Ngoài việc xử lý hành chính, hình sự mang tính chất răn đe đối với hành vi đánh bạc qua các trò game trá hình trên mạng cần phải có biện pháp ngăn chặn hoạt động cờ bạc này bằng việc kiểm soát từ hệ thống an ninh mạng và rất cần sự vào cuộc của nhà cung cấp dịch vụ Internet.
Nhà cung cấp dịch vụ Internet cần có những biện pháp ngăn chặn triệt để các trang mạng cờ bạc có nguồn gốc trong nước và nước ngoài để người chơi không thể truy cập vào chơi được. Do đó thời gian tới, các cơ quan pháp luật cần vào cuộc để làm rõ trách nhiệm của những đơn vị này.
Đồng thời, Bộ Thông tin và Truyền thông cũng cần kiểm soát chặt chẽ, đưa ra giải pháp ngăn chặn các kênh thanh toán cho các dịch vụ bất hợp pháp, thanh toán qua ngân hàng hoặc bằng thẻ cào điện thoại. Việc ngăn chặn kênh thanh toán cho các dịch vụ bất hợp pháp trong đó bao gồm dịch vụ game lậu, game đánh bài hoặc dịch vụ vi phạm bản quyền trên môi trường số.